Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

9 hành động của đàn ông khiến vợ muốn bỏ ngay lập tức



9  hành  động  của  đàn  ông  khiến  vợ  muốn  bỏ  ngay  lập  tức
Ngày 14 Tháng 4, 2020-giadinh.net



GiadinhNet - Trong cuộc sống, đôi khi những sai lầm nhỏ mà nếu đàn ông không sớm nhận ra thì đó cũng có thể là nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của bạn tan vỡ.
Đàn ông thành đạt thường quá ảo tưởng về sức mạnh của mình, nhất là trong chuyện 'ăn phở'Đàn ông thành đạt thường quá ảo tưởng về sức mạnh của mình, nhất là trong chuyện "ăn phở"
Dưới đây là những tình huống khiến người phụ nữ quyết định chấm dứt mối quan hệ dù có thể trước đây họ từng yêu mãnh liệt, đắm đuối:

1. Hơn thua với vợ
Đàn ông không hiểu được tâm ý phụ nữ nên thường trách móc. Trong những trận cãi vã cũng luôn cố giành phần hơn.

Đôi lúc đàn ông có tư tưởng phải cho vợ một bài học, phải cho cô ấy nhận ra sai lầm của mình để sau này mà biết cách đối đãi với chồng. Hôn nhân càng cãi càng sai, càng cãi càng xé chuyện nhỏ thành to. Vốn dĩ chuyện chỉ bé bằng đầu tăm nhưng khi ai cũng muốn giành phần thắng thì mọi chuyện lại đẩy đi xa.

Sau mỗi trận cãi nhau giữa vợ chồng thường là sự im lặng. Kẻ chiến thắng thì hả hê và tự nghĩ đối phương đã hiểu chuyện. Kì thực, người ta im lặng vì bất lực hơn là tâm phục khẩu phục, chấp nhận mình sai.

Dù người chiến thắng là ai thì luôn có sự rạn nứt, sự xa cách sau những trận cãi vã. Và việc để sự hơn thua thành thói quen có thể khiến hôn nhân đổ vỡ.

Hơn thua với vợ chỉ khiến đàn ông đẩy hôn nhân của mình đến bờ vực đổ vỡ. Ảnh minh họa.

2. Gia trưởng
Cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi trong nhận thức và suy nghĩ của con người về vai trò của đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ được hưởng quyền lợi bình đẳng hơn. Thế nhưng, vẫn còn những người đàn ông gia trưởng. Họ cho mình là chủ gia đình, là người trụ cột nên luôn muốn vợ, con làm theo ý mình. Nếu như trái ý, người vợ có thể chịu sự đay nghiến, chửi bới, thậm chí là đánh đập của người chồng.

Với những người đàn ông có tính gia trưởng, trừ phi lấy một người vợ phụ thuộc về kinh tế, hoặc đó là những người phụ nữ quá nhu mỳ, nếu không, chắc chắn kết cục sẽ là ly hôn.

3. Không quan tâm đến vấn đề của vợ
Khi bước vào một cuộc hôn nhân, phụ nữ sẽ muốn mình trở thành một phần của người đàn ông. Thế nhưng khi các ông chồng dành phần lớn thời gian ở văn phòng. Hết giờ lại đi giao lưu với đồng nghiệp và đối tác. Về đến nhà lại cắm mặt vào smartphone thì đó là dấu hiệu không coi trọng vợ mình.

Đừng để người phụ nữ của bạn cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong chính gia đình của mình. Nếu đời sống hôn nhân không như bạn kỳ vọng, thì ít nhất hãy cải thiện nó mỗi ngày. Hãy dành thời gian thay vì ca thán hay rời xa nó. Là trụ cột gia đình, bạn nên coi vợ là ưu tiên hàng đầu của mình. Hành động của đàn ông phá hoại hôn nhân nghe có vẻ tự nhiên nhưng rất nghiêm trọng.

4. Chi tiêu không suy nghĩ
Nếu bạn nghĩ rằng, đàn ông mới có quyền đưa ra những quyết định mua sắm lớn trong nhà mà không cần hỏi ý kiến của người bạn đời của mình thì bạn đã thật sự sai lầm nghiêm trọng đấy. Sự thật là phụ nữ đánh giá việc này chỉ đứng thứ 2 – sau sự không chung thủy thôi đấy. Thế nhưng, đây lại là sai lầm các ông chồng hay làm nhất.

Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì dù suy nghĩ một cách có ý thức hay vô thức thì đàn ông thường hay đặt mình ở vị trí lãnh đạo dẫn dắt trong một mối quan hệ. Tuy nhiên, mối quan hệ vợ chồng ngày nay cần phải san sẻ cả trong vai trò lãnh đạo và dẫn dắt.

5. Cô ấy cảm thấy không thể trông cậy gì ở bạn
Ngay cả người phụ nữ yêu thích tự do cũng muốn có một người để mình nương tựa những khi cần. Và có những giai đoạn (như khi mang thai hay vừa sinh), họ rất cần người đàn ông. Chỉ một người đáng tin cậy, một bờ vai vững vàng mới có thể khiến người phụ nữ cảm thấy an tâm.

6. Luôn giám sát, quản lý vợ
Dẫu biết là vợ chồng rồi thì không nên giấu giếm nhau. Thế nhưng, ai cũng có khoảng trời riêng, có những mối quan hệ bạn bè riêng trong giới hạn cho phép. Vậy mà nhiều người đàn ông không hiểu được điều này. Vợ đi đâu, làm gì, với ai đều phải báo cáo, phải xin phép. Tệ hơn, nhiều ông chồng còn bắt vợ chụp ảnh nơi mình đang ngồi, hoặc chụp cùng người mà vợ đang gặp gỡ.

Đàn ông không hiểu rằng, đây là một sự xúc phạm đến phụ nữ. Vì nó thể hiện sự thiếu tin tưởng, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Không ít người vợ cảm thấy muốn ly hôn vì không chịu nổi tính cách này của chồng. Họ mất dần những người bạn, bởi ai cũng sẽ cảm thấy không thoải mái hoặc ái ngại khi gặp những người vợ có ông chồng kiểu này.

7. Chỉ trích mọi việc vợ làm
Việc bạn nói lên quan điểm của mình và công kích cá nhân vợ hoàn toàn khác nhau. Có lẽ do bạn kỳ vọng quá cao vào những việc vợ không thể đáp ứng. Vào sau đó bạn lại chỉ trích và so sánh cô ấy với người khác.

Đây là điều tuyệt đối không nên làm, đặc biệt việc so sánh với người khác. Thay vì mổ xẻ những tiểu tiết mà bạn không vừa ý, hãy dễ tính hơn một chút với vợ mình. Khi bạn tìm được những điểm mạnh của vợ mình, bạn sẽ bỏ được thói chỉ trích tai hại. Nó chỉ làm cho mọi việc tệ hơn chứ không hề giúp vợ bạn tốt hơn theo ý bạn được.

8. Luôn có cảm xúc tiêu cực
Bạn lúc nào cũng thấy mình bất hạnh, không cởi mở thử những điều mới mẻ và liên tục dập tắt bất cứ ý tưởng nào từ "nửa kia". Khi cảm thấy muốn có cuộc sống tích cực hơn, thú vị hơn, cô ấy chắc chắn sẽ rời đi.

9. Lúc nào cũng chọn "im lặng là vàng"
Trong quan hệ vợ chồng không tránh khỏi những lúc cãi vã, giận hờn. Nhiều người phụ nữ vì không muốn chiến tranh lạnh nên cố gắng nói chuyện với đối phương. Thế nhưng, thay vì chọn cách trao đổi, nhiều người đàn ông lại chọn "im lặng là vàng".

Anh ta ghét việc cãi nhau với vợ nên không nói gì, thậm chí là bỏ đi khi vợ mình đang nói. Bản thân đàn ông cho rằng, hành động này là đúng. Thế nhưng, với phụ nữ, đó lại là sự coi thường. Phụ nữ nói nhiều, hay giận dữ không phải vì họ xấu, hay họ muốn thế. Đơn giản vì họ không muốn bản thân mình trở nên yếu đuối hơn. Vì khi yếu đuối, phụ nữ sẽ thu mình lại, lâu dần có thể trở nên trầm cảm.

Do vậy, nếu không muốn hôn nhân tan vỡ, đàn ông đừng im lặng. Hãy nhìn vào mắt vợ, cho thấy sự chân thành hối lỗi của mình, hoặc có thể lắng nghe một cách chăm chú nhất, rồi ôm vợ vào lòng nhận sai. Khi đó, dù vợ có nóng nảy đến bao nhiêu cũng sẽ dịu lại.

Người ta nói "Hôn nhân là mồ chôn tình yêu". Do vậy, để có một gia đình hạnh phúc, đừng bắt phụ nữ phải hy sinh. Tình yêu phải được xây từ hai phía mới có thể bền vững được.

Lily (th)

Tỷ Phú Công Nghệ Bill Gates: ...




Tỷ  Phú  Công  Nghệ  Bill  Gates: 
“Tin  Chúa  Là  Cách  Lựa  Chọn  Khôn  Ngoan  Nhất”
Posted on 20/02/2020-baoconggiao


Luôn giữ vị trí là người giàu nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes nhiều năm, Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft đồng thời sở hữu khối tài sản lên tới 76,8 tỉ đôla, nhưng ông không để lại khối tài sản khổng lồ này cho ba người con mà sử dụng phần lớn gia tài đó cho các hoạt động từ thiện.

Năm 2010, Bill Gates và vợ là Melinda đã cùng tỷ phú Warren Buffett khởi xướng chiến dịch “Cam kết cho đi” (The Giving Pledge), để khuyến khích các tỷ phú tài trợ ít nhất một nửa tài sản của họ cho các hoạt động thiện nguyện. Các tỷ phú Paul Allen, Larry Ellison, Steve Case và Mark Zuckerberg đã ký cam kết này.


Bill Gates: “Tôi đã rất may mắn, tôi hàm ơn sự may mắn đó bằng cách giảm thiểu sự bất công trên thế giới. Đó chỉ là một chút đức tin tôn giáo”.
Bill Gates là một người vô cùng kín tiếng trong cuộc sống cá nhân, nhưng trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Rolling Stone, khi được hỏi: “Là một nhà công nghệ, nhưng rất nhiều việc ông đang làm hiện nay gắn liền với nền tảng có thiên hướng đạo đức. Phải chăng suy nghĩ của ông về giá trị của tôn giáo đã thay đổi qua nhiều năm?”.

Bill Gates hé lộ: “Tôi nghĩ rằng các hệ thống đạo đức tôn giáo là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi nuôi dạy con cái theo phương pháp của tôn giáo; các con tôi tới nhà thờ Công giáo nơi Melinda và tôi cũng tham gia. Tôi đã rất may mắn, và do đó tôi hàm ơn sự may mắn đó bằng cách cố gắng giảm thiểu sự bất công trên thế giới. Đó chỉ là một chút đức tin tôn giáo. Tôi muốn nói, ít nhất đó là một niềm tin đạo đức”.


Bill Gates: “Bí mật của thế giới thật đáng kinh ngạc, và khoa học không thể giải thích được tại sao nó xảy ra như thế. Nói rằng nó hình thành ngẫu nhiên thì xem ra đó là một cách nhìn không hợp lý cho lắm”. (Ảnh: Telugu Post)

Khi được hỏi liệu “Ông có tin vào Thiên Chúa không?”, tỉ phú công nghệ đáp: “Tôi nghĩ tin Chúa là khôn ngoan nhất… Hiện nay khoa học đã tham dự một phần – không phải tất cả – vào những lĩnh vực mà tôn giáo đã từng giải quyết… Nhưng bí mật và vẻ đẹp của thế giới thật vô cùng đáng kinh ngạc, và không có một sự giải thích nào của khoa học có thể giải thích được tại sao nó xảy ra như thế. Nói rằng nó hình thành ngẫu nhiên thì xem ra đó là một cách nhìn không hợp lý cho lắm”.

Nguồn: Tổng hợp



May 3, 2020 - Chúa nhật IV Phục Sinh năm A


May 3, 2020 -  Chúa  nhật  IV  Phục  Sinh  năm  A
 “Ðừng  sợ! Này  đây  Ta   với  ngươi"


Các Bạn thân mến, 
Sống giữa thời đại dịch toàn cầu vì Virus Corona này, ai trong chúng ta cũng lo lắng cho chính mình, cho gia đình, cho người thân và cho xã hội, cả nước, cả thế giới…không biết sẽ ra sao, sẽ đi về đâu?...Nhiều người không chiụ nổi áp lực, đã buông xuôi, thất vọng khi bị nhiễm bệnh, dẫn đến sự tự
huỷ diệt sự sống cách đau lòng! 

Như nữ bác sĩ 49 tuổi trưởng khoa cấp cứu của một bệnh viện ở New York, và một thanh niên nhân viên xe cưú thương mới 23 tuổi, vừa ra trường được 3 tháng, cũng ở New York đã tự tử! Đây là chuyện mới nhất mà chúng ta biết, còn biết bao đau khổ, chết chóc khác mà chúng ta không biết! Mỗi sáng thức dạy lại thấy tin tức khắp nơi số người nhiễm bệnh tăng lên hằng ngàn, số người ra đi vĩnh viễn cũng tăng hằng ngàn mà đau lòng khôn siết! Ai không sợ hãi, nản lòng khi nhiễm bệnh chỉ vài ngày là chết, không có thuốc chữa! Lại nhiễm bệnh dễ dàng lan tràn khắp nơi! Bệnh viện không đủ chỗ chứa, chết không đủ quan tài!!! Còn gì đau lòng hơn? Có bao giờ như thế chưa trong lịch sử loaì người chúng ta?
Chắc hẳn Thiên Chúa cũng đã hết sức nhức tai, nhức đầu vì sự kêu cưú, oán trách cuả chúng ta?! Nhưng cũng do chúng ta đã loại Ngài ra khỏi cuộc đời, sống không cần Ngài, tự mãn can thiệp vào không gian vũ trụ Ngài dựng nên, tự hào văn minh khoa học để cướp quyền sáng tạo, an bài của Ngài, đòi làm chủ sự chết, tạo dựng cả sự sống! Thế mà một con virus Corona nhỏ bé trong hằng ngàn triệu triệu sinh vật nhỏ bé khác, chúng ta cũng không khống chế được!!!
Nên xin đừng làm buồn lòng Thiên Chuá nữa, hãy tỉnh thức tôn thờ một mình Ngài là Đấng tạo hóa toàn năng, giầu lòng thương xót, để vững tin vào sự quan phòng cuả Chúa vì Ngài đã phán: “Đừng sợ, này đây Ta ở với ngươi!” Như bài Tin mừng hôm nay đã khẳng định!

Mời các Bạn cùng nghe bài“Chuá là Mục Tử” cuả Nguễn Duy Vi do Lm Nguyễn Sang trình bầy:


Chuá là Mục Tử, Người dẫn lối chỉ đường cho con đi.

Đi trong tay Chuá, nào con thiếu chi, con sợ chi.
………………………………………
  Ôi! Còn gì bằng, an toàn quá phải không các Bạn?

Thật vậy, ngay từ nhỏ mình đã thích đoạn Tin Mừng Chuá là Mục Tử này! Bản thân lãng mạn nên chẳng còn thấy cảnh nào đẹp đẽ thơ mộng hơn cảnh Chuá dắt tay mình đi, chạy, nhẩy giữa cánh dồng cỏ xanh mướt, mượt mà như nhung đến tận chân trời! Mệt bò lê bò quàng thì đã có nước suối mát để uống! No thoả thì lăn ra ngủ trong vòng tay Ngài! Rồi lại đi, lại chạy tiếp, đói thì lại ăn cỏ nhung, uống nước suối mát, cứ như thế mình nhẹ nhàng bay bổng!

 Chúa nhật tuần nay, chúng ta được nhắc nhở như thế với tất cả các bài đọc về Đức Giêsu là Đấng Chăn Chiên Lành, luôn chăm sóc lo lắng bảo vệ cho từng con chiên, từng đàn chiên được no đủ, an toàn khỏe mạnh. Người yêu thương mỗi chúng ta bằng một tình yêu cá biệt, cho dù chúng ta có què quặt đui mù, có xấu xa đốn mạt đến đâu, mỗi chúng ta cũng có chỗ đứng độc nhất trong tình yêu bao bọc của Ngài; mỗi chúng ta đều có vị trí đặc biệt trong trát tim Ngài. Ngài còn luôn thiết tha mời gọi chúng ta an tâm nghe tiếng Ngài, theo Ngài đến với ơn cứu rỗi, để nhờ đó chúng ta có đời sống sung mãn và tràn đầy chân lý.

   Vì thế, hình ảnh người mục tử nhân lành làm nổi bật mối tương giao và sự hiến thân của Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta.

   Riêng Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giêsu vừa là mục tử vừa là cửa chuồng chiên:

* Là Mục tử thật sự của dân Israel: Vì Ngài đi qua cửa chính mà vào chuồng. Do đó, Người được đoàn chiên nghe theo. Còn các đầu mục Do thái chỉ là người lạ, nên chiên chạy trốn và không đi theo họ.

* Là cửa cho chiên ra vào: Các luật sĩ và biệt phái không tin Đức Giêsu nên không được Thiên Chúa ủy nhiệm coi sóc đàn chiên. Họ leo rào mà vào chuồng nên chỉ là trộm cướp, đến giết hại và phá huỷ đàn chiên. Còn Đức Giêsu đến đem lại cho đàn chiên lương thực, sự an toàn, tự do, và sự sống dồi dào.

Đoạn Tin Mừng đơn giản, dễ hiểu nhưng sâu sắc về mối quan hệ gắn bó chân thành mật thiết giữa người chăn chiên và đàn chiên ở Do Thái. Đức Giesu đã dùng hình ảnh này cho loài người hiểu được mối quan hệ giữa Ngài với con người cũng như vậy. Và hiển nhiên vì Ngài là Thiên Chúa nên quan hệ này còn trọn vẹn tuyệt vời hơn gấp bội.

Để hiểu thấu tâm lòng Đức Giesu qua hình ảnh Người mục tử mà Ngài so sánh, chúng ta cần biết qua về nghề nghiệp chăn nuôi chiên ở Do Thái.

 .    Chuồng chiên:

Ở Palestin có hai loại chuồng dùng cho đàn chiên: chuồng cố định tại địa phương và chuồng lưu động ngoài cánh đồng.

-   Vì chiên là loại động vật hiền lành, nên phải được quan tâm bảo vệ cẩn thận chu đáo.

-    Và là loại vật nuôi chủ yếu về kinh tế của dân chúng, để lấy lông làm len, nên gần như gia đình nào cũng nuôi ít nhiều con chiên.

-    Tại gia đình, người ta làm chuồng an toàn cho chiên ở riêng, lớn, nhỏ, đơn giản hay vững chắc là do khả năng của chủ chiên. Nhưng chuồng nào cũng có cửa ra vào và có chốt khóa cẩn thẩn.

-    Ở các làng mạc, thị trấn, còn có những đàn chiên cộng đồng. Tất cả các bày chiên của địa phương đều nhốt chung khi chúng trở về vào chiều tối. Đó là những chuồng công cộng.

-     Phần đầu Tin Mừng, Đức Giesu nói tới loại chuồng công cộng này, đặc biệt nhắc đến lúc sáng sớm, khi người mục tử đến chuồng làng công cộng nhận bầy chiên của mình để dẫn chúng đi ăn cỏ trong ngày, Đức Giêsu nói: "Người giữ cửa mở cửa cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng anh; anh gọi tên từng con một rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh".

-     Chính sự nhốt chung này mà chúng ta hiểu được lời Đức Giesu nói là chiên nhận biết được tiếng của chủ mình và nghe theo, cũng như chủ chiên nhận biết từng con chiên của mình và gọi tên từng con một.

-     Và chỉ có người canh cửa mới được giữ chìa khóa cửa chuồng mà thôi.

-     Nhưng đến mùa nắng ấm, khi chiên được đưa ra ngoài, thả trên những triền núi, đồng cỏ, thì đêm xuống không lùa về làng, mà được nhốt trong các chuồng chiên ngoài sườn đồi.

-     Đó là loại chuồng lưu động, được dựng tại khu đất trống, có hàng rào bao quanh, nhưng không có cửa, không có khóa, chỉ có một chỗ trống cho chiên ra vào.

-     Đêm đến, khi đàn chiên đã vào chuồng an nghỉ thì người chủ chăn nằm ngay khoảng trống nơi chiên ra vào đó, coi như là một cái cửa đóng chuồng lại.

-      Chiên muốn ra ngoài phải bước qua người chủ, và bất kỳ ai không phải là chủ, muốn vào chuồng cũng phải bước qua, hay nhẩy qua người chủ này.

-      Người mục tử ấy chính là cái cửa chuồng chiên, ngăn không cho chiên ra và chặn không cho các thú dữ hay những kẻ phá hại, trộm cắp vào.

 -     Vì thế người mục tử luôn phải tỉnh thức canh phòng, đôi khi phải chiến đấu với thú giữ, với kẻ gian để bảo vệ bầy chiên trong chuồng của mình.

-    Không chỉ độc đáo, mà còn nói lên trách nhiệm, sự hết mình với đàn chiên, đến độ có thể hy sinh cả tính mạng của mình.

-    Đây là loại chuồng Đức Giêsu ám chỉ ở đoạn cuối của Tin Mừng, đặc biệt Ngài nói đến lối vào chật hẹp trong chồng mà bầy chiên phải đi qua. Ngài nói:"Tôi là cửa cho chiên ra vào. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ".

-    Đức Giesu đã so sánh Ngài với cửa chuồng chiên để chúng ta hiểu được tình yêu thương và sự chăm sóc chu đáo của Ngài đối với từng người.

1. “Tôi là cửa cho chiên ra vào”:

-    Thường thì người mục tử phải hiện diện với bầy chiên của mình 365 ngày một năm, và đủ 24 giờ một ngày.

-    Người mục tử phải biết rõ chiên mình đến mức biết con nào có móng mềm, con nào đau vì ăn bậy, con nào hay bỏ bầy chạy rông...

-    Là sự hiến thân sâu sắc của người mục tử cho bầy chiên, thậm chí liều mạng sống cho chúng.

-    Chính trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn điều Đức Giêsu mường tượng trong tâm trí khi Ngài muốn nói rằng, mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho chúng ta tương tự như mối tương giao và sự hiến thân của người mục tử cho bầy chiên mình.

-    Giống như người mục tử, Đức Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách thân mật sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường dễ ngã lòng, ai trong chúng ta thường hay bỏ bầy đi rông...

-    Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn ở đó để giúp đỡ chúng ta. Và nếu lỡ chúng ta bỏ bầy đi thì Ngài sẽ đi tìm kiếm chúng ta về.

-    Ðiều Thiên Chúa nói với dân riêng Ngài qua miệng tiên tri Isaia, cũng chính là điều Đức Giêsu đích thân nói với mỗi người chúng ta: “Ðừng sợ! Này đây Ta ở với ngươi"

-    Giống như người mục tử, giống như Đức Giêsu, một bà mẹ luôn có mối tương giao gần gũi sâu sắc với bầy con mình. Không có gì mà bà không làm để bảo vệ cho bầy con khỏi mọi nguy hiểm. Và bà sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào để tìm kiếm đứa con lầm đường lạc lối.

-    Sự hiến thân trọn vẹn của một bà mẹ cho gia đình là một phản ảnh hoàn hảo sự hiến thân trọn vẹn của người mục tử cho bầy chiên của anh. Và hơn tất cả, tình thân và sự hiến thân cho gia đình của một bà mẹ phản ảnh hoàn hảo tình thân mà Đức Giêsu dành cho chúng ta.

-    Hình ảnh ấy làm Đức Giesu xúc động nên Ngài dùng nó như một ẩn dụ, ấn tượng về Ngài: "Ta là cửa chuồng chiên.”

-     Chúa muốn cho chúng ta hiểu sâu sắc rằng Ngài quan tâm nuôi dưỡng và bảo vệ chúng ta như thế nào.

-     Ngài còn đến để dạy bảo, để chứng minh cho loài người thấy Thiên Chúa như thế nào. Và dẫn dắt loài người đến với Thiên Chúa.

-     Giống như Ngài đã mở cánh cửa để loài người vào được Nước Trời, vì chính Ngài là cánh của duy nhất để loài người từ đó đi qua.

-     Để mô tả một phần ý nghĩa của việc vào ra trước mặt Thiên Chúa, Đức Giesu đã dùng một câu nói rất quen thuộc của người Do Thái khi nói về sự tự do: “Chúng ta có thể đi vào và đi ra.”

-     Được đi vào, đi ra, mà không có gì trở ngại, khó chịu... là cách nói của nguoi Do Thái dùng để mô tả một đời sống được bảo đảm an toàn, có hòa bình, luật pháp, trật tự, và chính nghĩa đang ở thế mạnh.

-     Cũng có nghĩa cho mọi người, mọi dân tộc được hòa bình tự do.

-     Kinh thánh nói về người vâng phục Thiên Chúa: “Người được phúc trong khi đi ra và được phúc trong khi đi vào.” (TL 28,6)

 -    Thánh vịnh đã tin quyết Thiên Chúa gìn gữi mình an toàn thoải mái lúc đi ra cũng như khi đi vào.

 -     Nói lên sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi bước đường của chúng ta.

  -     Khi khám phá được Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được một cảm thức về sự an toàn và bảo đảm cách tuyệt đối.

  -     Nếu đời sống đã ở trong tay Thiên Chúa như thế thì mọi lo âu sợ hãi đều tan biến, kể cả cái chết, kể cả hỏa ngục.

  -     Tuy nhiên đừng quên rằng, đã đến giờ mà chúng ta còn ở ngoài, cánh cửa đã khóa thì chẳng có cách nào vào được nữa; chỉ có thể trèo rào, trèo tường… nhưng đó là cách của kẻ ngoài đàn, kẻ phá hoại, trộm cướp… không được gì cả mà còn phải bị trừng trị nữa

2.  Con đường đã được mở:

 -     Khi Đức Giesu đề cập đến Ngài là cửa chuồng chiên, điều đó được hiểu chỉ nhờ Ngài và chỉ qua Ngài, loài người mới có thể đến với Thiên Chúa.

 -     Nghĩa là Đức Giesu đã mở cửa, mở đường để con người đến được với Thiên Chúa nhân từ.

 -     Đừng nghĩ Thiên Chúa như một người rất xa lạ, một quan tòa nghiêm khắc hay một kẻ thù…

-      Cần lưu ý rằng, Đức Giesu không có ý nói tới dòng tiếp nối vĩ đại của các tiên tri, các vị anh hùng đạo đức chân thành trung tín, mà Ngài muốn nói đến những kẻ phiêu lưu chính trị, bạo động vẫn thường nổi lên tại Palestine, hứa hẹn sẽ đưa dân chúng, đất nước đến thời đại hoàng kim. Tất cả những người này đều là những người gây xáo trộn, nổi loạn, dùng bạo lực để mong đọat chính quyền.

 -      Rồi nhiều người tự xưng là tiên tri, lãnh tụ này nọ do Thiên Chúa gởi tới.

 -      Những con đường họ vạch ra chỉ đưa đến chỗ xa cách Thiên Chúa mà thôi.

 -      Thời ấy và cả ngày nay, vẫn có nhiều người tin rằng đi đến thời đại hoàng kim phải bằng bạo hành, bằng đấu tranh giai cấp, bằng khủng bố, hận thù, hủy diệt…

 -      Còn thông điệp của Đức Giesu, chính là con đường của tình yêu thương, là phương pháp duy nhất dẫn đến Thiên Chúa trên thiên đàng, và thời đại hoàng kim dưới mặt đất.

 -     Lời Ngài khẳng định “đường lối Ta là đường lối hòa bình, yêu thương; là con đường dẫn đến sự sống. Nếu các ngươi chịu theo đường lối của Ta, các ngươi sẽ ngày càng được gần gũi Thiên Chúa hơn.”

 -     Và: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

 -     Ngài muốn dẫn chúng ta tới sự sống thật, nên chúng ta hãy nghe theo sự hướng dẫn của Ngài.

 -     Ðức Giêsu biết rất rõ từng người chúng ta và yêu thương chúng ta vô cùng, đừng vì lẽ gì mà hồ nghi tình thương của Ngài.

 -    Ngài cũng đã chịu bìết bao đau khổ vì chúng ta, vậy chúng ta cũng phải mạnh mẽ tin tưởng, sẵn sàng đón nhận đau khổ đến từ mọi phía vì Ngài.

 -    Nhưng nhiều khi chúng ta bị phân tâm bởi những thú vui trần tục và bắt đầu dần dần chấp nhận não trạng không có Thiên Chúa, cũng như nhiều dân nhiều nước đã quên Thiên Chúa, trở nên một quốc gia vô thần, phi luân lý và mất ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa Tạo hóa trong đời sống đang phát triển ở thời đại này.

Lạy Chúa, Ngài là Chủ Chăn chân chính, vĩ đại, nhân từ mà Thiên Chúa sai đến, xin cưú chúng con khỏi sự giày vò xé nát thân xác chúng con cuả thần dữ Corona này, chúng con chịu hết nổi rồi, chúng con đã được một bài học đích đáng rồi, xin đừng làm lơ, mà hãy an uỉ chữa lành cho chúng con!

Xin Chúa cũng cho có nhiều thanh thiếu niên quảng đại dâng mình cho Chúa cùng gìn giữ Giáo Hội, hàng giáo phẩm, các linh mục, tu sĩ… can đảm, nhiệt thành, đi theo ánh sáng hướng dẫn của Ngài, hầu khôn ngoan chăn dắt đàn chiên của Ngài để đoàn chiên không bao giờ thiếu người chăm sóc dưỡng nuôi. Vì Đức Giesu, mục tử nhân lành của chúng con. Amen.

  Thân mến,
   duyehky



Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Những hòn đá nhỏ ‘thắp sáng’ khu phố Mỹ


Những  hòn  đá  nhỏ  ‘thắp  sáng’  khu  phố  Mỹ
Thứ sáu, 17/4/2020-VnExpress.net


Những viên đá nhỏ được sơn màu và viết thông điệp để cổ vũ mọi người trong thời gian cách ly xã hội. Ảnh: Kevin Baxter / Los Angeles Times.


Được sơn và vẽ hình ngộ nghĩnh cùng thông điệp tích cực, những hòn đá xua đi sự chán nản trong bối cảnh mọi người phải ở nhà để phòng Covid-19.

Tại khu phố Santa Clarita, California, Mỹ, vài tuần qua, những hòn đá đầy màu sắc xuất hiện ngày càng nhiều. Chúng được giấu trên hàng rào, dưới những tán cây và bụi rậm, và dọc theo những bức tường đá.

Không chỉ được sơn màu rực rỡ, với nhiều hình ảnh thú vị như một con bọ rùa, lá cờ Mỹ, cầu vồng, những hòn đá này còn mang theo thông điệp khích lệ mọi người như "Stay home" (ở nhà), "Be kind" (Hãy thật tốt bụng).

Đối với một số người, tìm kiếm những hòn đá này mang lại cảm giác giống như săn lùng trứng Phục sinh. Rảo bước quanh khu phố cũng là một cuộc khám phá.

Những hòn đá nhiều lên sau mỗi đêm. Các nghệ sĩ vô danh, giống như chú thỏ Phục sinh, gieo những điều bất ngờ dưới bóng tối để mọi người tìm thấy vào sáng hôm sau. Các hòn đá có kích cỡ từ bằng một phần tư đến lớn hơn bàn tay.

Màu sắc, thông điệp tích cực và hình ảnh ngộ nghĩnh của chúng đã "thắp sáng" khu phố.

"Chúng thật tuyệt. Chúng tôi rất thích thấy những hòn đá được moi ra khỏi chỗ giấu", một phụ nữ vui vẻ nói khi cô đi dạo với chú chó và hai con nhỏ.

Không ai hạnh phúc hơn Billy, chú chó chihuahua lai labrador, hiếm khi ra khỏi nhà trước khi những hòn đá bắt đầu xuất hiện. Nhiệm vụ tìm kiếm để không hòn đá mới nào bị lấp trở thành lý do chủ nhân của Billy đưa nó đi dạo.

Hiện tượng tương tự cũng diễn ra ở Thousand Oaks, cách đó khoảng 50 dặm. Tại đây, nhiều viên gạch với những thông điệp đầy cảm hứng đã bắt đầu xuất hiện ở đoạn đường Calle Yucca, nơi thường có nhiều người đi bộ.

Các viên gạch lớn, mỏng, màu nâu cách nhau khoảng 400 mét được đặt trên mặt đất hoặc tựa vào cây với các thông điệp như "Sau cơn mưa trời lại sáng" và "Lùi một bước, tiến hai bước", cùng với hình vẽ cầu vồng và những hình đầy màu sắc khác.

Ở Santa Clarita, những tảng đá ban đầu đều là một loại - cùng một loại sơn, cùng kiểu chữ viết nguệch ngoạc - và nằm ở một góc của khu phố. Nhưng sau đó ý tưởng này bắt đầu lan truyền thành một dự án nghệ thuật cộng đồng.

Nhiều nghệ sĩ khác đã tham gia, cho ra đời những hình vẽ, cách sơn, hình dạng, kích thước và chủ đề trên những hòn đá đa dạng hơn.

Một số còn rất sáng tạo như hình một con rùa biển, Đảo Phục Sinh.


Robert Clarke và vợ bên những tác phẩm của họ. Ảnh: Kevin Baxter / Los Angeles Times.

Clarke, 70 tuổi, cũng tham gia vào phong trào này. Ông tạo ra những tác phẩm tương tự sau khi được truyền cảm hứng từ những viên đá mà ông tìm thấy trên đường đi bộ hai lần mỗi ngày với chú chó Bia của mình.

"Chúng tôi rất thích nhìn thấy chúng", ông nói về những viên đá.

Giờ ông đã nghỉ hưu, có thời gian và một sân sau đầy những viên đá mịn màng hoàn hảo để vẽ, Clarke quyết định tham gia phong trào cùng với nhiều bạn bè khác. Ông khuyến khích cả trẻ em trong khu phố tham gia.

Với bằng cử nhân kiến trúc từ Đại học công nghệ Texas Tech và thạc sĩ về nghiên cứu nghệ thuật và thiết kế Nhà thờ Đức Bà, ông đã tạo ra những tác phẩm rất ấn tượng.

Những sáng tạo của ông đã xuất hiện trên một bức tường gạch bên dưới lối dành cho người đi bộ gần trường trung học Valencia. Ông dự định sẽ tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập cho đến khi lệnh ở nhà được dỡ bỏ hoặc những hòn đá trong sân của ông không còn nữa.

"Đây là một niềm vui, bạn biết đấy. Một việc làm tích cực...tạo ra nụ cười trên khuôn mặt của bạn trong thời điểm khó khăn", ông nói.

Con đường cụt nơi Clarkes sống trong ba năm qua giờ đây được trang trí bởi rất nhiều viên đá nhỏ, có màu sắc rực rỡ.

Ánh Dương (Theo Los Angeles Times)


Bổ Sung Nước Có Lợi Cho Sức Đề Kháng


Bổ Sung Nước Có Lợi Cho Sức Đề Kháng Phòng Chống Virus Corona Trong Ngày Lạnh
Đăng bởi Con Là Đá -10 February, 2020

Bổ sung nước có lợi cho sức đề kháng phòng chống virus Corona trong ngày lạnhgiao-tgp-sai-gon-ve-phong-chong-benh-viem-duong-ho-hap-cap.html


Vào mùa đông cơ thể chỉ cần mất đi 5% nước mà không được bổ sung kịp thời thì da sẽ bị nhăn nheo, cơ bắp cũng mềm yếu, trao đổi chất bị ngưng trệ, con người có cảm giác mệt mỏi… thậm chí còn phát sinh rất nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác.


Nhiều người vẫn nghĩ rằng mùa đông lạnh khiến cơ thể không bị mất nước, ra mồ hôi nhiều như mùa hè. Tuy nhiên, trên thực tế con người vẫn bị mất nước trong khoảng thời gian này.
Theo các chuyên gia y tế, một người khoẻ mạnh có lượng nước chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể. Vào mùa đông tuy cơ thể ít ra mồ hôi nhưng ở một người trưởng thành vẫn có khoảng 600 ml nước mất đi qua da. Theo lý giải của chuyên gia này, trong quá trình hô hấp, hai lá phổi thu nạp khí ôxy, thải ra CO2 phải giữ cho bề mặt ẩm ướt, mỗi ngày chỉ riêng việc này cũng làm cho cơ thể mất đi khoảng 500 ml nước.
Bên cạnh đó, việc tiêu hao nước hàng ngày còn qua đường tiểu tiện. Trung bình mỗi ngày lượng nước cơ thể đào thải khoảng 2500 ml, trong khi đó chỉ có khoảng 1000 ml nước được bù đắp từ các thực phẩm ăn vào, 300 ml nước có được thông qua quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Do đó, khoảng 1200 ml nước còn lại bắt buộc phải nhờ vào việc ăn uống
Bác sĩ khuyến cáo, vào mùa đông cơ thể chỉ cần mất đi 5% nước mà không được bổ sung kịp thời thì da sẽ bị nhăn nheo, cơ bắp cũng mềm yếu, trao đổi chất bị ngưng trệ, con người có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, váng đầu, thậm chí còn phát sinh rất nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác.

Bổ sung nước đúng cách trong mùa đông lạnh

Vào mùa lạnh, tốt nhất bạn nên uống nước ấm khoảng 25-30 độ C. Nước ấm rất có lợi cho cơ thể. Nó giúp tăng quá trình trao đổi chất, nhờ đó mà hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra, uống nước ấm còn có thể ngăn ngừa lão hóa và làm lành các tế bào đang tổn thương.

Khi uống nước nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ. Không nên uống quá nhiều trong một thời điểm mà chia ra nhiều lần nhỏ trong ngày để uống:

Thức dậy vào buổi sáng

Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng trong y học hiện đại, việc uống một cốc nước lọc vào buổi sáng ngay khi vừa thức dậy có thể ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm. Trải qua giấc ngủ sau 1 đêm, cơ thể đã mất đi một lượng nước nhất định. Do vậy việc cung cấp nước cho cơ thể ngay khi thức giấc sẽ giúp bù đắp lượng nước đã mất, đồng thời giúp bài tiết, thải độc và tăng cường lưu thông máu hiệu quả.

Từ 9 giờ – 11 giờ sáng

Trong thời gian làm việc, đừng quên uống nước. Trong thời gian này, hoạt động thể chất của chúng ta sẽ tăng đáng kể, nhu cầu được cung cấp nước cũng tăng lên. Nhiều người muốn giảm nhu cầu đi vệ sinh nên đã lựa chọn uống ít nước và điều này thật sự không tốt cho sức khỏe.

Khoảng một giờ sau bữa ăn

Sau khi ăn, bổ sung nước đúng cách có thể giúp chúng ta tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, độ nhớt của máu sau mỗi bữa ăn sẽ tăng lên rất cao. Vì vậy, hãy căn thời điểm 1 giờ sau khi ăn để uống 1 cốc nước vừa giúp ích cho đường ruột lại làm giảm độ nhớt của máu, rất có lợi cho sức khỏe.

Uống trước khi ngủ

Uống nước trước khi đi ngủ có tốt không là câu hỏi nhiều người quan tâm. Đa số mọi người lo uống nước trước khi đi ngủ sẽ khiến ngủ không ngon giấc do phải đi vào nhà vệ sinh lúc nửa đêm.

Song, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trước khi đi ngủ uống một cốc nước hoặc lượng vừa đủ có thể giúp cơ thể ngậm nước, đốt cháy calo, loại bỏ độc tố và giúp bạn ngủ ngon hơn.




NÊN THÁNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI


NÊN  THÁNH  ĐỐI  VỚI  NGƯỜI  CAO  TUỔI
04/03/2020-conggiaovn

Tuổi già là tuổi có phúc, vì không phải ai cũng được sống đến già và có tuổi thọ. Tuổi già là tuổi mãn nguyện, vì được sống đến ngày nhìn "con đàn cháu đống" sum vầy hạnh phúc. Tuổi già là tuổi an nhàn, vì chỉ ở tuổi già mới được nghỉ ngơi, không vướng bận chuyện sinh nhai, cơm, áo, gạo, tiền. Tuổi già là tuổi vượt lên tất cả, khi không còn loanh quanh trong vòng cương toả của "tham, sân, si", không mù loà trên mê lộ tranh giành, bon chen, đấu đá. Tuổi già là tuổi tự tại, vì đã nếm đủ mùi nhân sinh, trải nghiệm đủ ngọt, bùi, đắng, cay của kiếp người, ra vào đủ cửa sinh tử của đời người thăng trầm, ngang dọc.

Theo truyền thống Thánh Kinh, tuổi già là phúc lành của Thiên Chúa. Người đầu bạc là người đáng kính trọng. Ý thức sự sống là quà tặng của Trời sẽ giúp ta chân nhận tuổi già là tuổi vàng quý giá mà không phải ai muốn cũng được, dù có "tiền rừng bạc bể". Nhận ra tuổi sống là ơn huệ của Trời, con người mới thực sự trân quý tuổi già với niềm tri ân sâu xa và niềm vui được sống thọ.

Tuổi già cao quý như thế, nhưng tuổi già cũng nhiều đắng cay. Có nhiều người cao niên sống an nhiên tự tại, vui với thiên nhiên đất trời, bỏ ngoài tai mọi thị phi tính toán. Tuy vậy, cũng có nhiều người tuổi xế chiều còn nhiều toan tính, chưa tìm được một bến đỗ bình an. Nên thánh đối với người cao niên chính là tìm ra ý nghĩa của cuộc sống vào lúc tuổi già, để sống tốt lành và an bình trước mặt Chúa và đối với mọi người.

1. Tuổi già và ơn gọi nên thánh
Nên thánh ở đây phải được hiểu là cuộc sống tốt lành trước mặt Chúa và thái độ sống mang tính nhân văn cao, có giá trị gương mẫu cho hậu thế. Ta có thể ghi nhận một vài nét thánh thiện cần thiết ở tuổi già:

     a - Thánh thiện ở tuổi già là cảm nhận ơn Trời trong suốt hành trình của cuộc sống
Nhìn theo lăng kính đức tin, cuộc sống của chúng ta được dệt nên bởi biết bao ơn lành Chúa ban. Dù cuộc sống có nhiều thăng trầm trôi nổi, không ai phủ nhận, họ đã lãnh nhận được nhiều ơn từ Trời, từ Thượng Đế, tự Tạo Hóa. Người Kitô hữu gọi đó Ngài là Thiên Chúa, là Cha yêu thương và là Đấng Quan phòng.

Càng có tuổi, người ta càng có tâm tình tôn giáo, mặc dù quan niệm và sự hiểu biết về tôn giáo có khác nhau. Tâm tình tôn giáo là tâm tình chính đáng và quan trọng trong đời sống con người. Con người là con người tôn giáo, nên khó có thể khước từ tâm tình tôn giáo rất tự nhiên và tiềm tàng sâu thẳm này. Lấy đi tâm tình tôn giáo, đánh mất lòng tri ân Trời là làm tê liệt cơ năng hướng thượng cao quý nơi con người. Ở vào tuổi sắp về Trời, người già càng cảm nhận mãnh liệt hơn ơn Trời luôn tuôn đổ phủ kín cuộc đời họ.

Từ tâm tình tri ân, người già làm sinh động tháng ngày già của mình bằng cầu nguyện. Cứ nhìn các cụ thầm thĩ cầu nguyện, tay mân mê tràng hạt, mắt nhắm nghiền sốt sắng cầu kinh, ta sẽ thấy tâm tình tôn giáo là nhân tố quan trọng làm cho tuổi già được quân bình, tự tại.

     b - Thánh thiện ở tuổi già là xác tín: không bao giờ mất khả năng yêu thương
Bước vào tuổi già, người già có thể mất nhiều khả năng, trong đó có khả năng làm việc, khả năng tự lo cho mình, khả năng suy tư, khả năng sáng tạo, nhưng riêng khả năng yêu thương thì không bao giờ mất; bởi đây là khả năng đời đời sẽ theo con người đi qua thế giới bên kia. Chính vì thế, già vẫn yêu và già vẫn phải tiếp tục yêu. Không yêu, tuổi già sẽ vô nghĩa, vô vị, vì trống vắng chính căn tính của con người, đó là sinh ra để yêu thương.

Tình yêu thương giúp tuổi già không đầu hàng trước sức tàn phá kinh khủng của bệnh tật. Tình yêu đã làm cho tuổi già kiên cường, mạnh mẽ và cho tuổi già niềm vui sống, cũng như khát vọng được tiếp tục sống. Vì thế, thánh thiện của tuổi già là vẫn nồng nàn yêu người, vẫn say mê yêu đời, vẫn thấy mình đáng yêu để tình yêu dào dạt trong trái tim tuổi già sẽ tràn xuống đời con cháu và cho con cháu hưởng vị ngọt quý báu của tình yêu tận hiến hy sinh mà tuổi già đã suốt đời ban tặng. Ở người già thánh thiện, da có nhăn nheo, mắt có mù loà, chân tay có run rẩy thì tình yêu vẫn thiết tha, mặn nồng, tinh ròng và với tình yêu "càng già càng quý", tuổi già tiếp tục là mùa xuân yêu thương cho mọi người, nắng xuân rạng rỡ cho thế giới.

     c - Thánh thiện ở tuổi già là thanh thản nhìn lên cao và nhận ra đường về Thượng Giới
Tuổi già là tuổi trên đường về cội nguồn và một ngày trôi qua là một ngày gần đích tới. Có những người già không muốn nhắc đến ngày về và sợ một ngày nhắm mắt xuôi tay. Dù sao thì chết cũng vẫn là một thực tại không thể tránh, một đe doạ không miễn trừ ai, một sự thực không gì có thể thực hơn mà con người phải đối diện. Người già thánh thiện vui vẻ đón nhận cái chết như định luật tất yếu của kiếp người: có sinh có tử, có đi có về. Chết với những người già thánh thiện là khoảnh khắc cần thiết và phải can đảm vượt qua. Chết là bước chân vượt qua ngưỡng cửa nối liền hai cuộc sống: bên này và bên kia, tạm bợ với vĩnh cửu, giới hạn với đời đời.

Thánh nhân là người không sợ chết, vì hiểu được ý nghĩa và giá trị của sự chết. Người già để là thánh nhân, để được gọi là tuổi già thánh thiện cũng phải sắm cho mình thái độ tự tại, thanh thản, an bình trước cái chết như các bậc thánh nhân này. Chấp nhận mình sẽ chết là cách sống đẹp nhất, vì có biết mình sẽ chết, người ta mới biết sống ngày hôm nay đẹp hơn hôm qua, và ngày mai sẽ đẹp hơn hôm nay.

2 - Lòng bao dung của tuổi già

     a - Tuổi già bao dung và chấp nhận và phó thác
Bao dung là nét đẹp cao quý của tâm hồn yêu thương, quảng đại, hào sảng, cao thượng ... Bao dung làm tăng giá trị nhân cách và đem lại an bình sâu thẳm trong trái tim cưu mang nó. Người có lòng bao dung là người dễ thương vì tình thương của họ được đặt trên đầu óc, môi mắt, tay chân. Chính vì tràn ngập yêu thương mà người bao dung toả sáng yêu thương một cách đơn sơ, dễ dàng, không vẽ vời, lễ nghi, kiểu cách. Tắt một lời, bao dung là tình thương ở độ cao, là yêu thương ở mức bền bỉ, là cảm thương ở trạng thái cực kỳ bén nhạy.

Cùng với sự đổi thay của tuổi tác, thế giới cũng đang thay đổi từng ngày. Những quan niệm, lối sống, sở thích của thế hệ trẻ không còn giống như thời của các cụ ngày xưa. Người cao tuổi cần phải nhận ra điều ấy, để có lối ứng xử phù hợp, không bảo thủ và khư khư giữ quan niệm thói quen của mình, nhưng biết chấp nhận quan điểm và lối sống của người khác, tạo nên mối hài hòa trong đời sống gia đình. Như thế, những khác biệt của các thế hệ không phải là lý do để sinh mâu thuẫn và xung đột, nhưng làm cho cuộc sống thêm phong phú đa dạng và tốt đẹp hơn.

Trước những tiếc nuối quá khứ, những bấp bênh hiện tại, những lo lắng tương lai, tuổi già cần phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác để được bình an. Phó thác để được thư thái và mạnh dạn bước đi những cây số sau cùng của hành trình đời người. Phó thác để vui sống khi biết mình sẽ không bao giờ chết nữa sau ngưỡng cửa của sự chết sắp phải bước qua. Phó thác để trở thành tình yêu sống động có sức đổi mới, hoà giải, nối kết mọi người. Phó thác để tìm gặp chính mình trong vòng tay đời đời của Thiên Chúa. Và phó thác để đọc được trong mỗi chiếc lá vàng của tuổi già sức sống mơn mởn trong mùa xuân dĩ vãng và cả màu xanh ngát của nó trong mùa hè vừa mới qua đi.

     b - Khi bao dung với mình, bao dung với người, tuổi già sẽ biết ơn Thượng Đế
Khi bao dung với mình, bao dung với người, tuổi già sẽ biết ơn Thượng Đế; bởi tâm tình biết ơn Trời sẽ chỉ xuất phát từ lòng bao dung trước đó đã dành cho mình và cho người khác. Lòng biết ơn Trời không thể tự nhiên thành hình và ngẫu nhiên xuất hiện, nhưng cần lòng bao dung như đất tốt để hạt biết ơn nảy mầm và lớn lên. Biết ơn Trời là thái độ xứng đáng, cao đẹp của tuổi già "tri thiên mệnh"; nghĩa là tương quan giữa người già với Trời lúc này phải là tương quan thân thiết, tương quan yêu thương, tương quan hợp tác, tương quan ơn nghĩa sâu đậm. Và biết ơn biểu hiện sống động tương quan cao quý, thánh thiện này.

Đàng khác, biết ơn Trời sẽ nói lên gắn bó ân tình giữa Trời và người già. Tuổi già hôm nay không còn lo sợ ngày mai không đường về, tương lai vô vọng, không quê hương, đất hứa; nhưng có Trời gần bên, có Trời hiện diện, có Trời trong đời sống, người già cảm thấy an tâm, vững dạ khi ngày mai, ở cuối đường đời là vòng tay yêu thương đời đời của Trời chờ đón. Hạnh phúc được yêu thương bởi Trời, niềm vui được biết ơn Trời sẽ đảm bảo thiên đàng của tuổi già và cho người già niềm hy vọng ngày mai thuyền đời chắc chắn sẽ cập bến bờ Vĩnh Phúc.

     c - Sống mẫu mực để noi gương cho con cháu
Người cao tuổi đã có nhiều kinh nghiệm đúc kết trong cuộc sống. Những suy tư và quyết định của họ đều mang tính chất chín chắn và từng trải. Thế hệ trẻ hôm nay rất mong đón nhận những bài học thiết thực từ thế hệ đi trước. Cách ứng xử của các bậc ông bà, cha mẹ luôn luôn phải là những mẫu gương, góp phần hình thành nhân cách nơi người trẻ. Nhờ những người cao tuổi, thế hệ trẻ hiểu được truyền thống văn hóa và chắt lọc những tinh hoa của cuộc sống, đồng thời áp dụng trong cách đối nhân xử thế hằng ngày. Cũng nhờ thế hệ cao niên, giới trẻ và thiếu nhi Công giáo thừa hưởng truyền thống đức tin được tôi luyện trong thử thách của một thời khó khăn khốc liệt của Giáo Hội miền Bắc, trong những năm tháng thiếu thốn nhân sự và những hạn chế của xã hội đối với những sinh hoạt của các cộng đoàn.

Khi thao thức chuyển tải cho các thế hệ tương lai truyền thống văn hóa và đức tin, người cao tuổi cảm thấy đời mình có ý nghĩa, ngay cả lúc “da mồi tóc bạc” và gần đất xa trời. Qua những việc làm có ý nghĩa này, những người cao niên đang cộng tác vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, đem lại cho tuổi già niềm vui.

Kết luận
Ngày 31 tháng 1 năm 2020, trong buổi tiếp kiến dành cho Đại hội quốc tế về mục vụ cho người cao tuổi tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết “Tuổi già là sự phong phú của những người đã trải qua những năm tháng kinh nghiệm và lịch sử. Đó chính là kho tàng quý giá được hình thành trong hành trình cuộc sống của mỗi người, nam cũng như nữ, bất kể họ thuộc nguồn gốc, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế nào. Bởi vì cuộc sống là một ân huệ, khi cuộc sống kéo dài, đó tức là một đặc ân, cho bản thân của như cho những người khác”.
Chúng ta hãy trân trọng tuổi già, vì tuổi già là hồng phúc Thiên Chúa ban tặng. Những ai còn ông bà, cha mẹ hãy nhận ra nơi các ngài là suối nguồn ơn phúc của Chúa. Một khi nhận ra giá trị của tuổi cao niên, chúng ta vừa tạ ơn Chúa, đồng thời sống cho trọn đạo làm con. Ước mong những người cao niên luôn sống phó thác, thanh thản và làm gương sáng cho các thế hệ tương lai. Đó chính là bí quyết để nên thánh.

+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên