Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

NHỮNG TẤM LÒNG “VÀNG” TRONG THỜI COVID-19



NHỮNG  TẤM  LÒNG  “VÀNG”  TRONG  THỜI  COVID-19
Thu, 09/04/2020 - Trần Lệ Liên

Toàn thế giới đang bị bao phủ bởi dịch Corona virus. Mọi nơi, người người ai ai cũng sợ bị lây nhiễm bởi vì nếu Corona mà có “hôn” ai người đó sẽ rất khó có cơ hội để mà sống sót. Từ Âu, Á qua Mỹ con số người bị nhiễm bệnh và tử vong mỗi ngày một cao lên, có nghĩa là Corona  đang thắng thế  bởi vì các khoa học gia, các bác sĩ siêu trùng học cũng vẫn đang tìm tòi phương cách nào để tiêu diệt con siêu vi trùng quái ác kia đang phá hủy hành tinh loài người đang sinh sống. Mọi người từ giàu đến nghèo, từ  già đến trẻ đang sống trong nỗi hồi hộp, lo sợ không biết mình có may mắn thoát khỏi qua cơn đại dịch này không? Các cơ quan chính quyền thì tìm đủ mọi cách để bảo vệ, chống chọi cho những người chưa bị nhiễm bệnh có thể tránh xa được sự lây lan bằng cách này hay cách khác, còn những người đang nhiễm bệnh hay đang bị bệnh thì phải cố gắng làm sao cứu được họ càng sớm càng tốt. Nhưng Trời chưa chiều lòng người lúc này, con số người chết mỗi ngày một nhiều, bây giờ mỗi người chúng ta phải làm sao đây để thoát khỏi cơn đại dịch và cứu nhân loại ra khỏi nỗi kinh hoàng này?

 Mỗi người tùy theo niềm tin tôn giáo của mình hằng cầu xin cho những khoa học gia, những bác sĩ nghiên cứu ra thuốc để cứu con người trong cơn đại dịch này. Còn chúng ta, tuy lo sợ nhưng chúng ta phải làm sao để góp một bàn tay vào việc cứu con người khỏi nỗi ám ảnh của “nụ hôn Corona” đây? Thế là từ đó bắt đầu xuất hiện những group text để cùng nâng đỡ, giúp nhau, cầu nguyện chung và những cách thức nên và tránh trong mùa dịch. Những group text này có khi bao gồm những người tuy không cùng tôn giáo nhưng vẫn cùng chung một ý nguyện cầu xin cho cơn đại dịch mau chấm dứt, bên cạnh những hình ảnh “funny” để cho mọi người bớt căng thẳng và bớt lo lắng . Nhưng những lời cầu nguyện của chúng ta hàng ngày dường như vẫn chưa đủ sức mạnh để  Thiên Chúa giang tay ra cứu nhân loại đang khổ đau. Lệnh “lock down” phải bắt buộc mọi người dân phải ở nhà , không được tụ tập hai, ba người trở lên, rồi lệnh “social distancing”, mỗi người phải đứng cách nhau 6 feet bắt đầu ban hành, tất cả mọi nơi đều phải bị đóng cửa, từ công xưởng, nhà máy, nhà hàng, trường học và ngay cả nhà thờ là nơi thiêng liêng để thờ phượng Thiên Chúa cũng buộc bị đóng cửa trả lại cho con đường, góc phố sự yên lặng, vắng vẻ não nề…. Nhưng cánh cửa nhà thương thì không đóng lại, vì nơi đây tràn ngập những con người đang phải vật lộn với tử thần hàng ngày vì cơn bệnh COVID-19, chưa kể đến những người bị nhiễm bệnh đang phải tự giam mình trong căn phòng mà thầm cảm ơn Thiên Chúa vì mình vẫn còn cơ may để được hồi phục.

Trong lúc này các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế đang phải làm việc cật lực nhiều hơn để mong cứu được những người đang tranh giành sự sống với cái chết gần kề; bên cạnh đó lại phải đương đầu với sự thiếu hụt vật dụng y tế như khẩu trang, găng tay, thuốc sát trùng..nhưng những con người ấy vẫn tiếp tục phải phục vụ bằng trái tim của con người đối với con người không phân biệt màu da, tuổi tác, địa vị hay giai cấp. Tôi là một trong những con người ấy; tuy tôi làm việc ở một bệnh viện tuy không kinh hoàng như những bệnh viện ở New York là nơi có rất nhiều người “vào thì dễ, nhưng ra chẳng mấy ai” đến nỗi khi nhắc tới New York ai cũng thấy xót thương cho tất cả những bệnh nhân phải chết một cách đau thương khi bên cạnh không có lấy một người thân để nhìn nhau lần cuối. Vâng, tuy tạm được gọi là may mắn hơn ở New York , nhưng chúng tôi có thể đang phải tiếp xúc với những mầm bệnh mà có thể đây sẽ là nơi phát tán bệnh cho mọi người lúc nào không biết?. Bệnh viện nơi tôi làm cũng có cùng chung “số phận” với những bệnh viện khác là thiếu phương tiện y tế để chăm sóc bệnh nhân.  Chúng tôi, các bác sĩ,y tá không có một cái mask để đeo khi chăm sóc bệnh nhân; mỗi ngày tôi đi làm được đeo một cái mask “vô hình” đó là sự phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa mà thôi  và không biết nếu ngày nào đó nếu tình trạng cứ như vậy tôi cũng sẽ có cùng chung số phận với những bệnh nhân COVID-19.  Nhưng bạn có biết không Thiên Chúa thật huyền diệu, chính trong cơn đại họa này, Ngài đã ban cho mọi người nhìn ra tình yêu thương lẫn nhau mà trước đây chẳng  mấy ai quan tâm cho nhau, chỉ biết sống “đèn nhà ai nấy sang” mà thôi.

Tuy rằng tất cả cánh cửa cuộc đời đóng lại thì thật nhiều cánh cửa tâm hồn từ khắp nơi đã đang mở rộng liên kết nhau để cùng làm chung một công việc là cung cấp cho các bệnh viện những cái khẩu trang bằng vải được cặm cụi,cắt xén thật khéo léo cho vừa bằng cái khẩu trang mà bệnh viện đã có trước đây để  cho “ra lò” ngàn ngàn cái và mang đến cho những bệnh viện chung quanh và gởi qua New York. Tuy là nó không thể ngăn ngừa được khi tiếp xúc với bệnh nhân đang bị nhiễm Corona virus nhưng cũng phần nào tự chấn an nỗi lo âu, sợ hãi vì bị nhiễm bệnh. Một ngày kia tôi bỗng đọc được cuộc đối thoại qua lại của group text trong đó có tôi, tôi mới biết là có một nhóm các chị emvà các sơ đang may những cái khẩu trang vải này để gởi đi New York nơi mà con số tử vong mỗi giờ một tăng, những chị em này đang làm những công việc thật ý nghĩa, tất cả đều cùng chung một ý tưởng là cùng giúp nhau để cứu người. Tôi liên lạc với Vân Anh và anh Điền, hai vợ chồng đang tuân lệnh ở nhà, nên rảnh rỗi may mask để cho các bệnh viện chung quanh. Hai vợ chồng đang sinh hoạt trong ca đoàn thiếu nhi nhà thờ Thánh Linh nơi các con tôi đang sinh hoạt nhưng từ ngày nhà thờ bị đóng cửa thì chúng tôi không gặp nhau nữa nhưng trong đức tin, chúng tôi vẫn nói chuyện, trao đổi và giúp đỡ nhau làm sao để sống còn trong cơn đại dịch này. Tôi gởi text cho group và hỏi nếu ai có thể giúp cho bệnh viện nơi tôi làm một ít khẩu trang không, và thế là từ người này truyền đến người khác tôi được nhiều người cùng liên lạc để sẵn sàng giúp cho bệnh viện nơi tôi làm việc một số masks và gloves.  Tôi mừng quá, có chia sẻ với group một chút khó khăn trong khi chăm sóc bệnh nhân khi không có mask. Vân Anh sẵn sàng giúp 200 cái khẩu trang bằng vải, tôi mừng lắm vì bây giờ tôi có cái để bảo vệ cho mình khi đến gần chăm sóc bệnh nhân; tôi liên lạc với boss của tôi để xem bệnh viện cần những gì trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này  Trong lúc chờ boss trả lời, tôi nhận được rất nhiều lời nhắn qua text là sẽ giúp cho bệnh viện được surgical masks nữa. Anh Thiên, ca trưởng của ca đoàn thiếu nhi cũng đã lập ra một quỹ nhỏ để mọi người có thể đóng góp ít nhiều để may khẩu trang gởi tặng các bệnh viện trong vùng và New York. Chị Quyên đã đứng ra điều hành công việc này, chị cũng đã khuyên góp được thêm từ những người bạn và những người quen biết nên con số may masks cũng được khá nhiều. Chị Michelle  cũng có một trái tim thật lớn, tuy chị đi đứng khó khăn nhưng chị đã dùng face book, social media, mouth to mouth để cố gắng kiếm cho bệnh viện tôi một số surgical masks; chị cũng là một bệnh nhân của tôi lâu lắm rồi, tôi đã có dịp chăm sóc và giúp đỡ chị và tôi đã giới thiệu các con của chị đến với ca đoàn thiếu nhi. Dường như Chúa đã sắp xếp cho sự gặp gỡ này nên chúng tôi vẫn giữ liên lạc để trao đổi, giúp đỡ nhau khi cần. Chúa ban cho chị có những người con giỏi, ngoan, hiền. Tôi thường an ủi chị khi chị buồn vì nhớ lại người chồng đã mất năm nào, Tôi nói với chị, Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta, chồng chị tuy không còn nhưng tình yêu Chúa luôn còn mãi trong chị, Chúa sẽ ban cho chị những cái khác cao quý hơn mà con người mình không nhìn ra. Chị thật hay, chị đã giới thiệu cho tôi ba người mà chị biết để giúp tôi xin được một số surgical masks, tôi đã liên lạc với Kevin và Tammy và người chị biết trên facebook, để xem họ có thể cho được những gì. Những bạn này tôi cũng chẳng quen biết, chưa bao giờ gặp mặt nhưng khi nói chuyện tôi thấy họ có tấm lòng rất quảng đại, họ vẫn phải đi làm như bao người khác trong lúc đại dịch nhưng bên cạnh họ đi liên lạc với những người chung quanh để bằng cách này hay cách khác kiếm cho bệnh viện những đồ dùng cần thiết trong lúc này. Kevin thì hứa sẽ giúp một ít hand sanitizer, gloves và một ít mask vì K đã giúp cho một số bệnh viện, nhà dưỡng lão khác trước khi tôi liên lạc với K nên tôi đã nói với K rằng bất kỳ cái gì còn xót lại có thể cho là quý rồi, K nói sẽ chờ để order rồi sẽ gởi sau, còn chị quen qua face book đã tặng cho bệnh viện tôi được thêm 35 cái khẩu trang bằng vải nữa. Tôi phục Tammy lắm, chỉ trong vài ngày chị đã kết nối với những group khác để giúp cho bệnh viện tôi được 1,000 cái hospital masks, 100 cái bằng vải, một số gloves nữa và đích thân Tammy đã chạy đến để đưa cho cô boss của tôi vì tôi đang nghỉ phép nên không đến bệnh viện. Boss và tôi mừng lắm vì bây giờ có được một số đồ dùng căn bản để chăm sóc bệnh nhân mà phần nào đỡ lo sợ bị lây nhiễm từ những người xung quanh. Tôi không biết tất cả những người tôi tiếp xúc có cùng chung một niềm tin tôn giáo hay không nhưng tất cả những con người ấy đều có chung một trái tim đầy ắp những yêu thương của tình người đang mở rộng để sẵn lòng giúp đỡ cho những người đang phải đương đầu giành giựt sự sống cho hàng ngàn người đang gần kề với tử thần. Boss tôi có vẻ rất khâm phục người Việt Nam của chúng ta vì chẳng thấy có cộng đồng nào đứng ra để làm những công việc bác ái này.

Tôi xin thay mặt cho tất cả những người đang phục vụ trong việc chăm sóc bệnh nhân cho dù bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, xin cám ơn tất cả những lòng tốt, sự giúp đỡ và những lời cầu nguyện cho họ có thêm được sức mạnh để phục vụ cho nhân loại trong trận đại dịch này. Trong tâm tình của lòng biết ơn và đặc biệt trong tuần Thánh này, tôi cũng cầu xin qua công cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu, cho tất cả mọi người luôn được bình an và yêu thương nhau như chính Chúa đã dạy: “Chúng ta hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con”. Hình ảnh của những con người đang quằn quại vì Corona đã “hôn” họ như Giu Đa đã hôn Chúa Giêsu năm nào, nụ hôn đó đã dẫn đến cái chết nhục hình trên cây Thánh Giá mà chúng ta, những người Công Giáo đang suy niệm và cử hành một cách long trọng tuần Thánh này. Những người đã bị Corona “hôn” cũng sẽ cùng chung con đường Chúa Giêsu đã đi, tôi tin rằng những người này cũng sẽ cùng được sống lại trong sự phục sinh của Chúa Giêsu mà chúng ta đang sống lại trong tuần Thánh này.

Trần Lệ Liên
Easter 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét