Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

KHÁT KHAO (Chúa Nhật XIII TN, năm A)

KHÁT  KHAO
(Chúa  Nhật  XIII  TN,  năm  A)
(Sun, 25/06/2017 - Trầm Thiên Thu)


 Khát là tình trạng “thiếu”, đặc biệt là thiếu nước, mà nước là loại ẩm thực cấp bách hơn thực phẩm. Người ta có thể nhịn đói lâu, nhưng không thể nhịn khát lâu. Thể lý đã vậy, tâm linh còn cấp bách hơn. Biết khát khao là một trong tám mối phúc: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6). Theo kinh nguyện, chúng ta đọc: “Thứ bốn – Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy”. Dạng khát nào cũng cần được “giải khát”, càng sớm càng tốt!

Mọi người đều biết rằng nước lã là loại nước tự nhiên, rất bình thường, nhạt nhẽo, vô vị, không màu sắc, được kết hợp bởi Hydrô và Ôxy (H2O), thế nhưng nước lã lại có giá trị cao và rất cần thiết trong sinh hoạt thường nhật. Thứ bình thường mà lại khác thường. Thiếu nước thì người ta sẽ chết chắc! Nơi nào có nước (và không khí) là có sự sống. Các hành tinh khác không có sự sống vì không có nước (và không khí).

Bởi vì coi nước lã là loại bình thường, người ta thường dùng cách nói “người dưng nước lã” để nói về hai người không có mối quan hệ gì với nhau. Nước lã xem chừng chẳng có giá trị gì và không khác gì là chất liệu vô ích quá! Tuy nhiên, “của cho” không bằng “cách cho”. Chén nước lã chẳng là gì cả, nhưng vẫn có thể là Chén Tình Nghĩa. Nước cũng là chất liệu đặc biệt vì được dùng trong Bí tích Thánh tẩy.

Ngày nay, khi đi trên đường phố, chúng ta có thể thấy một nơi có thùng “nước đá miễn phí” cho khách vãng lai có thể sử dụng khi khát. Dĩ nhiên chỉ có những người nghèo sử dụng, những người “sang” và “giàu” thì chẳng ai thèm quan tâm. Thùng nước miễn phí chỉ là một hành động nhỏ nhoi nhưng lại mang tính nhân bản cao. Cần lắm một tấm lòng, dù có thể sẽ bị “gió cuốn đi” theo cách nói của cố NS Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì anh (em) biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…!” (Để Gió Cuốn Đi). Sự thật phũ phàng quá!

Trên thế giới, hàng ngày vẫn có nhiều người không đủ nước sạch để sinh hoạt, có thể họ ở ngay trong các thành phố. Khổ lắm! Và đó là tiếng vọng của Chúa Giêsu từ trên Thập Giá trên Đồi Can-vê ngày xưa: “Tôi khát!” (Ga 19:28). Khi uống một ly nước (nước sạch, nước ngọt, nước sinh tố, nước sữa, …), chúng ta hãy tạ ơn Chúa, và đừng quên cầu nguyện cho những người nghèo khổ, họ thèm muốn lắm mà không có. Dạng khát nào cũng dữ dội: Khát nước, khát vọng, khát tình, ... Đói ăn còn có thể chịu đựng lâu, khát uống không thể chịu đựng lâu, cơn khát dữ dội lắm!

Trên đường tâm linh, chúng ta cũng thường gặp những người khát khao tình yêu thương, dạng này còn cấp bách hơn mọi cơn khát nước bình thường. Chính chúng ta cũng vẫn đang khát loại Nước Trường Sinh mà Chúa Giêsu đã ban cho người phụ nữ thành Samari năm xưa (x. Ga 4:7-30).

Trình thuật 2 V 4:8-11, 14-16 cho biết: Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa. Bà ấy nói với chồng: “Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa. Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó”. Phụ nữ này có con mắt “tinh đời” lắm, đặc biệt là phụ nữ này có trái tim đập những nhịp đập thương xót. Bà giàu sang nhưng tốt bụng, rộng lòng giúp đỡ người khác.

Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó. Ông Ê-li-sa biết ơn bà nên nói với tiểu đồng: “Nên làm gì cho bà ấy?”. Giê-kha-di đáp: “Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già”. Có qua, có lại là sự thường ở đời. Thấy phụ nữ này tốt bụng nên ông Ê-li-sa muốn đền ơn đáp nghĩa. Ông bảo tiểu đồng đi gọi bà ấy tới. Bà tới đứng ngoài cửa, ông Ê-li-sa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai”. Bà nói: “Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!”. Khát khao được làm mẹ là khát khao chính đáng và mãnh liệt của phụ nữ. Nghe nói vậy, bà thấy vui cái bụng lắm nhưng vẫn bán tín bán nghi. Tuy nhiên, mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa. Và quả thật, bà ấy đã có thai. Tới năm sau, cũng vào độ mà ông Ê-li-sa nói, bà hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Nỗi khát khao của bà đã được Thiên Chúa “giải khát”.

“Thiên Chúa là tình yêu – Θεόςείναιαγάπη – God is love – Dieu est l’amour” (Ga 4:8 và 16). Vì thế, tình thương của Ngài luôn tràn đầy mặt đất (Tv 33:5; Tv 119:64). Ngài biết rõ từng người cần gì nên Ngài ban cho ngày mặc dù chúng ta chưa lên tiếng cầu xin, ngay cả người vô thần cũng vẫn được Ngài chở che, nếu không thì họ làm sao sống nổi? Vì thế, chúng ta phải không ngừng tạ ơn Ngài: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài” (Tv 89:2). Lời ca tụng Chúa phải được lặp đi lặp lại: “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời” (Tv 89:3). Lời chúc tụng đó có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng thâm thúy và cần thiết. Tại sao vậy? Bởi vì việc chúng ta ca tụng Chúa cũng chẳng thêm gì cho Ngài nhưng lại sinh ơn ích cho phần rỗi của chính chúng ta. Ôi, kỳ diệu quá!

Thánh Vịnh gia đã xác định: “Hạnh phúc thay dân nào biết ca ngợi tung hô; nhờ Thánh Nhan soi tỏ, họ tiến lên, lạy Chúa. Nhờ được nghe danh Ngài, họ suốt ngày hớn hở; bởi vì Ngài công chính, nên họ được hiên ngang. Sức hùng cường hiển hách của dân chính là Ngài, hồng ân Ngài làm nổi bật uy thế chúng con. Đấng bảo vệ chúng con là người của Đức Chúa, vua chúng con thuộc quyền Đức Thánh của Ít-ra-en” (Tv 89:16-19). Có Chúa trong lòng thì an tâm, chẳng lo sợ gì, và hơn thế nữa, chúng ta còn có thể làm được những điều phi thường, bởi vì chính Chúa Giês
u đã xác định: “Ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:12).

Mặc dù mang thân phận cát bụi và vướng “nghiệp chướng” tội lỗi, nhưng chúng ta đã được tái sinh trong Nước và Thánh Thần. Chúng ta thực sự là con cái của Thiên Chúa. Và rồi chúng ta còn được tẩy rửa trong Máu và Nước chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta lại được cải tử hoàn sinh. Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:3-4). Thật vậy, chúng ta không chỉ được sống mà còn được sống dồi dào trong Đức Kitô (Ga 10:10). Trên cả tuyệt vời rồi đấy!

Cuộc sống luôn có những cái “nếu”. Có cái nếu không nên đặt ra, nhưng cũng có những cái nếu nên đặt vấn đề. Thánh Phaolô đặt ra cái nếu cần thiết và phân tích: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6:8-11). Đó là đại phúc cho chúng ta. Và chắc chắn chúng ta không thể nhờ vào ai ngoài Đức Giêsu Kitô, vì Ngài đã xác định: “Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:5).

Hôm nay – và năm A này, trình thuật Tin Mừng theo Thánh sử Matthêu là giáo huấn ngắn gọn của Chúa Giêsu, nhưng lại có sức chuyển tải triết-lý-sống sâu sắc. Có thể tạm chia lời dạy này làm hai phần.

1. SỰ TỪ BỎ MÌNH. Đây là một việc làm không dễ chút nào, thế nhưng chúng ta phải làm, nghĩa là chúng ta phải “chết dần”, cứ “chết” từng ngày: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:37-39).

2. LÒNG YÊU THƯƠNG. Chúa Giêsu nói: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:40-42).

Chén nước lã chỉ là thứ tầm thường nhưng lại có thể trở thành khác thường, được Chúa Giêsu “chấm công” nếu chén nước lã đó chứa “chất yêu thương”, được chúng ta trao cho người khác vì lòng thương xót, nếu không thì cũng chỉ luốn công vô ích. Hãy cùng nhau tâm niệm: Làm những việc bình thường một cách phi thường!

Dạng khát nào cũng mãnh liệt, nhưng mãnh liệt và cấp bách nhất phải là KHÁT CHÚA. Nhưng không ai có thể “giải khát” chúng ta ngoài Đức Kitô – Đấng là nguồn nước trường sinh. Ước gì mỗi chúng ta đều thực sự biết KHÁT CHÚA trong suốt cuộc đời, như Thánh Vịnh gia đã bày tỏ niềm khát khao đó: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:2). Mỗi sáng thức dậy, việc “dâng ngày” là điều rất cần thiết, và phó thác mọi việc “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”. Đó là lương thực bổ dưỡng cần được “điểm tâm” để đủ sức sống thêm một ngày mới.

Thánh Georgius nhận định: “Đức ái không ghen ghét, bởi vì nó không những không khát vọng mà lại còn xem nhẹ tất cả, kể cả địa vị cao quý của người thế tục”. Chỉ có “nước yêu thương” mới thực sự luôn cần thiết và có thể giải khát mọi người.

Lạy Thiên Chúa hằng sinh, Nguồn Mạch Trường Sinh, xin giúp con không ngừng khát khao Ngài, luôn tín thác vào Ngài và quyết tâm thực hành yêu thương như Ngài mong muốn. Xin cho con được no thỏa ân tình Ngài, xin giải khát con mọi nơi và mọi lúc, và xin giúp con cũng biết “giải khát” tha nhân bằng tình yêu của Ngài. Con tha thiết cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét