Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

NHỮNG CẢM NHẬN VỀ KHÓA THƯỜNG HUẤN

NHỮNG  CẢM  NHẬN  VỀ  KHÓA  THƯỜNG  HUẤN
(Thứ ba-13/06/2017- ĐGM GB. Bùi Tuần)


    
Jesus fala aos discipulos
Jesus fala aos discipulos

Nhìn các linh mục, được gặp các linh mục, tôi nhận thấy vị nào cũng mang trong mình nhiều đau đớn. Đau đớn do bệnh tật, do lo âu, do áp lực, do cô đơn…

       1.

        Cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, tòa Giám mục Long Xuyên đã tổ chức khóa thường huấn cho các linh mục giáo phận.

        Tôi tham gia bằng cầu nguyện và học hỏi từ xa. Hình như những điều tôi học hỏi là rất riêng tư. Dầu vậy, vì ích chung, tôi cũng xin chia sẻ ở đây vài điều.

        2.

        Điều thứ nhất là nhiều cơn cám dỗ trong mục vụ đã được các linh mục nhận ra, để xa tránh và đẩy lùi.

        3.

        Thí dụ: Chủ trương mình phải cứng, phải đúng luật ghi trong truyền thống.

        Theo chủ trương đó, những người công giáo nào, lỗi bất cứ luật nào trong đạo, đều sẽ phải chịu đối xử một cách khắt khe. Chủ trương như vậy có người coi là đạo đức.

        Nhưng thực sự, đó là một cám dỗ nguy hại rất sai lầm. Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo. Chúa dạy, đạo đức thực theo Phúc Âm là không khóa chặt mình vào luật theo chữ, theo lý thuyết trìu tượng, mà phải mở lòng mình ra theo lòng Chúa xót thương, Đấng nhìn thấu thực tế của từng người, để có những bất ngờ vì mục đích cứu họ.

        Đạo đức thực không phải là coi những gì minh đã học về mục vụ là đã đủ, mà phải học thêm nhất là về những gì Chúa đang thực hiện trong các linh hồn để cứu độ họ trong thực tế lịch sử phức tạp hiện nay.

        Do vậy, chủ trương phải cứng đã được nhiều linh mục coi là một cơn cám dỗ, mình phải xa tránh và đẩy lùi.

        4.

        Rồi, một chủ trương khác có vẻ đề cao lòng thương xót một cách quá dễ dãi, cũng đang bị coi là một cơn cám dỗ.

        Theo chủ trương đó, bất cứ ai lỗi lầm, bất cứ về luật nào, đều được giải cứu bằng chỉ một phương cách đơn sơ, đó là chỉ làm phép lành cho họ. Coi việc đó là đạo đức.

        Nhưng đạo đức thực là phải tìm ra những nguyên nhân gây nên vết thương, để có những băng bó với đúng thuốc và đúng cách. Chứ không lạnh lùng, vô cảm.

        Cứu người bằng cách cho đi lòng thương xót một cách quá dễ dãi theo ảo tưởng, chính là một cơn cám dỗ làm ô danh lòng xót thương, bởi vì đó là lòng thương xót giả tạo.

        Nhiều linh mục đã nhận ra cơn cám dỗ đó, và đã xa tránh đẩy lùi.

        5.

        Rồi, một chủ trương khác cho phép tránh né việc cứu người đau khổ bằng sự mình tỏ ra phải bận rộn nhiều với những công việc về Chúa.

        Theo chủ trương đó, nhìn thấy người đau khổ đang đợi được cấp cứu, người môn đệ Chúa vẫn dám tránh né một cách cho là hợp lý, như thầy Lêvi và thầy tư tế, mà Phúc Âm đã kể (Lc 10,29-32).

        Chủ trương tránh né trên đây là một cơn cám dỗ nguy hại, đó là điều được nhiều linh mục nhận ra để xa tránh và đẩy lùi.

        6.

        Rồi, một chủ trương khác cũng đã được coi là một cơn cám dỗ, đó là chủ trương tố cáo người tội lỗi.

        Theo chủ trương này, những ai mình cho là tội lỗi, thì mình có quyền và có bổn phận phải tố cáo họ, để họ phải bị trừng trị, như thế mới là đạo đức.

        Thế nhưng, Chúa Giêsu lại dạy khác. Phúc Âm cho thấy: Khi người phụ nữ ngoại tình bị các kinh sư và Pharisêu lôi cổ đem nộp cho Chúa Giêsu, đòi phải trừng trị cô, thì Chúa phán: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném cô này trước đi” (Ga 8,10).

        Câu đó thực sự làm nhức nhối mọi người trong Hội Thánh chúng ta. Các mục tử, cũng như tôi, và cũng như mọi thành phần khác nhau trong Hội Thánh, đều phải nhận mình là kẻ có tội. Thế thì hãy tự tố cáo mình trước đã, hãy tự ném đá mình đi.

        Do vậy, chủ trương tố cáo người khác đã được nhiều linh mục nhận ra là một cơn cám dỗ rất nguy hại, cần phải xa tránh và đẩy lùi.

        7.

        Trên đây, tôi nói về những gì mà các linh mục của tôi đã nhận ra là những cơn cám dỗ cần xa tránh và đẩy lùi.

        Nhận xét đó làm tôi rất vui. Đó cũng là bài học tốt cho tôi.

        8.

        Một nhận xét nữa cũng làm tôi vui và cũng là bài họ tốt cho tôi. Đó là các linh mục thực tình tôn vinh thánh giá, coi thánh giá chính là vinh dự của mình.

        Nhìn các linh mục, được gặp các linh mục, tôi nhận thấy vị nào cũng mang trong mình nhiều đau đớn. Đau đớn do bệnh tật, do lo âu, do áp lực, do cô đơn, do gánh nặng của trách nhiệm, có những đau đớn có tên và đau đớn không tên.

        Cũng có trường hợp, linh mục bị cám dỗ tránh xa thánh giá, rời khỏi thánh giá.

        Nhưng hầu hết các ngài vượt qua được những cám dỗ đó. Họ vẫn vác thánh giá. Họ vẫn bị treo trên thánh giá. Họ vẫn coi mình là được hạnh phúc, vì trung thành với thánh giá. Nhờ vậy, mà họ cộng tác với Chúa trong chương trình cứu các linh hồn.

        9.

        Những gì tôi cảm nhận trên đây từ sự gần gũi với các linh mục của tôi những ngày vừa qua, đang là một dịp tốt để tôi sống tinh thần cộng đoàn một cách hân hoan, yêu thương và hy vọng. Đúng là Chúa Thánh Thần đang ở giữa Hội Thánh của chúng ta.

        10.

        Chúa Thánh Thần khuyên dạy chúng ta hãy cầu nguyện và tỉnh thức, để biết đón nhận “Cha nhân từ cũng là Chúa mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi chúng ta trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng ta có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng ta” (2Cr 1).

        Bởi lẽ tương lai sẽ đầy những gian truân, các linh mục rất cần có khả năng an ủi bao người sẽ bị chìm trong gian truân khốn khổ.

Riêng tôi là kẻ yếu đuối, tôi rất cần đến mọi tín hữu có ơn Chúa, biết an ủi tôi trong mọi hoàn cảnh khó khăn của tôi, để tôi được luôn thuộc về Chúa.


Long Xuyên, ngày 12.6.2017


ĐGM GB. Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét