Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Những 'người hùng thầm lặng' ở Vũ Hán


Chủ nhật, 16/2/2020, VnExpress,net

Những  'người  hùng  thầm  lặng'  ở  Vũ  Hán

TRUNG QUỐCĐể hỗ trợ cuộc chiến chống lại dịch bệnh, người dân Vũ Hán tình nguyện nấu cơm miễn phí và đưa đón y bác sĩ, bệnh nhân.

Trước Tết Nguyên đán, Shen Zilong, chủ một chuỗi nhà hàng ở Vũ Hán đã tích trữ số thực phẩm trị giá 600.000 tệ (gần hai tỷ đồng) chuẩn bị cho những đơn hàng dịp nghỉ lễ. Dịch bệnh ập tới, đơn hàng giảm đi đáng kể song thay vì lo lắng về lợi nhuận, chàng trai 26 tuổi quyết định dùng chỗ thực phẩm kia để cung cấp các bữa ăn miễn phí đến các bệnh viện khắp Vũ Hán.
"Khi đang ăn với gia đình vào đêm giao thừa, tôi thấy trên tivi cảnh các nhân viên y tế kiệt sức phải ăn tạm mì gói và bánh. Tôi rất xúc động nên tôi muốn giúp đỡ họ", Shen nói. 
Hôm sau, Shen lên mạng xã hội, thu thập thông tin về nhu cầu ăn uống của các y bác sĩ. Anh cũng nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè. Ngày 26/1, nhóm của Shen chuyển 400 suất ăn miễn phí đến vài bệnh viện gần đó. Nhờ y bác sĩ chia sẻ, những hôm tiếp theo, cả 16 bệnh viện ở Vũ Hán đều liên lạc với Shen. Lúc cao điểm, nhóm của anh phải chuẩn bị 1.000 suất ăn.
Tình nguyện viên chuẩn bị suất cơm miễn phí cho y bác sĩ. Ảnh: Xinhua.
Tình nguyện viên chuẩn bị suất cơm miễn phí cho y bác sĩ. Ảnh: Xinhua.
Shen cho biết các đầu bếp phải dậy lúc 7h sáng mỗi ngày để chuẩn bị nấu nướng. Đến 13h30, 13 tình nguyện viên sẽ đến chuyển đồ ăn đi. Mỗi phần cơm có hai món thịt và một món rau, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. 
Nhằm hạn chế lây nhiễm, nhân viên y tế thường nhận đồ ăn ở ngoài bệnh viện. "Có lần, một bác sĩ bảo tôi đặt đồ ăn giữa đường và lái xe đi trước khi anh ấy tới lấy. Một số đồng nghiệp của bác sĩ này đã nhiễm bệnh nên anh ấy không muốn đưa tôi vào nguy hiểm", Shen chia sẻ. 
Tình nguyện viên chuyển đồ ăn tới các bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.
Tình nguyện viên chuyển đồ ăn tới các bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: Xinhua.
Dịch vụ cung cấp suất ăn miễn phí của Shen đã tạm dừng vào ngày 1/2 vì lượng thực phẩm dự trữ đã hết mà các nhà cung cấp chưa hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng khác đã tiếp bước anh.
"Vào chuyến giao hàng cuối cùng, chúng tôi đã giải thích tình hình với từng bệnh viện và cho họ số điện thoại của các đồng nghiệp trong ngành nhà hàng. Hy vọng dịch vụ này sẽ được duy trì", Shen chia sẻ. 
Ngoài Shen, nhiều người dân Vũ Hán thành lập các nhóm tình nguyện lái xe đưa đón và Zhang Yichi, 31 tuổi, là một trong số đó.
Ban đầu, Zhang băn khoăn khi chở các nhân viên y tế ngày 25/1, ngày đầu tiên bắt đầu công việc tình nguyện, cũng là ngày mồng Một Tết.
"Chính các y bác sĩ đã tiếp thêm cho tôi niềm tin. Họ chẳng lo về nguy cơ nhiễm bệnh mà chỉ lo lắng xem ngày hôm sau mình sẽ làm việc như thế nào", Zhang kể.
Ngày hôm đó, Zhang chở tổng cộng năm y bác sĩ. Trong nhật ký của mình, anh viết: "Các nhân viên y tế thật can đảm và chăm chỉ. Tôi chẳng có lý do gì để sợ hãi". 
Đối với các nhóm tài xế tình nguyện, điều phối viên sẽ thông báo các chuyến xe của ngày hôm sau vào đêm trước để các tài xế tự chọn cho phù hợp. Ngày 26/1, Zhang đi bốn chuyến đường dài, mỗi chuyến từ 20 đến 40 km. "Tôi về lúc 20h vì quá đói và mệt. Lúc này, ăn uống ở ngoài không an toàn", anh nói.
Thông qua những cuộc trò chuyện với nhân viên y tế, Zhang ấn tượng về sự ủng hộ và cảm thông từ phía gia đình họ. 
"Tôi chở một nữ y tá trẻ sống cách bệnh viện 40-50 phút đi bộ. Bố mẹ cô ấy có lần đã đi bộ tới gặp con lúc nửa đêm để chắc chắn rằng cô ấy vẫn an toàn. Sau đó, ba người họ cùng nhau đi bộ 50 phút để về nhà", Zhang nhớ lại.
Ngoài ra, Zhang cũng được hành khách tặng khẩu trang và bình xịt khử trùng.
"Một y tá nhắc tôi phải thay khẩu trang 4 tiếng một lần và dạy tôi cách xịt cồn trước khi thay khẩu trang", Zhang nói. "Một số nhân viên y tế còn gửi ảnh chụp giấy hành nghề của họ để tôi trình với cảnh sát trong trường hợp bị dừng xe. Những hành động như thế thật ấm áp". 
Bên cạnh việc lái xe, Zhang giúp y bác sĩ dịch thông tin về vật tư y tế do nước ngoài viện trợ. Anh tốt nghiệp ngành hóa sinh và rất thạo tiếng Anh. Vợ Zhang, giáo viên tiếng Pháp và biết cả tiếng Nhật, cũng hỗ trợ chồng.
"Vẫn còn nhiều người miệt mài làm việc ngoài kia như các cảnh sát, nhân viên vệ sinh, công nhân xây dựng và người giao hàng. Tôi chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc chiến này. Chúng ta cần tri ân tất cả những người đang chống lại dịch bệnh", Zhang bộc bạch. 
Wang Li 29 tuổi cũng tình nguyện làm tài xế mùa dịch như Zhang. 3h sáng ngày 23/1, một người bạn gợi ý Wang rời khỏi Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực song cô do dự. "Nếu phương tiện công cộng bị đình chỉ, người dân địa phương chỉ có thể trông chờ vào ôtô cá nhân và taxi. Vì thế, tôi chọn ở lại để đóng góp chút gì đó cho cộng đồng", Wang nói.
Tình nguyện viên Wang Li mặc đồ bảo hộ suốt thời gian lái xe chở bệnh nhân và vật tư y tế đến bệnh viện. Ảnh: China Daily.
Tình nguyện viên Wang Li mặc đồ bảo hộ suốt thời gian lái xe chở bệnh nhân và vật tư y tế đến bệnh viện. Ảnh: China Daily.
Sống sót qua trận đại địa chấn năm 2008 ở Tứ Xuyên, Wang không quá xa lạ với tình cảnh khó khăn. 
"Khi trận động đất xảy ra, tôi đang ở cơ sở mới xây của trường cấp ba. Cơ sở này hoàn thiện cách đó hai năm nên không bị làm sao, tôi vẫn giữ được mạng sống. Cơ sở cũ thì sập, khiến 240 học sinh tử vong", Wang kể. 
Không còn chỗ học lẫn nơi ở, Wang chuyển lên Bắc Kinh học nốt cấp ba và thực tập một năm. 
"Nhiều người đã giúp tôi vào thời điểm đó. Một phóng viên biết về câu chuyện của tôi đã thường xuyên đến thăm tôi cùng bạn học, cho chúng tôi sách vở và đưa chúng tôi đi tham quan", Wang chia sẻ. "Từ lúc sống sót sau trận động đất, mỗi ngày đều là một món quà".
Dù virus corona rất dễ lây lan, Wang không nghĩ nó tồi tệ hơn trận động đất. Cô tin rằng virus sẽ bị y học khống chế và giờ là lúc cô hỗ trợ đồng bào. 
Wang được gửi tới khu dân cư hơn 2.000 người ở quận Vũ Xương, chịu trách nhiệm chuyển cả người lẫn vật tư y tế.
"Thông thường, tôi đưa những người già mắc bệnh mạn tính đến bệnh viện điều trị. Tôi từng lái xe chở một cụ bà ngoài 70 tuổi đi lọc thận. Bà ấy từ chối khi tôi định dìu bà vào bệnh viện vì sợ tôi sẽ nhiễm virus", Wang tiết lộ. Để tránh trở thành nguồn bệnh di động, cô mặc đồ bảo hộ suốt thời gian làm việc và khử trùng xe sau mỗi chuyến đi. 
Những năm trước, Wang luôn luôn đón Tết cùng mẹ, người thân duy nhất của cô, ở Tứ Xuyên. Năm nay, cô lấy cớ rằng Vũ Hán đã phong tỏa nên chưa thể trở về. 
"Tôi không kể với mẹ về công việc tình nguyện. Tôi nói giảm nói tránh về dịch bệnh để bà không quá lo lắng đồng thời trấn an bà rằng chúng tôi đang thực hiện tất cả biện pháp phòng ngừa cần thiết".
"Khi nào tình hình khá hơn, tôi sẽ cân nhắc việc đưa mẹ tới đây sống cùng mình", Wang nói. 
Minh Trang (Theo China Daily)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét