Đức Phanxicô, đối thoại liên tôn,
vai trò phụ nữ và Wonder Woman
(Mon,
12/06/2017 - Vũ Văn An)
Ngày 9 tháng Sáu vừa qua,
Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn đã tổ chức phiên họp toàn thể để bàn
về các đóng góp của phụ nữ vào cuộc đối thoại liên tôn. Nhân dịp này, Đức Giáo
Hoàng Phanxicô đã tới đọc một bài diễn văn, trong đó, ngài kêu gọi một “sự nhìn
nhận lớn lao hơn khả năng của phụ nữ trong việc giáo dục tình huynh đệ phổ
quát”.
Theo ngài, phụ nữ đóng
vai trò chủ yếu trong cuộc đối thoại liên tôn vì họ là những nhà giáo dục đầy
khả năng. Ngài cho rằng “Người đàn bà luôn ở trung tâm việc giáo dục gia đình,
không chỉ là người mẹ mà thôi. Sự đóng góp của người đàn bà trong lãnh vực giáo
dục là điều ta không thể nào đánh giá được”.
Ngài than phiền rằng
“ngày nay, khuôn mặt người đàn bà như nhà giáo dục tình huynh đệ phổ quát đã bị
lu mờ và thường không được nhìn nhận”. Ngài nhận xét rằng phụ nữ và trẻ em “quả
ở trong số các nạn nhân thông thường nhất của bạo lực mù quáng”. Ấy thế nhưng
cùng một lúc, “các phụ nữ thường là những người duy nhất đồng hành với người
khác, nhất là những người yếu kém nhất trong gia đình và trong xã hội, các nạn
nhân của tranh chấp, và những người phải chạm trán với các thách đố hàng ngày”.
Và sau cùng, ngài nói:
“Phụ nữ dấn thân, thường thường nhiều hơn nam giới vào lãnh vực liên tôn ở bình
diện ‘đối thoại sự sống’”.
Sau đây là nguyên văn bài
diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:
Các Hồng Y
thân mến
Các hiền
huynh giám mục thân mến,
Anh chị em
thân mến,
Tôi hân hoan kính chào
anh chị em và xin cám ơn Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran về lời chào kính ngài tỏ
với tôi nhân danh anh chị em. Chúng ta gặp nhau vào cuối Phiên Họp Toàn Thể của
anh chị em, trong đó, anh chị em xem xét “Vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục
hướng tới tình huynh đệ phổ quát”.
Chắc chắn, đã có cuộc
trao đổi hết sức phong phú về chủ đề này, một chủ đề quan trọng hàng đầu đối với
con đường nhân loại dùng để đi tới tình huynh đệ và hòa bình, một con đường
không nên bị coi là đương nhiên, cũng không thẳng thừng, nhưng đúng hơn, có nhiều
khó khăn và trở ngại.
Chẳng may, ngày nay, ta
thấy khuôn mặt người đàn bà như nhà giáo dục tình huynh đệ phổ quát đã bị lu mờ
và thường không được nhìn nhận xiết bao, do rất nhiều chứng bệnh đang gây họa
cho thế giới này, và những căn bệnh này ảnh hưởng tới phẩm giá và vai trò của
phụ nữ cách riêng. Quả thực, các phụ nữ, và cả trẻ em nữa, đang ở trong số các
nạn nhân thông thường nhất của bạo lực mù quáng. Nơi nào hận thù và bạo lực thắng
thế, nơi ấy các gia đình và xã hội tan nát, không để cho phụ nữ, hiệp thông ý
hướng và hành động với nam giới, thực thi sứ mệnh làm nhà giáo dục của họ một
cách thanh thản và hữu hiệu.
Suy tư về chủ đề mà anh
chị em đã suy xét, tôi muốn tập chú cách riêng vào ba khía cạnh: qúi trọng vai
trò phụ nữ, giáo dục tình huynh đệ, và đối thoại.
1.
Qúi trọng vai trò phụ nữ. Trong xã hội phức tạp ngày nay, có
đặc điểm đa nguyên và hoàn cầu hóa, có việc cần phải nhìn nhận nhiều hơn khả năng
của phụ nữ trong việc giáo dục tình huynh đệ phổ quát. Khi người phụ nữ có khả
năng chuyển giao trọn vẹn các thiên bẩm của họ cho toàn thể cộng đồng, thì cung
cách trong đó xã hội tự hiểu và tự tổ chức lấy mình sẽ được biến đổi theo hướng
tích cực, đến độ có thể suy nghĩ tốt hơn về sự hợp nhất bản thể của gia đình
nhân loại. Ở đây chứa đựng tiền đề có giá trị hơn cả để củng cố tình huynh đệ
chân chính. Việc hiện diện đang gia tăng của phụ nữ trong đời sống xã hội, kinh
tế và chính trị ở bình diện địa phương, quốc gia, và quốc tế, và trong bối cảnh
Giáo Hội, do đó, là một diễn trình ích lợi. Phụ nữ có đầy đủ quyền được tích cực
can dự vào mọi lãnh vực, và quyền của họ phải được khẳng định và che chở cả bằng
các phương tiện luật phá khi cần thiết.
Điều này có nghĩa: phải mở
rộng chỗ cho sự hiện diện sâu sắc hơn của phụ nữ. Có rất nhiều phụ nữ, trong
các vai trò họ thủ diễn trên căn bản hàng ngày, đôi khi can đảm một cách anh
hùng, đã và đang tạo thành quả cho thiên tài của họ, cho các đặc điểm có giá trị
của họ trong rất nhiều chuyên môn chuyên biệt đa dạng và có huấn luyện của họ,
được nối kết với kinh nghiệm thực chất làm mẹ và làm nhà đào tạo của họ.
2.
Giáo dục tình huynh đệ. Là các nhà giáo dục, phụ nữ có một
ơn gọi đặc thù; họ có khả năng tạo ra và nuôi dưỡng các hình thức chấp nhận và
tôn trọng nhau cách mới mẻ. Người đàn bà luôn luôn ở tâm điểm việc giáo dục gia
đình, không chỉ là một người mẹ mà thôi. Sự đóng góp của phụ nữ trong lãnh vực
giáo dục là điều ta không thể nào đánh giá được.Và giáo dục bao gồm nhiều hệ quả
phong phú cả đối với chính người đàn bà, cách họ hiện hữu, lẫn đối với các mối
liên hệ của họ, cách họ đối diện với sự sống con người và sự sống nói chung.
Tóm lại, mọi người, đàn
ông cũng như đàn bà, đều được kêu gọi góp phần vào việc giáo dục tình huynh đệ
phổ quát, một việc, xét cho cùng, chính là việc giáo dục hòa bình, giáo dục
tính bổ túc cho nhau giữa các nhậy cảm và vai trò khác nhau. Do đó, được nối kết
thân thiết với mầu nhiệm sự sống, các phụ nữ có thể góp phần rất nhiều vào việc
cổ vũ tinh thần huynh đệ, qua sự kiện họ chăm sóc việc duy trì sự sống và xác
tín của họ rằng tình yêu là sức mạnh duy nhất có thể biến thế giới thành nơi có
thể cư ngụ cho mọi người.
Thực vậy, các phụ nữ thường
là những người duy nhất đồng hành với người khác, nhất là những người yếu kém
nhất trong gia đình và trong xã hội, các nạn nhân của tranh chấp, và những người
phải đối diện với các thách đố hàng ngày. Nhờ các đóng góp của họ, việc giáo dục
tình huynh đệ của họ, tự bản chất, có tính bao gồm và phát sinh ra các dây nối
kết, sẽ thắng vượt được nền văn hóa vứt bỏ.
3.
Đối thọai. Điều rõ ràng là việc giáo dục tình huynh đệ phổ quát,
tức việc học tập để xây dựng các mối liên kết bằng hữu và tôn trọng, là điều
quan trọng trong lãnh vực đối thoại liên tôn. Phụ nữ dấn thân, thường thường
nhiều hơn nam giới, vào lãnh vực liên tôn ở bình diện ‘đối thoại sự sống’, và
nhờ cách này, họ đóng góp vào viêc hiểu biết tốt hơn các thách đố tiêu biểu của
sinh hoạt đa văn hóa. Nhưng phụ nữ cũng có thể hoàn toàn hội nhập vào các cuộc
trao đổi ở bình diện trải nghiệm tôn giáo cũng như ở bình diện thần học. Nhiều
phụ nữ rất được trang bị để đương đầu với các cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn ở
các cấp cao nhất, và không phải chỉ ở phía Công Giáo mà thôi. Điều này có
nghĩa: không được giới hạn sự đóng góp của phụ nữ vào các vấn đề “phụ nữ” hay
các cuộc gặp gỡ giữa các phụ nữ mà thôi. Đối thoại là con đường mà cả đàn ông lẫn
đàn bà đều cần phải cùng nhau theo đuổi. Hơn bao giờ hết, ngày nay, phụ nữ cần
phải có mặt.
Vì có nhiều đặc điểm
chuyên biệt, nên phụ nữ có thể cung hiến một nhập lượng quan trọng trong cuộc đối
thoại, qua khả năng lắng nghe, chấp nhận, và cởi mở một cách quảng đại đối với
người khác.
Tôi cám ơn toàn thể anh
chị em, các thành viên, cố vấn và người cộng tác với Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối
Thoại Liên tôn, vì anh chị em đã thực hiện được một sự phục vụ có giá trị. Tôi
hy vọng anh chị em sẽ tiếp tục dệt nên tấm thảm đối thoại phức tạp với tất cả những
ai tìm kiếm Thiên Chúa và mọi người thiện chí. Tôi khẩn cầu phúc lành dồi dào
xuống trên anh chị em và tôi xin anh chị em vui lòng cầu nguyện cho tôi.
Wonder
Woman
Như thế, Đức Phanxicô
không chỉ nói đến vai trò phụ nữ trong các tôn giáo mà thôi mà là vai trò của họ
trong thế giới nữa. Nhiều người, khi nói tới việc hạ giá phụ nữ, tự động chĩa
mũi dùi vào tôn giáo, nhất là Công Giáo để tấn công.
Thực ra, họ nên hướng mũi
dùi vào thế giới thế tục, nơi người phụ nữ chưa chắc đã đóng được trọn vẹn vai trò
tích cực của họ. Thực vậy, song song với phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Giáo
Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, Tạp Chí Công Giáo America có viết một bài điểm cuốn
phim “Wonder Woman” (Người Đàn Bà Kỳ Diệu).
Ký giả Meghan J. Clark của
tạp chí trên nhận định rằng từ năm 2008, cả Marvel lẫn DC Comics đã tạo ra cả một
vũ trụ phức tạp xoay quanh Các Người Trả Thù (Avengers) và Liên Đoàn Công Lý
(Justice League). Họ đã cho ra đời 19 cuốn phim hành động nhưng, cho tới cuối
tuần qua, không một cuốn phim nào tập chú vào một siêu nhân phụ nữ cả. Lý do
chính đưa ra là các cuốn phim về phụ nữ khó có thể có đủ khán giả để sinh lời.
Thực tế thì cuốn phim dài
2 giờ 21 phút, vào cuối tuần qua, đã thu được 233 triệu dollars khắp thế giới;
“Wonder Woman” đã phá đổ sự dè dặt hiện hành.
Clark được coi cuốn phim
trên trong một buổi chiếu riêng cho phụ nữ. Phim nói đến đất Themyscira, thuộc
vùng Amazons nơi các người đàn bà đủ sức mạnh, không cần tới đàn ông bảo vệ.
Khi hòn đảo của họ bị Đức tấn công trong Thế Chiến I, những người đàn bà này
liên kết với nhau để bảo vệ quê hương. Khi Diana Prince (Người Đàn Bà Kỳ Diệu)
lên đường thi hành sứ mệnh là giết chết Ares, Thần Chiến Tranh, người mà nàng
tin đứng phía sau cuộc Đại Chiến, nàng đã bước vào thế giới loài người và thấy
nó bị đàn ông thống trị. Người xem cảm thấy Diana khó chịu và rối trí khi đặt
chân tới London, nơi người ta mong nàng ở yên và đứng ở một góc. Bất kể mình
không thuộc cái phòng chiến tranh này ở London, nàng nhất định không chịu thinh
lặng, và bất ngờ thấy mình là người duy nhất ở trong phòng có khả năng đọc được
mật mã của Đức.
Một số nhà phê bình than
phiền rằng đạo diễn không cho Diana một nữ diễn viên phụ khi nàng rời
Themyscira, nhưng Clark cho rằng đạo diễn cố tình như thế để gợi hứng cho các
phụ nữ và các cô gái thời nay: không sợ một mình đi vào không gian đàn ông.
Clark cho rằng là một thần
học gia, cô biết rõ cảm nghiệm là người đàn bà duy nhất ở chiếc bàn thảo luận.
“Wonder Woman” đã nắm được cường độ và sự thất vọng của cảm nghiệm này, cũng
như việc cảm thấy trách nhiệm lớn lao hơn của những người không được phép có mặt
trong phòng.
Clark cho rằng có một phản
ứng gấn như phản xạ khi phụ nữ bước vào các không gian giả thiết của đàn ông.
Phản ứng của các Twitter đàn ông tức giận bởi việc Rạp Alamo Drafthouse chỉ chiếu
cho phụ nữ xem mà thôi là một thí dụ. Thí dụ khác là phản ứng đối với bức điêu
khắc “Fearless Girl”, tức bức tượng tả một cô gái đứng đối đầu với “Con Bò Đực
Đang Húc” của Wall Street. Trong tháng Năm vừa qua, một nghệ sĩ khác cho đặt một
bức tượng con chó đái lên đầu “Fearless Girl”. Vấn đề ở đây là quyền ấn định
không gian.
Clark cho rằng trong các
sách Tin Mừng, một trong các quyết định triệt để nhất của Chúa Giêsu là việc
Người chọn phụ nữ làm chứng nhân. Từ Maria Mađalêna cho tới người đàn bà
Samaria bên bờ giếng, Chúa Giêsu phó thác phụ nữ việc kể lại câu truyện của Người.
Thực vậy, nếu không có các phụ nữ này, thì việc duy trì trình thuật đóng đinh
và sống lại chắc chắn đã ra khác rồi, vì chính các phụ nữ là những người không
trốn chạy.
Trong bài diễn văn trên,
Đức Phaxicô nói đến việc phụ nữ “đồng hành” với người khác hơn nam giới, thiết
tưởng cũng ở trong đồng văn này.
Bất hạnh thay, không gian
phụ nữ trong các trình thuật Tin Mừng đã không được cử hành trong phần lớn lịch
sử Kitô Giáo. Sự bóp méo hiển nhiên nhất là việc mạ lị Maria Mađalêna như một
gái điếm hoàn lương, một mạ lị không hề có nền tảng trong Thánh Kinh. Sức mạnh
và chứng tá của bà trong các không gian văn hóa và tôn giáo vốn được coi là của
nam giới chắc chắn sẽ kém tính đe dọa hơn khi người ta rút gọn bà vào các tiêu
mẫu phụ nữ định sẵn.
Theo Clark, trong hơn 75
năm qua, đã có rất nhiều mưu toan nhằm làm yếu hay thu nhỏ Wonder Woman. Trong
thập niên 1940, Nàng bị thu nhỏ vào làm thư ký cho “Hội Công Lý”. Năm ngoái,
Liên Hiệp Quốc tính “cử” Nàng làm đại sứ đặc biệt để tăng sức mạnh cho các thiếu
nữ nhưng phải bỏ ý định sau khi bị các nhà phê bình phản đối vì cho rằng không
nên sử dụng một nhân vật “quá ư bị tính dục hóa” làm mẫu mực cho các thiếu nữ.
Điều quan trọng là trong
tâm thức con người, Wonder Woman luôn hiện hữu, điều này được chứng minh hùng hồn
bởi số lượng người coi Nàng cuối tuần qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét