Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Chết trong thời đại dịch Covid-19 thật thiệt thòi!



Chết  trong  thời  đại  dịch  Covid-19  thật  thiệt  thòi!
Thứ ba - 07/04/2020


    
Không ai được quyền chọn cho mình ngày sinh ra và cũng không ai có quyền chọn cho mình ngày chấm dứt cuộc đời. Ngày sinh hay ngày tử tuỳ thuộc vào Bề Trên. Tuy nhiên, dù không được chọn ngày sinh và ngày tử, nhưng chết trong thời gian đại dịch Covid-19, thì quả là thiệt thòi lớn cho cả người sống lẫn người chết.

Trước hết, người chết và tang quyến chịu thiệt thòi vì không có hội đoàn thăm viếng hay cầu nguyện nếu người đó là người Công giáo. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để phòng chống dịch bênh lây lan, mọi người hạn chết tiếp xúc xã hội. Nếu không có việc gì quan trọng, không được tập trung quá hai người ngoài những nơi quy định như: công sở, trường học..., nhưng phải đảm bảo an toàn trong việc tiếp xúc. Ngay trong giáo hội, các cha xứ, anh chị em giáo dẫn cũng được hướng dẫn của Đức cha không tập trung đông trong các sinh hoạt giáo xứ như: thánh lễ, tĩnh tâm, học giáo lý... Vì thế, một ai đó qua đời vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, không được nhiều người đến phúng viếng và cầu nguyện tại gia là điều đương nhiên.

Thứ đến, người Công giáo không được đưa đến nhà thờ để hiệp dâng thánh lễ cuối cùng, còn được gọi là thánh lễ an táng. Một trong những quyền lợi căn bản đồng thời cũng là ân huệ lớn lao của người tín hữu là được lãnh nhận bí tích Rửa tội tại nhà thờ khi mới chào đời và khi chấm dứt cuộc đời, được hưởng một thánh lễ an táng tại nhà thờ trước khi về với lòng đất. Những ân huệ này thiêng liêng và cao quý biết bao! Tuy nhiên, ở thời điểm này, linh cữu của người chết sẽ không được đưa đến nhà thờ, càng không được hiệp dâng thánh lễ cuối cùng để được tiễn biệt đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thật xót xa, nhưng biết làm sao. Các cha xứ chỉ dâng thánh lễ riêng cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất và cho tang gia mà thôi.

Sau nữa, ở vào thời điểm khó khăn này, những người thân ở xa cũng không thể về bên người thân để báo hiếu người thân được. Người ta vẫn nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”, người thân qua đời thì dù ở xa hay ở gần, thuận lợi hay khó khăn, các mối liên hệ tốt hay xấu, thì con cháu cũng phải bỏ qua để về bên người đã khuất và chịu tang. Ấy thế mà trong hoàn cảnh này, người thân ở xa có thể là con cháu vẫn không thể về. Trong dịp này, giáo xứ tôi đang phụ trách cũng có những anh chị em tín hữu qua đời. Người thân của họ nói với tôi: Thưa cha, chết ở thời điểm này thiệt thòi thật! Anh em con cháu ở xa không thể về. Mọi người phải chờ đợi hết dịch rồi mới về, tập trung dâng thánh lễ cho mẹ chúng con. Anh chị em ăn với nhau bữa cơm để khích lệ nhau vượt qua nỗi đau mất mát này trong niềm tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa”.

Một thiệt thòi lớn hơn nữa sẽ đến với người chết vì corona virus. Sau khi qua đời, người đó bị nhanh chóng đem đi chôn cất hoặc hoả táng. Không ai dám đến gần, thậm chí cả người thân, vì sợ lây nhiễm. Không chỉ người thân đau khổ mà mọi người xung quanh cũng hoang mang xa lánh vì sợ dịch bệnh lây lan.

Sự ra đi của một con người đã là thiệt thòi, mất mát rất lớn cho người còn ở lại. Tuy nhiên, sự thiệt thòi mất mát ấy càng tăng lên ở thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Một cha bạn nói với tôi rằng, xin cha cầu nguyện cho bà ngoại con đang lâm bệnh. Chúng con sẵn sàng đón nhận sự ra đi của bà ngoại, nhưng xin Chúa cho bà được sống qua đại dịch bởi chỉ khi nào bà ra đi trong thời bình an, gia đình mới lo cho bà được tươm tất. Nguyện xin Chúa gìn giữ mọi tín hữu trong đại dịch và xin Chúa đẩy lui đại dịch để nhân loại được sống trong an bình và nếu có chết thì cũng được chết trong thanh thản mà không phải quá khắc khoải lo âu.

Giuse Văn Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét