Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

5 bệnh dễ mắc vào mùa mưa

 

Thứ sáu, 15/7/2022, VnExpess.net

5  bệnh  dễ  mắc  vào  mùa  mưa

Cảm cúm, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da, tiêu hóa và đau nhức xương khớp thường gia tăng mùa mưa, khi tiết trời ẩm ướt.

Cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, thường do hai chủng virus cúm A và B gây ra, xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa.

Triệu chứng gồm đau đầu, đau nhức mình mẩy, sốt, ho và mệt mỏi. Bệnh ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và dưới. Nếu chỉ quan sát triệu chứng, rất khó để phân biệt được cảm cúm và cảm lạnh. Các triệu chứng cảm cúm thường kéo dài và đi kèm với sốt, run rẩy và đau cơ. Triệu chứng cảm lạnh thường ngắn hơn và chỉ đi kèm với tình trạng chảy nước mũi và sốt nhẹ.

Hầu hết người bị cảm cúm sẽ khỏi bệnh trong 5-7 ngày. Cảm cúm có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng người già, trẻ em và phụ nữ mang thai bị cúm dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn, như viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi và những bất thường cho sản phụ, thai nhi.

Chữa cảm cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng sốt, đau đầu. Người bệnh nên nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước. Các phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine phòng cúm, ngoài ra trong chế độ ăn cần uống đủ nước, bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính bởi virus Dengue. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh thường xảy ra thành đợt dịch lớn theo chu kỳ 3-4 năm một lần. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, đúng cách có thể diễn tiến nặng, vào sốc, biến chứng, thậm chí tử vong.

Bệnh có triệu chứng đặc trưng là đột ngột sốt cao, người mệt lả, đau đầu, đau sau mắt, đau cơ (thắt lưng và đôi khi đau chân); thường kèm theo buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị (vùng trên và dưới xương ức); nổi ban xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc gây ra vết bầm tím.

Giống như cúm, điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù điện giải, theo dõi dấu hiệu cảnh báo để kịp thời đến cơ sở y tế.

Chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, cách tốt nhất là tiêu diệt muỗi vằn - vật trung gian gây bệnh, như đậy kín các lu vại chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn... Ngoài ra, cần ngủ trong mùng (màn) kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi đốt...

Các nốt xuất huyết trên chân một nữ bệnh nhân bị sốt xuất huyết ngày 6. Ảnh: Thư Anh

Bệnh ngoài da

Các bệnh ngoài da lây truyền qua đường nước như nấm da, viêm nang lông, viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng da, ghẻ... thường xuất hiện vào mùa mưa, nhất là ở các khu vực thường xuyên ngập lụt. Nguồn nước có chứa hóa chất, khí độc, vi sinh vật, ô nhiễm dễ gây kích ứng da.

Biểu hiện của nấm da là tổn thương có mụn nước tróc vảy, bờ nổi gồ, lan rộng dần, có thể có các sẩn đỏ hoặc mụn nước, ngứa ít hoặc không ngứa. Viêm da tiếp xúc đặc trưng là da viêm đỏ, có thể xuất hiện mụn nước, ngứa nhiều.

Trong điều kiện vệ sinh kém, mưa nhiều, ký sinh trùng ghẻ có cơ hội sinh sôi và lây truyền rất nhanh từ người sang người. Khi xâm nhập vào da, con ghẻ gây sẩn hồng ban mụn nước, rãnh ghẻ, ngứa ngáy...

Để phòng các bệnh ngoài da nên hạn chế di chuyển trong khu vực ngập lụt. Trường hợp bắt buộc tiếp xúc với nước hoặc trời mưa, cần mặc quần áo mưa hoặc đồ bảo hộ lao động khác. Nếu tiếp xúc với nguồn nước bẩn, cần vệ sinh sạch sẽ, lau khô da và đi khám ngay nếu có triệu chứng bất thường.

Bệnh tiêu hóa

Nguyên nhân các bệnh về tiêu hóa là mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột, do ăn uống không hợp vệ sinh, thức ăn chưa nấu chín, nước không đun sôi. Thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt càng tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển, xâm nhập vào cơ thể qua đường phân - miệng. Người bệnh sẽ gặp triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, sốt.

Bệnh tiêu hóa thường không cần dùng tới thuốc vẫn có thể tự khỏi hoặc giảm. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thể thao hàng ngày và giữ tinh thần thoải mái. Trong trường hợp mắc bệnh tiêu hóa do nhiễm vi trùng cần khám và điều trị tại bệnh viện.

Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh xa nguồn bệnh. Thực phẩm để trong tủ lạnh cần đun sôi, hâm nóng trước khi dùng, đồng thời hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật trong nhà như chó, mèo, gà...

Đau nhức xương khớp, đau cơ

Người lớn tuổi hay mắc các bệnh về cơ xương khớp khi mưa nhiều, lũ lụt, chuyển mùa. Trong ngày mưa hoặc thời tiết lạnh, các mạch máu ngoại vi giảm cung cấp máu cho cơ quan ngoại vi bao gồm da, cơ và khớp... gây triệu chứng như đau nhức xương khớp, co cứng cơ...

Người bệnh luôn có cảm giác đau ở các khớp như tay, khớp, vai, gối. Các khớp khó cử động nhất là vào sáng sớm.

Để phòng bệnh và giảm đau xương khớp, điều tốt nhất nên làm là thường xuyên tập thể dục. Bên cạnh đó, người lớn tuổi cần có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi, uống nhiều nước để duy trì sự trơn tru của các khớp.

Bác sĩ Lâm Nguyễn Thùy An

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Cơ sở 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét