Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Bill Gates: 'Dịch bệnh còn nguy hiểm hơn chiến tranh'


Bill Gates: 'Dịch  bệnh  còn  nguy  hiểm  hơn  chiến  tranh'

Nhật Minh 12:47 21/03/2020



Tỷ phú sáng lập Microsoft mới đây chia sẻ bài viết chi tiết về những hiểu biết đối với dịch Covid-19.

Sau khi rời vị trí lãnh đạo ở Microsoft, Bill Gates đã có nhiều đóng góp cho các nỗ lực nghiên cứu dịch bệnh cũng như cải thiện tình trạng sống của người nghèo.

Vào tháng 2, quỹ Bill and Melinda Gates cam kết quyên góp 100 triệu USD để chống dịch Covid-19, bao gồm tài trợ cho tuyến đầu y tế, các biện pháp phòng ngừa, điều trị cho bệnh nhân và phát triển vaccine.

Bill Gates cùng vợ là bà Melinda tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện. Ảnh: AFP.

Trên diễn đàn Reddit, Bill Gates vừa tổ chức một buổi hỏi đáp với chủ đề dịch bệnh Covid-19. Toàn bộ nội dung được ông đăng tải lại trên trang cá nhân, với những thông tin về nỗ lực chống dịch cũng như thay đổi của xã hội sau đại dịch.


Dịch Covid-19 không công bằng với nước nghèo


Một trong những quan điểm được Bill Gates nhắc lại nhiều lần ở các câu trả lời là lợi thế của những nước giàu khi đối phó với dịch. Cụ thể, các quốc gia phát triển có thể triển khai hệ thống kiểm tra người bệnh hiệu quả hơn, cũng như thực hành cách ly xã hội dễ dàng hơn. Ông tin rằng đây là cách duy nhất ở thời điểm hiện tại để hạn chế dịch bệnh bùng phát.


Bill Gates tin rằng cách ly xã hội là cách hiệu quả nhất để giảm lây lan dịch bệnh. Ảnh: Getty.

“Với những hành động đúng đắn, bao gồm kiểm tra và cách ly xã hội, trong vòng 2-3 tháng các nước phát triển có thể ngăn chặn đại dịch lây lan mạnh.

Tôi cũng lo ngại về những ảnh hưởng kinh tế, nhưng tệ nhất vẫn sẽ là các nước đang phát triển, vốn khó có thể cách ly xã hội như các nước giàu, và hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng kém hơn”, Bill Gates chia sẻ.

“Không may là ở nhiều quốc gia nghèo, việc cách ly xã hội khó hơn rất nhiều. Mọi người sống gần với nhau và cần phải làm việc để có cái ăn, nên sẽ có những quốc gia mà virus lây lan mạnh mẽ”, ông giải thích thêm.

Trong những câu trả lời, Bill Gates đánh giá nỗ lực phong tỏa nhiều thành phố của Trung Quốc là một hình thức hiệu quả giúp hạn chế số ca nhiễm bệnh ở mức hệ thống y tế vẫn kiểm soát được. Vị tỷ phú đánh giá cách ly xã hội trong ngắn hạn, và vaccine trong dài hạn, là những cách duy nhất để khống chế dịch bệnh.



Bill Gates tin rằng lý thuyết miễn dịch cộng đồng có thể khiến hệ thống y tế "vỡ trận". Ảnh: AP.

Bill Gates chia sẻ ông không tin vào lý thuyết “miễn dịch cộng đồng” đang được áp dụng ở Hà Lan.

“Mô hình duy nhất đã chứng tỏ hiệu quả là nỗ lực cách ly xã hội triệt để. Nếu không làm điều này, dịch bệnh sẽ lây lan tới mức độ khiến cho bệnh viện bị quá tải. Mặc dù việc cách ly có nhiều hệ lụy, chúng ta phải tránh việc bệnh viện quá tải.

Nếu như một quốc gia không thể kiểm soát số ca nhiễm của mình, các nước khác sẽ cấm mọi người ra vào quốc gia đó. Tôi nghĩ Hà Lan cuối cùng sẽ làm giống như các nước khác”, ông nhận xét.

Vaccine vẫn là giải pháp dài hạn

Khi được hỏi về vaccine, Bill Gates cho rằng thế giới đang nỗ lực hết sức để có thể tạo ra vaccine chống lại Covid-19, nhưng không thể hứa trước bao giờ sẽ có.

“Chúng ta sẽ phải xây dựng nhiều cơ sở để thử nghiệm tất cả những hướng tiếp cận hiện nay, vì một số hướng sẽ không hiệu quả. Chúng ta cần hàng tỷ liều vaccine để bảo vệ thế giới. Vaccine cần quá trình kiểm nghiệm để đảm bảo chúng vừa hiệu quả vừa an toàn.

Những liều vaccine đầu tiên chúng ta có sẽ được dành cho những người làm trong ngành y và các lĩnh vực quan trọng. Có thể sẽ không mất đến 18 tháng nếu mọi thứ suôn sẻ, nhưng tôi lẫn Tiến sĩ Fauci hay mọi người đều không dám hứa trước. Tất cả đều đang cố gắng hết sức có thể”, Bill Gates chia sẻ.



Đối với các hình thức trị liệu, Bill Gates cho rằng chúng sẽ giúp giảm số ca bệnh nặng. Tuy nhiên, để chặn dịch bệnh toàn cầu thì thế giới vẫn cần vaccine.

“Biện pháp trị liệu sẽ có sớm hơn nhiều so với vaccine. Lý tưởng nhất thì chúng sẽ giúp giảm số lượng bệnh nhân cần cấp cứu.

Để giảm thiểu số ca nhiễm trên toàn cầu chúng ta cần vaccine. Nhiều nước giàu, bao gồm cả Mỹ có thể giảm số ca nhiễm bằng những biện pháp đúng đắn, nhưng các nước đang phát triển sẽ rất khó chặn dịch. Do vậy, vaccine là tối quan trọng”, ông nói thêm.

Xã hội sẽ thay đổi thế nào sau dịch bệnh?

Khi được hỏi tới nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (ICL) về vấn đề “làm phẳng đồ thị” và cách ly xã hội, nước Mỹ vẫn sẽ có tới một triệu người chết, Bill Gates cho rằng nghiên cứu này “quá tiêu cực”.

“Trải nghiệm ở Trung Quốc là dữ liệu quan trọng nhất chúng ta có. Họ đóng cửa, kiểm tra người nhiễm rộng khắp và có thể nhận thấy những ca nhiễm mới ngay lập tức. Họ ngăn chặn được dịch lan xa.

Mô hình của ICL không phản ánh điều này. Mọi mô hình chỉ phản ánh những giả định mà người ta đặt cho nó”, Bill Gates trả lời.


Thế giới cần có những sự chuẩn bị tốt hơn với các đại dịch trong tương lai. Bill Gates cho rằng đại dịch cũng nguy hiểm như những cuộc chiến tranh. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trong tương lai, vị tỷ phú tin rằng các quốc gia sẽ phải chuẩn bị kỹ hơn cho những đại dịch như Covid-19, bởi không phải vũ khí, các dịch bệnh sẽ nguy hiểm hơn cho con người.

“Không ai đoán trước được khi nào một chủng virus mới xuất hiện. Tuy vậy, chúng ta có thể dự đoán được dịch bệnh sẽ xảy ra vào lúc nào đó, dù là cúm hay virus hô hấp.

Chúng ta đã chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh và giờ đây chúng ta cũng phải chuẩn bị trước để đối phó dịch bệnh”, ông nhận xét.

“Tôi nghĩ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các chính phủ và nhiều đơn vị khác sẽ đầu tư mạnh để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh tiếp theo. Đây sẽ là nỗ lực hợp tác toàn cầu giúp các quốc gia đang phát triển, những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Một ví dụ là chúng ta cần kiểm nghiệm các phương pháp trị liệu dù dịch bệnh xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào. Virus không có khái niệm đường biên giới”, Bill Gates nói thêm.

Bill Gates kể lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời Cuộc đời Bill Gates trải dài những vinh quang của giới công nghệ. Thế nhưng, đối với nhà sáng lập Microsoft, những kỷ niệm mà ông ghi sâu nhất đều đến từ người thân xung quanh.

Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét