Trầm cảm - bệnh hủy hoại dần ý thức sống
Thứ hai, 13/1/2020-VnExpress.net
Trầm cảm kéo dài để lại nhiều hậu quả nặng nề cho trẻ em về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và học tập. Ảnh: Straitstimes
Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay, xảy ra mọi lứa
tuổi và có thể dẫn người bệnh đến kết cục tự chấm dứt cuộc đời.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc,
Trưởng phòng Điều trị Rối loạn Cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch
Mai, Hà Nội, cho biết trầm cảm hiện thường gặp trong cộng đồng. Giai đoạn trầm
cảm khởi đầu cho các rối loạn cảm xúc tiếp theo, có thể diễn ra theo nhiều hình
thái khác nhau như rối loạn cảm xúc lưỡng cực hoặc rối loạn trầm cảm tái
diễn...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),
ước tính có khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất
15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc
sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ 4 trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật
toàn cầu, dự đoán cho đến năm 2020 căn bệnh này đứng thứ 2 và năm 2030 sẽ leo
lên vị trí thứ nhất.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ
25 đến 44, trong đó bệnh nhân nữ gấp đôi nam. Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ
mắc trầm cảm gấp 2 lần so với chưa mãn kinh. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số
lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20-30%
mỗi năm.
Việt Nam có khoảng 3 triệu thanh,
thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Chỉ khoảng 20% trong số
đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết, theo nghiên cứu của Quỹ Nhi
đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, trầm cảm được cho là một bệnh lý do sự mất cân bằng các
chất dịch trong cơ thể. Cha đẻ của ngành y học thế giới, thầy thuốc
Hippocrates (năm 460 - 377 TCN) dùng thuật ngữ "sầu uất" xuất phát từ
tiếng Hy Lạp cổ, để chỉ trầm cảm. Ông cho rằng quá nhiều mật đen trong lách gây
ra các biểu hiện như sợ hãi và chán nản, thất vọng kéo dài.
Thế kỷ 14, thuật ngữ "trầm
cảm" (depression) xuất phát từ động từ deprimere trong tiếng Latin, nghĩa
là "đè nén" (press down), được sử dụng với ý nghĩa là sự đè nén, giảm
sút nặng về tinh thần.
Thế kỷ 20, Sigmund Freud đề cập tới
cơ chế sự mất mát gây nên sầu uất nghiêm trọng, không chỉ trạng thái tiêu cực
bên ngoài mà còn do cái tôi bên trong bị tổn thương gây suy giảm sự tự nhận
thức, cảm giác tội lỗi, thấp kém và vô giá trị.
Sau này, nghiên cứu chỉ ra rằng trầm
cảm là do mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh của não, mở ra hướng
nghiên cứu về sự liên quan giữa thay đổi mức monoamine trong não với các triệu
chứng trầm cảm, là cơ sở nghiên cứu bệnh sinh và điều trị trầm cảm.
Có nhiều cách phân loại rối loạn
trầm cảm như phân loại theo nguyên nhân bao gồm trầm cảm nội sinh, tâm
sinh, thực tổn. Phân loại theo mức độ bao gồm giai đoạn trầm cảm nhẹ, vừa,
nặng. Phân loại theo sự có mặt của các triệu chứng loạn thần bao gồm trầm
cảm có triệu chứng loạn thần và trầm cảm không có triệu chứng loạn
thần. Phân loại theo sự có mặt của các triệu chứng cơ thể là trầm cảm có
triệu chứng cơ thể và trầm cảm không có triệu chứng cơ thể.
Biểu hiện chính là khí sắc trầm, mất
quan tâm thích thú, giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt
động. Triệu chứng phổ biến là giảm sút sự tập trung và sự chú ý, giảm sút
tính tự trọng và lòng tự tin, có ý tưởng bị tội và không xứng đáng với người
khác. Trầm cảm khiến người mang bệnh bi quan, nhìn tương lai ảm đạm, có ý
tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng.
Người bị trầm cảm có thể gây nguy hiểm đối với người khác như xô xát, cãi vã và
giết người.
Tuy nhiên, cần phân biệt
trầm cảm với các rối loạn khác. Người bệnh có ảo giác như nghe tiếng nói lạ
trong đầu hay nhìn thấy các hình ảnh khác thường và hoang tưởng điều kỳ lạ là
dấu hiệu của rối loạn loạn thần cấp. Bệnh nhân có một giai đoạn hưng cảm kích
thích, tăng khí sắc, nói nhanh là biểu hiện của rối loạn lưỡng cực. Bệnh nhân
dùng rượu và ma túy có thể là rối loạn do sử dụng rượu hoặc rối loạn do dùng
chất ma túy.
Để điều trị, bác sĩ căn cứ vào
nguyên nhân và dạng rối loạn trầm cảm để dùng thuốc và trị liệu tâm lý, hành vi
phù hợp. Người có dấu hiệu trầm cảm cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời,
làm giảm và mất hoàn toàn các triệu chứng, phòng ngừa tái phát.
Người bệnh không coi nhẹ triệu chứng
trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, cho người thân. Khi phát hiện
người bị trầm cảm, phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp đi khám
bác sĩ chuyên khoa sớm để tránh cơn trầm uất, thất thần quẫn trí. Bệnh
nhân trầm cảm cần phải khám nhiều lần để điều trị, theo dõi đề phòng nặng
thêm.
Thùy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét