Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

Tuổi già « một mùa mà người ta còn có thể mang hoa trái »

 

Tuổi  già « một  mùa  mà  người  ta  còn  có  thể  mang  hoa  trái »

Thứ năm - 19/05/2022

Thông điệp cho Ngày Thế Giới các Ông Bà và Người Già

MAI 10, 2022 - HÉLÈNE GINABAT – PAPE FRANÇOIS



Người già và giáo dục, Ý chỉ cầu nguyện của tháng 12 năm 2017

« Lão hóa không phải là một sự kết án, mà là một sự chúc lành », ĐGH Phanxicô khẳng định, và những người già là « những chỉ dấu sống động của lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống tràn đầy ». Bởi thế, tuổi già « không phải là một quãng thời gian vô ích », « mà là một mùa mà người ta vẫn còn có thể sinh hoa kết quả : một sứ mệnh mới đợi chờ chúng ta và mời gọi chúng ta hãy hướng tầm nhìn của chúng ta đến tương lai ».

Trong thông điệp của ngài cho Ngày thế giới các ông bà và người già lần thứ hai, sẽ được cử hành vào ngày 24/7/2022, được công bố hôm 10/5/2022, ĐGH Phanxicô đã hay dùng đến từ ngữ « chúng ta », nói lên tất cả sự gần gũi của ngài. Được mang tên theo Thánh Vịnh 92,15, « già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả », thông điệp mời gọi « đừng sợ tuổi già » mà hãy «chuẩn bị cho tuổi già ». 

Cho điều này, Đức Giáo Hoàng chỉ ra hai hướng: « quan hệ với Thiên Chúa » và « quan hệ với người khác ». Ngài nói phải trau dồi « đời sống nội tâm qua việc chăm đọc Lời Thiên Chúa, cầu nguyện hàng ngày, chịu các bí tích và tham dự Phụng Vụ » và cống hiến « lòng trìu mến đầy quan tâm » với « gia đình của mình », « con cháu của mình » và gần gũi với những « người nghèo khó và đau khổ ».

Khi tố cáo « các xã hội phát triển » vốn chỉ đề nghị « những kế hoạch trợ giúp, chứ không có những dự án của sự sống », ĐGH Phanxicô đảo ngược cách tiếp cận và kêu gọi những người già hãy « lựa chọn tình yêu» đối với những thế hệ mới : ngài giải thích, chính là « sự góp phần của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng, một cuộc cách mạng thiêng liêng và không có vũ khí mà tôi mời gọi các vị, hỡi các bậc ông bà và các người cao niên, hãy trở thành những người chủ chốt ».

Sau đây là bản Thông Điệp bằng tiếng Pháp được Phòng báo chí Tòa Thánh truyền đạt.

« Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả » (Tv 92, 15)

Quý vị thân mến!

Câu trong Thánh Vịnh 92, « già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả » (c.15), là một tin mừng, một « phúc âm » đích thực mà chúng ta có thể loan báo cho thế giới nhân dịp Ngày Thế Giới Các Ông Bà và Người Già lần thứ hai. Nó đi ngược dòng với những gì thế giới suy nghĩ về cái tuổi này của cuộc đời; và cũng về thái độ cam chịu của một số người trong chúng ta, những người lớn tuổi, đang đi tới với ít hy vọng và không còn đợi chờ gì về tương lai.

Có nhiều người sợ tuổi già. Họ coi nó nhưng là một loại bệnh mà tốt hơn hết là phải tránh mọi sự tiếp xúc : những người già không liên quan gì đến chúng ta – thiên hạ nghĩ thế – và thích hợp nhất là họ ở xa nhất có thể, có lẽ ở giữa họ với nhau, trong những cơ quan chăm sóc họ và giúp cho chúng ta khỏi phải gánh vác những phiền muộn của họ. Đó là « văn hóa loại bỏ»: tâm tư đó vốn, trong khi làm cho chúng ta cảm thấy khác với những người yếu đuối nhất và xa lạ đối với sự mỏng giòn của họ, cho phép chúng ta hình dung những con đường riêng biệt giữa « chúng ta » và « họ ». Nhưng thực chất, một đời sống thọ – như Sách Thánh dạy – là một sự chúc lành, và những người già không là những kẻ bị loại bỏ mà chúng ta phải tránh xa, nhưng là những dấu chỉ sống động của lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống dư thừa. Phúc cho nhà nào giữ một người già! Phúc thay gia đinh nào hiếu kính các bậc ông bà!

Quả thật, tuổi già là một mùa khó hiểu, kể cả đối với chúng tôi đang sống trong mùa này. Mặc dù nó đến sau một con đường dài, không ai là người đã chuẩn bị cho chúng ta để đối mặt với nó, nó dường như làm chúng ta bất ngờ. Những xã hội phát triển nhất thì chi tiêu nhiều cho tuổi này của cuộc đời, nhưng họ không giúp để diễn giải nó: họ cống hiến những kế hoạch trợ giúp, nhưng không có những dự án về sự sống [1]. Bởi thế cho nên thật là khó khăn để nhìn đến tương lai và nắm bắt được một chân trời phải hướng tới. Một mặt, chúng ta bị cám dỗ xua đuổi tuổi già bằng cách che dấu những vết nhăn và làm bộ như luôn còn trẻ, mặt khác, dường như người ta không thể làm gì ngoài việc sống một cách vỡ mộng, cam chịu không còn có thể « đơm hoa kết quả ».

Sự chấm dứt hoạt động nghề nghiệp và sự kiện chúng ta có những người con tự lập làm cho chúng ta mất đi những lý do để chúng ta tốn nhiều công sức. Ý thức rằng sức lực sa sút hay sự xuất hiện một căn bệnh có thể khiến những sự chắc chắn của chúng ta đi vào khủng hoảng. Thế giới – với những thời gian qua nhanh, mà chúng ta khó có thể theo kịp nhịp độ – dường như không để cho chúng ta sự lựa chọn nào khác và khiến chúng ta phải nội tâm hóa ý kiến về sự loại bỏ. Như thế, lời cầu nguyện của Thánh Vịnh bay lên trời : « Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn » (Tv 71,9).

Nhưng cũng Thánh Vịnh đó – nó vạch ra lại sự hiện diện của Chúa trong những mùa khác nhau của đời sống – mời gọi chúng ta hãy tiếp tục hy vọng : khi tuổi già sẽ đến và tóc sẽ bạc, Người sẽ còn ban cho chúng ta sự sống và sẽ không cho phép chúng ta bị tràn ngập bởi điều ác. Bằng cách tin cậy nơi Người, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để nhân lên gấp bội sự ca tụng (x. c. 14-20) và chúng ta sẽ khám phá ra rằng trở nên già nua không chỉ là sự hư hại tự nhiên của thân xác hay là sự qua đi không sao tránh được của thời gian, nhưng đó là ơn trường thọ. Lão hóa không phải là một sự lên án, mà là một sự chúc lành!

Để như thế, chúng ta phải theo dõi chính chúng ta và học cách để sống một tuổi già tích cực, kể cả quan điểm thiêng liêng, bằng cách vun trồng đời sống nội tại qua việc chuyên chú đọc Lời của Thiên Chúa, qua cầu nguyện hàng ngày, qua việc chịu những bí tích và sự tham dự Phụng Vụ. Và, với mối quan hệ với Thiên Chúa, các quan hệ với những người khác: trước hết là gia đình, các con cháu, mà chúng ta phải cống hiến lòng yêu mến của đầy sự chú tâm của chúng ta ; cũng như những người nghèo và đau khổ, mà chúng ta phải gần gũi qua sự hỗ trợ cụ thể và bởi cầu nguyện. Tất cả điều này sẽ giúp chúng ta không cảm thấy chúng ta chỉ đơn giản là những kẻ bàng quan trong một rạp hát của thế gian, không chỉ hài lòng đứng « nhìn từ bao lơn », đứng ở cửa sổ. Trái lại, bằng cách tinh luyện các giác quan của chúng ta để nhận biết sự hiện diện của Chúa[2], chúng ta sẽ giống như « những cây ôliu đẹp trong nhà Thiên Chúa » (x. Tv 52,10), chúng ta sẽ có thể là một sự chúc lành cho những người sống bên cạnh chúng ta.

Tuổi già không phải là một thời gian vô ích mà chúng ta phải sống ẩn và ngưng không tiến bộ nữa; nhưng là một mùa mà chúng ta còn có thể đơm hoa kết quả: một sứ mạng mới chờ đợi chúng ta và mời gọi chúng ta hãy hướng mắt tới tương lai. « Sự nhạy cảm đặc biệt của chúng ta là những người già, đối với những dấu chỉ của sự quan tâm, những tư tưởng và những dấu ấn của lòng thương mến khiến cho chúng ta là những con người, phải trở thành  một ơn gọi cho nhiều người. Và đó sẽ là một sự lựa chọn của tình yêu của những người già đối với những thế hệ mới» [3]. Đó là sự đóng góp của chúng ta vào cuộc cách mạng của sự dịu dàng [4], cuộc cách mạng thiêng liêng và không có vũ khí mà tôi mời gọi anh chị em, thưa quý vị ông bà và các vị cao niên, hãy trở thành những người chủ chốt.

Thế giới đang sống một thời đại của thử thách nặng nề, được đánh dấu bời trận bão đại dịch bất ngờ và dữ tợn ; tiếp đến là một cuộc chiến tranh đang gây thương tích cho hòa bình và phát triển trên quy mô quốc tế. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên nếu chiến tranh đã trở lại trên Châu Âu vào cái lúc mà thế hệ đã từng phải sống với nó trong thế kỷ trước đang dần dần biến mất. Và những cuộc khủng hoảng lớn có rủi ro khiến cho chúng ta trở nên vô cảm vì lẽ có nhiều những « nạn dịch » khác và những hình thức tỏa lan khác của bạo lực đang đe dọa gia đình nhân loại và ngôi nhà chung của chúng ta.

Đối mặt với tất cả những chuyện này, chúng ta cần có một sự thay đổi sâu rộng, một sự hối cải mang tính phi quân sự hóa lòng người và cho phép mỗi người nhìn nhận nơi người khác một người anh em của mình. Và chúng ta, những bậc ông bà và những người lớn tuổi, có một trách nhiệm lớn lao : dạy dỗ những phụ nữ và nam giới của thời đại chúng ta để coi những người khác với cùng một ánh mắt thông cảm và dịu hiền mà chúng ta thường nhìn vào các cháu của chúng ta. Chúng ta đã tinh luyện tính nhân bản của chúng ta bằng cách săn sóc người khác, và ngày hôm nay, chúng ta có thể làm chủ một cách hòa bình và quan tâm đối với những người yếu đuối nhất. Điều này, có lẽ, sẽ có thể được coi như một sự yếu đuối hay một sự phục tùng, nhưng chính là những người hiền lành, không hung hăng và lạm quyền, sẽ nhận được đất hứa làm gia nghiệp (x. Mt 5,4).

Một trong những hoa quả chúng ta được kêu gọi phải mang là sự chăm sóc thế giới. « Tất cả chúng ta đều đã trải qua cái thời ngồi trong lòng các ông bà của mình, các vị đã bồng ẵm chúng ta trên tay »[5] ; nhưng ngày hôm nay, đã đến lúc chúng ta phải đặt trên lòng chúng ta – bằng sự giúp đỡ cụ thể hay chỉ bằng cầu nguyện -, ngoài những con cháu của chúng ta, còn cả bao những con cháu khác đang sợ hãi mà chúng ta còn chưa biết đến và chúng, có lẽ, đang chạy loạn chiến tranh hay đang đau khổ vì chiến tranh. Chúng ta hãy giữ trong lòng – như thánh Giuse, người cha nhân lành và chu đáo – các trẻ em của Ukraina, của Afghanistan, của Nam Suđan…

 

Nhiều người trong chúng ta đã nuôi dưỡng một lương tâm khôn ngoan và khiêm tốn, mà thế giới rất cần : người ta không thể tự cứu lấy mình được, hạnh phúc là một tấm bánh cùng nhau ăn. Chúng ta hãy làm chứng cho điều đó cho những người có ảo tưởng tìm được sự triển nở cá nhân và sự thành công trong sự chống đối. Tất cả mọi người, kể cả những người yếu đuối nhất, có thể làm điều này : cách của riêng chúng ta để được trợ giúp – nhiều khi bởi những người đến từ những nước khác –  là một cách nói rằng cùng nhau chung sống không những là có thể được, mà còn là cần thiết nữa.

Thưa quý vị ông bà, thưa quý vị cao nhiên, chúng ta được kêu gọi trở thành những người thợ xây dựng một cuộc cách mạng dịu dàng cho thế giới của chúng ta ! Chúng ta hãy làm điều này bằng cách học hỏi luôn sử dụng nhiều hơn và tốt hơn dụng cụ quý giá nhất mà chúng ta có, và rất thích hợp với tuổi tác của chúng ta : đó là cầu nguyện. « Chúng ta cũng thế, chúng ta hãy trở thành những thi sĩ của cầu nguyện : chúng ta hãy tìm cái thú đi tìm những từ ngữ của chúng ta, chúng ta hãy  lấy những điều mà Lời Thiên Chúa dạy chúng ta »[6]. Lời khẩn nguyện đầy tin cậy của chúng ta có thể làm nhiều chuyện : nó có thể đi theo tiếng kêu đau đớn của người đang đau khổ và nó có thể góp phần để thay đổi lòng người. Chúng ta có thể là « ca đoàn lớn thương xuyên của một thánh địa thiêng liêng, nơi cầu nguyện khẩn xin và bài ca chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn đang làm việc và đấu tranh trên hiện trường của đời sống[7] ».

Như thế, Ngày Thế Giới các bậc Ông Bà và những Người Lớn Tuổi là một cơ hội để một lần nữa nói lên với niềm vui mừng rằng Hội Thánh muốn mừng lễ với những người mà Chúa – như Thánh Kinh đã nói – đã « ban thỏa thuê ngày tháng ». Chúng ta hãy cùng nhau mừng lễ này ! Tôi mời gọi anh chị em hãy loan truyền Ngày này trong các giáo xứ và cộng đoàn của anh chị em ; hãy đi tìm gặp những người lớn tuổi cô đơn nhất, ở nhà hay trong những cư xá nơi các cụ sống. Chúng ta hãy làm thế nào để không một ai phải sống trong sự cô đơn trong ngày này. Có ai đó để đợi chờ có thể làm thay đổi hướng đi những ngày của những người không còn mong đợi gì tốt đẹp nữa từ tương lai ; và, từ một buổi gặp gỡ đầu tiên, có thể nẩy sinh một tình bạn mới. Sự viếng thăm những người lớn tuổi, cô đơn là một công trình từ thiện của thời đại chúng ta !

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ, Đức Mẹ Nhân Hiền, làm cho mỗi người chúng ta thành một người thợ của cuộc cách mạng nhân ái, để cùng nhau giải thoát thế giới ra khỏi bóng tối của sự cô đơn và của con quỷ chiến tranh.

Mong rằng Phép Lành của tôi đến tận tất cả mọi người trong anh chị em và những người thân yêu của anh chị em, với sự cam kết của sự gần gũi thân mến của tôi. Và xin vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi !

Rôma, Thánh Gioan Latran, ngày 03 tháng 5 năm 2022, lễ kính các thánh Tông Đồ Philiphê và Giacôbê.

PHANXICÔ

__________________

[1] Bài giáo lý về Tuổi Già – 1. Ân sủng của thời gian và giao ước của các độ tuổi của cuộc đời (23/02/2022)

[2] Bài giáo lý về Tuổi Già – 5. Lòng « trung thành với sự thăm viếng của Thiên Chúa đối với thế hệ tương lai » (30/3/2022)

[3] Bài giáo lý về Tuổi Già – 3. Tuổi già, một tài nguyên cho một tuổi trẻ vô tư (16/3/2022)

[4] Bài giáo lý về Thánh Giuse – Thánh Giuse trong sự dịu hiền (19/01/2022)

[5] Bài giảng trong Thánh Lễ cho Ngày Thế Giới các bậc Ông Bà cà các Người Lớn Tuổi lần thứ nhất (25/7/2021)

[6] Bài giáo lý về gia đinh 7. Các Bậc Ông Bà (11/3/2015)

[7] Ibid…

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét