Nguyên nhân và hậu quả của dáng đi xấu.
Bs Nguyễn Ý Đức
Thưa bác
sĩ,
Xin bác sĩ
nói về nguyên nhân và hậu quả của dáng đi xấu. Vợ chồng chúng tôi tranh cãi về
vấn đề này. Xin cảm ơn bác sĩ.
Ngô Huy Khiết
Đáp:
Thưa ông Khiết.
Bác sĩ E. F. Schmerl,
chuyên khoa tâm thần người cao niên, đã nêu ra nhận xét: “Có cả ngàn cửa ngõ
đưa tới sự già trước tuổi và chết yểu. Một trong những cửa ngõ đó là dáng điệu
(posture) xấu của con người”.
Các nhân vật Dần, Tỵ, Hợi trong”Nhà
Quê Ra Tỉnh” của nhà biên khảo Đoàn Thêm, khi nói về lớp người lớn tuổi mấy chục
năm về trước, thì “đều phàn nàn rằng các cụ gắng uốn nắn con cháu, mà chính
mình lại có những thái độ hoặc cử động không ngoạn mục chút nào. Đi, đứng, ngồi
thì bệ vệ như quan to, hoặc co ro khúm núm, hoặc nghiêm trang trịnh trọng qúa đến
nỗi thành cụ non từ khi ba bốn mươi tuổi. Nhiều ông mới chừng 50 đã còng lưng,
bước đi thì lê gót với đôi giầy ta lẹp kẹp”.
Xin hãy cùng tìm hiểu
thêm về vấn đề này
Nguyên nhân
gây rối loạn cuả dáng đi.
Sau đây là một số nguyên
nhân đưa đến sự thay đổi dáng đi:
1- Biến chứng của bệnh tiểu
đường, ghiền rượu, thiếu sinh tố B12.
2- Chấn thương cột tủy sống,
não bộ.
3- Người bị bệnh
Parkinson, như võ sĩ Mohamed Ali.
4- Phong thấp khớp.
5- Do tác dụng phụ của một
số dược phẩm.
6- Khiếm khuyết thị giác
và giảm cảm giác ngoài da.
7- Biến chứng của tai biến
mạch máu não.
8- Không nguyên nhân: Đây
là diễn tiến tự nhiên nhưng quá mức của người già khi đi đứng, với tốc độ di
chuyển giảm, mất thăng bằng cơ thể, cử động kém nhịp nhàng. Khi đi, chân họ dạng
ra, bước ngắn, thân ngả về phía sau nên dễ ngã, mặc dù chân không yếu, không có
dấu hiệu nào chứng tỏ có sự rối loạn về thần kinh vận động.
Dáng đi của người bị những bệnh kể
trên diễn ra theo một số kiểu, đôi khi đặc thù cho từng bệnh.
Có người khi di chuyển,
các khớp xương hông, đầu gối và cổ chân duỗi thẳng, bước chân dang ra ngoài, đi
khó khăn, chậm chạp, yếu, móng chân đôi khi quệt xuống đất. Đây là dáng đi thường
thấy ở người bị tai biến mạch máu não.
Bệnh nhân bị Parkinson có
những bước đi ngắn, cứng nhắc, kéo lê chân trên mặt đất. Họ cất bước khó khăn, bước
đi nhanh, chậm bất thường khiến dễ ngã. Ở người này, khớp hông, đầu gối, cổ
chân và khuỷu tay co lại, cánh tay ghìm sát vào thân, thân ngả về phía trước.
Trong bệnh tiểu đường,
các biến chứng thần kinh khiến bệnh nhân đi không vững, thân ngả về phía trước,
chân dạng ra, bước đi không mềm mại, ngắn dài khác nhau, bàn chân nhấc cao rồi
đập mạnh xuống đất.
Nhiều người sau khi mổ mắt
cườm, hoặc đổi kính hai tròng (bifocal) cũng có dáng đi không vững này trong một
thời gian ngắn.
Người bị bệnh phong thấp,
nhất là ở hạ chi, khớp xương cứng, hao mòn, giảm mức độ cử động, cơ thịt teo yếu.
Họ đi không vững, thân ngả về phía bình thường để bớt đau.
Dáng đi bắt đầu thay đổi từ tuổi
ngoài 30. Khi tới tuổi cao, bước đi sẽ ngắn, bàn chân không nhấc cao lại giữ
lâu trên mặt đất, nhịp đi lạch bạch, cánh tay ít đu đưa, vung vẩy, khớp vai ít
nhúc nhích, thân ngả về phía trước để giữ thế thăng bằng.
Người cao tuổi thường đứng
không vững khi muốn xỏ một chân vào ống quần, và vì sợ ngã, nên phải kiếm vật
gì để vịn.
Hậu quả thay đổi dáng đi.
Rối loạn dáng đi là một
trong những nguy cơ khiến người cao tuổi hay bị ngã, tạo ra thương tích như gẫy
xương chân tay, chấn thương não bộ, đưa đến tàn tật.
Ngoài việc điều trị căn
nguyên bệnh, sự phục hồi khả năng di động cuả bệnh nhân rất quan trọng. Có những
chương trình y khoa phục hồi, làm tăng khẩu độ cử động các khớp, cũng như huấn
luyện điều chỉnh dáng đi cho thăng bằng trở lại, hướng dẫn cách xử dụng xe lăn,
gậy, nạng.
Ngoài ra cũng cần khuyến
khích, nâng cao tinh thần của người cao tuổi sợ ngã, để họ tự tin hơn và trấn
áp sự sợ ngã khi di chuyển.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét