KHIÊM NHƯỜNG
(Thứ
tư - 28/06/2017+ ĐGM GB. Bùi Tuần)
1.
Đã từ lâu rồi, tôi cảm thấy
mình xuống cấp. Thân xác thì đau hết chỗ này đến chỗ khác; tâm hồn thì sợ hãi
trước những yếu đuối này đến những yếu đuối khác.
Nếu để tự sức mình, tôi sẽ
mất sự bình an. Từ đó sẽ vấp phạm từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác.
Tôi tha thiết cầu xin
Chúa xót thương tôi.
2.
Thực sự, Chúa đã xót
thương tôi bằng nhiều cách. Đặc biệt, Chúa nhắc cho tôi nhớ đến sự khiêm nhường.
Khiêm nhường phải là cụ thể, theo gương Chúa Giêsu.
Thánh Phaolo viết:
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là
Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa.
Nhưng Người đã hoàn toàn
trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người
trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá.
Chính vì thế, Thiên Chúa
đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”
(Philipphê 2, 6-9).
3.
Khi những lời trên đây vẫn
chỉ là những lời Kinh Thánh gửi đến tôi, tôi nghe, mà đã thấy sợ, vì đòi hỏi
khó quá. Đến khi chính Chúa Giêsu đến trước mặt tôi với sự khiêm nhường, mà Người
đã sống như được mô tả, thì tôi càng sợ. Tôi xin Người thương tôi. Người trấn
an tôi. Tôi đón Người vào hồn tôi.
4.
Trong tôi Chúa Giêsu dạy
tôi xác tín ba điều sau đây:
Một là Chúa Giêsu cứu con
người khỏi tội và lửa hỏa ngục, nhờ sự khiêm nhường của Người.
“ Vì loài người chúng tôi
và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.” Người bước xuống rất sâu,
đó là một sự khiêm nhường sâu thẳm để cứu con người.
Tôi muốn được Chúa cứu,
thì càng phải khiêm nhường.
5.
Hai là để trở thành người
môn đệ Chúa Giêsu một cách đích thực, thì phải khiêm nhường một cách đích thực,
theo gương của Chúa Giêsu.
Tôi muốn làm linh mục,
nghĩa là muốn trở thành muôn đệ Chúa Giêsu một cách đặc biệt, thì phải coi
khiêm nhường là điều rất quan trọng, phải nhìn khiêm nhường là vẻ đẹp của mình,
phải nhận khiêm nhường là sức mạnh của mình.
6.
Ba là để có sự khiêm nhường
đích thực, thì phải có ơn Chúa. Bởi vì để sống khiêm nhường, thì phải vượt thắng
rất nhiều cơn cám dỗ về kiêu ngạo. Kiêu ngạo là một sức mạnh dữ tợn đến từ nhiều
phía do xác thịt, thế gian và ma quỉ. Kiêu ngạo theo ta suốt cuộc đời, mọi lúc
mọi nơi dưới nhiều hình thức tinh vi. “Mặc dầu tinh thần thì hăng hái, nhưng thể
xác thì lại yếu đuối. Nên phải nhờ ơn Chúa, do “ Cầu nguyện và tỉnh thức” (Mc
14,38-39).
7.
Do vậy, tôi không bao giờ
coi khiêm nhường là kết quả của các cuộc hội thảo và của các hình thức lễ nghi,
mà phải coi khiêm nhường là kết quả của cầu nguyện và tỉnh thức kiên trì. Nghĩa
là phải dựa vào ơn Chúa.
8.
Nhờ cầu nguyện và tỉnh thức,
tôi vừa nhận ra sự yếu đuối của tôi, vừa nhận ra sức mạnh của ơn Chúa. Lòng tôi
nhờ đó, mà biết đau đớn và hối cải. Nhờ vậy mà được bình an.
9.
Nhờ cầu nguyện và tỉnh thức,
mà tôi hy vọng được chở che khỏi những khoe khoang tự hào về những việc lành
tôi làm.
10.
Nhờ cầu nguyện và tỉnh thức,
mà tôi mong nhận thức đúng về lời thánh tiên tri Isaia đã nói xưa: “ Tất cả
chúng ta đều dơ bẩn, tất cả những việc ta làm, gọi là công chính cũng đều là những
vải dơ nhớp” (Isaia 64,5).
11.
Nhờ cầu nguyện và tỉnh thức,
mà tôi tha thiết được sống với những người xung quanh một cách bao dung, hiền từ,
khiêm tốn. Đặc biệt, tôi sung sướng được coi mọi người yếu đuối và tội lỗi là
những người mà tôi cần phải yêu thương một cách khiêm nhường, đó mới là cách cộng
tác vào sự cứu rỗi họ.
12.
Thế nhưng, cầu nguyện và
tỉnh thức lại chính là những điều không dễ. Bởi vì tôi là kẻ tội lỗi yếu đuối lắm.
Nhận thức được sự thực đó đã được Chúa coi là điều tốt. Thì ra khiêm nhường
luôn là điều kiện để được gặp gỡ lòng thương xót Chúa.
13.
Mới rồi, một buổi chiều
mưa, khi tôi đang mải miết đọc sách thì trời nổi cơn bão, sét đánh, mưa to, gió
mạnh, trời tối sầm. Tự nhiên, tôi nhớ lại lời Đức Mẹ cảnh báo tại Fatima cách
đây đúng 100 năm. Mẹ cảnh báo sẽ xảy ra đại họa cho thế giới nói chung, nếu không
có sự hối cải thực sự.
Tôi có cảm tưởng là lời Đức
Mẹ cảnh báo cách đây 100 năm tại Fatima, nay đang được nhắc lại một cách khẩn
thiết. Nếu cầu nguyện và tỉnh thức, thì thấy tính cách khẩn thiết là rất thiết
tha.
14.
Phải làm gì để đáp ứng lời
Đức Mẹ cảnh báo?
Thiết tưởng phải:
+ Hối cải với lòng khiêm
nhường.
+ Lần chuỗi mân côi với
lòng khiêm nhường.
+ Tôn sùng trái tim Mẹ với
lòng khiêm nhường.
+ Tin yêu với lòng khiêm
nhường.
+ Phục vụ bác ái với lòng
khiêm nhường.
15.
Khiêm nhường, khiêm nhường:
Đó là lời khuyên vắn tắt, Chúa gửi tới tôi. Đó là lời nhắn nhủ thân thương Đức
Mẹ dặn dò tôi. Đó là lời chào chúc thân tình tôi được hân hạnh nói với từng người
anh chị em.
Khiêm nhường và rất khiêm
nhường, đó là tâm tình tha thiết tôi gói ghém trong việc tạ ơn và phó thác, mà
tôi dâng lên Chúa hôm nay và mãi mãi. Amen
Long Xuyên, ngày
28.6.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét