Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

NHÀ THƯƠNG CÒN CHĂNG NHÀ THƯƠNG !...

 

Wed, 29/06/2022 -  Lm Hương Quất

NHÀ  THƯƠNG  CÒN  CHĂNG  NHÀ  THƯƠNG !...


Thấy tớ hỗ trợ ngay 'một cục' hàng chục triệu Hồ tệ viện phí ứng trước để cho Người Nghèo đi bệnh viện 'cưa' chân (thực ra tháo khớp các ngón chân đang hoại tử) theo yêu cầu Bệnh viện...

(Nhân vật đã trình làng trong vụn vặt: 'Người nghèo quá khổ lẽ nào thêm bịt lỗ thở').

Có người đáng kính 'cằn nhằn': Sao cha không giúp từ từ...?

Có người khác trả lời thay:

- Nhà thương bây giờ đâu còn Nhà Thương. Không có tiền đóng đủ viện phí bệnh viện yêu cầu, ở đấy mà bảo họ chạy chữa

Tớ nhoi nhói câu. 'Nhà thương bây giờ đâu còn nhà thương'!

Bệnh viện được gọi Nhà Thương xuất hiện ở Miền Nam trước 1975 có lẽ từ những bệnh viện do Tôn giáo thiết lập (đặc biệt Công giáo, ngoài lĩnh vực Giáo dục thì Bệnh Viện Công Giáo là vết SON đẹp góp phần cho xã hội tươi đẹp quyền con người, đáng sống hơn), từ hình ảnh tận tụy yêu thương đến quên mình của đội ngũ Y- Bác sĩ, cách riêng ấn tượng Y tá- lương y là quý Sơ...

(Hình ảnh này lại mới phát sáng, phía nhà cầm quyền phải công nhận ngưỡng mộ qua trận ả Cô Vy China quậy từng bừng vừa qua, nặng nhất ở Thành Hồ. Hàng ngàn tình nguyện viên từ Tôn giáo, đáng kể nhất Công giáo. Phật giáo đã quên mình phục vụ vô vị lợi, nhất là hình ảnh Quý Dì tận tình, yêu thương chăm sọc bệnh nhân... không quản ngại những chỗ, những việc dễ 'dính đạn' ả bạn vàng Corona China (vd: Thu dọn rác thải y tế...)

Quả thế trước 1975 hệ thống Bệnh viện Công giáo- Giáo dục có mặt khắp nơi, chất lượng. Dường như mỗi Giáo xứ đều có Trường học; rồi bệnh xá- viện xá... dành cho người nghèo có nhiều lắm...

Về Giáo dục trường Công giáo ở các Giáo xứ, Học sinh được bảo vệ trân trọng, dẫu biết là ‘con nhà Việt cộng’ chẳng Công giáo; chính quyền khó chịu, đề nghị ‘đuổi học’ (trái luật) song bó tay. Chẳng hạn trên FB một Nhà báo nổi tiếng con nhà nòi cách mạng chia sẻ kỷ niệm đẹp được học dưới mái trường Công giáo, ở một Giáo xứ chiến khu D nhân vụ đình đám giáo viên bắt học sinh úp vào tường do không đóng học phí[1].

Điều này góp phần An Dân rất tốt!

Không chỉ Tôn giáo, Chính quyền mà ta đã từng (giờ ít rồi) rêu rao 'ngụy quân ngụy quyền' (dù có chính danh có chân trong Liên Hiệp Quốc, được Quốc tế công nhận) cũng có bệnh viện- đúng là Nhà Thương dành cho người nghèo, miễn phí. Chẳng hạn Nhà Thương Vì Dân khang trang, chất lượng (sau 1975 'bên thắng cuộc' tiếp quản đổi tên thành Bệnh viện (chà, quên mất rồi!) chuyên chữa- phục vụ cho cán bộ cao cấp; có người gọi Bệnh viện ‘Vì Quan’)...

Nhà Thương giờ hết Nhà Thương rồi!...

Có lẽ thế thật!

Một kỷ niệm mà nhớ lại, cho tới bây giờ vẫn 'đau nhói' và đấm ngực...

Đấy là lúc tớ trở lại bệnh viện CTCH trên Thành Hồ, đơn giản để phẫu thuật tháo 'đinh nẹp' cho cánh tay gãy hai khúc, cả bể xương nữa, sau một năm giờ đã lành[2].

Sau khi đóng phí (10 triệu), bác sĩ chẩn đoán rồi 'nhập' viện, đưa lên phòng tuốt trên lầu đợi đến phiên phẫu thuật.

Phòng nằm chờ khá chật chội, không đủ giường cho bệnh nhân nằm, dù có ghép giường, có bệnh nhân có lúc phải trải chiếu nằm nền nhà,,,

Mà thôi, cái đáng nói không phải tiện nghi chỗ ở...

Mà là...

Một Chị Mẹ giọng đầy lo lắng, hốt hoảng, có lẽ đã 'đốt' điện thoại cục gạch, gọi chỗ này, chỗ kia chỉ để mượn 10 triệu Hồ tệ còn thiếu để đóng viện phí...

Thương Chị quá!...

Do Chị nói chuyện to nên tớ biết Chị đã chạy chỗ này chỗ nọ mượn rồi vẫn thiếu 10 triệu; lại không phải Dân Thành Hồ...

Tớ cũng bất lực!...

Sau khi đóng viện phí, túi tớ chỉ còn phòng hờ ít trăm, chắc cỡ 1 triệu.

(Ở Bệnh viện này có cái hay, cứ lo đủ cục Hồ tệ ứng viện phí, sẽ yên tâm hơn... Thậm chí còn có niềm vui khi xuất viện, được Bệnh viện 'thối' lại vài trăm tiền dư...).

Điều mà tớ thêm 'hối hận' là ở chỗ này: Tớ có Ban Hành giáo đi cùng (ông Phó Nội). Sao không mượn ông Nội cho người ta mượn. Giả như ông Nội không mang sẵn nhiều tiền, chạy về lấy cũng dễ. Đoạn đường về Giáo xứ Thị Cầu chỉ mươi cây, cách trở nhất nếu có là Phà Cát Lái...

Việc đơn giản đến thế mà tớ không nghĩ ra!

Không nghĩ ra bởi tớ thiếu nhạy cảm con Tim; vẫn còn 'makeno' (mặc kệ nó).

Rồi tớ được gọi nhập phòng phẫu thuật giữa lúc Chị Mẹ vẫn bao trùm lo lắng đóng viện phí.

...

Bệnh viện được gọi Nhà Thương

Giờ Nhà Thương hết còn Nhà Thương, trở về tên Gọi vô cảm: Bệnh Viện

Phải chẳng, đó là thành công sau gần nửa thế kỷ 'giải phóng' thống nhất đất nước, 'bên thắng cuộc' đã đưa ta vào hành trình tiến hóa trở về cội nguồn Tổ Khỉ!

Lm. Đaminh Hương Quất

[1] Nhà Báo Hoàng Linh (FB):

‘Học sinh phải úp mặt vào tường vì phụ huynh không chịu đóng tiền học thêm.

Ba má tôi là người liên lạc cho một nhánh ở chiến khu D vào nội thành do chú Bảy Nghị ba nghệ sĩ Trung Dân làm chỉ huy.

Tôi nhớ khi đang học lớp Nhì ở trường giáo xứ Tân Quy thì có mấy xe cảnh sát chạy vào trường làm cả trường túa ra coi vì chưa từng xảy ra.

Sau đó tôi mới biết cảnh sát yêu cầu đuổi học tôi vì tội con của gia đình VC.

Đây là một trường Thiên Chúa giáo, hiệu trưởng là Dì Út không chấp nhận yêu cầu đó của cảnh sát dù tôi và ba má không phải là người Công giáo.

Dì Năm phụ trách lớp Nhì kể lại cho tôi cách Dì Út đối đáp với cảnh sát:

- Chúng tôi là con cái chúa đồng thời cũng là thầy cô, chúng tôi không cho phép bất cứ ai làm hại học trò của mình.Trò Linh chỉ là đứa trẻ con, chúng tôi sẽ dạy cho trò trở nên một người lương thiện.Còn sau này trò theo cộng sản hay quốc gia thì chúng tôi không thể biết được.

Trong trí óc non nớt lúc đó tôi không hình dung đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề nhưng lòng phục mấy dì lắm, bị đuổi học tôi sẽ rất buồn vì không có bạn để chơi.

Rồi càng trải nghiệm tôi càng kính phục khí tiết, nhân cách và tình thầy trò của mấy dì ở trường tiểu học năm xưa.

Chúng ta có thể học từ sách, từ phim ảnh, bạn bè hay các hình thức khác nhưng những bài học về làm người nếu được dạy từ thầy cô hay ba má thì bài học đó mới có ý nghĩa sâu sắc. Nhân cách và ứng xử xã hội của thầy cô chính là tấm gương cho học sinh noi theo.

Tôi rất may mắn vì được học bởi những người thầy đúng nghĩa mà kiến thức truyền thụ và ân tình còn cao hơn Thái Sơn.

Than ôi, những thầy cô năm xưa giờ còn đâu.

Mới đây nghe chuyện có cô giáo cứ tới giờ Anh văn là bắt 3 em học sinh úp mặt vô tường vì các em không đóng tiền học thêm môn này.

Cứ đến giờ học thêm Anh văn, 3 em học sinh phải khiêng ghế xuống cuối lớp, úp mặt vào tường để đảm bảo không học ...ké được.

Theo nhà báo Hoàng Nguyên Vũ năm học 2019-2020, trường A thực hiện dạy tiếng Anh cho cấp tiểu học theo Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục. Thông tin này chỉ rõ, Tiếng Anh là môn bắt buộc và học sinh các khối 3,4,5 được học 4 tiết/ tuần và không phải đóng tiền học tiếng Anh.

Thế nhưng, trường A chỉ dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục 2 tiết/ tuần. 2 tiết còn lại họ nghĩ ra "chương trình bổ trợ" và bắt các phụ huynh đóng 70,000 đồng/ tháng/ 1 học sinh. Bức xúc vì tiết học chính đáng của con mình bị cắt và thay bằng tiết học thu phí, ngay tại thời gian học chính thức tại trường, chị B và 2 phụ huynh khác không đóng tiền và phản đối chính sách của nhà trường, thì chuyện đau lòng đã xảy đến.

Nhà trường đã trả thù phụ huynh bằng hình thức bằng cách bắt các đứa trẻ ra làm nhục ngay trước mặt các bạn cùng lớp. Họ không nghĩ rằng đứa trẻ phải chịu đựng những gì khi phải úp mặt vào trường khi các bạn mình đang học bài - mà về mặt quyền lợi, tại không gian đó và thời gian đó, các con được quyền học cái cần học của mình.

[2]x.Vụn vặt lien quan: ‘Cô Y Tá’, http://conggiao.info/co-y-ta-d-43163

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét