THỰC HÀNH MÙA CHAY
Thu, 20/02/2020 - Trầm Thiên Thu
Thiên Chúa luôn tốt lành đến nỗi Ngài không ngừng ban dồi
dào ân sủng cho chúng ta. Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Kitô, cung luôn phân phát các
ân sủng cho chúng ta. Đó là cách thể hiện đặc biệt theo chu kỳ Phụng Vụ của
Giáo Hội, nhất là trong các mùa quan trọng – Mùa Vọng dẫn tới lễ Giáng Sinh,
Mùa Chay dẫn tới đỉnh cao là Tuần Thánh và lễ Phục Sinh, trọng nhất trong các
lễ trọng.
Việc gì cũng cần chuẩn bị, đặc biệt là Lễ Vượt Qua. Chúng ta
miệt mài với nhiều hoạt động của gia đình, xã hội, và công việc, cho đến khi
các mùa quan trọng này gõ cửa lòng chúng ta. Sách Khải Huyền cho biết: “Này đây
Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy,
sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3:20) Thánh
Augustinô giải thích ý tưởng này và nói rằng Chúa Giêsu là Lữ Khách đến gõ cửa,
nếu chúng ta không mở cửa, Ngài sẽ đi và không trở lại nữa. Thiên Chúa không
muốn điều đó xảy ra với chúng ta!
Do đó, chúng ta có 10 lời cầu đặc biệt với Chúa khi chúng ta
kính nhớ tình yêu cao cả của Ngài dành cho chúng ta – Cuộc Khổ Nạn, Sự Chết và
Phục Sinh. Nói cho ngay và nói thẳng ra là nếu chúng ta thực sự muốn sống Mùa
Chay sinh ích lợi để chết cho tội lỗi, bí quyết chiến thắng là cầu nguyện liên
lỉ, miệt mài và mạnh mẽ. Ước mong Mùa Chay này sẽ là Mùa Chay tuyệt vời nhất
trong cuộc đời mỗi chúng ta!
I. CHIÊM NGƯỠNG CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Trong cuốn Linh Thao (Spiritual Exercises), Thánh Y Nhã
khuyên chúng ta nên chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Trong Mùa Chay, nên
dành thời gian để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá vì yêu
thương chúng ta – trong đó có bạn và tôi.
Hãy ghi nhớ lời Thánh Y Nhã: “Chúa Giêsu chết cho cả nhân
loại.” Và Ngài cũng chết cho bạn. Nếu bạn là người duy nhất trên thế gian này,
Chúa Giêsu vẫn chịu đau khổ và chịu chết vì yêu thương bạn và để cứu lấy linh
hồn bất tử của bạn. Trong con mắt của Thiên Chúa, bạn thực sự quý giá và linh
hồn của bạn đáng giá biết bao!
II. ĐÀNG THÁNH GIÁ
Một cách khác là đi Đàng Thánh Giá, đặc biệt hữu ích trong
Mùa Chay. Trong nhà thờ nào cũng có Đàng Thánh Giá. Hãy suy niệm và hướng mắt
từng nơi trong 14 chặng Đàng Thánh Giá. Có vài cách thực hành:
1) Cùng nhau suy ngắm Đàng Thánh Giá theo một người hướng
dẫn
2) Đi Đàng Thánh Giá riêng một mình. Có thể dùng sách của
Thánh Anphongsô Liguori.
3) Đơn giản là ngắm nhìn từng chặng Đàng Thánh Giá và thầm
thĩ cầu nguyện theo cảm xúc lúc đó.
Chúa Giêsu yêu thương tất cả chúng ta, đến nỗi Ngài chấp
nhận chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta.
III. BẢY NỖI ĐAU CỦA ĐỨC MẸ
Suy niệm về bảy nỗi đau của Đức Mẹ giúp chúng ta thêm yêu
mến Chúa Giêsu. Đây là bảy nỗi đau của Đức Mẹ:
1. Lời tiên tri của ông Simêôn,
2. Cuộc chạy trốn sang Ai Cập.
3. Lạc mất Con Trẻ ba ngày.
4. Gặp Chúa Giêsu trên đường tới Núi Sọ.
5. Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết.
6. Xác Chúa Giêsu được hạ xuống và đặt vào vòng tay Đức Mẹ
(La Pieta).
7. Mai táng Chúa Giêsu.
IV. BẢY LỜI CUỐI CỦA CHÚA GIÊSU
Một cách suy niệm hiệu quả là suy niệm về những lời cuối của
Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên Thập Giá. TGM Fulton Sheen viết và giảng nhiều
lần về các lời này, nhất là trong Tuần Thánh. Đây là bảy lời cuối cùng của Chúa
Giêsu nói ra từ trên Thánh Giá:
1. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”
2. “Tôi khát!”
3. “Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ; Đây là Mẹ của con.”
4. “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi.”
5. “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”
6. “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha.”
7. “Mọi sự đã hoàn tất.”
V. SUY NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA
Cả bốn Phúc Âm đều nói tới cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hãy
chìm sâu vào dòng suy tư về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ, bằng
cách sử dụng Kinh Thánh. Qua các Phúc Âm, chúng ta có thể biết cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu trong các chương này: Mt 26-27, Mc 14-15, Lc 22-23, Ga 18-19. Có thể
đọc và cầu nguyện theo các chương đó, chú ý các chi tiết khác nhau với nét
riêng trong mỗi Phúc Âm.
VI. THÁNH VỊNH 22
Đọc và suy niệm với Tv 22 là cách tuyệt vời. Vượt qua bóng
tối của sự hoài nghi, Thánh Vịnh này làm nổi bật các chi tiết về cuộc khổ nạn
của Chúa Giêsu, mặc dù Thánh Vịnh này có từ hằng trăm năm trước khi Chúa Giêsu
giáng sinh làm người. Một lý do khác để tin Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha hằng
hữu. Hãy đọc Thánh Vịnh này và bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang đứng dưới chân
Thánh Giá cùng với Đức Mẹ, Thánh Gioan, và Thánh Mađalêna vào ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh.
VII. THÁNH LỄ
Thánh Lễ là phương cách hiệu quả mà chúng ta có thể dâng lên
Thiên Chúa. Thật vậy, Thánh Lễ là Hy Lễ trên Đồi Can-vê xưa mà Chúa Giêsu hiến
dâng lên Chúa Cha để cứu độ nhân loại nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nếu
có thể, hãy cố gắng tham dự Thánh Lễ trong Mùa Chay, sốt sắng rước lễ với lòng
sùng kính và yêu mến hết sức.
VIII. SUY NIỆM THEO PHIM
Một phương cách hữu hiệu khác là xem phim và suy niệm. Nên
xem các phim như Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu, Phép Lạ Marcelino (1955), Mầu
Nhiệm Mân Côi (Patrick Peyton). Tuy nhiên, hãy đeo cặp kính chiêm niệm và cố
gắng suy niệm. Các hình ảnh, nhất là cảnh Chúa Giêsu chịu hành hạ, sẽ ghi sâu
vào tâm trí chúng ta và có thể gợi lên cách chiêm ngưỡng, thúc giục chúng ta
sống Mùa Chay có hiệu quả hơn.
IX. GIỜ THÁNH
Hãy rộng lòng với Chúa Giêsu, Đấng đã đổ đến giọt máu cuối
cùng vì yêu thương chúng ta. Nếu có thể, hãy cố gắng làm Giờ Thánh mỗi ngày
trong Mùa Chay này. ĐHY Fulton Sheen gọi đó là Giờ Quyền Phép. Đó là cách tốt
làm Giờ Thánh trước Nhà Tạm, nơi Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể – với cả
linh hồn, thần tính và nhân tính. Hãy tìm một góc lặng để cầu nguyện ngay trong
gia đình mình. Cách này giúp biến đổi cuộc đời bạn.
X. KINH MÂN CÔI – MÙA THƯƠNG
Trong cuốn The Blessed Virgin Mary and the Rosary – Đức
Trinh Nữ Maria và Chuỗi Mân Côi, Thánh GH Gioan Phaolô II đề nghị chúng ta
chiêm ngưỡng Tôn Nhan Chúa Giêsu qua cách nhìn của Đức Mẹ, đó là cách tốt để
chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chịu đóng đinh theo tầm nhìn của Đức Mẹ. Đây là các mầu
nhiệm của Mùa Thương:
1) Chúa Giêsu hấp hối trong Vườn Dầu.
2) Chúa Giêsu chịu đánh đập.
3) Chúa Giêsu đội vòng gai.
4) Chúa Giêsu vác Thánh Giá.
5) Chúa Giêsu chịu đóng đinh và tắt thở.
Tóm lại, lời cầu nguyện và ước mong cháy bỏng của chúng ta
sẽ là Mùa Chay lợi ích nhất để có thể tận hưởng niềm vui trong Lễ Phục Sinh
cùng với Chúa Giêsu Kitô – Đấng phục sinh vinh quang, bằng cách nỗ lực sống
tinh thần Mùa Chay. Cầu mong chúng ta dám chết cho tội và được sống lại với
Đấng Phục Sinh – Chúa Giêsu kitô.
LM ED BROOM, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Khởi đầu Mùa Chay – 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét