Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Uống nước theo cách này cực tốt ...




Uống  nước  theo  cách  này  cực  tốt  cho  cổ  họng,  giúp  phòng  ngừa  bệnh  tật  hiệu  quả
Ngày 14 Tháng 3, 2020-giadinh.net


Uống nước theo cách này cực tốt cho cổ họng, giúp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả - Ảnh minh họa.

GiadinhNet – Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp hoặc chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rõ rệt, nhiều người thường bị khô họng, đau rát họng thậm chí viêm họng. Làm sao để vùng họng luôn khỏe mạnh?
Theo các chuyên gia, vùng cổ họng có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập, tấn công cơ thể. Nếu không bảo vệ tốt bộ phận này, các tác nhân gây bệnh sẽ dễ dàng xâm nhập gây đau rát cổ họng, viêm họng và kéo theo các hệ lụy khác về đường hô hấp.

Như vậy, việc quan trọng cần làm để "chặn đứng" sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh là giữ vùng hầu họng luôn sạch sẽ, khỏe mạnh thông qua việc súc họng bằng dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý hàng ngày.

Bên cạnh đó, giữ ấm vùng cổ kết hợp uống nước ấm mỗi ngày cũng là việc làm đơn giản, dễ thực hiện được khuyến cáo giúp nâng cao sức đề kháng của vùng hầu họng, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Đề cập đến công dụng của việc uống nước ấm mỗi ngày, nhất là đối với vùng cổ họng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, theo nguyên lý, khi uống nước ấm, nhiệt độ của nước sẽ làm cơ thể ấm dần lên, giúp cho quá trình lưu thông máu, trao đổi chất trong cơ thể diễn ra thuận lợi hơn.

Trong khi đó, vùng cổ họng là nơi trực tiếp thực hiện chức năng nuốt nước vào trong cơ thể. Do đó, khi nước ấm đi qua bộ phận này sẽ làm giãn mạch máu, giúp máu ở cổ họng lưu thông tốt hơn. Các niêm mạc vùng hầu họng hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng chống lại nguy cơ xâm nhập của các tác nhân gây hại từ môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, khi uống nước ấm, cần lưu ý về nhiệt độ của nước, tránh uống nước nóng quá gây bỏng niêm mạc họng. Nhiệt độ của nước ấm được khuyến cáo dưới 50 độ C, thích hợp nhất là trong khoảng từ 37 – 45 độ C (nước đun sôi để nguội dần hoặc pha nước sôi với nước nguội để thành nước ấm). Khi uống, nên uống từng ngụm nhỏ để nước từ từ đi qua vùng họng, sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Ngoài nước lọc ấm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, người dùng có thể kết hợp pha thêm một chút muối để súc họng hàng ngày. Nước muối ấm có thể giúp đẩy virus, vi khuẩn ra bên ngoài, ngăn ngừa trường hợp bị viêm nhiễm vùng cổ họng.


Dùng nước ấm để pha mật ong, chanh hoặc thả vài lát gừng vào nước ấm để giúp làm sạch họng, ấm vùng họng cũng như giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Ảnh minh họa

Đặc biệt, vị chuyên gia này khuyến cáo, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp hoặc chênh lệch nhiệt độ ngày đêm rõ rệt, nhiều người thường bị khô họng, đau rát họng thậm chí viêm họng, nên tăng cường uống nước ấm (khoảng 2 lít nước mỗi ngày) hoặc súc họng bằng nước muối để làm giảm triệu chứng. Trong trường hợp này, uống nước ấm có thể hỗ trợ làm dịu tình trạng đau họng hoặc loãng đờm (nếu có).

Bên cạnh đó, có thể dùng nước ấm để pha mật ong, chanh hoặc thả vài lát gừng vào nước ấm. Các loại nước này cũng giúp làm sạch họng, ấm vùng họng cũng như giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Ngoài công dụng trực tiếp đến vùng họng, theo các chuyên gia, uống nước ấm mỗi ngày còn giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Ngoài ra, thói quen này còn giúp cải thiện nhu động ruột và phòng ngừa táo bón; giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Đồng thời, chuyên gia cũng cho rằng, thói quen uống nước ấm là biện pháp thúc đẩy trao đổi chất hữu hiệu nhất; giúp cải thiện giấc ngủ. Uống một cốc nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp thư giãn và ngủ ngon hơn.

Mai Thùy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét