Quà tặng giữa mùa dịch
Lê
Hữu-cdtg
“Thật xui xẻo! Đúng là thứ
Sáu 13.” Sue tặc lưỡi, liếc nhìn kính chiếu hậu. Viên cảnh sát bước xuống, đóng
sập cửa xe, tiến về phía xe cô.
Dãy đèn xanh, đỏ trên mui
xe tuần tra chớp sáng liên tục. Sue đặt hai tay lên tay lái, cố tỏ ra bình thản.
Viên cảnh sát hiện ra, ra dấu cho cô hạ cửa kính xe xuống.
“Xin chào. Cô vui lòng
cho xem bằng lái, giấy chủ quyền xe.”
Sue lúi húi mở túi xách
tay trên ghế bên cạnh trong lúc viên cảnh sát chống hai tay bên hông, mắt không
rời động tác lục lọi túi xách của cô.
“Thẻ ID này là của tiểu
bang Massachusetts,” Sue nói trong lúc đưa giấy tờ xe cho anh ta.
Viên cảnh sát nói cám ơn,
liếc sơ qua tấm thẻ lái xe.
“Có chuyện gì cần mà cô
lái xe xuyên bang đến Minnesota trong lúc có lệnh hạn chế đi lại?”
“Tháng nào tôi cũng đi
Minnesota cả,” Sue trả lời. “Tôi có một việc làm không chính thức trong một bệnh
viện kiểm dịch ở Duluth.”
“Cô là bác sĩ?” viên cảnh
sát nhướng mắt nhìn Sue. “Cô cũng điều trị cho người nhiễm coronavirus chứ?”
“Tôi làm việc ở khoa tim
mạch,” Sue nói. “Khi có người nhiễm bệnh thì tôi cũng chăm sóc. Tháng này có rất
nhiều người bệnh, bác sĩ, y tá làm đủ mọi việc.”
Viên cảnh sát gật gù.
“Cô chạy hơn 85 miles/giờ,
vượt quá tốc độ quy định trên xa lộ này là 70 miles/giờ.”
“Oh…, vậy sao?” Sue làm
ra vẻ ngạc nhiên. “Tôi thực tình không biết.”
“Cô ngồi yên đấy, đợi một
lát.” Viên cảnh sát nói, quay đi, bước về chiếc xe tuần tra màu đỏ bordeaux vẫn
đang chớp chớp đèn.
“Anh chàng trông cũng cao
ráo, điển trai mà mặt mũi thì lại khó đăm đăm, không có nổi một nụ cười.”
Sue nghĩ bụng. Cô không
lo lắm, anh ta sẽ thấy là trước giờ cô chưa hề bị cái ticket nào. Xa lộ I-35 vắng
hẳn tiếng xe từ ngày dịch bệnh bộc phát, mọi khi thì xe cộ chạy vùn vụt mấy làn
đường.
Một hàng chữ điện tử chạy
nhấp nháy trên tấm biển lớn dọc xa lộ, “Limit Travel – Stay Home – Save Lives –
Beat Covid 19”.
Đây là lần đầu tiên Sue
lái xe xuyên bang từ Boston đi Minnesota, trước giờ cô chỉ đi máy bay nhưng vào
mùa dịch này thì lái xe lại thoải mái hơn.
Viên cảnh sát quay trở lại,
vẫn vẻ mặt lành lạnh.
“Cô chạy đi đâu mà nhanh
thế?” anh ta hỏi.
“Tôi không biết mình đang
chạy quá nhanh,” Sue lúng túng.
“Tôi chỉ muốn về nhà sớm
để nghỉ ngơi và lấy lại sức sau những ngày làm việc khá căng thẳng ở bệnh viện.”
“Đấy là lối suy nghĩ vô
trách nhiệm”, viên cảnh sát lắc lắc đầu, nhìn thẳng vào mắt Sue. “Cô muốn về sớm
nhưng có sớm được đâu, cô đang phải ngồi đây.
Thế cũng là may cho cô đấy,
cứ chạy xe với tốc độ ấy thì có khi cô chẳng về tới nhà được đâu mà còn gây tai
nạn dọc đường, và xe cứu thương sẽ phải đưa cô trở vào bệnh viện.
Khi ấy người ta sẽ phải
điều trị cho cô thay vì cô điều trị cho bệnh nhân, trong lúc nhiều bệnh viện và
nhiều người bệnh đang cần bác sĩ hơn bao giờ hết. Nếu cô nghĩ cho người khác
thì cô phải hết sức bảo trọng.”
Sue im lặng trong lúc anh
ta tuôn ra một hơi dài. Cô từng nghe cách nói này, nhưng đây lại là một viên cảnh
sát nói với cô.
Liệu anh ta có quyền “lên
lớp” cô như vậy? Sue vừa cố nén bực bội vừa cảm thấy lạ lùng.
“Cô không phải nhận giấy
phạt đâu,” anh ta nói tiếp. “Tôi chỉ muốn nhắc cô như thế.”
“Cám ơn anh,” Sue bối rối.
“Tôi xin lỗi…, thường thì tôi không chạy nhanh như vậy.”
Viên cảnh sát bước lại gần
hơn, chìa ra vật gì đó, đưa qua cửa xe cho Sue.
“Cô giữ lấy cái này mà
dùng.”
Sue đón lấy, cô nghĩ anh
ta trả lại cô giấy tờ xe, nhưng không chỉ có vậy. Trong tay cô là một bọc gì cồm
cộm.
“Không nên dùng lại những
khẩu trang đã dùng rồi,” viên cảnh sát nói trong lúc Sue vẫn đang ngỡ ngàng.
Khi nhận ra trên tay mình
là những chiếc khẩu trang y tế thì cô hiểu ra.
“Nhưng… đấy là của anh,”
Sue ngập ngừng. “Anh cần nó mà.”
“Cô cần thứ này hơn tôi.”
Sue lặng người… Trong tay
cô là 5 chiếc khẩu trang N95. Cô không biết nói gì, nước mắt cô muốn ứa ra.
Cô ngước nhìn viên cảnh
sát. Trong làn gió se se lạnh thổi vào qua cửa kính xe, cô thấy dường như mắt
anh cũng rưng rưng như mắt cô.
“Chúc cô một ngày bình
an. Chạy xe cẩn thận nhé!” Viên cảnh sát quay lưng, bước vội đi.
Dãy đèn chớp chớp trên
mui xe tuần tra phụt tắt, chiếc xe cảnh sát bò ra đường lane ngoài cùng rồi
phóng vụt đi. Sue vẫn còn ngồi đó, gục đầu lên tay lái. Xa lộ vẫn trống vắng,
mênh mông.
Bên dưới là những dòng
Sue viết trong Facebook của cô:
Sau cùng thì tôi cũng biết
tên anh ta, Bryan Swanson, một cái tên lạ hoắc. Tôi đã kể lại trong Facebook
câu chuyện về “món quà” đặc biệt tôi nhận được ở anh.
Câu chuyện được nhiều người
chia sẻ và rồi cũng phổ biến trong Facebook của Minnesota State Patrol (MSP),
và tôi gặp lại Bryan trong đó. Trông anh chàng tươi tỉnh chứ không còn bộ mặt
hình sự như hôm ấy.
Trong một video clip, khi
được hỏi về 5 chiếc khẩu trang N95 đã cho đi, Bryan nói đấy là chuyện nhỏ mà ai
khác cũng làm như anh thôi. Bryan kể lúc tôi mở túi xách để lấy giấy tờ xe, anh
nhác thấy hai chiếc khẩu trang đã dùng rồi và anh nghĩ tôi cần có khẩu trang mới.
“Như thế tốt cho cô ấy
hơn,” anh nói với các đồng nghiệp. “Cô ấy có một gia đình, có những người thân
yêu luôn lo lắng mỗi khi cô ấy rời nhà đến làm việc ở bệnh viện.
Tôi cũng vậy, các bạn
cũng vậy, chúng ta đều có những người thân lo lắng mỗi khi chúng ta rời nhà vì
công vụ. Mọi người đều cần được chia sẻ.”
Một lần nữa, Bryan làm
tôi muốn ứa nước mắt.
Bryan, tôi không hề quen
biết anh chàng cảnh sát này. Anh ta cũng chẳng nợ nần gì tôi, và tôi cũng chẳng
yêu cầu anh giúp đỡ chuyện gì.
Sao anh ta làm vậy? Anh
ta đâu cần phải làm vậy. Bryan nói tôi cần những khẩu trang ấy hơn anh ta, điều
này không đúng.
Trong lúc tôi làm việc
trong điều kiện được bảo vệ, che chắn cẩn thận thì anh tiếp xúc với đủ mọi đối
tượng với nhiều rủi ro, bất trắc. Anh phải cần những khẩu trang ấy hơn tôi chứ.
Bryan, tôi chắc mình chỉ
gặp anh ta một lần duy nhất trên con đường đời. Có những người ta chỉ gặp có một
lần đâu đó trong đời này, nói dăm ba câu chuyện rồi đường ai nấy đi và chẳng
bao giờ còn gặp lại lần thứ hai. Như cơn gió thoảng qua vậy.
Dịch bệnh vẫn chưa có dấu
hiệu nào là suy giảm. Mỗi ngày mỗi thêm những tin xấu. Con virus ấy đã lấy đi mạng
sống của không ít đồng nghiệp tôi, những người tôi quen và không quen, những
bác sĩ, y tá và nhân viên y tế bị lây nhiễm trong lúc điều trị, chăm sóc người
bệnh.
Tôi có sợ không? Sợ chứ.
Ai mà chẳng sợ, nhưng không ai bỏ cuộc cả, trong lúc các thiết bị và dụng cụ bảo
hộ y tế như khẩu trang thì vẫn thiếu thốn, vẫn phải dùng đi dùng lại.
Mọi người vẫn nói là
chúng tôi đang ở những tuyến đầu. Chúng tôi có chọn “tuyến đầu” này đâu. Nói
cho cùng, chúng tôi đâu có sự lựa chọn nào.
Nếu có, chỉ là chúng tôi
đã tự chọn lấy nghề nghiệp, tự chọn lấy công việc mình yêu thích ngay từ những
buổi đầu, và chúng tôi sẽ còn ở lại mãi với công việc của mình. Chỉ đơn giản là
vậy.
Những chiếc khẩu trang
N95 mà tôi cầm trên tay hôm ấy là của Bryan, của sở cảnh sát cấp phát cho anh để
anh tự bảo vệ. Anh cầm lấy chúng, và anh đưa cho tôi, nói rằng tôi cần chúng
hơn anh. Những khẩu trang ấy là quý như vàng trong lúc này đây. Ai cũng cần cả,
Bryan à. Con virus ấy đâu có chừa anh ra.
Mùa dịch này rồi sẽ đi
qua. Nhiều người sẽ không bao giờ quên, là những người phải chịu đựng những tổn
thất vì nó, chịu đựng những mất mát, khổ đau mà nó mang đến cho gia đình mình,
cho những người thân yêu.
Những người sống sót qua
mùa dịch này cho là mình may mắn. Có bao giờ họ nghĩ rằng trong những may mắn của
họ có một phần đến từ những người sẵn sàng hứng chịu cái phần rủi ro.
Loài virus quỷ quyệt ấy vẫn
không lấy đi được những tình cảm gắn bó và tương trợ giữa những con người đang
phải vật lộn, chống trả với chúng.
Hơn lúc nào hết, tôi cảm
thấy bình thản khi đương đầu với những thử thách của cuộc sống.
Liệu có phải những chiếc
khẩu trang tôi nhận được nơi Bryan đã làm dịu bớt những căng thẳng và âu lo,
tôi không biết chắc, nhưng tôi tin rằng đi bên tôi vẫn không thiếu những người
bạn đồng hành.
Vẫn không thiếu những anh
chàng Bryan như thế trong cuộc sống quanh ta.
Lê Hữu
(Viết phỏng theo bản tin
NBC News, March 31, 2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét