Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

Việc người già bị bỏ rơi, dấu hiệu của loại “văn hóa vứt bỏ”

 

Việc  người  già  bị  bỏ  rơi,  dấu  hiệu  của  loại  “văn  hóa  vứt  bỏ”

Thứ ba - 31/05/2022-tinvui.org


Việc người già bị bỏ rơi, dấu hiệu của loại “văn hóa vứt bỏ”

Đức Phanxicô bày tỏ lòng thương cảm với những người già bị tách biệt, bị bỏ rơi trong các viện dưỡng lão, không có con cái đến thăm

Đời sống Kitô hữu:

Đức Phanxicô bày tỏ lòng thương cảm với những người già bị tách biệt, bị bỏ rơi trong các viện dưỡng lão, không có con cái đến thăm

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ tư 1 tháng 6 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô tuyên bố: “Xã hội chúng ta đang thành chuyên gia trong việc bỏ rơi người già, đặc biệt khi gia đình đưa họ vào nhà hưu dưỡng.”

Tuy cơ thể vẫn còn yếu nhưng Đức Phanxicô rất mạnh trong các bài phát biểu, hôm nay ngài tiếp tục loạt bài giảng về tuổi già, tuần này ngài chú giải Thánh vịnh 71, biểu lộ lòng tin tưởng vào Chúa trong thử thách tuổi già.

Bài Thánh vịnh “Từ độ thanh xuân, tôi trông cậy Chúa” đưa ra những hoàn cảnh “bị bỏ rơi, bị lừa dối, bị lạm dụng khi lớn tuổi”. Đức Phanxicô nhắc lại, ngày nay các hoàn cảnh này cũng bị lặp lại một cách thảm thương: “Chúng ta thường nghe tin hoặc đọc báo người lớn tuổi bị lừa lấy hết tiền tiết kiệm của họ; họ không được bảo vệ, họ bị bỏ rơi không được chăm sóc; hoặc những người bị tổn thương vì các hình thức khinh miệt, bị đe dọa tước quyền.”

Người lớn tuổi bị bỏ một góc

Đức Phanxicô phẫn nộ: “Thậm chí những tàn ác như vậy cũng xảy ra trong gia đình, và điều này thật nghiêm trọng!”. Ngài xót thương cho hoàn cảnh người lớn tuổi bị tách biệt, bị bỏ rơi trong các nhà hưu dưỡng, không có con cái đến thăm, hoặc nếu có thì cũng chỉ vài ba lần một năm. Thường thường, người lớn tuổi bị bỏ một góc.

Đức Phanxicô gằn mạnh: “Khi chúng ta nghe tin người lớn tuổi không còn tự động, không còn an toàn, thậm chí không còn nhà cửa của họ, chúng ta hiểu ngày nay tuổi già không còn là vấn đề khẩn cấp của xã hội, nhưng là một nét của loại văn hóa vứt bỏ đầu độc thế giới chúng ta đang sống.” Không mệt mỏi, ngài tiếp tục lên án việc loại trừ này, và biến chủ đề này thành trục trung tâm triều giáo hoàng của ngài.

Phản ứng trước áp lực của một xã hội từ chối tính dễ bị tổn thương

Chính ngài cũng cảm thấy mình bị nhục – như ngài đã tâm sự gần đây do gặp khó khăn khi di chuyển và phải ngồi xe lăn, ngài lên tiếng với một lời nói rất riêng: “Tất cả chúng ta đều có khuynh hướng che giấu sự dễ tổn thương của mình, che giấu bệnh tật, tuổi tác, tuổi già vì chúng ta sợ những chuyện này làm chúng ta mất phẩm giá”, ngài thừa nhận và đồng thời cũng tố cáo bạo lực mang tính biểu tượng của một xã hội từ chối mọi biểu hiện nào của sự mong manh và dễ bị tổn thương.

Ngài nói thêm: “Làm sao mà nền văn minh hiện đại, tiên tiến và hiệu quả lại tệ như vậy. Và làm sao mà chính trị, vốn gắn liền với việc xác định các giới hạn để sự sống còn có phẩm giá, lại dửng dưng trong việc chung sống yêu thương với người già và người bệnh một cách có phẩm giá?”

Ngài nhắc lại: “Người già trong Thánh vịnh xem tuổi già của mình như một thất bại, nhưng họ tìm lại được lòng tin cậy vào Chúa. Họ thấy mình cần được giúp đỡ và hướng về Chúa.” Thánh vịnh này nhắc chúng ta, những người lớn tuổi vì sức yếu có thể dạy những người ở các lứa tuổi khác, rằng tất cả những gì chúng ta cần là phải phó thác vào Chúa, xin Ngài giúp đỡ.

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Vì thế lời dạy về sự mong manh thể hiện qua tuổi già không được che giấu, mở ra một chân trời quyết định cho việc cải cách nền văn minh của chúng ta.”

Ngược lại, “sự gạt ra bên lề tuổi già – về mặt khái niệm và thực tế – sẽ làm hủy hoại tất cả các lứa tuổi của cuộc sống, không chỉ với tuổi già.” Ngài nói: “Bạn cũng sẽ già. Tuổi già đến với mọi người”, ngài xin mọi người hãy tự hỏi thái độ của mình đối với người lớn tuổi trong gia đình như thế nào, xin đến thăm họ để học kinh nghiệm “khôn ngoan cuộc sống của họ”.

cath.ch, I.Media, 2022-06-01

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Phamxico vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét