CHA TÔI
Từ lúc mẹ tôi mất, chúng tôi thường hay gợi ý tìm cách để cha tôi kể chuyện đời mình, mỗi khi con cháu quây quần bên người, nhất là vào dịp giỗ hoặc tết, hầu giúp cha tôi bớt trống vắng và đỡ nhớ nhung mẹ tôi... Mỗi mẫu chuyện cha tôi kể dù “nho nhỏ”, vẫn “có đầu có đuôi”, cách cha tôi thường nói, đều là những bài học thật ý nghĩa. Nhớ lại từng câu chuyện, và qua cuộc đời người, tôi nhận ra: Người muốn truyền lại cho chúng tôi tinh thần cầu tiến, và cách sống phục vụ tha nhân từ chính cuộc đời khổ cực, chìm nổi của người.
Năm nay, cha tôi đã 99 tuổi, đang sống hạnh phúc bên con cháu: “Tứ đại đồng đường”. Người vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Hàng ngày, ngoài việc đi lễ, lần chuỗi, người thường đọc nhật báo và hay coi lại các sách xưa như: Minh Tâm Bảo Giám, Tứ Thư Ngũ kinh… Trong Mùa Chay Thánh năm nay (2017), người còn tham dự Ngắm đứng. Người còn ngắm được thứ 11, ngắm dài nhất trong 15 ngắm.
- Sao cụ còn ngắm hay thế! Dân khu cứ tấm tắc khen người trong khuôn viên nhà thờ Ngọc Thạch, sau mỗi buổi Ngắm đứng.
- Tôi thì mất mát nhiều rồi! Còn đâu mà ngắm hay nữa! Cha tôi đáp lại.
- Chúng cháu nghe nói cụ có ghi băng 15 ngắm do chính cụ ngắm, thưa cụ phải không ạ? Cụ cho chúng cháu xin một đĩa ghi âm để chúng cháu tập ngắm nhé.
- vâng, tôi có ghi lại 15 ngắm do tôi ngắm như món quà tinh thần để lại cho con cháu. Các anh chị thấy nghe được thì hôm nào ghé vào nhà, tôi xin tặng mỗi người một đĩa.
- Vâng, vậy quí hóa quá, chúng cháu xin cám ơn cụ trước.
Đó là mẫu đối thoại tôi nghe được một buổi chở cha tôi đi dự lễ, dự ngắm…
Mấy tháng qua, người đã viết lại gần 140 bài thơ đủ thể loại, do chính người sáng tác từ năm Ất Dậu 1945 đến nay. Tôi đang nhờ người đánh máy lại toàn bộ tập thơ đó, rồi in thành nhiều tập theo ý của người là để kỷ niệm cho con cháu.
Thuở nhỏ cha là con nhà nghèo, nhà tranh vách đất, phải mò cua bắt ốc, ăn bữa trước, mất bữa sau, nên đâu được đi học tới nơi tới chốn như các anh các chị bây giờ. Bây giờ có điều kiện thì cố mà học, mà học khôn ngoan thật thà, chứ đừng học khôn ngoan sảo quyệt thì hỏng mất cả một đời người! Con hơn cha là nhà có phúc đấy. Cha tôi thường nói với chúng tôi như thế.
Gom nhặt qua các câu chuyện người thường kể cho con cháu nghe, tôi được biết cha tôi đã có một tinh thần cầu tiến rất đáng trân trọng. Người đã vượt lên chính mình từ hai bàn tay trắng để lo cho gia đình.
Tôi xin được sơ lược lại đôi nét về cuộc đời của người:
Đứng trước cảnh thất học của bao thanh thiếu niên trong làng Bích Du, trong đó có cha tôi, cha Cố Thiệp coi xứ Bích Du, thuộc Giáo phận Thái Bình động lòng thương, muốn giúp đỡ đám thanh niên thất học. Cha xứ đã mời thầy Trạch, một nhà Nho uyên thâm lại giỏi tiếng Pháp mở lớp dạy buổi tối miễn phí cho hơn hai mươi thanh niên trong làng, không phân biệt Lương Giáo. Cha tôi, tối tối sách ngọn đền chai đi từ bến đò Diêm Điền đến nhà thờ Bích Du cách nhà gần 5 km, dù ban ngày người đã làm việc vất vả. Cha tôi đã theo học như thế được gần bốn năm. Tuy không có bằng cấp, nhưng người đã có được một vốn hiểu biết cần thiết được truyền thụ từ thầy Trạch, đầy tâm huyết. Nhờ thế, mà ở tuổi 20 cha tôi đã tích cực tham gia bài trừ mê tín di đoan trong dân làng, theo sự hô hào của cha xứ Bích Du thời đó. Cha tôi đã mạnh dạn cưới mẹ tôi, dù mẹ tôi bị đồn là sát chồng, vì có lưỡng quyền cao. Đã một hai trai làng dạm hỏi mẹ, đều chết. Ngoài ra, vì có chút chữ nghĩa nên năm đói 1945, cha tôi được chọn làm thư ký Khuyến Thiện (Người giúp những ai bệnh nặng, được đi với cha cố Đoàn xứ Bích Du, tay luôn cầm sách Lâm Mệnh (sách khuyên bảo kẻ liệt), vai đeo bị cơm nắm của nhà xứ đến các gia đình để cứu đói. Do chứng kiến nhiều cảnh thương tâm trong năm Ất Dậu, cha tôi đã viết lại những vần thơ mô tả bao cảnh đời bi đát năm đói. Xin trích dẫn mấy câu lục bát:
“…thảm thương cháu bé mới sanh
Nào cháu có biết mẹ mình chết đâu
Lệ nhòa chan chứa đêm thâu
Ngậm vú mà chết gục đầu một bên…”
Năm 1956 cha tôi làm phu ống cho những chiếc xáng đào, vét sông. Công việc rất vất vả và nặng nhọc, như khiêng rồi ráp nối những chiếc ống sắt phải mười người mới làm nổi. Bất cứ lúc nào, đêm hay ngày, khi cần nối ống là phu ống phải có mặt. Nhiều đêm lạnh, các phu ống phải lội qua sông, qua sình tới ngực, băng qua nhiều nơi dơ bẩn dòi bọ quấn cả vào người.
- Dù vất vả, cực khổ thế nào đi nữa thì một ngày cũng phải đọc được ba kinh mới ngủ được, và dù tội lỗi thế nào thì cũng không được bỏ lòng cậy Đức Chúa Trời, vì chưng trong đạo đã có phép tha hết tôi cho ta. Cha tôi thường nói với chúng tôi như thế.
Để tiến thân theo nghề nghiệp, cha tôi đã âm thầm học lái tầu. Tôi thấy người đã đẽo một con tầu bằng gỗ, rồi ép lên giấy vẽ những con tầu đẹp và mau chóng. Sau đó, người ghi chú nhiều điều quanh con tầu đã được vẽ. Hơn một năm sau, người đã thi đậu bằng tài công. Cha tôi được lái tầu thay việc làm phu ống. Nhà tôi từ đó được sống đầy đủ hơn, vì lương tài công cao bằng ba lần lương phu ống. Cũng chính nhờ thế mà anh em chúng tôi được tiếp tục học hành.
Có lẽ do được học tập nhiều năm với thầy Trạch, một ông thầy thích làm việc ích lợi cho công đồng và làm thư ký với cha cố Đoàn, mà cha tôi rất yêu thích những công việc xã hội. Sinh thời, mẹ tôi thường nói:
- Ông cứ ăn cơm nhà rồi thổi tù và hàng tổng!
Cha tôi cười và nói:
Chả thế mà người đã mạnh dạn vận động dân làng thay đổi tục lệ lạc hậu đã tồn tại từ bao đời để lại. Làng Vạn Đồn, quê vợ tôi có cái lệ rước dâu vào khoảng 15 giờ chiều, sau khi tiệc mừng 11 giờ trưa của nhà trai và nhà gái đã xong. Tiệc nhà trai không có cô đâu; Tiệc nhà gái không có chú rể. Đám cưới của tôi (1968), đám cưới đầu tiên trong làng được rước dâu lúc 10giờ30, tiệc mừng lúc 11 giờ.
Làng Bích Du, quê tôi có lệ, khi gả con gái là không nhận tiền mừng của bà con dù ruột thịt hay khách mời. Mọi người coi như được ăn “chùa” một bữa. Nhà có con gái rất ngại mời đông khách, nhất là những gia đình không khá giả. Tục lệ đó dẫn đến việc trọng nam khinh nữ trong làng tôi không thay đổi được là bao. Cha mẹ tôi, sau khi đã gả hết bốn người con gái, đều không nhận tiền mừng. Sau đó, người đã vận động dân làng, gả con gái cũng nhân tiền mừng của bà con họ hàng và khách mời. Từ đó đến nay, làng Bích Du, khi gả con gái cũng như con trai đều nhận tiền mừng. Nạn trọng nam khinh nữ trong làng đã giảm bớt nhiều.
Cha tôi luôn tin tưởng, cầu nguyện và phó thác công việc nơi Chúa quan phòng, lại dám nghĩ, dám làm, học tập để vượt lên chính mình. Người đã có chút thành công, dù không lớn lao, nhưng nó đã giúp ích cho người, gia đình và một chút gì cho đời. Tinh thần cầu tiến, cách sống đạo, phục vụ tha nhân đó đã trở thành bài học quí giá cho con cháu. Ông cha ta thường dạy chúng ta: “Lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn”. Đức Phaolô VI thì dạy chúng ta: “Người thời nay không thích nghe lý thuyết mà thích nhìn thấy chứng nhân, mà nếu họ có nghe thì người thuyết giảng đó đang là chứng nhân vậy.”
Cảm tạ Chúa đã ban cho gia đình chúng con muôn vàn ơn lành hồn xác. Trong đó đặc biệt Người đã ban cho chúng con có người Cha đã dạy chúng con bằng chính cuộc đời của Người.,.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
Tác giả: Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét