Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Nhiệt độ trung bình cơ thể người thay đổi



Nhiệt  độ  trung  bình  cơ  thể  người  thay  đổi
Thứ sáu, 24/1/2020-VnExpress.net


Nhiệt độ trung bình cơ thể giảm từ 37 xuống 36.3 độ. Ảnh: Zuma Press

Nhiệt độ trung bình của cơ thể người giảm từ 37 độ C xuống còn 36,3 độ C, sau hơn một thế kỷ.

Khoảng 150 năm về trước, một bác sĩ người Đức đã phân tích cơ thể của 25.000 bệnh nhân và đưa ra kết luận, nhiệt độ trung bình của con người là 37 độ C (98,6 độ F).

Đây được coi là ngưỡng nhiệt chuẩn, được công bố trong các tài liệu y khoa giúp đánh giá về sức khỏe của trẻ nhỏ cũng như người trưởng thành. Tuy nhiên, ít nhất 20 nghiên cứu hiện đại cho thấy qua hơn một thế kỷ, nhiệt độ trung bình đã thay đổi, giảm xuống mức 36,3 độ C (97,5 độ F).

Giáo sư Philip Mackowiak thuộc Đại học Y Maryland cho biết, nhiệt độ cơ thể là đại diện cho tốc độ trao đổi chất của con người. Nhiệt độ trung bình giảm xuống là bằng chứng cho những thay đổi sinh lý xảy ra theo thời gian.

"Người dân cao lớn hơn, béo hơn và sống lâu hơn. Ta chưa thực sự hiểu lý do dẫn đến những điều này, có thể chúng liên quan đến nhiệt độ trung bình của con người", Julie Parsonnet, tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm, Đại học Stanford cho biết.

Để chứng thực giả thiết đó, tiến sĩ Julie và các đồng sự đã phân tích nhiệt độ cơ thể thu được từ 189.338 bệnh nhân trong 677.423 lần đo. Dữ liệu lấy từ hồ sơ cựu chiến binh từ thời kỳ Nội chiến đến năm 1940; Khảo sát Sức khỏe và Dinh dương Quốc gia do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ thực hiện (1971 – 1974); Môi trường Cơ sở Dữ liệu Nghiên cứu và Dịch thuật Stanford giai đoạn 2007 – 2017.

Kết quả cho thấy, nhiệt độ của các cựu chiến binh trong giai đoạn 1970 thấp hơn so với thời kỳ Nội chiến. Mức nhiệt tiếp tục giảm trong những năm 2000.

Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn có phần hạn chế. Các bệnh nhân trong dữ liệu phân tích được đo nhiệt độ bằng nhiều hình thức. Thời kỳ Nội chiến, cựu quân nhân sử dụng cả nhiệt kế miệng và kẹp nách. Trong khi đó, năm 1970, bệnh nhân chỉ được đo nhiệt độ miệng bằng nhiệt kế thủy ngân. Đến năm 2000, bác sĩ hầu như sử dụng nhiệt kế điện tử.

Thông thường nhiệt độ đo từ tai và trực tràng của con người cao hơn 0,5 độ C so với ở miệng. Trong khi đó, nhiệt độ kẹp nách thường thấp hơn 1 độ C.

Nhiệt độ cơ thể cũng thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian ghi nhận trong ngày, mức hoạt động thể chất và nhiều yếu tố khác.

Thục Linh (Theo Wall Street Journals)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét