Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

VẤN ĐỀ VŨ KHÍ


VẤN  ĐỀ  VŨ  KHÍ
(Sat, 03/06/2017 - Trầm Thiên Thu)



Chúa Giêsu đã cảnh báo thẳng thắn về việc sử dụng vũ khí: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26:52).Người ta thường nói: “Sinh nghề, tử nghiệp”. Tương tự, người ta cũng nói “ở hiền gặp lành” hoặc“gieo gió gặt bão”. Và dù không có niềm tin tôn giáo, người ta cũng có khái niệm về “luật nhân – quả”. Chắc hẳn cũng có phần nào liên quan.

Khoa học cho chúng ta biết rằng, có loại virus tốt và xấu, cholesterol cũng có loại tốt và loại xấu. Tương tự, vũ khí cũngcó loại tốt và loại xấu, nhưng vũ khí còn có hai dạng: vũ khí vật chất (hữu hình) và vũ khí tâm linh (vô hình). Tự bản chất vũ khí không xấu, nhưng người ta sử dụng vào mục đích xấu nên làm cho nó hóa xấu. Chẳng hạn, con dao rất hữu ích trong cuộc sống của chúng ta, nhưng có những người xấu dùng con dao để phạm tội ác.

Chắc hẳn không ai lại không nghe danh Alfred Bernhard Nobel.Ông sinh ngày 21-10-1833, và mất ngày 10-12-1896. Ông là người Thụy Điển, là nhà hóa học, kỹ sư, nhà phát minh, thương nhân, và nhà nhân bản. Khi mới 17 tuổi, Nobel đã thành thạo tiếng Thụy Điển, Nga, Pháp, Anh và Đức. Sở thích chính của cậu là văn thơ Anh, vật lý và hoá học. Năm 1863, Nobel tập trung phát triển chất nổ nitroglycerine, và đã xảy ra vài tai nạn. Trong đó, vụ nổ năm 1864 đã giết chết người anh trai Emil và vài người khác, vì thế các quan chức thành phố Stockholm cho rằng việc chế tạo chất này quá nguy hiểm. Các thí nghiệm về nitroglycerine bị cấm ngặt và Nobel phải đưa phòng thí nghiệm xuống một chiếc xuồng trên hồ Malaren.

Năm 1864, Nobel bắt đầu sản xuất nitroglycerin trên quy mô lớn. Để làm cho chất này an toàn hơn, ông đã thí nghiệm với nhiều chất phụ gia khác, và nhanh chóng nhận ra rằngnitroglycerine trộn với silic dioxide sẽ biến thành một dạng bột nhão, có thể nặn thành thỏi và các dạng khác dễ nhồi vào các lỗ khoét. Năm 1867, Nobel đăng ký bản quyền sáng chế cho vật liệu này dưới tên dynamite. Để có thể kích hoạt các thỏi thuốc nổ, ông cũng tìm cách tạo ra ngòi cho chúng.

Thị trường dynamite và ngòi nổ tăng rất nhanh. Nobel vẫn tự học hỏi không ngừng, và đã trở thành nhà kinh doanh tài ba. Năm 1865, nhà máy của ông tại Krummel (gần Hamburg, Đức) đã xuất khẩu chất nổ tới các quốc gia Âu châu, Mỹ châu và Á châu.Những năm sau đó, Nobel thành lập các nhà máy và phòng thí nghiệm ở hơn 90 điểm tại hơn 20 quốc gia. Ông tập trung phát triển công nghệ chất nổ cũng như phát minh ra nhiều vật liệu hoá học khác, trong đó có cao su, da tổng hợp và tơ nhân tạo. Cho đến khi qua đời vào năm 1896, Nobel đã có 355 bằng sáng chế. Một con người giỏi một cách rất xuất sắc!

Nobel chế tạo chất nổ với mục đích tốt, nhưng rồi người ta đã dùng chất nổ để tàn sát nhau. Ông không châm ngòi chiến tranh mà người ta lạm dụng sản phẩm của ông để gây chiến tranh, và rồi chiến tranh càng ngày càng leo thang.

Là một người sống nhân bản, chắc hẳn ông Nobel rất buồn – cũng có thể là rất khổ tâm. Sau khi ông qua đời, người ta ngạc nhiên khi thấy trong di chúc của ông dành phần lớn số tài sản kếch xù được ông dùng làm giải thưởng cho những người có công lớn đối với nhân loại – về các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Sinh lý học và Y học, Văn học và Hoà Bình. Ngày nay, giải Nobel vẫn được trao tặng hằng năm.

VŨ KHÍ VẬT CHẤT

Trong cuộc sống, vũ khí là vấn đề đáng quan ngại, nhưng việc buôn bán vũ khí còn đáng quan ngại hơn nhiều!

Thật vậy, thống kê năm 2010 cho biết: mỗi phút có 15 vũ khí mới được làm ra, mỗi phút có một người chết vì súng đạn, mỗi năm có 12 tỷ viên đạn được sản xuất, có 26 triệu người phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh, có 66% các vụ vi phạm nhân quyền liên quan các loại vũ khí hạng nhẹ, có 74% số vũ khí trên thế giới được cung cấp bởi năm thành viên vĩnh viễn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung quốc) và Đức. Tỷ lệ cụ thể: Mỹ 35%, Nga 15%, Anh 7%, Pháp 4%, Trung quốc 6%, và Đức 7%. Người ta ước tính việc buôn bán vũ khí quốc tế mỗi năm đạt tới 70 tỷ USD.

Một thống kê khiến chúng ta sửng sốt, thật đáng báo động đỏ, đúng như Thánh Phaolô đã từng cảnh báo: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7).

Trong bài diễn văn ngày 16-4-1953, ông Dwight D. Eisenhower, cựu Tổng thống Hoa Kỳ, đã nói: “Mỗi khẩu súng được làm ra, mỗi tàu chiến được hạ thủy, mỗi tên lửa được phóng đi đều đáng lưu ý, theo ý nghĩa cuối cùng, đó là sự trộm cắp của những người đói mà không có đồ ăn, những người bị lạnh mà không có quần áo. Thế giới vũ trang không chỉ tiêu tiền mà thôi. Nó dùng cả mồ hôi của người lao động, tài năng của các khoa học gia, niềm hy vọng của trẻ em… Theo nghĩa đúng, đó không là cách sống. Dưới sự đe dọa của chiến tranh, nhân loại đang treo trên thập giá bằng thép”.

Nạn buôn bán vũ khí là nguyên nhân chính của sự lạm dụng nhân quyền. Một số chính quyền dành nhiều tiền để chi phí về quân sự hơn là tổng chi phí dành cho việc phát triển xã hội, viễn thông và y tế. Mỗi quốc gia đều có quyền và có nhu cầu bảo đảm an ninh, có thể nhu cầu về vũ khí cũng cần thay đổi trong thời đại chuyển đổi ngày nay.

Chúng ta biết rằng, hằng năm người ta thỏa thuận buôn bán vũ khí trị giá khoảng 45–60 tỷUSD. Đa số các vụ buôn bán này thuộc các nước phát triển– chiếm khoảng 75%, số vũ khí được bán ra chiếm 85% trong những năm 2004–2011. Một số vũ khí được bán cho các quốc gia vi phạm nhân quyền. Tham nhũng thường xảy ra theo sau các vụ buôn bán vũ khí bởi vì có liên quan khoản tiền kếch sù.

Tiêu thụ vũ khí nhiều nhất là Hoa Kỳ, chiếm khoảng 2/5 số vũ khí trên thế giới, hơn cả các nước còn lại trong nhóm G7 (các nước phát triển về kinh tế nhiều nhất). Việc phát triển các vũ khí nhỏ là yếu tố quan trọng trong việc gia tăng về số các cuộc xung đột. Người ta ước tính như sau:

– Có khoảng nửa tỷ vũ khí nhỏ trên thế giới;

– Có khoảng 300.000 tới 500.000người trên thế giới bị giết chết mỗi năm;

– Đó là nguyên nhân chính gây tổn thất dân sự trong các cuộc xung đột hiện đại.

Trong cuốn “The Dark Side of Social Evolution” (Mặt Tối của Sự Phát Triển Xã Hội), Robert Neild viết: “Ước tính có khoảng 500 triệuvũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ lưu hành trên thế giới, cứ 12 người thì có 1 người có vũ khí. Trước đó lâu, khi người Âu châu có thể chinh phục các châu lục khác vìhọ cósúng cầm tay, còn dân địa phương không có. Đến năm 1999, súng AK-47 có thể mua tại Uganda chỉ bằng với giá mua một chú gà con”.

Liên Hiêp Quốc cho biết rằng, khác với vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và sinh học, không có hiệp ước quốc tế nào hoặc các văn kiện pháp luật nào về việc mua bán các loại vũ khí này.

Trong thời gian chiến tranh lạnh, nhiều quốc gia có đầy vũ khí nhỏ, nhà cung cấp là các nước mạnh như Hoa Kỳ, Liên bang Soviet cũ, và các nước đồng minh của họ. Ngay cả khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt, vũ khí nhỏ vẫn còn, thế nên vẫn xảy ra xung đột do khác nhau về chính trị và tôn giáo.

Vấn đề buôn bán vũ khí cho các tổ chức khủng bố làvấn nạn khá mới mẻ,nảy sinh khoảng chục năm trước. Mới đây, Liên Hiệp Quốc đề nghị thêm luật về việc buôn bán vũ khí nhằm hạn chế hoạt động này. Đó là Hiệp ước ATT (Arms Trade Treaty – Hiệp ước Thương mại Vũ khí), được đề nghị từ năm 2006. Các tay buôn bán vũ khí “nổi bật” là các nước như Hoa Kỳ, Nga, Anh, và một số các nước mạnh về kinh tế – các nước ủng hộ Hiệp ước ATT. Tuy nhiên, cần nhớ rằng nếu không có sự hạn chế quốc tế và luật về vũ khí thì các nhóm khủng bố vẫn có thể sở hữu vũ khí.

Hiệp ước ATT có hiệu lực từ 24-12-2014. Hiệp ước này điều chỉnh việc thương mại quốc tế về các loại vũ khí thông thường – từ vũ khí nhỏ tới xe thiết giáp, chiến đấu cơ và tàu chiến. Hiệp ước này đã được 91 quốc gia chuẩn nhận, có 42 nước đã ký ủng hộ nhưng chưa chuẩn nhận.

Tuy nhiên, hằng ngày chúng ta vẫn phải đối mặt với sự ảnh hưởng tiêu cực vì việc buôn bán vũ khí vẫn thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thế nên người ta vẫn sử dụng vũ khí một cách phi pháp, những người được sử dụng vũ khí thì lại có người lạm dụng, dân lành vẫn chịu thiệt thòi nhiều nhất.

VŨ KHÍ TÂM LINH

Về tâm linh, ma quỷ và bè lũ của chúng rất tinh ranh. Tất nhiên không có hoạt động buôn bán vũ khí như đời thường. Chúng thất bại nhiều trong việc cám dỗ người ta theo chúng nên chúng có mưu kế tinh vi hơn, đó là chúng cám dỗ về “sự ảo tưởng thánh đức”. Nghĩa là chúng cám dỗ người ta đinh ninh rằng mình là người đạo hạnh, nhân đức. Chiêu thức này của chúng mới thực sự đáng sợ. Vì thế, chúng ta càng phải cảnh giác hơn, đừng dựa vào việc này hoặc hoạt động nọ mà tưởng như vậy là đủ, là đẹp lòng Chúa. Ma quỷ có cách “buôn bán vũ khí” siêu đẳng như vậy đó!

Có chuyện kể rằng, một anh chàng nọ bị ma quỷ cám dỗ bán linh hồn cho nó, nếu không nó sẽ làm cho anh ta khốn khổ. Anh ta không chịu. Nó đưa ra ba điều kiện: một là giết mẹ, hai là giết vợ, ba là uống rượu. Suy nghĩ một lúc, anh ta đồng ý với điều kiện thứ ba.

Thế là anh ta tập uống rượu. Mới đầu uống ít, càng ngày càng nhiều, rồi đâm nghiện nặng và hóa thành kẻ “nát rượu”. Một hôm, khi say rượu, anh bị mẹ rầy và vợ trách. Tức mình, anh lấy dao chém chết cả mẹ và vợ. Thế là ma quỷ đã chiến thắng anh ta nhờ “tửu kế” mà anh ta tưởng là vô thưởng vô phạt!

Ma quỷ rất ghét những ai sống theo đường lối của Thiên Chúa. Nó tìm đủ mọi cách để quấy phá, đặc biệt là nhữnglúc chúng ta cảm thấy yếu đuối nhất. Con ruồi chết vì mật ngọt, con thú sập bẫy vì ham mồi ngon. Rõ ràng nhất là ông bà Nguyên Tổ đã mắc lừa chỉ vì nghe những lời đường mật của ma quỷ.

Thánh Phêrô khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Kinh Thánh cũng nhắc nhở chúng ta phải biết mình đang sống trong thời nào: “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14). Nghiêm túc áp dụng các nguyên tắc sống như vậy thì ma quỷ chỉ có nước… khóc mà thôi. Cứ thoải mái với người khác, nhưng hãy khó với chính mình!

Thánh Phaolô chia sẻ bí quyết chiến đấu trong cuộc sống đời thường: “Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu” (2 Cr 6:7-8).

Cuộc đời là khổ ải trần gian. Ai cũng biết như vậy. Chắc chắn không thể tránh đau khổ, và cũng chẳng hề thanh thản sống mà không có những cơn cám dỗ. Nhưng vấn đề quan trọng là can đảm đi xuyên qua đau khổ và quan tâm chống lại mưu ma chước quỷ. Có thể nói rằng Kinh Thánh là một trong các vũ khí hữu hiệu để chống lại chước cám dỗ của ma quỷ. Đọc và suy niệm Kinh Thánh thì ma quỷ không có cơ hội để len vào tư tưởng của chúng ta. Chán rồi nó phải bỏ đi thôi!

Loại vũ khí hữu hình có dạng vũ khí nhỏ và lớn, nhẹ và nặng; loại vũ khí tâm linh cũng tương tự. Cuộc chiến nào cũng cam go, thuốc này không trị được loại virus này thì dùng thuốc khác, dùng vũ khí này vô hiệu thì dùng loại vũ khí khác. Chắc chắn sẽ có loại vũ khí hiệu quả. Hãy nghe Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối”(Ep 6:11-13).

Vũ khí được con người sử dụng từ khi xuất hiện trên thế gian, vũ khí thời xưa thô sơ, vũ khí ngày nay tối tân. Vũ khí vừa lợi vừa hại, tùy thuộc cách sử dụng của con người.

Vũ khí còn là loại đặc biệt mà Cựu Ước đã đề cập. Kinh Thánh cho biết rằng vua Salômôn là người trổi vượt hơn tất cả các đế vương trên mặt đất về sự giàu có và khôn ngoan, thế nên ai cũng mong được một lần diện kiến nhà vua để có thể nghe được những lời khôn ngoan, vì sự khôn ngoan của ông được Thiên Chúa trao ban. Khi đến gặp vua Salômôn, họ mang theo các lễ vật, vũ khí là một trong số đó: “Mỗi vị đều mang lễ vật: đồ bạc, đồ vàng, y phục, vũ khí, hương liệu, ngựa và lừa. Cứ thế từ năm này qua năm khác” (1 V 10:25).

Thật lạ, bởi vì vũ khí không đơn giản như chúng ta tưởng, mà nó còn là lễ vật dâng tiến vua nữa. Hay quá chừng! Hãy dùng mọi lợi khí để sinh ích cho nhau theo ý muốn của Thiên Chúa, chắc chắn Ngài sẽ ưng lắm!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét