Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Mục vụ những người cao niên « Tuổi già là một đặc huệ »


Mục  vụ  những  người  cao  niên  « Tuổi  già  là  một  đặc  huệ »
Thứ ba - 04/02/2020


    
Một sự hiện diện trọng yếu cho các cộng đồng
« Sự sống là một ân điển, và khi nó kéo dài, đó lại là một đặc ân, đối với chính mình và đối với người khác », Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định. Trong Kinh Thánh, ngài nói tiếp, « trường thọ là một phép lành » và « một thời gian sung mãn được lập lại ». Khi ban cho tuổi già, Thiên Chúa « ban cho chúng ta thời gian để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về Người, sự mật thiết của chúng ta với Người, để luôn tiến sâu hơn vào trong tim Người và phó thác chúng ta cho Người ». Tuổi già như thế « không phải là một căn bệnh », « đó là một đặc ân », Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh. « Sự cô đơn có thể là một căn bệnh, nhưng với lòng bác ái, sự gần gũi và sự an ủi tinh thần, chúng ta có thể chữa lành ».

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên của Hội Nghị quốc tế mục vụ cho người cao niên lần thứ nhất, buổi sáng hôm thứ sáu 31/01/2020, trong Điện tông tòa của Vatican. Với nhan đề « Sự phong phú của năm tháng », hội nghị này được tổ chức bởi Bộ giáo dân, gia đình và đời sống từ ngày 29 đến ngày 31/01/2020 tại Trung Tâm Hội Nghị « Augustinianum » của Rôma. Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích các tham dự viên : « Quý Anh Chị Em đừng sợ, hãy lấy những sáng kiến, hãy giúp các giám mục và giáo phận của Quý Anh Chị Em để phát huy sứ vụ mục vụ cho người cao niên và với những người cao niên », ngài nói.

Ngài còn giải thích « vấn đề là thay đổi những tập quán mục vụ » và « gom nhập chúng vào những chân trời mục vụ của Quý Anh Chị Em », thông qua một « sự chia sẻ liên thế hệ ». Sau cùng, để cho tất cả có thể « loan báo cuộc cách mạng của sự dịu hiền », Đức Giáo Hoàng đã hô hào đừng « tiếc công để loan báo Phúc Âm cho các bậc ông bà và cho những người lớn tuổi. Quý Anh Chị Em hãy đi tới gặp họ với một khuôn mặt tươi cười và cuốn Phúc Âm trên tay. Quý Anh Chị Em hãy đi ra đường phố giáo xứ của Quý Anh Chị Em và đi tìm những người lớn tuổi đang sống một mình ».

Sau đây là bản dịch bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

HG

Bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Quý Anh Chị Em thân mến,

Tôi nồng nhiệt chào mừng Quý Anh Chị Em đã đến đây, Quý Anh Chị Em là những người tham dự Hội Nghị quốc tế về mục vụ cho người cao niên lần thứ nhất, « Sự phong phú của năm tháng », được tổ chức bởi Thánh Bộ Giáo Dân, gia đình và sự sống, và tôi cảm ơn Đức Hồng Y Farrel vì những lời dễ thương của ngài.

« Sự phong phú của năm tháng » là của cải của con người, của mỗi con người nói riêng, những người đã có sau lưng nhiều năm tháng của cuộc đời, của kinh nghiệm và của lịch sử. Đó là kho báu đã hình thành trên con đường đời của mỗi con người nam, nữ, bất kể nguồn gốc, xuất xứ, điều kiện kinh tế hay xã hội. Bởi vì sự sống là một ân điển, và khi nó lâu dài, đó là một đặc ân, đối với chính mình và đối với người khác. Mãi mãi, vẫn mãi mãi như thế.

Ở thế kỷ thứ 21 này, sự già cả đã trở thành một trong những nét đặc trưng của nhân loại. Trong nhiều thập niên, kim tự tháp dân số – vào một thời kỳ, vốn dựa trên một số lớn trẻ em và thanh thiếu niên, và đã có trên đỉnh tháp một số ít người cao niên – đã đảo ngược. Nếu, vào một thời kỳ nào đó, những người cao niên đã có thể hình thành một quốc gia nhỏ bé, thì ngày hôm nay, họ có thể chiếm cả một châu lục. Trên chiều hướng đó, sự hiện diện đáng kể của những người lớn tuổi làm thành một sự mới mẻ cho tất cả những môi trường xã hội và địa dư của thế giới. Ngoài ra, hiện nay, gắn liền vì sự già cả tương ứng với những mùa khác nhau trong cuộc đời : đối với nhiều người, đó là cái tuổi khi những tham gia sản xuất chấm dứt, khi sức khỏe suy yếu và xuất hiện những chỉ dấu của bệnh hoạn và nhu cầu được giúp đỡ, cũng như sự cô lập xã hội ; nhưng với nhiều người, đây là khởi đầu của một thời kỳ lâu dài của sự thoải mái thể chất và tâm lý và của tự do đối với những ràng buộc nghề nghiệp.

Trong hai kiểu tình huống đó, làm sao để sống những năm tháng này ? Ý nghĩa nào cho cái thời kỳ này của cuộc sống, vốn đối với nhiều người, có thể kéo dài ? Sự rối loạn xã hội và, bằng nhiều phương diện, sự thờ ơ và từ chối mà các xã hội chúng ta thể hiện đối với những người lớn tuổi, mời gọi không chỉ Hội Thánh, mà còn cả thế giới, vào một loạt những suy nghĩ để học tập cách nắm bắt và công nhận giá trị của sự già nua. Quả vậy, trong lúc mà, một mặt, các quốc gia phải đối phó với tình trạng mới về dân số trên bình diện kinh tế, mặt khác, xã hội dân sự cần đến những giá trị và ý nghĩa cho giới cao niên và lão niên. Và nhất là tại đây mới có sự đóng góp của cộng đoàn giáo hội.

Bởi vậy, tôi đã quan tâm đón nhận sáng kiến của hội nghị này tập trung sự chú ý trên mục vụ cho người cao niên và đã đưa ra một sự suy nghĩ về những sự can dự toát ra từ một sự hiện diện quan trọng của các bậc ông bà trong các giáo xứ và trong xã hội của chúng ta. Tôi yêu cầu Quý Anh Chị Em rằng điều này không chỉ là một sáng kiến đơn lẻ, mà đánh dấu sự bắt đầu của một con đường đào sâu mục vụ và phân định. Chúng ta phải thay đổi những tập quán mục vụ để biết đáp ứng sự hiện diện của bao người lớn tuổi trong các gia đình của chúng ta và các cộng đoàn của chúng ta.

Trong Kinh Thánh, trường thọ là một phép lành. Nó đặt chúng ta trước sự mỏng giòn của chúng ta, trước sự phụ thuộc lẫn nhau, trước các quan hệ gia đình và cộng đồng, và nhất là trước quan hệ máu mủ với Thiên Chúa. Khi ban cho tuổi thọ, Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho chúng ta thời gian để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về Người, sự mật thiết của chúng ta với Người, để luôn tiến sâu hơn vào trong tim Người và phó thác chúng ta cho Người. Đó là thời gian để chuẩn bị phó thác linh hồn chúng ta trong tay Người, một cách vĩnh viễn, với lòng tin tưởng của con cái. Nhưng đó cũng là một thời gian của sự sung mãn được lập lại. « Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả » (Tv 91,15). Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, quả vậy, cũng được thực hiện trong sự nghèo khó của những thân xác yếu đuối, cằn cỗi và bất lực. Từ trong lòng dạ cằn cỗi của bà Sara và thân xác trăm tuổi của ông Ápraham, đã sinh ra dân được Chúa chọn (x. Rm 4, 18-20). Từ bà Elisabeth và ông già Zachari đã sinh ra thánh Gioan Tẩy Giả. Người cao tuổi, kể cả khi yếu đuối, có thể trở thành khí cụ của lịch sử cứu độ.

Ý thức được vai trò không thể thay thế này của những người cao tuổi, Hội Thánh nhận làm nơi chốn để các thế hệ được kêu gọi hãy chia sẻ dự án tình yêu của Thiên Chúa, trong một quan hệ chia sẻ lẫn nhau các ơn ích của Chúa Thánh Thần. Sự chia sẻ liên thế hệ bắt buộc chúng ta phải thay đổi nhãn quan về những người cao tuổi, để học tập nhìn về tương lai cùng với họ.

Khi chúng ta nghĩ tới những người cao tuổi và nói về họ, và hơn nữa trong tầm mức mục vụ, chúng ta phải học cách sửa đổi thì chia động từ. Không chỉ có thì quá khứ, làm như đối với những người cao tuổi không chỉ có một cuộc đời sau lưng họ và những tài liệu lưu trữ mốc meo. Không ! Chúa có thể và muốn cũng viết lên cùng với họ những trang sách mới, những trang của sự thánh thiện, của sự phục vụ, của sự cầu nguyện… Ngày hôm nay, tôi muốn nói với Quý Anh Chị Em rằng những người cao tuổi cũng có trong hiện tại và ngày mai của Hội Thánh. Phải, Họ cũng là tương lai của một Hội Thánh, cùng với giới trẻ, nói tiên tri và mơ mộng ! Bởi thế thật là rất quan trọng là những người cao tuổi và những người trẻ nói chuyện với nhau, thật là rất quan trọng.

Lời tiên tri của những người cao tuổi được thể hiện khi ánh sáng của Phúc Âm đi vào tràn đầy cuộc đời của họ, khi cũng như ông Simêon và bà Anna, họ đón lấy Chúa Giêsu trong vòng tay của họ và loan báo cuộc cách mạng của sự dịu hiền, Tin Mừng của Đấng đã giáng thế, mang xuống ánh sáng của Chúa Cha. Bởi vậy tôi yêu cầu Quý Anh Chị Em đừng tiếc công để loan truyền Phúc Âm cho các bậc ông bà và những người cao tuổi. Quý Anh Chị Em hãy đi gặp họ với một khuôn mặt tươi cười và sách Phúc Âm trên tay. Quý Anh Chị Em hãy đi ra đường phố các giáo xứ của mình và hãy đi tìm những người cao tuổi đang sống một mình. Tuổi thọ không phải là một căn bệnh, nó là một sự ưu đãi ! Sự cô đơn có thể là một bệnh, nhưng với lòng bác ái, sự gần gũi và sự an ủi tinh thần, chúng ta có thể chữa lành.

Thiên Chúa có một sắc dân đông đảo các bậc ông bà nội ngoại khắp nơi trên thế giới. Ngày hôm nay, trong các xã hội thế tục của nhiều đất nước, các thế hệ cha mẹ hiện này, phần đông không có một sự giáo dục Kitô hữu và đức tin sống động bằng các bậc ông bà, nhưng trái lại, các cụ có thể truyền đạt cho các cháu của mình. Chính họ là mắt xích phải có để giáo dục đức tin cho những em bé và thanh thiếu niên. Chúng ta phải có tập quán gom họ vào trong những mục tiêu mục vụ và coi họ, một cách liên tục, như một trong những thành phần tối cần của các cộng đoàn chúng ta. Đây không chỉ là những con người mà chúng ta được kêu gọi giúp đỡ và che chở để bảo toàn sự sống của họ, mà họ có thể là những người chủ chốt của một mục vụ truyền bá Phúc Âm, của những nhân chứng ưu tiên của tình yêu chung thủy của Thiên Chúa.

Bởi vậy tôi cảm ơn tất cả Quý Anh Chị Em, Quý Anh Chị Em đã cống hiến những năng lực mục vụ của Quý Anh Chị Em cho các bậc ông bà và cho những người cao tuổi. Tôi hy vọng rằng những gì ngày hôm nay là sự mẫn cảm của một thiểu số sẽ trở thành gia tài của mọi cộng đoàn giáo hội. Quý Anh Chị Em đừng sợ, Quý Anh Chị Em hãy có những sáng kiến, hãy giúp các giám mục và các giáo phận của Quý Anh Chị Em để phát huy công tác mục vụ của những người cao niên và với những người cao niên. Quý Anh Chị Em đừng nản lòng, Quý Anh Chị Em hãy tiến tới ! Bộ Giáo Dân, gia đình và sự sống sẽ tiếp tục đồng hành với Quý Anh Chị Em trong công việc này.

Tôi cũng thế, tôi đồng hành với Quý Anh Chị Em bằng lời cầu nguyện và phép lành của tôi. Và Quý Anh Chị Em, xin vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn !

© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.

https://fr.zenit.org/articles/pastorale-des-personnes-agees-la-vieillesse-est-un-privilege/

Nguồn tin: baigiangdtc.dk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét