Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Biến “nén bạc” thành những nguồn vui…

Biến  “nén  bạc”  thành  những  nguồn  vui…
(Thứ năm - 15/06/2017)


    
Lúc nào cũng niềm nở vui tươi, lại có nét mặt trẻ hơn tuổi thật dù đã chạm ngõ ngũ tuần - Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp linh mục Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi (Chánh xứ Lệ Sơn, GP Đà Nẵng).
Biến “nén bạc” thành những nguồn vui…

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, ông cố là người viết sách làm thơ, lại biết nhiều thứ tiếng nên ngay từ tấm bé, cha Phi đã được uốn nắn nghiêm khắc. Mầm ơn gọi nảy nở trong cha từ thuở còn là lễ sinh và tiếp tục được vun trồng trong môi trường đạo đức, thánh thiện khi ông bà cố đều là những người tích cực trong các sinh hoạt hội đoàn của giáo xứ. Thời ấy, nhận được sự động viên khích lệ và hằng ngày bị tác động bởi hình ảnh dấn thân, hết lòng chăm lo cho giáo dân nơi cha bố Phêrô Nguyễn Châu Hải, lúc đó là chánh xứ Thanh Bình (GP Đà Nẵng), ước vọng trở thành mục tử của cha càng trở nên mãnh liệt.

Sau sáu năm học và làm nghề Đông y theo truyền thống gia đình, năm 1994, chàng thanh niên mới bước chân vào tu học tại Đại chủng viện Xuân Bích Huế. “Có lẽ trong cuộc đời của mình, ông cố là người có ảnh hưởng nhiều nhất. Khi mới lên 5, ông đã bắt mình học tiếng Anh và còn tập cho mình thói quen ham thích đọc sách từ sớm”, cha Phi hồi tưởng. Khi vào chủng viện, những giờ rảnh, cha lại lên thư viện tìm sách đọc, gặp cuốn sách tiếng Anh nào hay hay thì mày mò dịch ra tiếng Việt.

Bảy năm trung kiên với ơn gọi, đến năm 2001, cha Phi nhận lãnh tác vụ linh mục. Trong vai trò cha phó, vị mục tử đã in dấu chân qua các xứ đạo Gia Phước, An Thượng, Nhượng Nghĩa, Tam Kỳ, Thanh Đức. Cha sống gần gũi với giáo dân, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng và nâng đỡ đoàn chiên, không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Khi về Phước Tường và Lệ Sơn trong nhiệm vụ chánh xứ, bằng cách này cách khác, cha đã chăm lo và thành lập hội đoàn, vực lại đời sống đạo, thắp lên ngọn lửa Tin Mừng các tâm hồn còn nguội lạnh. Thấy  con em ở quê thường bỏ học sớm phụ giúp gia đình, hằng năm cha vẫn đi xin chỗ này chỗ khác, giúp đứa này chiếc xe đạp (mỗi năm khoảng 100 chiếc), đứa nọ sách vở bút viết, quần áo đi học. Cũng có khi ngài mua sữa, quà bánh tới từng nhà thăm tặng bà con nghèo, không phân biệt tôn giáo. Cha cũng hay mời những đoàn y bác sĩ tới khám chữa bệnh cho cả xã, khoảng 3-4 lần/năm.

Ngoài nhiệt thành trong mục vụ, cha Phi còn được biết đến như vị linh mục nổi tiếng viết truyện ngụ ngôn. Tính từ năm 2000 đến nay, cha đã có khoảng 300 truyện với nhiều chủ đề khác nhau. Ý tưởng viết truyện đến rất tình cờ. Dịp đó, đi dạy giáo lý ở nhà thờ Phủ Cam (Huế), được một học trò tặng cho cái hồ kính và con cá lý ngư vàng, cha đặt trên bàn để những lúc rảnh rỗi ngồi ngắm. Bỗng một sáng thức giấc, con cá nhảy ra khỏi hồ rồi chết. “Hình ảnh đó tác động mạnh đến tôi, thế là mình vội vàng lấy giấy bút viết lại câu chuyện con cá nhảy ra ngoài chơi khi trong hồ bức bối tù túng, không ngờ ra ngoài nó lại chết. Cuộc đời con người cũng vậy, lắm lúc mơ tưởng rồi đối diện với thực tế mới vỡ lẽ đời không như là mơ”, cha lý giải. Thời điểm mới chắp bút, truyện kể còn đơn sơ, dần dà tự rút kinh nghiệm, trau chuốt để truyện trở nên hấp dẫn hơn. Trong mỗi câu truyện ngụ ngôn, tác giả khéo léo lồng vào hình ảnh có trong Thánh Kinh và nhờ lối ví von, câu thoại, tình huống ứng xử… đã giúp người đọc hướng thiện, từ từ thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn. Nhiều nữ tu, linh mục đã dùng truyện của cha để dạy giáo lý hay dẫn vào các bài giảng trong nhà thờ. “Chủ đề lớn của truyện ngụ ngôn tôi viết là về giáo dục, theo lời Chúa dạy đừng có hận thù, ganh ghét , tất cả hãy yêu thương nhau để chúng ta sống trong một thế giới đầy tràn tình yêu thương”, vị mục tử cho biết thêm.


Cha Phi (x) nhận bằng kỷ lục gia

Bên cạnh viết truyện, cha Phi còn soạn sách về nhạc. Trong đó, cuốn “Phương pháp đệm đàn theo số ngón tay” (NXB Đà Nẵng) của ngài giúp người học organ có thể biết đệm đàn trong thời gian ngắn nhất. Xuất phát từ thực tế các em thiếu nhi ở giáo xứ rất thích học đàn, nhưng học lâu lại mau chán. Ban đầu lớp học đăng ký rất đông, đến khi kết thúc khóa chỉ còn lại rất ít. Vốn là một hướng đạo sinh, lại đứng lớp giảng dạy rất nhiều khóa học kỹ năng, ngài trăn trở làm sao gợi hứng được cho các em bằng những bài học giản dị, dễ tiếp thu, không mất nhiều thời gian. Cha kể: “Tình cờ nghe được cách học đệm đàn nhanh chóng, tôi liền đi sưu tầm, tìm tòi và đối chiếu, thực nghiệm các hợp âm của đàn organ với nhau, rồi đặt vào cách thức đệm đàn đã được nghe sơ qua và biên soạn ra công thức theo số ngón tay”. Công thức đệm đàn chỉ vỏn vẹn trong mấy câu thơ lục bát nhưng để tìm ra phương pháp này, cha Phêrô đã mất mấy tháng trời nghiền ngẫm, đi đâu làm gì cũng nghĩ đến nó. Khi mới công bố, nhiều người không tin, đến lúc cha biểu diễn và mọi người học theo công thức, mới thật sự khâm phục do sau đó đã đệm và hát được hơn cả mong đợi.

Vận dụng khả năng sáng tác, cha tìm cách tạo hứng khởi cho các em thiếu nhi học giáo lý, làm sao để chúng vừa học vừa chơi. Bằng cách chuyển nội dung Kinh Thánh qua bài hát, qua thơ lục bát, hay hò ba miền Bắc, Trung, Nam, hay gắn câu kinh lên băng reo… Chính cách học sinh động, mỗi ngày thay đổi từng thể loại như vậy khiến lũ trẻ thuộc bài ngay tại lớp, khi ra về còn nghêu ngao hát cho vui, bạn bè nghe thấy cũng học theo được.

Nói về tấm lòng của vị chủ chăn, ông Đặng Văn Hòa - Chủ tịch HĐMVGX tự hào: “Lúc nào ngài cũng vui vẻ, rộng rãi hào sảng với con chiên, đặc biệt là tìm mọi phương cách để giáo dân có cái nhìn theo Chúa Giêsu, tức là dùng lăng kính Tin Mừng, dùng cặp kiếng Chúa Kitô để sống và ứng xử với tha nhân”. Còn cha Phi thì nhẹ tênh: “Chúa ban cho mình khả năng thì mình cố gắng thể hiện để biến “nén bạc” thành những nguồn vui. Mình sống đời dấn thân, tận hiến mà!”.

Linh mục Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận và cấp giấy chứng nhận đã lập 4 kỷ lục Việt Nam:

- Người viết truyện tiểu thuyết trữ tình nhiều chữ T nhất (8800 từ) với tác phẩm “Truyện thầy Tổng Thánh Tađêô Trần Trung Thành”.

- Linh mục viết truyện ngụ ngôn nhiều nhất.

- Người viết sách “Trò chơi trí tuệ cao cấp có nhiều chìa khóa mở mật mã nhất”.

- Người biên soạn sách “Phương pháp đệm đàn organ theo số ngón tay để học đệm đàn organ với thời gian học ngắn nhất”.

Ngài cũng là thành viên Hội đồng tư vấn tổ chức kỷ lục Việt Nam. Ngoài ra, với bút danh là Thạch Ngọc, cha đã sáng tác trên 500 ca khúc đạo lẫn đời. Một số tác phẩm thánh ca đã được sử dụng trong phụng vụ. Cha còn là thành viên của Hội âm nhạc Hà Nội, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh và là Trưởng trong phong trào hướng đạo Việt Nam.

Cha đã viết và dịch trên 60 cuốn sách, trong đó có khoảng 30 cuốn đã xuất bản và phát hành.

NGỌC LAN


Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét