Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Chuyện giữ đức tin thời COVID-19


Chuyện  giữ  đức  tin  thời  COVID-19
Tienphong-03/04/2020-MINH ĐỨC


TP - “Lo âu, sợ hãi rồi vững tin”, đó là tâm trạng của nhiều người Công giáo trong những ngày qua, khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, ảnh hưởng đến cả Giáo hội hoàn vũ nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng. Liên quan đến dịch bệnh này, hàng loạt giáo phận, giáo xứ lần lượt ra những thông báo ngưng thánh lễ và các sinh hoạt cộng đoàn… Thay vào đó, các thánh lễ được tổ chức trực tuyến qua mạng internet, tăng cường làm việc thiện để giữ đức tin.

Ở nhà nhưng dự lễ tận Rome
Ngày 1/4, trao đổi với Tiền Phong, Tổng Giám mục Joseph Nguyễn Năng, Tổng Giáo phận Sài Gòn (TPHCM) cho rằng, cùng với cộng đồng xã hội, chúng ta ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự sống của tất cả mọi người, kể từ ngày 25/3 cho đến khi có thông báo mới, trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của các giáo xứ và dòng tu trong Tổng Giáo phận sẽ tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn.
Theo đó, các nhà thờ không tổ chức cầu nguyện cộng đoàn, nhưng vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện riêng trước Chúa. Không được tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ. “Chưa bao giờ chúng ta phải ngưng thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung như thế này.


Chuyện giữ đức tin thời COVID-19 - ảnh 1
Hình ảnh giáo dân dự thánh lễ tại gia Ảnh: Đ.H

Tuy nhiên, chúng ta cùng với người dân cả nước cần phải tranh thủ giai đoạn vàng này để khỏi bị vỡ trận trước dịch bệnh. Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại”, Tổng Giám mục Joseph nói.
Việc giữ đức tin không chỉ chuyện cá nhân, ngày 29/3, Ủy ban Phụng tự, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã lưu ý những nguyên tắc chung cho việc cử hành và tham dự thánh lễ trực tuyến như sau: Về kỹ thuật, vài cách thức trực tuyến phổ biến hiện nay gồm phát trực tiếp thu hình/quay phim và truyền trực tiếp cùng thời điểm (livestream); phát lại những chương trình đã được “phát trực tiếp” còn lưu trên các kênh truyền thông và không gian mạng; sản xuất một chương trình với mục đích để phát lại sau đó theo thời gian định sẵn (pre-recorded).
Làm thế nào để người Công giáo giữ đức tin trong đại dịch toàn cầu? Chia sẻ với Tiền Phong, linh mục Francis Phạm Đức Huy cho biết, hiện Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra thông báo về các thánh đường thuộc 27/27 Giáo phận trên cả nước ngưng thánh lễ cộng đoàn, thay vào đó là thánh lễ được phát trực tuyến trên mạng internet. Theo linh mục Francis hiện, các thánh đường thuộc các tổng giáo phận, giáo phận đều tổ chức dâng thánh lễ trực tuyến phát trực tiếp qua mạng internet và giáo dân có thể dự thánh lễ tại gia.
Ngoài ra, đối với trường hợp giáo dân không có đủ điều kiện, phương tiện như điện thoại smartphone, màn hình kết nối internet… không bắt buộc phải dự thánh lễ trực tuyến. Những gia đình có điều kiện, nếu biết thông thạo ngoại ngữ không chỉ tham dự thánh lễ tại Việt Nam mà có thể tham dự thánh lễ do Giáo hoàng Francis cử hành tại Vatican, Rome (Italy) hoặc các nước trên thế giới tuỳ nhu cầu và sở thích của giáo dân, linh mục Francis nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thánh lễ không chỉ được tổ chức phát trực tuyến qua mạng internet, có nơi linh mục còn sáng kiến ra việc cử hành thánh lễ qua loa phóng thanh như giáo xứ Hữu Bằng, Giáo phận Bắc Ninh là một minh chứng.


Chuyện giữ đức tin thời COVID-19 - ảnh 2
Hình ảnh giáo dân dự thánh lễ tại gia Ảnh: Đ.H

Làm việc thiện là cách giữ đức tin
Chia sẻ với chúng tôi về việc làm thế nào để giữ đức tin trong đại dịch COVID-19, giáo dân Nguyễn Quang Uy, Giáo xứ Hà Đông (Tổng Giáo phận Hà Nội) cho rằng, đến nhà thờ là cần thiết, tuy nhiên ở mỗi hoàn cảnh đều có những giải pháp để giữ đức tin. Trong chiến tranh, dịch bệnh, hoặc do hoàn cảnh công việc, nhiều giáo dân không thể đến nhà thờ, nhưng họ đều có cách thức để giữ đức tin. Anh Uy cho rằng, cha ông ta đã răn dạy, “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” và đến nay điều này vẫn còn nguyên giá trị.
Là giáo dân không chỉ hiểu giáo lý, kinh thánh mà cần có việc làm thiết thực chứng minh đức tin của mình. Chẳng hạn như giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn, làm việc nghĩa, điều tốt… đó cũng là việc giữ gìn đức tin mà bất cứ tôn giáo chính thống nào cũng răn dạy.
 Hoặc anh Phạm Xuân Thủy, Giáo xứ Hàm Long (Tổng Giáo phận Hà Nội) cho rằng, với tình trạng dịch bệnh như hiện nay, ngoài việc tĩnh tâm xem lễ trực tuyến, chúng ta cần tăng cường làm việc thiện. Tích cóp tiền bạc, lương thực để giúp đỡ người bệnh, người nghèo, người gặp hoạn nạn đó cũng là cách giữ đức tin, anh Thủy bày tỏ.

Sự cố “thời bốn chấm không”
Linh mục Anphongso Trần Ngọc Hướng chia sẻ về những câu chuyện khi dâng thánh lễ trực tuyến như: Kẹt mạng Cha ơi...Cho nghe nhạc chờ… quá giờ. Ai nói lễ trực tiếp mà không có “đi lễ trễ”…! Cha ơi, điện thoại của cha chỏng lên trời, toàn thấy cái đầu cha ơi... Mất âm thanh rồi Cha ơi… Ồn quá Cha ơi!
Đang “live” có người gọi điện… Cha ra: Alo đang truyền hình trực tiếp nhá! Cha ơi! Con đi mấy lễ mà toàn được nửa lễ - nửa lễ bên này bị sự cố, rồi nhảy qua lễ khác… Đổi hẳn qua Giáo phận khác, được nửa lễ... lại sự cố kỹ thuật... Đã lên mạng lại còn “bịt khẩu trang” không nghe được Cha ơi!....Và nhiều câu hỏi éo le thay cho cả hàng trăm hàng ngàn người…

Tổng Giám mục Joseph Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Hà Nội ra thông báo kể từ ngày 28/3, các thánh lễ được phát trực tuyến qua mạng internet, ngày thường là 5h30 và 18h30, chủ nhật là 7h và 18h. Ngày 25/3/2020, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã đưa ra những chỉ dẫn giảm thiểu tối đa sự tập trung đông người trong các sinh hoạt tôn giáo để phòng ngừa sự lây lan. Theo đó, tại nhà thờ Đức Bà và nhà thờ Tân Phước, thánh lễ trực tuyến sẽ được cử hành vào lúc 5h30 và 17h30 hằng ngày.

MINH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét