TƯƠNG QUAN THẦY THUỐC, BỆNH NHÂN
Bác
sĩ Nguyễn Ý Đức
Tuổi dù cao, mà không bệnh
hoạn, thì sức khỏe tương đối vẫn còn khả quan.
Tuy nhiên cơ thể về già,
cũng như cái máy xe hơi chạy trên trăm ngàn dặm, có những bất thường, chẳng giống
ai. Ta mất đi một số khả năng thích ứng với ngoại cảnh và bệnh tật, nên đã đau
thì thường trầm trọng hơn và kéo dài lâu hơn. Dấu hiệu bệnh không giống như ở
người trẻ. Chẳng hạn khi sưng phổi thì ta hay than phiền mệt mỏi, yếu sức toàn
thân, rối loạn tâm thần, còn người trẻ thì có triệu chứng rõ ràng như ho, nóng
sốt.
Phản ứng của ta với bệnh
tật cũng khác. Nhiều người có bệnh mà không nói ra vì tính tình chịu đựng, đôi
khi nghĩ là dù có khai với bác sĩ, ông ta lại bảo tại già nó vậy, hoặc e ngại
bác sĩ sẽ thực hiện nhiều thử nghiệm, lấy máu, phiền phức, đau đớn.
Một số người cao tuổi có
nhiều bệnh, uống nhiều thuốc khác nhau do nhiều bác sĩ cho toa. Họ cũng thường
đi khám bác sĩ nhiều hơn người ở các tuổi khác. Những phức tạp, khác với bình
thường đó đặt ra vấn đề tương quan giữa thầy thuốc và bệnh nhân, sao cho đôi
bên đều thỏa mãn trong tình nghĩa phúc chủ, lộc thầy.
Sự đào tạo bác
sĩ
Với bệnh nhân, thầy thuốc
là người sẽ định bệnh, làm giảm sự đau đớn, cho biết diễn tiến bệnh, phục hồi
khả năng đã mất, và phương cách ngừa bệnh tái phát. Người bệnh, khi đã lựa được
thầy thuốc thích hợp, thì đặt mọi tin tưởng vào thầy thuốc, và mối tương quan sẽ
tốt đẹp. Để lựa một lương y, ta cần biết về thành tích chuyên môn cũng như đức
độ của họ.
Ngày nay, bác sĩ đều được
đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế với 4 năm dự bị, 4 năm y khoa rồi từ 3 tới 5
năm chuyên khoa để được coi như tinh thông y nghiệp.
Người bác sĩ đầu tiên mà
ta tiếp xúc mỗi khi đau ốm là thầy thuốc riêng của mỗi gia đình. Vị này có thể
là chuyên ngành y khoa gia đình, nội khoa, nhi khoa, phụ khoa hay giải phẫu tổng
quát. Họ đươc huấn luyện để khám và trị căn bản, rồi sau đó nếu cần sẽ gửi đi
chuyên khoa riêng biệt. Họ còn giúp ta phòng ngừa bệnh tật, như chích ngừa, làm
thử nghiệm tìm ung thư tử cung, nhiếp hộ tuyến, thử máu kiểm soát lượng
cholesterol, đường trong máu. Những tiểu giải phẫu như khâu vết thương, mổ một
mụn nhọt cũng được họ thực hiện ngay tại phòng mạch. Họ cũng chữa các bệnh
thông thường về ngũ quan.
Với kiến thức tổng quát rộng,
họ sẽ là người phối hợp việc trị bệnh của
ta với các bác sĩ chuyên khoa từng bộ phận, giải quyết những ý kiến khác nhau về
cách điều trị. Thường thường, họ rất dè dặt, cẩn thận trong việc trị bệnh.
Các bác sĩ chuyên môn
riêng biệt đều được huấn luyện thêm vài năm về bệnh của một bộ phận cơ thể. Có
bác sĩ chuyên về ngoài da, dị ứng, đường ruột, tim mạch, tiết niệu, xương khớp…
Họ thường phải qua một kỳ thi để được chính thức công nhận và giới thiệu tước vị
chuyên môn.
Ngoài kiến thức rộng, cập
nhật hóa về bệnh, họ còn sử dụng các kỹ thuật khám phá, truy tầm nguyên nhân bệnh
tân kỳ hơn, cần khéo tay, kinh nghiệm hơn, như kỹ thuật thông tim, cắt một nhúm
tế bào ở thận, ở phổi, ở gan, nhìn vào ống phổi, ruột non, ruột già, hay khâu vết
thương nhỏ trên võng mạc. Ta cần các bác
sĩ này khi có một bệnh hiếm hay biến chứng mà bác sĩ gia đình ngần ngại giải
quyết, hoặc sau thời gian điều trị, bệnh không thuyên giảm, hoặc ta cần những
thử nghiệm ngoài phạm vi của bác sĩ gia đình.
Chúng ta đừng e dè khi gợi
ý xin tham khảo chuyên môn vì bác sĩ gia đình thường rất vui vẻ giới thiệu, hơn
nữa họ cũng không muốn bị liên lụy pháp lý nếu có chuyện gì xảy ra cho người bệnh.
Từ vài thập niên vừa qua,
đã có một số bác sĩ chuyên về lão khoa, hoặc qua vài năm huấn luyện chính thức,
hoặc do kinh nghiệm điều trị người già. Số bác sĩ này vẫn còn rất ít, nên thường
được sử dụng trong việc săn sóc người cao niên yếu đuối với một nhóm chuyên
viên về lão bệnh như người làm công tác xã hội, y tá, dinh dưỡng viên, chuyên
viên phục hồi, dược sĩ…để đánh giá khả năng sinh hoạt, tình trạng sức khỏe của
người già yếu đuối, đề nghị một chương trình săn sóc, điều trị hầu mang lại một
số chức năng cho quý vị này.
Lựa chọn bác sĩ
Nói đến đức độ, thì người
ta lại nghĩ đến câu “lương y như từ mẫu”. Người mẹ hiền đức ngọt ngào, nhẹ
nhàng với con, nhưng không quá nuông chiều, hiểu con, sẵn sàng cho con, chỉ dậy
cho con từ đường đi nước bước, sao cho con trở nên người. Một lương y cũng cần
có một vài đức tính của người mẹ hiền, vì khi đau ốm, ta trở nên bất lực và phụ
thuộc, như đứa trẻ thơ.
1- Kinh nghiệm.
Kinh nghiệm thâu lượm qua
sự việc đã gặp, đã làm. Một bác sĩ tốt gặp trường hợp bệnh mới, phải tham khảo
sách báo, đồng nghiệp, suy nghĩ lung trước khi định bệnh, rồi ra đơn thuốc. Gặp
bệnh đó vài lần, trở thành có kinh nghiệm, lần sau thấy là chẩn đoán, điều trị
tức thì. Cũng như một bác sĩ giải phẫu giàu kinh nghiệm, một mình trên bàn mổ,
có thể thay đổi chiêu thức đường dao để hoàn thành trường hợp mổ khó khăn.
Tuổi tác không phải là bảo
chứng của kinh nghiệm, vì người thầy thuốc gìa vẫn có thể phạm cùng một lỗi lầm
nhiều lần. Vì thế, khi có bệnh khó, ta nên đến bác sĩ được biết có kinh nghiệm
về bệnh đó, ta sẽ được săn sóc đúng thầy đúng thuốc.
2- Danh tiếng.
Nổi tiếng có thể hoặc xấu
hoặc tốt. Nổi danh về y nghiệp, về y đạo, về giao tế nhân sự. Nổi danh do nhận
xét của bệnh nhân, của đồng nghiệp, của nhân viên hợp tác.
Có những nhận xét công bằng,
thì lại cũng có nhận xét thiên lệch, vì những lý do khác nhau. Nhưng nhận xét
nào được nhiều người nhắc đi nhắc lại thì chắc là đáng tin cậy hơn.
3- Sẵn sàng phục vụ.
Bệnh đến bất thường, kêu
bác sĩ gia đình, chỉ thấy tiếng máy trả lời bác sĩ đi nghỉ hè, xin liên lạc với
bác sĩ trực phòng cấp cứu nhà thương, thì thực là quá thất vọng.
Bác sĩ đông khách, muốn
xin hẹn phải đợi cả tháng, thì cũng rất bất tiện. Đâu còn cứu bệnh như cứu hỏa.
Thành ra, khi lựa các bác sĩ, nên hỏi rõ vài
chi tiết như: chẳng may đau ban đêm, tôi sẽ phải liên lạc với ai; bác sĩ nào
trong nhóm sẽ trực khi có khẩn cấp; khi nhập viện, bác sĩ có vào coi bệnh tôi mỗi
ngày; khi cần khám giữa kỳ hẹn, tôi có được gặp bác sĩ hay người khác.
Thường thường một nhóm nhỏ
bác sĩ hợp tác với nhau, họ thay phiên trực thì ta dễ có cơ hội gặp bác sĩ gia
đình hay bác sĩ quen khi có khẩn cấp, nhờ đó nhu cầu trị bệnh được thỏa mãn dễ
dàng.
4- Tác
phong.
Như một từ mẫu, bác sĩ
thường được bệnh nhân hy vọng là sẽ đối xử với mình chu đáo, hiều biết, chịu đựng.
Thầy thuốc tốt sẵn sàng dành thêm chút thì giờ giải thích rõ bệnh trạng, diễn
tiến, biến chứng, phương cách trị liệu, đề phòng tái phát bằng ngôn ngữ dễ hiểu.
Bệnh nhân sẽ thỏa mãn hơn nếu được bác sĩ yêu cầu góp ý kiến vào việc trị bệnh.
Bác sĩ cũng đối xử không
quá nghiêm khắc, lạnh nhạt, kiêu kỳ, coi nhẹ nhân vị bệnh nhân. Khi bệnh nhân
không vui lòng với thầy thuốc thì họ đi kiếm bác sĩ khác, đổi bảo hiểm, lơ là với
chỉ dẫn của bác sĩ. Nhiều lúc bệnh nhân già ta cũng dễ dàng chấp nhận sự bẳn
tính của ngời thầy thuốc cao tuổi nhưng tận tâm và có khả năng.
Bổn phận bệnh
nhân
Đã có những đòi hỏi của bệnh
nhân với thầy thuốc, thì ngược lại thầy thuốc cũng có vài yêu cầu mà ta cần đáp
ứng, vì sau khi đã lựa chọn được vị bác sĩ vừa ý, ta đã trở nên thân chủ của họ.
Là người bệnh, người hưởng thụ chăm sóc y tế, ta có những trách nhiệm phải thực
hiện để việc đi khám bác sĩ mang lại kết quả tốt đẹp.
1. Đã
có hẹn, thì giữ hẹn, tới sớm một chút để có thì giờ ngồi nghỉ, coi lại những điều
cần khai với bác sĩ. Nếu không giữ được hẹn, nên thông báo trước 24 giờ để bệnh
nhân khác có thể được thay thế vào hẹn của mình.
2. Viết
sẵn chi tiết bệnh với triệu chứng, tập trung vào điểm chính yếu, những thắc mắc
muốn hỏi. Nếu có thể, ghi những bệnh quan trọng mà người thân trong gia đình
đã, đang có.
3. Mang
tất cả các dược phẩm đang uống để bác sĩ coi, tránh trường hợp cho thuốc giống
nhau. Có thân nhân đi cùng cũng tốt vì người này nhắc ta câu hỏi bị quên, hay
nhắc lại cho ta lời chỉ dẫn của bác sĩ.
4. Trình
bày chính xác, rõ ràng về bệnh trạng của mình. Thí dụ đau, thì đau ở đâu, từ
bao giờ, đau như thế nào, làm gì để bớt đau.
Đặt câu hỏi cho tới khi
hiều rõ bệnh trạng, cũng như trả lời câu hỏi đầy đủ.
Yêu cầu bác sĩ giải thích
theo ngôn từ bình dân,dễ hiểu, dễ nhớ.
Sự hài lòng với săn sóc y
tế tùy thuộc phần lớn vào hiệu quả sự thông cảm, đối thoại giữa thầy thuốc và bệnh
nhân.
5. Về
nhà, dùng thuốc, ăn uống, nghỉ ngơi đúng theo chỉ dẫn. Liên lạc với bác sĩ ngay
khi có triệu chứng bất thường hay có tác dụng không muốn của dược phẩm.
6. Giữ
đúng hẹn để được theo dõi kết quả việc trị liệu.
Trên đây là tương quan điều
trị khoa học, giữa người có bệnh với người làm bớt bệnh.
Gần đây, khía cạnh tôn giáo trong tương quan
này đã được nêu lên. Một cuộc nghiên cứu phối hợp của nhiều trung tâm y học có
uy tín ở Mỹ đã đi đến kết luận là: tôn giáo có nhiều tác dụng tích cực vào sức
khỏe của người cao tuổi, nhất là về sức khỏe tâm thần; và thầy thuôc nên thảo
luận về tôn giáo với bệnh nhân, đôi khi cùng cầu nguyện, khi được yêu cầu.
Người cao tuổi thường tin
tưởng vào tôn giáo hay đi lễ. Có người cho thân xác của mình là của Thượng đế,
mọi lạm dụng (như ghiền rượu, thuốc), hay lơ là chăm sóc là ngược lại với giáo
lý, đức tin, cho nên đi trị bệnh là làm bổn phận đối với Thượng Đế. Cũng có người
quá tin lại nghĩ bệnh là do sự trừng phạt của Thượng Đế vì những tôi lỗi đã phạm,
nên chịu đựng sự trừng phạt mà không đi chữa trị, hoặc chờ khi được tha thứ thì
hết bệnh.
Vì tính cách quan trọng của
tôn giáo với người cao tuổi, nên đã có đề nghị trong chương trình đào tạo bác
sĩ bao gồm phần nói đến ảnh hưởng đó trong việc trị liệu,và nhấn mạnh tới tương quan giữa tôn giáo và sức khỏe.
Mối tương quan thầy thuốc và bệnh nhân ở các
quốc gia kỹ nghệ cao ngày nay chịu nhiều chi phối bởi các nhóm tài phiệt,
thương mại. Thầy thuốc bị giới hạn trong việc trị bệnh, người bệnh bị hạn chế
quyền được chăm sóc y tế. Lương y trở thành người cung cấp dịch vụ, thân chủ là
giới thụ hưởng. Mối giao hảo trở nên lỏng lẻo, sòng phẳng, đôi khi căng thẳng vì
sơ hở là đôi bên đáo tụng đình, làm giàu cho nhóm người nhiều mưu mẹo pháp lý.
Nhưng, để sinh tồn, đôi
bên vẫn phải giữ tương quan tốt với nhau, để một bênh hưởng lợi nhuận kinh tế,
một bên có sức khỏe bình an.
Ngõ hầu cùng mong được an
hưởng tuổi vàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét