Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Dẫu biết mệnh trời vẫn phải dốc sức tận trách



Dẫu  biết  mệnh  trời  vẫn  phải  dốc  sức  tận  trách
Thiên Cầm•Chủ Nhật, 19/04/2020 • trithucvn.net


Tôn giáo tín ngưỡng thường giảng rằng số mệnh con người đã được xếp đặt sẵn, được an bài từ trước. Có người không tin, cho rằng nếu thực là như vậy thì người ta việc gì phải dốc sức cố gắng. Thực ra con người ngoài việc thuận theo mệnh trời ra, điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải sống tận tụy với trách nhiệm của chính mình. Bởi vì giả như số mệnh có thực, thì không chỉ kết quả là được an bài, mà cả quá trình cũng phải được sắp xếp. Không có quá trình thì cũng sẽ không có kết quả. Có làm thì mới có ăn, đó mới hợp với đạo Trời vậy.

Giả như số mệnh có thực, thì không chỉ kết quả là được an bài, mà cả quá trình cũng phải được sắp xếp.

Kỷ Hiểu Lam trong cuốn “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” đã ghi lại một câu chuyện kỳ lạ về Lý Vệ:

Lý Vệ là người Đồng Sơn, tỉnh Giang Tô. Vào thời Khang Hy, ông được thăng chức làm Lang Trung Bộ Hộ. Tới thời Ung Chính, ông được tín nhiệm và trở thành sủng thần của Ung Chính. Ông tuy học hành không nhiều nhưng lại vô cùng tài ba.

Trước khi Lý Vệ chưa làm quan, một năm nọ, ông đi thuyền qua sông, trên thuyền còn có một vị đạo sỹ.

Lúc đó vì vấn đề chi phí, một người cãi nhau với thuyền phu. Vị đạo sỹ thở dài nói: “Hài, sống chẳng được bao lâu, hà tất phải kỳ kèo vài đồng bạc?” Ngụ ý rằng khi đối diện với sinh tử, lại đôi co vì mấy đồng bạc lẻ, quả thực không đáng.

Một lúc sau, người cãi nhau với thuyền phu vô tình bị cánh buồm quẹt phải, ngay lúc ấy y rơi xuống nước và chết đuối. Sau khi sự việc xảy ra, Lý Vệ nhớ tới những lời vị đạo sỹ đã nói trước đó, thầm nghĩ người này quả thực không tầm thường.

Khi thuyền đi tới giữa dòng, đột nhiên một trận giông tố nổi lên, con thuyền chòng chành nghiêng ngả theo những con sóng dữ, chỉ trực lật nhào. Vị đạo sỹ vội vàng niệm chú cầu nguyện, rất mau chóng sóng yên biển lặng, mọi chuyện bình thường trở lại. Hành khách trên thuyền có thể bình an qua sông. Lý Vệ liên tục bái lạy vị đạo sỹ nhằm cảm tạ ơn cứu mạng.

Vị đạo sỹ nói: “Người bị chết đuối vừa rồi, vì trong mệnh đã an bài rằng ông ta sẽ chết chìm, nên ta không thể cứu ông ta được. Ngài là bậc quý nhân, dẫu gặp phải khó khăn, hoạn nạn, cũng có thể bình yên qua sông. Đây là số phận, nên ta không thể không cứu. Có gì phải cảm tạ đây?”

Lý Vệ vẫn bái tạ một lần nữa mà rằng: “Xin được lĩnh giáo lời răn dạy của đại sư, cả đời này tôi sẽ an phận.”

Vị đạo sỹ nói:

“Cũng không hẳn là vậy. Một người nghèo khó hay có thể tung hoành ngang dọc, điều này cần nghe theo mệnh trời. Nếu không thuận theo số phận thì sẽ bôn ba tranh đấu, bon chen, đả kích, bất chấp thủ đoạn. Ví như Lý Lâm Phủ và Tần Cối(*) nếu không hãm hại trung lương thì cũng có thể được làm tể tướng. Họ hãm hại trung lương, chỉ là vô duyên vô cớ mà tăng thêm tội nghiệp cho bản thân mà thôi.

Còn về chuyện đại sự liên quan tới quốc kế dân sinh, thì đừng dễ dàng nghe theo thiên mệnh. Trời đất giáng sinh người hiền tài, triều đình thiết lập bách quan, đều là cách để bù đắp lại vận số. Nếu trong tay nắm đại quyền, nhưng cả ngày không làm gì, phó mặc hết thảy cho số phận, vậy thì trời sinh người tài cán làm chi, triều đình hà tất phải thiết lập các chức vị?”

(*) Hai gian thần nổi tiếng
trong lịch sử Trung Quốc

Lý Vệ cung kính, cẩn trọng tiếp nhận lời giáo huấn và bái lạy hỏi danh tính vị đạo sỹ. Đạo sỹ nói: “Ta nói ra chỉ e ông thất kinh.”

Ông bước xuống thuyền đi được vài chục bước thì đột nhiên biến mất. Sau này Lý Vệ đã kể về chuyện này với người khác.

Chuyện này do một người tên Minh Thịnh đích thân nghe được, sau này ông tới huyện Hiến làm huyện lệnh. Minh Thịnh muốn lật lại một vụ án oan, nhưng lại lo lắng cấp trên không phê chuẩn, nên vẫn còn do dự. Sau này một vị công sai trong huyện nhắc Minh Thịnh nhớ tới chuyện xưa của Lý Vệ. Trong lòng ông bỗng chốc sáng tỏ, thân là quan phụ mẫu tại địa phương, ông chỉ cần suy xét tới các vụ án có oan sai hay không, chứ không nên hỏi cấp trên có phê duyệt cho mình lật lại vụ án hay không.

Thời xưa khi Khổng Tử và học trò Tử Cống đi qua cổng thành, người gác cổng hỏi Tử Cống: “Ông từ đâu đến?” Tử Cống đáp: “Ta tới từ chỗ Khổng Tử”. Người gác cổng nói: “Có phải người biết rõ không thể làm mà vẫn cố làm không?”. Vào thời Xuân Thu, không phải tất cả mọi người đều hiểu việc Khổng Tử chu du các nước, những người bình thường đều cho rằng như vậy là ngốc. Nhưng Khổng Tử vẫn kiên trì con đường của mình và thành tựu nên những điều thật lớn lao.

Lại nói như việc Gia Cát Lượng, mặc dù biết thế nhà Hán đã mất, lại dự đoán được tương lai Thục sẽ thua, nhưng vẫn nói: “Cúc cung tận tuỵ, tới chết mới thôi.” Ông nỗ lực một đời cho nhà Thục, để lại cho hậu nhân một chữ “Nghĩa” sâu sắc.

Việc thành công, thuận lợi hay không, không thể đoán biết chỉ dựa vào tài trí. Nhưng tận trách lại là học vấn tu thân, dưỡng tính của bậc thánh hiền. Đây mới là chân chính thuận theo mệnh trời.

Vậy nên không thể hoàn toàn phó mặc mọi sự cho mệnh trời, cần dốc sức làm tốt những việc trong phận sự của mình, đồng thời vẫn phải chú trọng tu thân, dưỡng tính.

Thiên Cầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét