Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

NHẬN DIỆN


NHẬN  DIỆN

Monday, April 20, 2020-Trầm Thiên Thu




Nhận diện là điều cần thiết. Càng ngày càng cần hơn vì sự dữ gia tăng, giả hình tinh vi hơn ngày xưa rất nhiều. Con người còn giả thì còn thứ gì không giả? Mức nhận diện cần chính xác để tránh lầm lẫn kẻo mang họa vào thân.
Chiếc máy vi tính hoặc chiếc điện thoại, không chỉ cần mật mã để khóa mà còn cần nhận diện. Việc nhận diện trước tiên để tự bảo vệ chính mình khỏi những thứ nguy hiểm. Virus đa dạng, không chỉ về sinh học mà cả về kỹ thuật số. Có những loại virus còn độc hại hơn là virus trừu tượng: dối trá, lọc lừa, tham lam, ghen tỵ, tà tâm, xảo quyệt,… Vô số chủng loại mới nguy hiểm giữa xã hội gian tà và vô thần ngày nay.
Nhận diện được chúng thì mới có cách để xa tránh hoặc triệt tiêu chúng. Đó là phương diện tiêu cực. Phương diện tích cực là nhận diện cái tốt để hấp thụ. Càng cần thiết hơn về phương diện tâm linh: nhận diện Thiên Chúa và nhận diện môn đệ đích thực của Ngài. Khó nhất là nhận diện chính mình – để tránh lố bịch, ảo tưởng.
Người ta thường nói: “Tưởng vậy mà không phải vậy.” Vì  thế càng phải nhận diện chính xác, sai một ly đi một dặm. Ai cũng biết chữ Cross (Anh ngữ) nghĩa là gì, nhưng nó không chỉ có nghĩa là thập giá hoặc đau khổ, mà còn có nghĩa là huân chương: Cross of Merit – Huân Chương Công Trạng. Thảo nào Chúa Giêsu động viên chúng ta cố gắng vác thập giá để xứng đáng được Ngài thưởng sự sống đời đời. Thật tuyệt vời!
Cuộc sống là hoạt động, di chuyển. Tuy nhiên, đi được khoảng cách xa hay gần không quan trọng bằng những người chúng ta gặp dọc đường. Gặp gỡ rất quan trọng, và có liên quan nhận diện. Sống ở đời không thể không gặp nhau, nhìn thấy nhau, và thường liên quan cuộc đối thoại – có thể đối thoại bằng ngôn ngữ, bằng ánh mắt, bằng động thái, bằng cử chỉ, thậm chí người ta vẫn có thể đối thoại ngay trong sự im lặng. Vô ngôn có khi còn “nói” nhiều hơn là ngôn ngữ.
Có nhiều kiểu gặp nhau. Có người vui mừng gặp người khác, có người giáp mặt mà làm ngơ hoặc tránh né. Đó là sự gặp gỡ vô ích, đôi khi thêm phiền toái. Gặp nhau là điều cần thiết: để chia sẻ, để giúp đỡ, để biến đổi, để thảo luận, để yêu thương,… Gặp người đời mà cần thiết như vậy huống chi được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ chính Đức Kitô Phục Sinh. Gặp Ngài để được biến đổi, được tái sinh, gặp tha nhân và gặp chính mình.
Việc gặp Đức Kitô là một dạng được sống lại – tâm linh hoặc thể lý. Trường hợp sống lại của Ladarô – em trai của Mácta và Maria, (Ga 11:1-44) và con trai bà góa thành Nain (Lc 7:11-17) chỉ là sống lại về thể lý bình thường, không đổi khác và sẽ lại chết, nhưng trường hợp sống lại của Đức Kitô là dạng sống lại đặc biệt và không còn chết nữa. Thân xác nhục thể và thân xác phục sinh vẫn là một, nhưng chắc chắn khác thường, rất kỳ diệu, vì thế mà chính Chị Maria Mácđala và hai môn đệ trên đường Emmau cũng không nhận ra Thầy Giêsu, dù trước đó họ rất thân thiết với Ngài. Chị Maria Mácđala chỉ nhận ra Ngài khi Ngài gọi đích danh bằng giọng thân thương quen thuộc, hai môn đệ kia chỉ nhận ra Ngài khi Ngài làm động tác quen thuộc: Bẻ bánh.
Và còn hơn như vậy nữa. Khi các tông đồ thấy Chúa hiện ra đứng ở giữa và chúc bình an cho họ mà họ lại kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma và hồ nghi. Chúa cho họ rờ vào Ngài, rõ ràng Ngài vẫn có xương thịt, đặc biệt là Ngài còn ăn khúc cá nướng. Lúc đó họ mới thấy mình không hề mộng du và tin là Thầy mình đã sống lại thật. (Lc 24:36-43) Thân xác phục sinh thật khác và cũng rất lạ, giống như xưa mà vẫn khác xưa. Thảo nào chẳng ai nhận ra Ngài là Đức Kitô Phục Sinh vì họ nhìn bằng con mắt trần gian.
Trong cuộc sống đời thường cũng có điều khác thường. Bất kỳ ai “gặp” được Đức Kitô thì đều biến đổi từ trong ra ngoài, biến đổi hoàn toàn, biến đổi thực sự chứ không “có vẻ.” Thấy ai biến đổi thì biết chắc là người đó đã được “gặp” Đức Kitô. Biến đổi ở đây phải hiểu theo nghĩa tích cực, khiêm nhường và can đảm làm chứng về Chúa, chứ không “ra vẻ biến đổi” để được người khác khen ngợi hoặc tỏ ra mình đạo đức. Cuộc đời các thánh đã cho thấy điều đó, họ biến đổi mau chóng và lạ lùng đến nỗi bị người khác nghi ngờ. Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật, chân lý mãi là chân lý. Không thật thì không bao giờ có thể giả vờ hoặc ra vẻ như thật được.
Ngư phủ Phêrô là người được Thầy Giêsu tín cẩn trao trọng trách làm giáo hoàng tiên khởi, dù “không có chữ nghĩa” (Cv 4:13) và đã từng nói mạnh là dám liều chết với Thầy, (Mt 26:35; Mc 14:31; Lc 22:33) nhưng rồi chính con người ấy đã chạy trốn vì khiếp nhược khi Thầy bị bắt, đã chối bỏ Thầy vì nhát đảm. Tuy nhiên, sau khi ông đã gặp được Đức Kitô Phục Sinh thì ông hoàn toàn biến đổi, không còn nhát đảm hoặc sợ sệt. Và rồi một hôm, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một (không còn Giuđa Ítcariốt), và lớn tiếng nói với họ: “Thưa anh em, miền Giuđê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.” (Cv 2:14) Ông dốt chữ nghĩa nhưng thông thạo Lời Chúa.
Thật vậy, ông Phêrô đã dõng dạc và thao thao bất tuyệt: “Thưa đồng bào Israel, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đavít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.” (Cv 2:22-28) Sự biến đổi kỳ diệu!
Rõ ràng một Phêrô hôm nay khác hẳn một Phêrô hôm qua. Ông trở thành một nhân chứng sống động, một nhân chứng đích thực. Khi đã biết đúng cái gì là thật thì người ta không còn sợ bất cứ thứ gì khác, kể cả cái chết. Ông Phêrô tiếp tục nói với giọng quả quyết: “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đavít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy, đang nghe.” (Cv 2:29-33) Đúng là ông đã nhận diện được chính Đấng Phục Sinh, Thiên Chúa của kẻ sống chứ không là Thiên Chúa của kẻ chết.
Khi chúng ta hoàn toàn tâm phục khẩu phục Thiên Chúa thì Ngài rất vui. Ngài muốn chúng ta như vậy để chúng ta hoàn toàn tín thác nơi Ngài và được lợi ích là tận hưởng Lòng Thương Xót bao la của Ngài. Được như vậy thì chúng ta sẽ vui mừng thân thưa: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?” (Tv 15:1-2) Đó là lúc nhận diện chính mình, biết mình là ai, như thế nào, và cần gì.
Đó là “chuỗi nhận diện.” Thánh Augustinô nói: “Nhận biết Thiên Chúa là làm cho người ta nhận biết mình; cũng vậy, nhận biết mình cũng làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa.” Còn Thánh Thomas Aquinô phân tích: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì.” Rất lô-gích!
Chắc chắn rằng chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là cứu cánh và là cùng đích: “Lạy Chúa, Ngài là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.” (Tv 16:5) Do đó, chúng ta có thể can đảm thề hứa: “Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16:7-11) Niềm tín thác tuyệt vời biết bao! Và hơn bao giờ hết, trong thời đại ngày nay – đặc biệt trong cơn đại dịch corona này, người ta đã biết hướng về Thiên Chúa.
Có tin tưởng nhau thì mới có thể gặp nhau. Đối với phàm nhân, mức độ ưu tiên có khác nhau, ai “ngon” hơn sẽ được “ưu tiên” hơn. Nhưng Thiên Chúa không như vậy, chớ ảo tưởng mà lấy cớ là “quen biết” Ngài nhiều (đi lễ nhiều, đọc kinh nhiều, cầu nguyện nhiều, từ thiện nhiều, làm việc tông đồ nhiều,…) rồi mạo nhận là mình “ngon” hơn người khác. Thật đáng sợ!
Với bản tính bộc trực, thẳng như ruột ngựa, Thánh Phêrô nói rõ: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này.” (1 Pr 1:17) Rất rõ ràng, rất rạch ròi, rất thẳng thắn, rất công bình, rất nghiêm túc. Đó là sự thật, mà sự thật thường khiến người ta không vừa lòng.
Và rồi Thánh Phêrô còn giải thích thêm: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.” (1 Pr 1:18-21) Nghe có vẻ “dài dòng” một chút, nhưng lại không thấy thừa chút nào. Chữ phải có nghĩa, nghĩa phải đủ kẻo dễ hiểu lầm.
Tin nóng về Đức Giêsu chịu chết làm rúng động dân chúng, tin nóng đó chưa đủ nguội thì lại có tin nóng khác: Đức Giêsu phục sinh. Tin nóng này lại tiếp tục “khuấy động” lòng người. Chuyện lạ này nối tiếp chuyện lạ khác. Nhưng cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến làng Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Trên đường họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Họ cảm thấy thất vọng vì không biết tương lai ra sao, thôi thì về quê cắm câu vậy, chứ giờ thì chưa biết chuyện ngã ngũ thế nào. Tương lai như đi vào ngõ cụt. Buồn ơi là buồn!

Trình thuật Tin Mừng (Lc 24:13-35 ≈ Mc 16:12-13) cho biết rằng khi họ đang đi đường, cùng trò chuyện và bàn tán, chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ, nhưng họ không hề nhận ra Ngài. Ngài “giả nai” mà hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu vì thấy ông khách lạ này là người vô tình nhất thế gian rồi, vì chuyện xảy ra rùm beng khắp nơi mà “ông ta” chẳng hề biết. Lạ ghê!
Khi đó, Cơlêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giêsu vẫn tỏ vẻ “vô tư” và hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ chân thành kể lại vụ Ông Giêsu Nadarét là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, thế mà các thượng tế và thủ lãnh đã kết án tử hình cho Ngài, rồi đóng đinh Ngài vào thập giá. Họ bảo trước đây họ vẫn hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Israel, thế nhưng những việc ấy xảy ra đã ba ngày. Họ còn bảo họ cũng thấy kinh ngạc khi mấy người đàn bà ra mộ hồi sáng sớm, nhưng không thấy xác Ngài đâu cả, mấy bà còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo Ngài vẫn sống. Họ kết luận: “Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Ngài thì họ không thấy.” Thế thì buồn thật và thất vọng thật!
Và rồi Đức Giêsu nói với họ: “Các anh CHẲNG HIỂU gì cả! Lòng trí các anh thật là CHẬM TIN vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Ngài bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, giải thích cho hai ông những gì liên quan Ngài trong tất cả Sách Thánh. Thế mà hai ông vẫn chưa “phá ngu đột xuất.” Khổ ghê!
Không thể khác hơn, Chúa Giêsu đành phải trách các ông “chậm tin.” Thật vậy, cuộc sống đời và đạo cứ hằng ngày trôi qua, chúng ta cứ sống theo hoàn cảnh mình riết thành quen, đến nỗi mọi thứ trở thành như một phản xạ, và rồi hầu như cũng mất luôn cảm xúc. Cứ thế và cứ thế, thậm chí việc làm dấu Thánh Giá cũng như một hành động của con robot được lập trình sẵn. Và chúng ta vẫn cho rằng mình đang sống đức tin, nhưng rồi gặp chuyện gì không xuôi xắn “như ý” mình thì chúng ta lại… ngại ngần, hóa ra chúng ta vẫn “chậm tin” lắm. Thấy giật mình thật, nhưng cũng chẳng oan ức gì!
Gần tới nơi họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa, nhưng họ nài ép Ngài ở lại với họ vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Chúa Giêsu đồng ý. Khi ăn tối, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra vì thấy hành động này quen lắm, mới vài ngày thôi mà. Thế là họ nhận ra Thầy Giêsu, nhưng rồi Ngài lại biến mất. Họ gãi đầu gãi tai và bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ôi, tiếc thật!
Và rồi ngay lập tức, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Ngài bẻ bánh. Thế là mọi vấn đề được giải tỏa, không thèm về quê nữa. Tương lai xán lạn ở phía trước. Niềm vui lại rộn ràng điệp khúc Alleluia!
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra Ngài trong những người chúng con gặp, nhất là nơi những người hèn mọn, và xin cho họ cũng nhận ra Ngài khi gặp chúng con. Xin giúp chúng con biết cầm lấy tấm-bánh-cuộc-đời-mình, tạ ơn Ngài, bẻ ra, trao cho mọi người, và luôn làm chứng về Đức Kitô chịu chết và phục sinh. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét