Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

NGÀY YÊU THƯƠNG



NGÀY  YÊU  THƯƠNG
Sun, 09/02/2020 - Trầm Thiên Thu



Ngày 14 tháng Hai được coi là Ngày Tình Yêu hoặc Ngày Tình Nhân, ngày dành cho những người yêu nhau – tình yêu nam nữ. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ giới hạn trong loại tình yêu đôi lứa, mà có thể (và nên) mở rộng ý nghĩa với các loại tình yêu khác, đặc biệt là tình yêu cao cấp theo ý nghĩa vị tha mà Thiên Chúa muốn, và có thể gọi là Ngày Yêu Thương. Thật vậy, mọi thứ đều khởi nguồn từ Thiên Chúa, đặc biệt là tình yêu, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8 và 16)

Tình yêu có 4 loại, hoặc cấp độ, từ cơ bản đến sâu sắc: [1] PHILIA – tình yêu bạn bè, [2] STORGE – tình yêu gia đình, [3] EROS – tình yêu đôi lứa, và [4] AGAPE – tình yêu cao cả, vị tha, dám xả thân vì người khác. Bác ái mệnh danh là Agape – cao cả nhất, khác hẳn với Eros, Storge và Philia. Thánh LM TS Tôma Aquinô (1225-1274) xác định: “Nếu KHÔNG có đức ái thì KHÔNG có bất kỳ đức hạnh nào, giống như nếu KHÔNG có mặt trời thì cũng KHÔNG có tinh tú nào.”

Ngày Yêu Thương nhắc nhở chúng ta đấm ngực ăn năn và thành tâm sám hối: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Thánh Phaolô khuyên: “Đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: Đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những TƯ TƯỞNG PHÙ PHIẾM của họ. Tâm trí họ đã ra tối tăm, họ XA LẠ với sự sống Thiên Chúa ban, vì LÒNG CHAI DẠ ĐÁ khiến họ trở nên dốt nát. Họ đã MẤT Ý THỨC nên đã BUÔNG THẢ, sống PHÓNG ĐÃNG đến mức làm mọi thứ ô uế cách VÔ ĐỘ. Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải CỞI BỎ CON NGƯỜI CŨ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những HAM MUỐN lừa dối, anh em phải để THẦN KHÍ ĐỔI MỚI tâm trí anh em, và phải MẶC LẤY CON NGƯỜI MỚI, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự SỐNG CÔNG CHÍNH và THÁNH THIỆN.” (Ep 4:17-24)

Thật chí lý với ý nghĩa trong câu tục ngữ Việt Nam: “Biết sửa sai không ai chê muộn.” Còn hiền triết Khổng Tử nói: “Không biết mình có lỗi mới thành ra người có lỗi.” Động thái “biết” rất quan trọng, bởi vì “tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng” vậy.

TRẦM THIÊN THU




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét