Giá của khẩu trang
BS
Võ Xuân Sơn -VnExpress.net
Bác sĩ
Tôi vừa chấm dứt mua tất
cả mặt hàng từ nhà cung cấp trang thiết bị y tế cho phòng khám của mình suốt 10
năm qua. Vì họ nâng giá khẩu trang gấp nhiều lần.
Những hôm nghỉ Tết, tôi
yêu cầu nhân viên chuẩn bị thêm khẩu trang để phát cho tất cả nhân viên, bệnh
nhân, thân nhân người bệnh và thực hiện thay khẩu trang theo khung giờ nhất định.
Khi chúng tôi liên hệ với đơn vụ cung cấp, họ đẩy giá khẩu trang lên cao gấp
nhiều lần ngày thường. Ngay cả khi chúng tôi yêu cầu cho giá đối với khách hàng
lâu năm, họ nhất quyết không đồng ý.
Và hôm nay, sau khi nhận
được báo cáo đầy đủ, tôi quyết định chấm dứt làm ăn với họ. Những người lợi dụng
lúc khó khăn để trục lợi sẽ không bao giờ có thể là một đối tác tốt.
Mặc dù nhiều nhà khoa học
và bác sĩ cho rằng, khẩu trang không giúp gì cho người mang nó tránh được dịch.
Nhưng như những gì ta đang chứng kiến, khẩu trang đã trở thành mặt hàng cực kỳ
quan trọng trên bình diện cả thế giới, được sự can thiệp của chính quyền nhiều
nước.
Khác với các bác sĩ
chuyên về nghiên cứu hoặc có mức độ hàn lâm rất cao, tôi ủng hộ việc mang khẩu
trang như một biện pháp phòng chống dịch. Trên thực tế, trong y học điều trị, rất
nhiều trường hợp, rất nhiều thời điểm, bác sĩ phải đưa ra quyết định dựa trên
kinh nghiệm chứ không thể chờ đợi các kết quả nghiên cứu. Nếu ai cho rằng việc ủng
hộ mang khẩu trang như một biện pháp phòng dịch biến tôi thành "bác sĩ vườn",
tôi cũng vui lòng. Khi chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc mang khẩu trang
không giúp gì trong việc ngăn ngừa xâm nhập của virus cúm vào cơ thể không có
nghĩa là khẩu trang không có tác dụng. Cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định
việc mang khẩu trang là có hại cả.
Còn nhớ trước đây, khi
chúng tôi đang rất bí bách với những ca chấn thương cột sống lưng - thắt lưng.
Cứ 10 bệnh nhân nhập viện thì 9 người bị loét, nhiễm trùng, rồi chết. Khi được
tiếp cận phương pháp mổ Roy Camille từ Pháp, chúng tôi đã tự chế tạo dụng cụ để
mổ cho bệnh nhân. Lúc đó, một số bác sĩ khuyên chúng tôi không áp dụng kỹ thuật
này, vì FDA (Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ) chưa phê chuẩn nó. Cùng thời
điểm, vừa có một kỹ thuật mới, thực chất là dựa trên cùng nguyên lý, được FDA
phê chuẩn.
Kỹ thuật mổ Roy Camille
đã giúp chúng tôi cứu sống rất nhiều bệnh nhân chấn thương cột sống, đến nỗi nếu
có ca chấn thương cột sống lưng - thắt lưng nào tử vong là chuyện "tày trời".
Sau này, khi ngành phẫu thuật cột sống thế giới và kinh tế Việt Nam phát triển,
khả năng tiếp cận với kỹ thuật được cải thiện, chúng tôi không còn áp dụng Roy
Camille, không tự chế tạo dụng cụ, mà áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến hơn, được
FDA phê chuẩn. Cho đến bây giờ, dù được FDA phê chuẩn là một trong các tiêu chí
để tôi quyết định áp dụng một kỹ thuật trong điều trị, tuy nhiên nếu vì lý do
nào khiến tôi phải trở lại như 30 năm trước, tôi vẫn sẵng sàng áp dụng bất cứ
biện pháp nào mang lại lợi ích cho người bệnh, dù đó chỉ là kinh nghiệm, dù
chưa có nghiên cứu khẳng định chắc chắn nó tốt.
Hồi mới bước chân vào trường
Y nhiều năm trước, tôi cứ nghĩ mình sẽ trở thành người quyết định mạng sống của
người khác. Phải mãi đến khi sắp ra trường, tôi mới biết, thực ra bác sĩ chỉ là
người làm việc cầu may mà thôi. Sống, chết, hết bệnh, hoàn toàn không phải do
bác sĩ, mà ở bản thân người bệnh. Người ta nói "phước chủ, may thầy"
quả không sai.
Việc đầu tiên của bác sĩ
là cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh. Nói chung, giúp họ hiểu rõ về bệnh
của mình hơn. Nhưng ngặt nỗi là hiểu biết của bác sĩ đối với hầu hết các loại bệnh
đều không được đầy đủ, cho dù họ là những người hiểu biết về bệnh tật nhiều nhất.
Điều này thể hiện rất rõ trong những ngày qua, các bác sĩ đưa ra những lời
khuyên đôi khi trái ngược nhau, thậm chí chê bai nhau.
Việc tiếp theo của bác sĩ
là hỗ trợ người bệnh chống lại bệnh tật. Hỗ trợ thôi. Ngay cả khi bác sĩ kê toa
cho bệnh nhân uống thuốc, thậm chí mổ xẻ cho bệnh nhân, họ cũng chỉ là người trợ
giúp, không hơn không kém. Có hết bệnh không, có sống hay không, cuộc mổ thành
công hay thất bại, bệnh nhân mới thực sự là người quyết định.
Đối với rất nhiều loại bệnh
tật, đặc biệt là những bệnh liên quan đến vi trùng, virus, vai trò của hệ miễn
dịch trong cơ thể người bệnh cực kỳ quan trọng, là yếu tố quyết định. Nếu thể
chất suy kiệt, nếu hệ miễn dịch bị suy yếu thì cơ thể ấy khó mà tồn tại. AIDS
là một ví dụ. Khi cơ thể bị nhiễm virus HIV, hệ miễn dịch bị tấn công, người bị
nhiễm đến lúc nào đó dễ dàng bị nhiễm trùng, nhiễm nấm... rồi tử vong.
Virus là những mẩu ADN,
không phải tế bào hoàn chỉnh. Và, điều đáng lo ngại là con người chưa tìm ra
phương thức tiêu diệt virus. Tin xấu với chúng ta là virus rất dễ "thay
hình đổi dạng" nên rất khó đối phó. Nhưng tin tốt là virus chỉ sống và
phát triển được trong cơ thể vật chủ. Khi ra ngoài môi trường tự nhiên, nó sẽ
nhanh chóng chết đi, không tồn tại lâu ngoài vật chủ như vi trùng.
Đối với vi trùng, chúng
ta có kháng sinh là vũ khí hỗ trợ đắc lực cho hệ miễn dịch của cơ thể. Song với
virus, toàn bộ gánh nặng đều được đặt lên vai hệ miễn dịch. Điều này giải
thích, tại sao virus Corona gây chết người ở người lớn tuổi, có bệnh mãn tính
nhiều hơn. Tất nhiên, vẫn còn hai bí ẩn: nó gây chết nam giới nhiều hơn và trẻ
em - người có hệ miễn dịch chưa phát triển tốt - lại ít bị nhiễm hơn.
Như vậy, trong đại dịch
do virus Corona gây ra lần này, vũ khí tối thượng mà chúng ta có là hệ miễn dịch
của chính mình. Tất cả các biện pháp đang được khuyến cáo như mang khẩu trang,
rửa tay, tránh tiếp xúc... chỉ hạn chế khả năng virus này xâm nhập vào cơ thể
ta. Còn khi nó đã xâm nhập rồi, chỉ có hệ miễn dịch mới cứu được chúng ta.
Muốn cho hệ miễn dịch khỏe
mạnh, cần ăn uống đủ chất, đủ vitamin, tập luyện thể thao. Đặc biệt, lối sống
vui vẻ, lạc quan giúp hệ miễn dịch rất nhiều.
Và nói đi thì phải nói lại.
Ngay cả trường hợp nếu khẩu trang được chứng minh có tác dụng phòng dịch cao
thì cách sử dụng và việc đánh giá tác dụng của nó cũng cần xem lại. Tôi thấy
nhiều người sử dụng khẩu trang không đúng, mang hở mũi, lấy tay xoa lên mặt
ngoài khẩu trang... Ngoài ra, dù có tác dụng tốt đến đâu thì khẩu trang cũng chỉ
bảo vệ chúng ta ở một mức độ nhất định nào đó, chứ cứ tập trung đông đúc, chen
vai thích cánh, hò hét loạn xạ, thì khẩu trang, diện trang hay toàn thân trang
cũng chào thua.
Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét