Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

‘YÊU THƯƠNG LÀ TỰ DO’ NHƯNG YÊU SAO ĐỂ CÓ TỰ DO ?!

Wed, 20/07/2022 -  Lm Hương Quất

‘YÊU  THƯƠNG  LÀ  TỰ  DO’

NHƯNG  YÊU  SAO  ĐỂ  CÓ  TỰ  DO ?!

1. Bạn nối khố thời Sinh Viên alo lên Sài Gòn cafe ‘hội ngộ’ bàn việc tổ chức ‘họp lớp’ lớn- Chương trình VI nhân kỷ niệm 20 năm ra trường.

Tớ không thuộc ban tổ chức, chỉ hàng ‘tép riu’ hưởng ứng 100% vẫn được Bạn quý mến ‘rủ’ ‘hội ngộ’. Dịp cuối năm… và cũng khá lâu rồi không gặp gỡ Bạn, tớ ‘cảm ơn’ và đồng ý ngay tích tắc chưa đầy một nốt nhạc có dấu móc ba…

Bất ngờ Cô Bạn ‘dễ thương’ của lớp, vốn là Phật tử ăn chay trường, hiện là Nhà thơ- Nhà Văn- Nhà báo có tiếng tặng tớ quyển sách mới tái bản ‘Yêu Thương là Tự do’, tuyển tập những bài viết hay từ những điều bình dị trong đời sống gia đình nhưng có chiều sâu chất lượng, gợi nhiều suy tư…

- Tựa sách Bạn chọn thẫm đẫm tinh thần Kitô giáo…

- Thế á !…

- Nhờ trải nghiệm sống động cùng Ngôi Lời Nhập Thể làm người, các Tông đồ, cụ thể Tông đồ Gioan khám phá và đưa ra định nghĩa ‘Thiên Chúa là Tình yêu’.

Đúng thật, có Chúa là có Tự do, Tự do đích thực…  

Tớ trao đổi Tự do…

Theo Công giáo hiểu tự do là một ‘quà tặng Tạo dựng’- là cái đã nằm trong cấu trúc tạo dựng cho thấy rõ hơn Con người một thụ tạo vượt trội trên các Thụ tạo khác vì được dựng nên giống Hình ảnh Thiên Chúa, làm nên giá trị Con người nhân Linh. Tự do là sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong Chân lý và điều Thiện… Ta chỉ hưởng được do đích thực nếu biết sống phục vụ điều Thiện và Chân lý… Ai sống tốt, làm lành lánh dữ người đó càng trở nên Tự do. Điều này cũng có nghĩa khi là điều xấu ta mất Tự do và rơi vào nô lệ tội lỗi, cho sự dữ, bên tôi gọi đích danh ‘nô lệ cho ma quỷ’[1]...

Tác giả có vẻ thích thú ý tưởng ‘Tự do đích thực’ trên

- Cha nói đúng, ‘Yêu thương là Tự do’ ý em không phải sống bừa bãi, phóng túng, bất chấp…

Buổi hội ngộ với các Bạn, có nhiều chuyện để nói, nên ‘trao đổi mini’ trên lại mang tính riêng tư với Tác giả chỉ thoáng qua…

Tớ sẽ tiếp… suy tư vấn đề ‘Yêu thương là Tự Do’ hay ‘Yêu sao để có tự do’.

2. Yêu Thương- Tình Yêu thuộc về bản chất Kitô giáo chính, là nhất chuẩn quyết định số phận đời đời lên Trời hay xuống Hỏa ngục, khát thỏa thao thức người sống đạo đức hàng ngàn ngàn năm trước, muốn cuộc đời có ý nghĩa giá trị…

Đấy chính là, đối với Luật Môisen (Do Thái giáo) Điều răn quan trọng nhất trong một rừng luật quan trọng trên 600 điều cấm và phải làm[2] (x.Mt 22,34-39)

Đây chính là Điều Răn mới đệ nhất Thầy Giêsu trăng trối trong bữa Tiệc ly. Cái mới chính là ‘Yêu như Chúa yêu’.

Đây chính là dấu chỉ nhận ra người Môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. ‘Cứ dấu chỉ này người ta nhận ra anh em là môn đệ Thầy là Yêu thương nhau’.

Và thao thức của Người Thiện tâm…

Một nhà Thông luật Do Thái giáo đến hỏi Thầy Giêsu: Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?

Chúa Giêsu đồng ý: Giữ luật Yêu Thương- Mến Chúa yêu người. Người đưa hình ảnh người Samaria nhân hậu để cho thấy Lòng Yêu Thương không có giới hạn, không phân biệt chủng tộc, giai cấp… Mọi người đề có thể là Anh Chị Em, người thân cận Và mời gọi: Hãy làm như Người có Lòng thương xót! (x.Lc 10, 25-37)

Một Thanh niên đại gia đến tìm Tôn Sư Giêsu mong tìm được con đường trọn lành: Con phải làm gì để được sự sống đời đời?

Chúa Giêsu đưa ra con đường mang tính ‘phẫu thuật’: Cho người nghèo hết của cải rồi đến làm Môn đệ Người (Mt 19,16,22). Làm môn đệ Người là sống yêu thương,‘yêu như Chúa yêu’.

Và thánh Phaolô quả quyết: Yêu thương là chu toàn Lề luật (x. Rm 13,10).

Thánh Tông đồ Gioan tuyên bố:

'Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.

Ai không Yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu’. (1Ga 4, 7-8)

3, Nhưng Yêu sao để có Tự Do?

Xét về mặt luân lý (tốt-xấu; tội- không tội) Tình Yêu chân chính đưa đến Tự Do khi mà mục đích phương tiện cùng chiều, đều tốt,

Không có chuyện mục đích biện minh cho phương tiện. chẳng hạn, mục đích vì yêu thương giúp người nghèo, ta đi ăn trộm, hoặc cờ bạc, hoặc gian tham… (Chúng ta dường như đã đang và trả giá qua mắc vì mục đích giải phóng dân tộc mà bất chấp phương tiện khích động bạo lực, tuyên truyền giả dối…).

Càng không thể phương tiện biện minh cho mục đích. Mục đích xấu nhưng cách ta làm thì tốt lắm… Đây là hình thức lừa đảo. Việc ‘nịnh’ xem ra đang rất phổ biến và đang tìm được mảnh đất phì nhiêu nơi quan trường, thăng tiến xã hội... nguy hiểm đến độ lãnh đạo cao cấp nhất nước còn ra văn bản ‘cấm nịnh’, loại kẻ nịnh ra khỏi ứng cử đại biểu (lý thuyết thì ‘ô kê’ thực tế còn bê bết lắm)… 

Chúa Giêsu gọi chung là ‘đạo đức giả’ hoặc giả hình. Mà Người rất ghét và lên án nặng nề thói đạo đức giả, bởi Người rõ biết hơn ai hết sự giả dối thuộc về ma quỷ, cội nguồn từ ma quỷ. Và như thế, nó làm băng hoại lương tâm nhanh nhất, vong thân nhanh nhất, Nguy hiểm hơn, chiến thắng bởi tâm tà- lừa đảo, dễ làm ta vong thân vì kiêu ngạo, hoang tưởng, rất sợ rất ghét Minh bạc- Sự thật  (Và với kẻ hoang tưởng kiêu ngạo mà cầm quyền thì khốn nạn cho Dân sinh lắm!)[3]

Chúa Giêsu nói rõ hơn ‘tiêu chuẩn’ để có Tự do là yêu thương đích thực cần phải có Công Lý Sự thật. Ngài tuyên bố; ‘Sự Thật sẽ giải phóng anh em’, “Giải phóng’ tức giúp con người thoát khỏi nô lệ đưa đến chân trời tự do… Mà Sự thật ở đây chính là Chúa. Ngài tuyên bố: ‘Ta là Đường là Sự thật và là Sự sống’. Chúa Thánh Thần- Ngôi Ba Thiên Chúa được gọi là Thân Chân lý…

Yêu có Tự do là yêu như Chúa Giêsu yêu, hiền lành và khiêm nhường, điều Thầy Giêsu minh nhiên đòi hỏi các Môn đệ học nơi mình và nhờ đó Tâm hồn được an nghỉ dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều sóng gió bao quanh vùi dập.

Chúa Giêsu chính là mẫu chuẩn để ta biết rõ, biết chắc Yêu sao để có Tự do.

Theo Chúa Giêsu. Yêu như Thầy Giêsu yêu đời này có Độc lập- Tự do- Hạnh Phúc và đời sau chắc vé vào Nước Trời, điều mà thánh Phaolô nói: Quê hương đích thực.

Tình yêu đưa đến Tự do đích thực cũng có nghĩa giải phóng ta khỏi sợ hãi…

‘Ở đâu Tình Yêu thống trị ở đó có toàn điều tốt đẹp’ (Chị Thánh Faustina, Nhật ký Lòng Chúa Thương Xót).

Xin kết luận bằng Bài Ca Đức Ái của Thánh Phaolô:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có Đức Mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói Tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả Đức Tin đến chuyển núi dời non, mà không có Đức Mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8 Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” (1Cr 13, 1-13).

Lm. Đaminh Hương Quất

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét