Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Phục sinh là tất cả về niềm Hy vọng


Phục  sinh  là  tất  cả  về  niềm  Hy  vọng
Tue, 14/04/2020 - Lại Thế Lãng dịch




Chúc mừng Phục sinh! Đây là một ngày trên tất cả mọi ngày, chúng ta vui mừng vì Chúa Giêsu phục sinh và chúng ta được cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết.

Có một điều buồn cười về lễ Phục sinh. Việc cử hành một biến cố đã xẩy ra 2000 năm trước nhưng chúng ta không cử hành lễ đó như một sự kiện lịch sử trong qúa khứ. Chúng ta nói “Chúa Kitô đang sống lại” chứ không nói “Chúa Kitô đã sống lại”. Khi chúng ta tuyên xưng điều này là chúng ta đang cử hành những thông tin vĩ đại rằng Chúa Giêsu phục sinh tiếp tục cứu vớt con người trong từng ngày. Chúng ta đang cử hành lời hứa của Ngài sẽ ở với mỗi người chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế.” (Mátthêu 28: 20). Và cuối cùng chúng ta cử hành lời hứa của Ngài sẽ trở lại trong vinh quang và đưa chúng ta về với Ngài trên thiên đàng. Vậy thì Phục sinh là một cuộc cử hành của qúa khứ, hiện tại và tương lai tất cả cùng một lượt.

Trong bài viết này chúng ta muốn tập trung vào món qùa của hy vọng – một món qùa về tương lai. Chúng ta muốn xem tại sao sự phục sinh của Chúa Giêsu làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng. Chúng ta muốn xem làm sao những lời hứa của Ngài, sức mạnh của Ngài và sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta có thể thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có một tương lai tươi sáng, đầy hy vọng ở phía trước.

Hy vọng qúa khứ và hy vọng tương lai
Hãy suy nghĩ xem chúng ta sẽ cảm thấy điều gì khi chúng ta ở trong một tình huống mà chúng ta cảm thấy không còn hy vọng. Chúng ta cảm thấy bị mắc kẹt. Tất cả niềm vui trong lòng đã cạn kiệt. Con đường phía trước trông tối tăm, đáng sợ và chúng ta sợ hãi phải bước những bước tiếp theo về phía trước.

Bây giờ hãy suy nghĩ về những gì chúng ta sẽ cảm thấy khi chúng ta đang tràn đầy hy vọng. Tương lai trông sáng sủa và đầy hứa hẹn. Chúng ta đang háo hức để giải quyết bất cứ chướng ngại vật nào ở phía trước. Chúng ta nhìn lại qúa khứ với lòng biết ơn – cả cho những điều tốt lành đã trải qua và những thách thức đã giúp rèn luyện chúng ta.

Nói cách khác, khi chúng ta hy vọng, chúng ta có thể thấy tất cả những cách tốt đẹp mà qúa khứ đã hình thành nên chúng ta. Chúng ta cũng có thể thấy như Chúa đang ở với chúng ta, ban ơn phước cho chúng ta trong những thời điểm tốt lành và đưa chúng ta qua khỏi những thời điểm đen tối. Nhưng nếu chúng ta cảm thấy không có nhiều hy vọng, chúng ta sẽ có khuynh hướng ở giữa những mặt tiêu cực của qúa khứ và không nhìn thấy sự trung tín của Thiên Chúa và những lời hứa của Ngài luôn ở với chúng ta.

Một câu chuyện của hy vọng
Một trong những hình ảnh minh họa tốt nhất cho loại hy vọng này là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường đến Em-mau (Luca 24: 13-35). Chúng ta đều biết câu chuyện này. Chúng ta biết Chúa Giêsu đã gặp hai môn đệ khi họ đi về hướng Em-mau vào ngày Chúa nhật Phục sinh nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Chúng ta cũng biết rằng các môn đệ đã buồn rầu vì Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và tất cả hy vọng của họ đã bị tiêu tan. Họ đã nghĩ rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia nhưng bây giờ dường như Ngài chỉ là một người rao giảng hăng hái mà thôi.

Khi họ cùng đi với nhau, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ về việc đấng Mêsia sẽ chết là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài đã giải thích việc Môsê và các tiên tri đã được chỉ rõ kế hoạch này và đấng Mêsia đã được sống lại từ cõi chết. Lời lẽ của Chúa Giêsu đã khiến các môn đệ mời Ngài dùng bữa tối. Và khi Ngài làm phép bánh, mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài. Ngạc nhiên và vui mừng, họ vội vã quay trở về Giêrusalem để nói với Phêrô và những người khác.

Trên đường trở lại, các môn đệ nhận ra rằng trong lòng họ bừng cháy  khi Chúa Giêsu nói chuyện với họ (Luca 24: 32). Hy vọng của họ nhen nhúm khi Ngài giải thích qúa khứ của họ trong một cách thức khác. Niềm hy vọng của họ bắt đầu tỏa sáng rực rỡ trong khi Ngài cho họ thấy những kế hoạch vinh quang của Thiên Chúa dành cho tương lai của họ. Tất cả những tin tốt lành đó đã xóa đi nỗi buồn của họ. Rồi khi Chúa Giêsu làm phép và bẻ bánh, hy vọng của họ được phục hồi. Họ sẵn sàng lại đi theo Ngài.

Điều quan trọng để thấy rằng Chúa Giêsu đã không chỉ giảng dậy các môn đệ trên đường đi. Ngài đã phục hồi hy vọng của họ - bằng cách chữa lành ký ức của họ. Ngài đã giúp họ nhìn thấy qúa khứ qua đôi mắt của Ngài. Ngài đã chỉ cho họ cách cẩn thận và kiên nhẫn việc Thiên Chúa đã làm để đưa họ đến điểm này. Ngài đã cho họ thấy rằng hy vọng của họ vào Chúa Giêsu cuối cùng đã không vô ích. Bằng việc giải thích qúa khứ, Ngài đã mở ra cho họ hy vọng trong tương lai.

Ký ức được chữa lành, tầm nhìn đầy hy vọng
Cũng giống như các môn đệ trên đường Em-mau, tất cả chúng ta đều trải qua những biến cố trong qúa khứ đã để lại cho chúng ta những cảm giác buồn khổ, bị bỏ rơi hoặc bị phản bội. Ký ức về những biến cố này có thể kéo một đám mây che khuất tầm nhìn của chúng ta cho tương lai. Một số những nỗi đau này có thể là nhỏ bé, chỉ kéo dài một ngày hoặc ít hơn, nhưng có những nỗi đau khác có thể ở trong chúng ta trong nhiều năm. Cho dù là chúng chỉ ngắn ngủi như đối với các môn đệ trên đường Em-mau hay là kéo dài, những nỗi đau này có thể ảnh hưởng đến chúng ta rất lâu sau khi chúng ta đã trải qua.

Câu chuyện Em-mau cho chúng ta thấy rằng dù cho qúa khứ có ảm đạm như thế nào, Chúa Giêsu cũng có thể giúp chúng ta. Ngài có thể đi cùng chúng ta và lắng nghe khi chúng ta giãi bày cõi lòng ra với Ngài. Ngài có thể chữa lành những ký ức đau đớn của chúng ta và phục hồi hy vọng cho chúng ta.

Nếu chúng ta muốn trải nghiệm loại chữa lành này, hãy mời Chúa Giêsu vào qúa khứ của chúng ta và cùng xem xét với Ngài. Đã có ai làm tổn thương chúng ta khiến chúng ta cảm thấy lo âu, sợ hãi? Có lẽ một mối quan hệ bị tổn thương khiến chúng ta tức tối, bực bội. Có thể tình trạng giảm sút tài chánh hay một vấn đề gặp phải trong công việc đã đặt chúng ta vào tình trạng lao đao. Dù thế nào, hãy quay lại những biến cố đó trong tâm trí chúng ta tốt nhất có thể. Nhưng đừng làm điều đó một mình. Hãy hình dung Chúa Giêsu ở với chúng ta khi chúng ta nhìn biến cố đó được mở ra. Hãy tưởng tượng chính chúng ta dùng đôi tay Ngài, và nói cho Ngài biết tại sao chúng ta bị tổn thương. Hãy nói với Ngài sự tổn thương ấy còn ảnh hưởng đối với chúng ta ra sao và xin Ngài cất đi nỗi đau đớn.

Đừng ngại nếu cần kéo dài những khoảnh khắc im lặng. Chỉ cần cố gắng hết sức ngồi trong sư hiện diện của Chúa và để Ngài giúp chúng ta. Hãy viết xuống những gì chúng ta cảm nhận được Ngài đang nói hay đang làm. Có thể Ngài đang đặt tay trên vai chúng ta và kéo chúng ta đến gần Ngài. Có thể Ngài đang chỉ cho chúng ta Ngài đang ở đó với chúng ta, cảm thấy nỗi đau của chúng ta và cầu nguyện với Cha Ngài cho chúng ta. Có thể Ngài đang giúp chúng ta tha thứ cho những ai đã gây tổn thương cho chúng ta.

Cũng đừng lo lắng nếu chúng ta chưa cảm thấy tốt hơn ngay lập tức. Có thể cần phải có thời gian để chúng ta mở lòng ra đủ để Chúa Giêsu bước vào. Hãy thường xuyên cầu nguyện. Theo thời gian, nỗi đau của qúa khứ sẽ mờ dần và tâm hồn chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng ta sẽ thấy rằng hãy còn có lý do để hy vọng – Bởi vì Chúa Giêsu, Chúa sống lại, đang ở với chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Phục sinh là hy vọng của chúng ta
Phục sinh là tất cả về hy vọng. Thông điệp của Phục sinh là Chúa Giêsu không chỉ chết trên thập giá và rồi về thiên đàng. Ngài vượt qua tội lỗi và rồi trở lại với chúng ta. Bằng cách hiện ra với Phêrô, Maria, Mađalena, các môn đệ trên đường Em-mau và nhiều hơn nữa, Ngài đã cho chúng ta một bằng chứng rằng Ngài vẫn còn liên hệ đến cuộc sống của chúng ta. Ngài cho chúng ta thấy rằng Ngài vẫn muốn chữa lành cho chúng ta và giúp chúng ta đi theo Ngài. Ngài cho chúng ta thấy rằng Ngài có một niềm hy vọng to lớn cho tương lai của chúng ta, do đó chúng ta cũng nên tin tưởng như vậy.

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy mình trên con đường riêng đến Em-mau, ngay cả không biết làm sao để đến đó. Nhưng chúng ta không phải ở lại đó. Hãy chạy đến với Chúa Giêsu và xin Ngài giúp. Nhìn những dấu chỉ của hy vọng ở quanh chúng ta. Hãy dành một ít phút ở với Ngài trong cách chúng ta đã mô tả ở trên. Dùng một vài việc trong qúa khứ của chúng ta – lớn hay nhỏ và mời Ngài vào. Hãy thử mấy lần trong mùa Phục sinh này và xem có thể chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bình an hơn, hy vọng hơn.

Trong thánh lễ Vọng Phục sinh đầu tiên của Ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói “Để nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm và tiếp tục làm cho tôi . . . để nhớ lại con đường mà chúng ta đã đi – đây là cách mở lòng chúng ta ra cho hy vọng vào tương lai” (Bài giảng lễ Vọng Phục sinh ngày 30/3/2013). Nhớ lại qúa khứ. Hãy xem có bàn tay của Thiên Chúa ở trong đó. Nhìn lại con đường chúng ta đã đi và xin Chúa Giêsu cất đi những ký ức đau buồn. Chúng ta làm điều này càng nhiều thì ý thức hy vọng cho tương lai của chúng ta càng lớn.

Một tương lai vinh quang
Vậy hãy để Chúa Giêsu đến với chúng ta trong mùa Phục sinh này. Hãy để Ngài cho chúng ta thấy rằng tương lai của chúng ta cũng vinh quang như Ngài. Hãy để Ngài giúp chúng ta đối mặt vớ bất cứ thử thách nào trong cuộc sống. Hãy tin tưởng rằng Ngài luôn ở bên chúng ta trong từng bước đi cũng như Ngài đã đi cùng với hai môn đệ trên đường Em-mau./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét