Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH MẤT HY VỌNG!ĐỪNG BAO GIỜ BỎ LỠ CUỘC GỌI

 

Wed, 27/07/2022 - Lm Minh Anh

ĐỪNG  BAO  GIỜ  ĐÁNH  MẤT  HY VỌNG!

“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”.

Charles Read viết, “Gieo một hành động, gặt một thói quen. Gieo một thói quen, gặt một tính cách. Gieo một tính cách, gặt một số phận!”. Gieo một điều thiện, gặt một niềm vui; gieo một niềmcậy trông, gặt cả mùa hy vọng! ‘Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng lạc quan của Charles Read được gặp lại trongLời Chúa hôm nay. Giữa một hoàn cảnh nghiệt ngã, có lúc dường như tuyệt vọng, bạn vẫn ‘Đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’. Giêrêmia nói với dân, ‘Đừng tuyệt vọng!’; Chúa Giêsu nói với chúng ta, ‘Hãy cứ hy vọng!’.

Bài đọc Giêrêmia phản ánh mặt tối,cũng là mặt thực,của một dân bị Chúa nghiêm phạt.“Bước chân ra đồng nội, này kẻ chết vì gươm; quay gót trở về thành, nọ bao người đói lả!”. Các nhà lãnh đạo, các tiên tri và các thầy tế lễ cũng đang kiệt lực ở mút cùng của sự hiểu biết; từ vực thẳm, họ thưa lên, “Chớ thì Chúa ruồng bỏ Giuđa sao? Hay lòng Ngài ghê tởm Sion nữa?”; “Cớ sao Ngài đánh phạt chúng con đến vô phương chữa chạy?”; “Mong đến thời bình phục mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!”. Ấy thế, giữa những tàn khốc và tăm tối của cuộc khủng hoảng tôn giáo, chính trị như thế, dân Chúa vẫn không mất niềm cậy trông vào lòng thương xót của Ngài, “Lạy Chúa, Chúa là niềm hy vọng của chúng con”.Thật khó để có thể giữ niềm tin khi con người dường như không còn gì để mất; tuy nhiên, Thánh Kinh vẫn luôn truyền cảm hứng để chúng ta tiếp tục cậy tin và ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng’,cả khi“ở trong vực thẳm khổ đau”. Cứ kêu cầu Ngài,Thánh Vịnh đáp ca thổ lộ, “Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con!”.

Với dụ ngôn ‘cỏ giữa lúa’, Tin Mừng thừa nhận, không phải lúc nào công việc tốt lành của Thiên Chúa cũng xuôi thuận và được thế gian đón nhận.Hạng người mà Chúa Giêsu gọi là “kẻ thù” -luôn chống lại mục đích tốt đẹp của Chủ Mùa, người gieo giống tốt -sẽ tìm cách bóp chết lúa tốt. Tuy nhiên, Chúa Giêsu bảo đảm, cuối cùng, mục đích của Thiên Chúa vẫn đi đến cùng, “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”. Chúa Cha đang làm việc và tiếp tục làm qua Chúa Giêsu, và con cái Ngài; và Ngài sẽ chiến thắng các thế lực của sự dữ, bảo đảm một sự toàn thắng cuối cùng. Phaolô đã diễn tả niềm xác tín này một cách cô đọng, “Ở đâu tội lỗi đầy tràn; ở đó, ân sủng càng chan chứa!”. Đó là nền tảng niềm hy vọng, một hy vọng không bắt nguồn từ con người nhưng phát xuất từ Thiên Chúa; mà với Phaolô, hy vọng đó “có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới!”.

Anh Chị em,

“Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Vương Quốc của Cha họ”. An ủi biết bao, khẳng định của Chúa Giêsu! Bởi lẽ, bao lâu còn trong thế giới, chúng ta còn phải chiến đấu; và cam go nhất vẫn là cuộc chiến trong lòng mỗi người. Cái ác dường như đang trên đà chiến thắng; nhưng đừng quên, nó không bao giờ là tiếng nói cuối cùng; cũng như cuộc chiến nội tâm là cuộc chiến trường kỳ nhất! Nhìn vào Chúa Giêsu, dường như Ngài đã thua cái ác và sự dữ khi chết ô nhục trên thập giá; vậy mà, Chúa Cha đã phục sinh Ngài ; để sự dữ, người dữ, và việc dữ dần dần được biến đổi và được cứu. Vậy, mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, đuối sức vì chiến đấu, chúng ta đừng bỏ cuộc. Hãy nhìn lên Ngài để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’. Không có Ngài, chúng ta bất lực. Vì thế, hãy kiên trì “gieo niềm cậy trông”, tựa nương vào Chúa;Đấng đang rộng mở Vương Quốc Ngài phía trước để chào đón các chiến sĩ Kitô, con cái Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, cuộc chiến mỗi ngày của con thật đáng quý trong mắt Chúa.Nên dù phải gian nan thử thách, xin dạy con nhìn lên thánh giá, để ‘đừng bao giờ đánh mất hy vọng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

************

ĐỪNG BAO GIỜ BỎ LỠ CUỘC GỌI

“Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng ngày lễ thánh Giacôbê trình bày một bức tranh nội tâm rất thật, không chút giấu giếm, của 12 tông đồ nói riêng, và của con người nói chung: hai người xin chỗ nhất, mười người còn lại ganh tức ! Và ngay trong thời đại của Công Giáo chúng ta, “Được gọi để phục vụ”, một trong những câu cửa miệng, xem ra bị lạm dụng quá nhiều đến mức trở thành sáo rỗng! Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại cung cách phục vụ của mình, làm sao để ‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi!’.

Bản năng của con người là đặt quyền lợi và cái tôi của mình trên hết và trước hết; đang khi tinh thần của Chúa Giêsu thì hoàn toàn trái ngược, “Tôi đến để phục vụ!”. Là môn đệ Giêsu, lẽ ra,mỗi người phải biến đổi để nên giống Ngài, đang khi chúng ta lại có nguy cơ quên rằng,làm sao phục vụ phải là trọng tâm của một đời sống Kitô hữu ! Các phút giây trong cuộc sống của chúng ta bị tiêu hao bởi một dòng chảy không ngừng của những công việc quan trọng và khẩn cấp ; tuy nhiên, giữa những điều này, có phải chúng ta thực sự đã bỏ lỡ biết bao cơ hội để phục vụ? “Được gọi để phục vụ”. Vâng, nhưng chúng ta bỏ lỡ cuộc gọi; và sứ vụ bị gạt sang một bên ! Nếu phục vụ tha nhân không phải là một yếu tố bình thường trong cuộc sống của tôi với tư cách là Kitô hữu, thì chắc chắn một điều, tôi đã không thắng nổi việc tự lừa dối bản thân hoặc tôi đã lạc đường nghiêm trọng ở đâu đó.Vậy , làm sao để‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi!’.

Qua thư Côrintô hôm nay, Phaolô xác tín, “Được gọi để phục vụ” là “Sứ vụ chúng tôi mang nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành”; sứ vụ đó là được gọi để hiến mình một cách không dè giữ cho người khác như ‘sự tiếp nối của Đức Kitô’. Ngày nay, “Sự Tiếp Nối Của Đức Kitô ” không còn tạo nên một văn bia tuyệt vời sao? Có chứ ! Vì thực sự, nếu việc phục vụ nơi chúng ta không phải là sự kéo dài, mở rộng tình yêu Chúa Kitô; nếu không trao Ngài cho người khác ; hoặc nếu những người mà chúng ta phục vụ không khám phá ra Ngài trong chúng ta… thì sự phục vụ của chúng ta đơn giản không phải là phục vụ ! Nó có thể là từ thiện, đồng cảm, nhưng không có nghĩa là phục vụ của một Kitô hữu đích thực. Như Gioan Tẩy Giả, chúng ta phải nên ‘ít hơn’, để trong mỗi người, Chúa Kitô có chỗ nhiều hơn, hầu anh chị em chúng ta không bị lừa dối khi gặp gỡ một Đức Kitô mà họ thầm ao ước khám phá trong mỗi người.

Anthony Fortosis nói, “Chúa các chúa trở nên đầy tớ thấp hèn để phục vụ những con người đáng thương! “Con Người Của Các Nỗi Buồn” làm quen với vực thẳm của đau buồn để trở thành niềm vui cho thế giới! Và chúng ta đến với thế giới để sống; còn Ngài, đến để chết!”.

Anh Chị em,

“Đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người!”. Đúng như Fortosis nói, “Ngài đến để chết!”, Chúa Giêsu quả quyết điều đó với người đương thời và Ngài đã chết thật ! Và không chỉ chết cái chết thể lý chiều thứ Sáu, Ngài đã chết từng ngày qua phục vụ, qua việc bỏ ý riêng, qua nhẫn nhịn… và Ngài đã phục sinh! Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan!”. Như vậy, tất cả cái chết đó cũng như cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu đều mang một giá trị cứu độ. Cũng thế, là môn đệ Giêsu, chúng ta được gọi để nên đồng hình, đồng dạng với Ngài; mỗi ngày, chúng ta chết cho cái tôi ích kỷ, và cùng Ngài “phục vụ những con người đáng thương”, “trở thành niềm vui cho thế giới”,và sẵn sàng “chết” với Ngài. Vì thế, hãy tận dụng mọi cơ hội để ‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi’ này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin cho con luôn trở nên một “Sự Tiếp Nối Của Đức Kitô”; Chúa mời gọi con,trong mọi đấng bậc, để phục vụ ; xin cho con ‘đừng bao giờ bỏ lỡ cuộc gọi!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét