VIÊN MA TUÝ VÀ TIẾNG LƯƠNG TRI
(Fri,
26/05/2017 - Lm Nguyễn Văn Thượng)
Theo báo cáo của Cục
phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 năm
trở lại đây, ở Việt Nam đã có khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý, trong đó có tới
70% số người nghiện dưới 30 tuổi, đặc biệt có tới 50% tổng số người nghiện là
trẻ em (dưới 16 tuổi). Sa vào ma túy là con đường ngắn nhất dẫn tới sự hủy hoại
chính mình ở cả hiện tại và tương lai; mà các em bị hủy hoại, tức là ảnh hưởng
đến tương lai của đất nước. Đây là một vấn đề gây bao lo lắng, bức xúc cho các
nhà giáo dục và toàn xã hội nói chung. Ngoài ra, số liệu của Bộ Y tế VN cũng
cho biết, hiện cả nước có hơn 197.000 người nhiễm HIV, trong đó năm 2011 có hơn
14.000 người xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và hầu hết ở lứa tuổi khá trẻ, từ
20 - 39 tuổi chiếm 82% và lây truyền qua đường máu (46,7%) và tình dục (41,4%)
là chủ yếu. Mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS giảm dần, tuy nhiên, nguy cơ tiềm tàng
cao ở nhóm nghiện chích ma tuý vẫn đang là mối nguy cho cả cộng đồng.
Theo một nguồn thông tin,
khoảng 75% các tội phạm hình sự có nguyên nhân bắt nguồn từ những người nghiện
ma tuý. Đa số những người bị nhiễm HIV/AIDS là những người nghiện hút. Một cảnh sát ở phòng 4- C56, Bộ Công an VN
cho hay tội phạm về ma túy liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt
động và mang tính quốc tế cao hơn; gắn kết chặt chẽ với các loại tội phạm tham
nhũng, rửa tiền và buôn bán vũ khí. Số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp,
tân dược gây nghiện và các loại ma túy mới có xu hướng gia tăng, tập trung vào
đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở khu vực đô thị. Theo vị cảnh
sát này, nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài thì tệ nạn ma túy có thể
vượt ra khỏi tầm kiểm soát, để lại hậu quả nghiêm trọng, khó lường cho xã hội.
Ma tuý gây tổn hại về sức
khoẻ như hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức
năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động.
Nghiện ma tuý dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma tuý mãn tính, người gầy gò, xanh
xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do
suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ
ngày, sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma tuý bị suy giảm sức lao động,
giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng
ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột. Người sử dụng ma tuý tự huỷ hoại thân
xác, hiện thân của một kẻ bạc nhược mất hết ý chí. Một sự suy đồi về nhân cách
tiệm tiến, người ta gọi ma tuý là một cái chết đến sớm cả nghĩa đen lẫn nghĩa
bóng.
Hiện tượng tội phạm ma
tuý hay bất cứ khuynh hướng tội phạm nào bao giờ cũng có căn nguyên văn hoá - đạo
đức sâu xa. Tội lỗi nhiều khi chỉ bắt đầu từ một phút yếu lòng, một sự buông thả.
Tôi tự hỏi: có phải giới thanh thiếu niên thích trào lưu, nói cách cay cú là
phong cách sống bầy đàn theo đuôi nhau, đua đòi nhau?
Tệ nạn xã hội là một hiện
tượng sai lệch chuẩn mực có tính phổ biến về tâm sinh lý, ý thức, tư tưởng. Phải
công tâm nhìn nhận là hệ thống pháp luật của nước ta trong những năm qua, đang
trong quá trình hoàn thiện, chưa được đồng bộ, thiếu nghiêm minh. Cuộc đấu
tranh phòng chống tệ nạn xã hội hiệu quả chưa cao. Kể ra thì thật nhiều tệ nạn
xã hội đang mang tính phổ biến mà dư luận xã hội về nó đôi khi thờ ơ để mặc cho
tệ nạn xã hội phát triển. Xuất phát từ những sai lệch tiêu cực trong tâm thức,
thói quen xã hội, thể hiện thái độ lệch lạc, coi thường các giá trị truyên thống
đạo lý, xem nhẹ chuẩn mực pháp định. Nhiều người quên rằng chính mình đã góp phần
nhào nặn nên những tính cách đó. Xã hội càng ngày càng ít đi những con người nhạy
cảm, có lòng vị tha, có nghị lực theo đuổi mục đích cao đẹp...
Xã hội vì đâu mà mất đi
những giá trị nhân văn? Thiếu tiếng nói lương tri, con người ta sẽ mất hết khả
năng tự kiềm chế và tự phấn đấu, sẽ sống buông thả, tuỳ tiện, rồi rơi vào tội lỗi
lúc nào không biết. Thiếu niên lớn lên trong bối cảnh văn hoá hụt chân đó đang
mất dần sức đề kháng trước sự cám dỗ của thói xấu, không còn khả năng chống đỡ.
Thói xấu hiện thời đang khá phổ biến trong xã hội có một quá trình tích tụ những
tật xấu, và những kém cỏi cổ lỗ trong quan niệm về đào tạo, bao nhiêu yếu tố
tiêu cực mà hàng ngày mọi người quan sát thấy ở mình và mọi người, và một phần
được nói lên trên báo chí, đã làm cho tâm hồn một số thanh thiếu niên trở nên cằn
cỗi. Nhìn vào trang mạng xã hội, dễ thấy nhiều dòng viết của thanh thiếu niên,
văng tục, chửi đổng, khiêu khích, lăng mạ nhau. Vì sao? Họ cảm thấy cuộc đời vô
nghĩa, chẳng có chuẩn mực nào đáng theo đuổi, chẳng có ai đáng tin, nên muốn
làm gì tự làm bất chấp. Những khái niệm mà xã hội cho là đúng đắn đối với họ trở
thành giả dối.
Chuyện đau lòng được viết
trên một trang báo: một thanh niên vừa đến tuổi trưởng thành thì phạm tội, bị
án tử hình. Có mấy cô mấy bác có mặt ở phiên toà, thương tình, bảo cháu xin giảm
án. Có dịp giáp mặt với cái chết, người thanh niên gạt nước mắt nói ra cái điều
có lẽ là nghiêm chỉnh nhất trong đời mình:
- Cháu xin giảm án để làm
gì ? Ở nhà bố mẹ không thương xót cháu; đi học nhà trường bất công; học không
có chỗ, học xong không có việc làm - cháu sống để cùng kéo dài cái kiếp dài rạc
như các cô các bác hay sao? (Nguồn:
phapluat.com)
Thật đắng cay khi chúng
ta sống chưa hiểu về cuộc sống, sống mà không được yêu thương, chưa được day dỗ
đúng đắn về sự sống và trách nhiệm. Giới trẻ hôm nay đang bị khủng hoảng, hoang
mang vì mất niềm tin, mất nền tảng luân lý từ những triết lý giáo dục sai lầm,
từ việc xem thường giáo dục trong gia đình, xem thường gương tốt xã hội, lợi dụng
lòng tốt của người khác. Người trẻ không còn biết nghe tiếng lương tâm soi sáng
phán bảo nữa. Phương tiện truyền thông ít nói về “lương tâm, nhân bản, nhân đức"
mà chỉ nói đến “chính sách, hậu quả, đối tượng, tư tưởng chính trị...” Từ đó, họ
đã đánh mất ý nghĩa đích thực của cuộc đời mà lao vào quay cuồng sống vội, tự
chôn vùi tuổi xuân và tương lai trong những cuộc trác táng, truy hoan, bên ánh
đèn màu với điệu nhảy tiếng nhạc quay cuồng hay tìm lãng quên trong chất ma
tuý…. Hậu quả của những cách sống cuồng loạn đó sẽ chỉ mang lại tàn tạ cho tuổi
xuân và chôn vùi tương lai. Thánh Phaolô Tông-đồ khuyên-nhủ: “Đừng để ai khinh
thường tuổi-trẻ của con” (x. 1 Tim.IV, 12). Hãy sống trọn tuổi xuân trong việc
tự đào luyện cho mình một sự nhạy bén với lương tâm, nhân đạo như anh thanh
niên đứng trước Chúa Giêsu: “Tất cả những điều đó, con đã giữ ngay từ thuở thiếu
thời”. (x. Mc 10,20).
Trong quá trình làm người,
tiến trình trưởng thành bao hàm sự khổ luyện, đào tạo toàn diện cả về phương diện
nhân linh lẫn tâm linh. Trong xã hội con nặng tính kinh tài, chạy ào ào theo những
guồng máy cơ giới và mất hết nhuệ khí trước trào lưu mới lạ dồn dập thì nhắc về
vấn đề giáo dục nhân vị, liên đới và thiêng liêng người ta dễ dàng liên tưởng
tu sỹ, tăng đoàn hơn. Nghiệm thấy việc giáo dục văn hóa tại trường lớp hiện thời
đã bỏ quên đi lâu rồi mảng giáo dục về tinh thần tâm linh, giáo dục tâm hồn và
lương tri. Điều đó nhất thiết phải đóng vai trò không nhỏ trong việc hình thành
nên con người mà lại rớt xuống thành thứ yếu. Người ta dạy trẻ: “tri thức là sức
mạnh” mà quên bỏ việc dạy cách sử dụng sức mạnh ấy cách nhân bản nhất. Vấn đề
giáo dục lương tâm là chìa khoá thiêng liêng, mạnh mẽ trợ giúp công quyền đẩy
lùi tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên.
Vấn đề lương tâm không hẳn
là vấn đề của tôn giáo, thiền viện hay tu viện nhưng nó là vấn đề của toàn xã hội.
Cho dù người có tôn giáo hay không tôn giáo vẫn cảm thấy mình phải tu, làm điều
thiện tránh điều ác. Con người ngay thẳng sẽ xây dựng một xã hội công bằng văn
minh không cần tuyên truyền. Sở dĩ con em chúng ta rơi vào con đường tội lỗi và
chủ nghĩa hư vô truy hoan chính vì một thời gian dài họ không còn cảm nhận được
sự thôi thúc làm điều lành, tránh điều ác, lương tâm không được ai nhắc tới.
Trong cuộc sống nhân loại,
trong bất kỳ lĩnh vực nào, người ta đều phải có lối đi rõ ràng hay nói cách
khác họ phải có định hướng, mỗi một nghề nghiệp đều có hướng đi riêng là “đạo”.
Tuy nhiên người thanh niên ngày nay hôm nay lại không thể tìm ra “đạo làm người”
nên họ đang loay hoay để đi tìm kiếm, mở nhiều lối, cuối cùng vẫn bế tắc vì thiếu
luồng gió mới của đạo đức, thiếu tiếng nói cho lương tâm, thiếu một hình ảnh vững
chắc cho họ cậy trông, uỷ thác vận mệnh mình. Đó là mảnh đất màu mỡ cho trào
lưu tục hóa và cơn đam mê của trào lưu hưởng thụ. Ngao ngán không khi nhìn thấy
nhiều, càng lúc càng nhiều người trẻ không có một lý tưởng nào để tranh đấu và
để sống! Niềm tin của họ vào người đi trước dần dần bị sụp đổ, họ phải sống và
đối diện với vực thẳm vô nghĩa của một xã hội tiêu thụ, một xã hội khai thác họ
cách triệt để và tàn nhẫn. Vậy mục đích hiện diện của họ để làm gì? Rồi tương
lai họ sẽ đi về đâu? Một nhóm thành viên trẻ trung của xã hội quờ quạng trong
tăm tối, với tâm sự bi đát đi tìm một hướng đi. Người trẻ gặp thất vọng, bế tắc,
mất việc làm, người thân bỏ rơi, thất bại tình cảm thấy chán sống, họ không tìm
được ý nghĩa cho đời mình. Con đường đi vào những tệ nạn của xã hội đơn giản là
mất ý nghĩa cuộc sống, không lý tưởng và mất niềm tin. Ma tuý là bề nổi của một
cuộc khủng hoảng khác – khủng hoảng về luân lý, đạo đức.
Hội Thánh Công giáo trong
“Hiến Chế Niềm vui và Hi vọng” (Gaudium et Spes) của Công đồng Vaticanô II viết:
ở trong chiều sâu của lương tâm, con người khám phá ra một luật vốn bó buộc phải
tuân theo. Một luật luôn luôn thúc đẩy con người yêu mến điều thiện và tránh xa
điều dữ. Thiên Chúa đã viết luật này nơi tâm của mỗi người. Về tính bất khả xâm
phạm của lương tâm, tông huấn “Nhân phẩm Con người” (Dignitatis Humanae) dạy rằng:
“Trong tất cả hành vi, con người bị bó buộc tuân theo lương tâm một cách trung
thành, để con người có thể đến với Thiên Chúa”. Gần đây, trong thông điệp “Chân
lý rạng ngời” (Veritatis Splendor), Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định
lương tâm như là một sợi dây liên kết giữa tự do con người với chân lý luân lý.
Giáo dục đi đến trưởng
thành, giác ngộ và sống tâm linh là điều nghe qua thật khá mơ hồ và mênh mông.
Đôi lúc con người chỉ còn biết quay cuồng với nhịp sống hối hả của thời đại mà
không có thời gian để suy nghĩ về những giá trị thực và bền vững trong cuộc sống
này là gì. Dòng đời lặng lẽ trôi, con người vẫn cứ mơ hồ, người trẻ ngụp lặn
trong mơ hồ, lao đi như những guồng máy vào trong mênh mông bất tận của cơ học,
kinh tài như những kẻ mộng du lãng tử, vô định. Tâm hồn lâu ngày lăn trượt trên
đường truỵ lạc, nổi loạn hồn nhiên của tuổi trẻ không được đạo dắt dìu đã không
thể khởi nghĩ phân biệt hơn thua, phải quấy, tốt xấu là chân hay giả? Phàm người
đời không như thật biết đây là thiện, mà cũng không như thật biết đây là ác, vì
vậy người ta mới lầm lạc và vì sự lầm lạc đó nên mới không xa lìa ác đạo được.
Môi trường giáo dục học đường và gia đình cần hướng dẫn người trẻ phân biệt được
đâu là ác, đâu là thiện. Đức Phật dạy: “Phàm người đời không như thật biết đây
là thiện, không như thật biết đây là bất thiện, không như thật biết đây là có tội,
đây là không tội, đây cần phải thuận theo, đây cần phải tránh né, đây là họa,
đây là hạ liệt, đây là cao thượng, đây là đúng, đây là sai, đây là tai họa, đây
là không tai họa”. Phật dạy phải có sự sáng suốt để nhận định đây là thiện, đây
là bất thiện, đây là có tội, đây là không tội, đây cần phải thuận theo đây cần
phải tránh né không được nhào vô, đây là họa, đây là hạ liệt, đây là cao thượng,
đây là đúng đây là sai, đây là tai họa đây là không tai họa, mình làm sao thấy
được những cái này là đã thấy được con đường nhân quả rồi phải tìm cách xa lìa
sự ham muốn của mình, trước mọi vật phải xa lìa lòng ham muốn truỵ lạc vô nhân.
Trong vở kịch của
Sophocle có nhan đề “Oedipe làm vua” cô đọng cảm thức của nền văn hóa Hy Lạp tiền
Socrate về thân phận con người gắn bó với thời gian. Oedipe là thân phận con
người tại thế, bước chân vào đời thì như mang vào mình án giết cha (Laios) mà
mình không hay biết. Tương giao đứt đoạn với Nguồn Gốc đã đẩy Oedipe đi tìm vu
vơ qua sự hiểu biết, phân biệt ngày đêm, qua sự chế ngự kẻ khác, qua việc đào xới
thiên nhiên, ăn nằm với chính mẹ mình (Jocaste) không khác gì như định mệnh muốn
Oedipe thay cha để tạo một nhân loại mới, một nhân loại loạn luân. Khi nhờ người
mù Térésias nói cho hay về quá khứ, lý lịch của mình, thì Oedipe cũng không thể
làm gì hơn là ý thức thân phận mù lòa trước chân lý và lưu lạc xa Quê, xa Nhà của
con người tại thế. Nỗ lực tự cứu bằng tài năng của con người cũng chỉ là việc
làm vô vọng. Khoa học kỹ thuật và kiểm soát hình sự đối với tệ nạn xã hội như
ma tuý chỉ là những giải pháp tình thế. Con người mất định hướng thế nào cũng
không quên đi nỗi hãi hùng của sự chết, vốn là một sự kiện không chịu nổi giữa
ước mơ vô tận và thực tế của kiếp người trong thời gian hữu hạn chìm đắm trong
nỗi sợ hãi một cách ý thức và vô thức.
Con đường giáo dục là lối
về của tương lai: khai mở và vun đắp một thế hệ trẻ Việt Nam với những giá trị
nhân văn, nhân bản và nhân cách vững vàng. Chính ở điều này, con người Việt với
tâm hồn và bản lĩnh Việt phải được đánh thức và khai sáng. Trong tác phẩm triết
học “Phê phán lý tính thuần tuý” triết gia Immanuel Kant có nêu lên một mệnh đề
tri thức cơ bản rằng “Khái niệm mà không có trực giác thì trống rỗng; trực giác
mà thiếu khái niệm là mù lòa.” Điều mà Kant nói tới là bản chất nhị nguyên bao
gồm hai phương diện, khái niệm và trực giác, hình thức và nội dung, trong cấu
trúc tri thức của con người. Khái niệm là phương tiện, là con đường. Trực giác
là tánh biết trực tiếp có sẵn trong cơ năng tri thức. Kêu gọi đặt lại vấn đền
giáo dục lương tâm như tiền đề mang tính cơ bản của giáo dục và đào tạo mà thiết
yếu tính nội tại của nó không những chỉ nằm trên bình diện triết lý mà phải được
mang ra thực nghiệm trên bình diện chính sách thực tiễn của cả hệ thống. rong
chiều hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập vào cộng đồng nhân loại
chung, thì giá trị thế giới là tập hợp những chọn lựa từ những gì của văn minh
đương đại vốn thích hợp và cần thiết cho đất nước và con người Việt Nam.
Có một câu chuyện về đạo
học huyền nhiệm để kết thúc bài viết: có vị sư giác ngộ vốn mang khả năng nhìn
suốt không gian và thời gian để biết trước cái gì sẽ xảy ra trong tương lai - kể
cả những tin tức về kinh tế tài chánh mà nếu nắm được sẽ là cơ hội làm giàu lớn.
Có kẻ doanh nhân nọ muốn có được khả năng kiến thức này xin theo học vị sư để
được giàu có. Nhưng vị sư từ chối và đã nói với doanh nhân rằng, muốn được đạt
đến trình độ tri kiến này, điều kiện tiên quyết là ngươi phải xứng đáng với nó.
Khi sử dụng khả năng huyền nhiệm cho mục tiêu duy lợi vị kỷ thì khả năng tri kiến
đó sẽ bị tiêu huỷ. Giáo dục là quá trính huyền nhiệm tiến hóa về nhân cách và
tâm thức xứng đáng với khả năng tri kiến về thế giới. Sự bất cập giữa hai vế,
giữa khả năng tri thức và bề sâu nội tâm là nguyên nhân của mọi thảm họa. Tệ nạn
xã hội là thảm hoạ của tri kiến sai lầm và lương tâm bạc nhược.
N.V.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét