Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

NÓI VỚI CON TIM

NÓI  VỚI  CON  TIM
Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Người chuyển dịch:  Trần Mỹ Duyệt



Những Lời Của Thách Thức Và Hy Vọng
Chuyển ngữ: Trần Mỹ Duyệt

GIỚI THIỆU

Suy ngắm những lời của các Đức Giáo Hoàng giúp chúng ta lớn lên trong đức tin - thật vậy, vì ngài là mục tử của chúng ta, người kêu gọi chúng ta nên một thân thể trong Đức Kitô. Nhưng đặc biệt đối với Đức Giáo Hoàng Phansicô, ngài có một đặc ân nói lên những gì mà chúng ta cần thiết để nghe. Những lời ngài, như đã được diễn tả qua tiêu đề của cuốn sách này, vừa có tính cách thách đố, và lại vừa đầy ắp hy vọng. Thách thức, vì ngài mời gọi chúng ta ra khỏi những vùng an toàn cá nhân để trở thành những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa trong một thế giới đang thực sự cần thiết để nghe Tin Mừng. Và hy vọng, bởi vì ngài tiếp tục chỉ cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, một người Cha, “luôn luôn chờ đợi chúng ta, ngay cả khi chúng ta xa lìa Ngài”.

Những trích đoạn ngắn này được trích ra từ những bài giảng, những huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phansicô kể từ ngày ngài được bầu lên ngôi giáo hoàng, và phản ảnh những chủ đề ấy mà chúng ta có thể hy vọng nghe đi, nghe lại trong triều đại giáo hoàng của ngài. Trong số đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thảm cảnh của nghèo túng, nhu cầu cần “ra khỏi chính mình” để ra đi phúc âm hóa, kêu gọi sự hiệp nhất trong Giáo Hội, và thử thách để trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, và không là “những Kitô hữu nửa vời”.  Giáo Hoàng Phansicô được biết đến do cung cách truyền đạt bình dân và đơn sơ những chân lý này, và bản năng thiên phú của ngài là chỉ cho chúng ta biết bằng cách nào đức tin của chúng ta trở nên sống động qua  sự chân thật và những cách thức có thể cảm nhận được. Và trong khi ngài không ngần ngại nói với chúng ta những điều khó khăn chúng ta phải cần nghe, ngài cũng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa của lòng thương xót, Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta.

Chúng tôi hy vọng rằng quí độc giả sẽ được chúc phúc do những lời của Đức Thánh Cha Phansicô, cũng như chúng tôi khi biên soạn tập sách nhỏ này. Cùng với Giáo Hội Hoàn Vũ, chúng ta hãy cầu nguyện cho triều đại giáo hoàng của Đức Phansicô sẽ tiếp tục khích lệ và làm vững mạnh mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể tiến gần hơn với Chúa, và đi tiên phong với lời kêu gọi của Ngài “hãy ra đi… và thâu nhận môn đệ khắp thế gian” (Mat 28:9).

The Word Among Us Press.

Chương 1
TÌNH YÊU DỊU DÀNG
CỦA THIÊN CHÚA

Danh Ngài Là Tình Yêu
Chúng ta cần nhận thức rằng Thiên Chúa không phải là một cái gì mơ hồ; Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa “hơi nước”; Ngài có thể sờ mó được; Ngài không trừu tượng nhưng Ngài có một tên gọi “Thiên Chúa là tình yêu”. Tình yêu Ngài không phải là thứ tình cảm, và xúc động của tình yêu nhưng là tình yêu của Chúa Cha, Đấng là khởi nguyên của tất cả sự sống, tình yêu của Chúa Con, Đấng đã chết trên thập giá và đã sống lại, tình yêu của Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới con người và thế giới. Nghĩ về Thiên Chúa là tình yêu đem lại cho chúng ta muôn vàn thiện hảo, bởi nó dạy chúng ta để yêu, để cho đi chính mình cho những người khác như Chúa Giêsu đã trao chính mình cho chúng ta và bước đi với chúng ta. Chúa Giêsu bước đi bên chúng ta trên hành trình cuộc sống.

Suối Nguồn Dịu Êm
Như người mẹ nâng niu con trên gối: Chúa cũng nâng niu và âu yếm chúng ta như vậy. Đây là suối nguồn dịu êm đem lại cho chúng ta bao niềm an ủi. “Như con thơ được mẹ hiền vỗ về, Ta cũng sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Isaiah 6:13). Mỗi Kitô hữu, đặc biệt là các con và cha đây, đã được kêu gọi là người mang sứ điệp của hy vọng này mà nó đem lại niềm vui và êm ái: Niềm ủi an của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Ngài đến với tất cả. Nhưng nếu chúng ta trước hết cảm nghiệm niềm vui vì được ủi an bởi Ngài, được yêu thương bởi Ngài, thì chúng ta mới có thể đem niềm vui ấy đến cho những người khác. Đây là điều quan trọng nếu sứ vụ của chúng ta trổ sinh hoa trái: cảm nhận được sự an ủi của Thiên Chúa và chuyển nó cho những người khác! 

Tin Vào Tình Yêu Hiển Nhiên Của Thiên Chúa

Nền văn minh của chúng ta đã đánh mất cảm giác về sự hiện diện và hoạt động có thật của Thiên Chúa trong thế giới. Chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ có thể tìm thấy ở bên kia, trong một mức độ của thực tại khác xa rời khỏi mọi những liên kết của đời thường. Nhưng nếu là thế, nếu Thiên Chúa không hành động trong thế giới, thì tình yêu Ngài không thực sự mãnh liệt, chân thật, và ngay cả không thật nữa, một tình yêu có khả năng đem lại hạnh phúc tuyệt vời mà nó đã hứa. Nó cũng không có gì khác biệt dù chúng ta tin hay không tin vào Ngài. Nhưng ngược lại, những Kitô hữu tuyên xưng đức tin của mình vào tình yêu mạnh mẽ và có thể sờ thấy được của Thiên Chúa, tình yêu thực sự hoạt động trong lịch sử và xác định được đích tới cuối cùng của nó: một tình yêu có thể gặp gỡ, một tình yêu được mặc khải một cách đầy đủ qua cuộc khổ nạn, cái chết, và sự phục sinh của Đức Kitô.

Chúng Ta Không Phải Là Một Con Số Đối Với Thiên Chúa

Đối với Thiên Chúa, chúng ta không phải là những con số; chúng ta rất quan trọng. Thật vậy, chúng ta là một cái gì rất quan trọng đối với Ngài. Ngay cả nếu chúng ta là những tội nhân, chúng ta là những gì gần gũi nhất với trái tim của Ngài.

Thiên Chúa Khởi Đầu Trước

Thiên Chúa không chờ cho chúng ta đến với Ngài, nhưng chính Ngài là người đến với chúng ta, không đo đếm, không hạn chế. Thiên Chúa là như thế. Ngài luôn luôn bắt đầu bước đầu tiên để đến với chúng ta.

Như Một Mục Tử

Thiên Chúa nghĩ như người Samaritan, ông đã không đi qua người bất hạnh, đáng thương hoặc đang nhìn ông ta từ bên kia vệ đường, nhưng đã giúp đỡ người ấy mà không đòi hỏi một điều gì trả lại, mà không hỏi xem người này là người Do Thái, dân ngoại, hoặc một người Samaritan. Cũng không để ý đến người ấy nghèo hay giầu. Ông ta đã không đòi hỏi một điều gì. Ông đi tới và giúp đỡ người ấy. Thiên Chúa cũng giống như vậy. Thiên Chúa nghĩ giống như người mục tử, người sẵn sàng thí mạng sống để bênh vực và giải thoát chiên mình.

Tình Yêu Thiên Chúa Mạnh Hơn Sự Chết

Cả chúng ta nữa, cũng giống như những phụ nữ môn đệ của Chúa Giêsu, những người đã ra thăm mộ và khám phá ra ngôi mộ trống, đã hoang mang điều này có nghĩa là gì (x. Luca 24:4). Chúa Giêsu đã sống lại, điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn tử thần, hơn chính sự chết. Nó có nghĩa là tình yêu Thiên Chúa có thể biến đổi đời sống chúng ta, và khiến những nơi sa mạc cằn cỗi trong trái tim chúng ta nở hoa. Tình yêu Thiên Chúa có thể làm được điều này.

Thiên Chúa Nhẫn Nại Với Chúng Ta

Thiên Chúa không thiếu nhẫn nại như chúng ta, những con người thường xuyên muốn tất cả mọi sự ngay lập tức, ngay cả những giao dịch của chúng ta với nhau. Thiên Chúa nhẫn nại với chúng ta vì Ngài yêu thương chúng ta, và những ai yêu nhau thì có khả năng để hiểu, để hy vọng, để khơi lên lòng tin tưởng. Họ không bỏ cuộc, họ không giật cầu, họ có thể tha thứ. Chúng ta hãy nhớ điều này trong đời sống của chúng ta như những Kitô hữu: Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi chúng ta, mặc dù chúng ta quên Ngài! Ngài không bao giờ rờ xa chúng ta, và nếu chúng tả trở về bên Ngài, Ngài sẽ sẵn sàng ôm choàng lấy chúng ta.         

Một Tình Yêu Hoàn Toàn Đáng Tin Cậy

Cái chết của Đức Kitô bày tỏ một sự thật hiển nhiên về tình yêu Thiên Chúa vượt trên tất cả trong ánh sáng của sự khải hoàn của Người. Như là Đấng Phục Sinh, Đức Kitô là chứng nhân đáng tin cậy, xứng đáng của đức tin (x. Khải Huyền 1:5; Do Thái 2:17), và là sự nâng đỡ chắc chắn cho đức tin của chúng ta. Lời Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của chúng ta là vô ích” (1 Cor 15:17). Phải chăng tình yêu Chúa Cha đã không khiến Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, đã không có thể phục hồi thân xác Người để sống, nếu vậy, nó không phải là tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy, có khả năng chiếu sáng, cũng như bóng tối sự chết.

Ngài Tìm Kiếm Chúng Ta

Sau khi phạm tội Adong cảm thấy xấu hổ. Ông thấy mình trần truồng, và cảm thấy sức nặng trên những việc mình làm, tuy vậy, Thiên Chúa đã không bỏ ông. Nếu ngay giây phút phạm tội ấy đã ghi dấu sự xa lìa của ông khỏi Thiên Chúa, thì bù lại cũng đã có sẵn một lời hứa, một sự chắc chắn đáp trả. Thiên Chúa lập tức hỏi: “Adong, ngươi đang ở đâu?” Ngài tìm ra ông.

Thiên Chúa Không Bao Giờ Quên Chúng Ta

Thiên Chúa đối xử với chúng ta như những người con. Ngài hiểu chúng ta. Ngài tha thứ cho chúng ta. Ngài ôm ẵm chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta dù khi chúng ta lầm lỗi. Trong Cựu Ước, ngôn sứ Isaiah cũng đã khẳng định rằng cho dù khi người mẹ có thể quên con mình, Thiên Chúa cũng không bao giờ quên chúng ta (x. 49:15). Và điều này thật tuyệt vời!

Mang Ủi An Của Thiên Chúa Đến Cho Người Khác

Thiên Chúa là Cha, Ngài nói rằng Ngài sẽ ở với chúng ta như một người mẹ đối với con bà, bằng sự dịu dàng của một người mẹ. Đừng sợ những an ủi của Chúa. Lời mời gọi của ngôn sứ Isaiah phải được âm vang trong lòng mọi cõi lòng: “Vỗ về, ủi an dân Ta” (40:1), và nó phải được hướng tới sứ mạng của chúng ta. Chúng ta phải tìm kiếm Chúa, Đấng an ủi chúng ta và ra đi an ủi dân Chúa. Đây là một sứ vụ. Con người ngày nay thực sự cần những lời, nhưng hầu như tất cả họ cần chúng ta mang theo những dấu chứng đối với lòng xót thương và sự dịu dàng của Thiên Chúa. Những cái làm ấm áp tâm hồn, khơi niềm hy vọng, và hấp dẫn con người tiến đến sự thiện. Thật vui mừng biết bao để mang niềm ủi an của Thiên Chúa đến với những người khác!


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét