Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Feb 23, 2020 - Chúa nhật 7 thường niên năm A




Feb 23,  2020 - Chúa  nhật  7  thường  niên  năm  A
Hãy  mở  rộng  yêu  thương!



Các Bạn thân mến,
Thứ sáu 14 tháng hai vừa qua là lễ Valentine, lễ Tình Yêu, cũng là ngày kỷ niệm 17 năm website Rosamary@yahoogroups.com ra mắt mọi người, sau một năm thành lập nhóm gd Catarina. Vì hoàn cảnh, nhiều bạn không tham gia được, nhưng wesite vẫn hoạt động liên tục, đều đặn, với tinh thần chia sẻ, thông tin đa dạng, cần thiết, hữu ích. Nhân kỷ niệm này, chúng ta hãy cùng cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta tồn tại và xin Ngài ban bình an, cùng tiếp tục bảo dưỡng chúng ta. Đặc biệt cám ơn Maiemdi, đã ổn định website bổ ích c ủa nhóm. Một lần nữa “xin chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa đến muôn đời. Amen.”

Trở lại Tin Mừng tuần này, năm nay Mùa Chay cách khá xa Tết Âm Lịch, nên Mùa thường niên kéo dài, chúng ta được nghe nhiều đoạn Tin Mừng đặc biệt sâu sắc, là những bài học thực tế qúi báu. Như đoạn Tin Mừng của Thánh Mattheu tuần này, là đoạn Tin Mừng khi xa xưa mình rất ngại đọc vì thấy hãi hùng trắng trợn qúa, nhưng bây giờ mới hiểu được rằng những luật cổ nhất thời Cựu Ước ấy không hề hiểu theo nghĩa đen, mà là luật của sự thương xót, của lòng nhân từ!

Thật vậy, con người thời đại nào cũng có nhu cầu cao về tình yêu, cuộc đời này hay cuộc đời sau, cũng không có gì quan trọng bằng tình yêu. Biết bao điều tốt đẹp có được là nhờ tình yêu, cũng có bao điều tệ hại xót xa xẩy ra vì thiếu tình yêu. Không ai có thể thống kê đủ, liệt kê hết lợi ích và tác hại do tình yêu mang lại. Thế nên người ta đã dành một ngày tôn vinh nó, gọi là ngày lễ Tình Yêu mà chúng ta vừa mới mừng xong.

Hiển nhiên không gì hạnh phúc bằng khi yêu và được yêu đúng đối tượng. Không gì buồn tủi bằng sống không có tình yêu. Nhưng có lẽ đôi khi chúng ta đã hiểu không đúng, chưa hết về tình yêu, nẩy sinh những "biến chứng", gây khổ đau cho những người liên quan.

Tin Mừng hôm nay Chúa sẽ dạy chúng ta điều quan trọng đó, nói lên đặc điểm của đời sống người Kito hữu cùng hành vi của người môn đệ Đức Giesu khiến họ khác hẳn người thế gian.

1.    Luật lệ cổ nhất: Đức Giesu trích dẫn luật lệ cổ nhất của thế gian:
-  “Mắt đền mắt, răng đền răng”, gọi là luật báo trả, xuất hiện trong bộ luật cổ nhất là luật của Hammurabi, vị hoàng đế trị vì Babylon từ năm 2285 – 2242 TC.
-    Luật này phân biệt cách đối xử kỳ lạ giữa người qúi phái và công dân:
     . ai làm cho người qúi phái mất một con mắt, thì người ấy sẽ phải bị mất một con mắt của mình.
      . nếu làm cho người nghèo mất một con mắt, thì người ấy phả trả một mina bạc.
     . nếu làm cho người ngang hàng gẫy một cái răng, thì người ta cũng làm cho người ấy phải mất một cái răng
      . nếu làm cho người nghèo gẫy một cái răng, thì người ấy phải trả một phần ba mina bạc.
-    Nguyên tắc thật rõ ràng và đơn giản: nếu ai làm cho người khác bị thiệt hại điều gì, thì người ta cũng làm cho người ấy bị thiệt hại tương đương.
-    Luật ấy đã trở thành một phần nhỏ của đạo đức Cựu Ước và được đề cao. Nhưng lại bị coi là những luật không thương xót, man rợ, khát máu của Cựu Ước.
-    Tuy nhiên điều quan trọng là luật Báo Trả không phải là toàn thể đạo đức của Cựu Ước, sự thật trong Cựu Ước đã có nhiều chấm phá của lòng thương xót: "Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu" (Lev 19,18),"chớ nên nói tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi"    (Cn 24,29…
-    Vậy đạo đức thời cổ căn cứ trên luật ăn miếng trả miếng là luật lòng thương xót dành cho quan án chứ không phải dành cho cá nhân và càng không thể thi hành theo nghĩa đen.
-    Nhiều lần Đức Giesu cho chúng ta thấy lòng yêu thương trong Cựu Ước chỉ giới hạn trong con cái, anh em, đồng loại. Nghĩa là lòng yêu thương ấy chỉ có ở nơi những người Israel với nhau mà thôi.
-    Tình yêu thương như vậy chẳng có chi lạ, chẳng có công trạng, giá trị gì, mà chỉ là công bằng, tự nhiên với nhau.
-    Còn “Thiên Chúa cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”
-    Và Thiên Chúa muốn con người nên giống Ngài, là Đấng hoàn thiện, yêu thương hết mọi người cách vô điều kiệu, không một phân biệt, không một giới hạn nào.

2. Khởi đầu của sự thương xót:
-   Thật ra luật Báo Trả không phải là luật khát máu và man rợ, mà chính là khởi đầu của sự thương xót.
-   Bởi mục đích nguyên thủy là để hạn chế báo thù, vì thời cổ, mối tử thù và báo thù là đặc điểm của xã hội Bộ lạc.
-   Nếu người ở bộ lạc này làm hại người ở bộ lạc khác, thì toàn thể bộ lạc có người bị hại sẽ liều mạng báo thù toàn thể bộ lạc kia, và họ mong muốn giết chết kẻ thù.
-   Vì thế luật này có ý hạn chế việc báo thù. Lại qui định chỉ người gây thương tích mới bị trừng phạt và hình phạt không được thái quá, phải tương đương với sự thiệt hại mà người ấy đã gây ra mà thôi.
-   Luật không cho phép cá nhân, đương sự tự trả thù, dù rất nhỏ, cũng không cho phép tự thi hành, mà quan án sẽ theo hướng dẫn ấn định hình phạt và khoản phạt do luật Báo thù qui định.
-   Hơn nữa luật này lại không cho phép được thực hiện theo nghĩa đen.
-   Sự thiệt hại được định theo giá tiền mà luật Do Thái đã ấn định cẩn thận cách đánh giá thiệt hại. Nếu một người gây thương tổn cho người khác, thì phải chịu trách nhiệm về:
     .  thương tích: theo giá sai biệt trên thị trường của một nô lệ trước và sau khi bị thương tích mà bồi thường.
      .  đau đớn: bồi thường theo sự ước định được chấp nhận của người chịu đau đớn.
     .  chữa lành: bồi thường mọi phí tổn thuốc men cho đến khi lành hẳn.
      .  mất thời gian: trả đúng với số tiền lương ngừơi ấy bị thiệt hại trong thời gian không làm việc được.
      .  mất phẩm giá: phải trả những phí tổn cho sự hạ nhục, mất thanh danh do vết thương đã gây nên.
-    Vì thế trong bối cảnh lịch sử ấy thì đây không phải là luật máu, mà chính là luật của sự nhân từ, rất tiến bộ.
-    Chúng ta hãy chú ý: đối tượng của lòng yêu thương được nói đến trong luật cũ là "anh em ngươi, con cái dân ngươi, đồng loại ngươi". Những kiểu nói đó đều chỉ về dân Israel. Điều này có nghĩa là lòng yêu thương trong Cựu Ước giới hạn nơi những người Israel với nhau. Là điều vô cùng thiếu sót.

3.    Luật mới:
-    Đạo đức thời cổ căn cứ trên luật ăn miếng trả miếng là luật lòng thương xót dành cho quan án chứ không phải dành cho cá nhân và càng không thể thi hành theo nghĩa đen.
-    Dù vậy, Đức Giesu đã phá bỏ chính nguyên tắc của luật đó vì sự báo thù được hạn chế và kiểm soát kỹ lưỡng đến đâu cũng phải loại ra khỏi đời sống người Kito hữu.
-    Nên Đức Giêsu dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa. Vì yêu thương kẻ thù không phải là thiện cảm, mà là thiện chí.
-    Và Ngài đã giới thiệu tinh thần mới là nhường nhịn, không oán hận, không báo thù:
    a) "Nếu ai vả má bên phải ngươi, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa":
        . nghĩa là dù ai đó muốn nhục mạ chúng ta, cũng không được báo thù, giận hờn, thù hận.
       . người Kito hữu chân chính đã được giáo dục, học tập để không vì bị hạ nhục mà hận, giận, không vì một sự xấc láo mà trả thù.
        . Đức Giesu cũng đã bị như vậy, bị cho là bạn của những kẻ xấu thu thuế, phường đĩ điếm…
     b) "Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài".
        . áo trong là áo dài giống như cái bao, làm bằng vải bông hoặc vải gai, mặc ở bên trong. Người nghèo nhất cũng có áo trong để thay đổi.
          . áo ngoài là áo lớn, giống như cái mền, ban ngày mặc ở ngoài, ban đêm dùng làm mền. Mỗi người chỉ có một áo ngoài.
        . luật Do Thái chỉ cho phép cầm áo trong làm tin, không cho phép cầm áo ngoài. Cũng không ai, không bao giờ được quyền tước đoạt áo ngoài của nhau.
         . điều Đức Giesu muốn nói ở đây là người tín hữu không nên tranh biện về quyền hạn pháp lý, phải coi mình như không có quyền đó.
         . bởi thực chất Kito hữu không nghĩ đến quyền lợi, nhưng nghĩ đến bổn phận, không nghĩ đến đặc quyền, nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình.
    c) "Nếu ai bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi với nó hai dặm"
         . từ "bắt" ở đây có một lịch sử xuất phát từ công việc vất vả, đường xá xa xôi của người đưa thư ở xứ bị chiếm đóng, nên mỗi trạm ngừng phải cung cấp đồ ăn nước uống cho cả người và ngựa, đôi khi tư nhân phải nối tiếp hành trình đem thư từ, sứ điệp đi tiếp cho tới nơi.
         . nghĩa là có một sự trưng dụng nào đó như cung cấp lương thực, chỗ ở, khuân vác…vào công tác phục vụ quyền lực.
         . Đức Giesu muốn nói khi bị áp bức, đe dọa, trưng dụng, đóng góp… thì đừng làm với sự hậm hực, cay đắng, bất mãn…mà hãy vui vẻ nghĩ về bổn phận và đặc ân được phục vụ người khác, dù đó là công việc vô lý, đáng ghét.
         . bởi luôn có hai cách làm việc: làm ở mức độ tối thiểu, chứng tỏ không thích công việc; ngược lại là làm với sự vui vẻ, nhã nhặn, quyết tâm không phải chỉ cho xong, mà còn làm cho tốt đẹp, làm hơn điều mong đợi.
         . người Kito hữu không quan tâm tới việc được làm theo ý mình, chỉ quan tâm tới sự phục vụ, dù phục vụ đó có vô phép, vô lý và độc đoán.
-  Vì thế khi ban những giáo huấn này, Đức Giesu muốn thiết định một qui luật quan trọng là người Kito hữu không được thù hận, báo thù, dù bị sỉ nhục có tính toán và vô cùng độc ác.
-  Kito hữu cũng không được bám bíu vào quyền hạn, cả quyền hạn pháp lý lẫn quyền hạn tự nghĩ mình đương nhiên được hưởng. Cũng chẳng bao giờ nên nghĩ đến quyền làm theo ý mình, mà cần nghĩ đến bổn phận phục vụ, cứu giúp.

Lạy Chúa, bài học của đọan Tin Mừng hôm nay qủa là một vấn đề lớn làm chúng con bối rối vì chẳng biết mình đã đạt đến mức nào trong những tiêu chuẩn đó. Nhưng Ngài hằng ban phát mọi ơn lành, xin nghe lời chúng con khẩn nguyện mà soi dẫn, giúp dỡ cho chúng con đủ sức thi hành những việc ấy. Để chúng con cố gắng giống Chúa, sống yêu thương, chẳng những yêu thương những người thân cận với mình, mà còn yêu thương cả những kẻ thù ghét mình nữa. Như thế mọi người sẽ có thiện cảm với nhau và tin vào Chúa, cùng muốn trở nên giống Chúa, tạo một thế giới an bình như ý Ngài. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,
duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét