Aug 14, 2022 - Chúa nhật 20 thường niên năm C
"Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên!"
Các Bạn thân mến,
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chỉ lửa ấy đã bùng lên!”
Đó là một lời nói mà từ khi con rất bé, mới có cuốn sách kinh nhỏ làm của riêng. Mình đã đọc được ở một trang nào đó gần giữa cuốn sách, dưới tấm hình Chúa Giesu mặc y phục trắng dài, dùng hai tay ôm ngọn lửa như trái tim nhỏ và đang nhìn xuống trái đất xa tít. Cả lời nói và hình ảnh làm mình vui vui thích thích, và cảm thấy lời ấy tha thiết, như Đức Giesu có tâm sự buồn buồn, mặc dầu khi đó mình chẳng hiểu rõ, nhưng vẫn nhớ mãi cho đến ngày hôm nay.
Và đấy cũng là lời mở đầu cho đoạn Tin Mừng Thánh Luca chúa nhật 20 thường niên năm C tuần nay.
Những tuần lễ trước, chúng ta đã được Đức Giesu cảnh cáo về hiểm họa của đời sống hưởng thụ - qua dụ ngôn phú nông ngu dại. Rồi Ngài lại khuyên những kẻ theo Ngài - qua dụ ngôn ông chủ trở về và kẻ trộm đến. Nhưng Ngài không muốn chúng ta lầm lạc, cho rằng Nước ấy sẽ thiết lập ngay mà không cần phải tranh đấu và chờ đợi.
Vì thời hiện đại là thời của tranh giành chia xẻ, mà nguyên nhân chia rẽ ấy lại là chính Đức Giesu, Đấng cứu độ chúng ta.
Ngài cho biết một ngày kia, Ngài sẽ trở lại, đem lại sự công bình, an lạc đến chỗ toàn thắng và lúc ấy Ngài sẽ là Vua của Hoà Bình. Còn bây giờ Ngài đến thế gian để quẳng vào đó một đốm lửa chia rẽ, xung đột... Đó là điều không thể tránh được, nên Chúa không ân hận khi thấy lửa ấy bén cháy, nhưng cho đến khi Ngài bị đóng đinh trên Thập giá thì lửa ấy mới bùng lên thành hoả hoạn.
Những điều lưu ý của đọan Tin Mừng này:
1. Lửa:
- Trong tư tưởng của người Do Thái, lửa là biểu tượng của sự phán xét.
- Bởi vậy Đức Giesu nói Nước Ngài đến như một thời kỳ phán xét.
- Người Do Thái tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ phán xét các dân tộc thế gian theo một tiêu chuẩn và phán xét họ theo một tiêu chuẩn khác.
- Chỉ sự kiện họ là người Do Thái cũng đủ cho họ thoát khỏi sự phán xét của Ngài.
- Nên đối với những người đang nhìn biết Đức Giesu là Đấng Meisia, Đấng Xức Dầu của Thiên Chúa, thì những lời này khiến họ phải ngỡ ngàng, sửng sốt.
- Họ đã coi Đấng Mesia là Đấng chiến thắng, là vua, và thời đại của Đấng Mesia là hoàng kim.
- Và mặc dầu cho đến bây giờ, chúng ta cũng vẫn muốn loại bỏ yếu tố phán xét ra khỏi sứ điệp của Đức Giesu, nhưng nó vẫn tồn tại một cách bất đi bất dịch.
- Về mặt khoa học vật lý, cũng như đời sống thực tế, lửa có giá trị tuyệt vời về ý nghĩa của sự sống, sự thanh luyện, sự biến đổi… Nó giúp cho mọi vật có một nhiệt độ cần thiết thích nghi với môi trường để tồn tại, nó cũng có khả năng làm thay đổi nhiệt độ ấy để đổi trạng thái vật chất, hình dạng của mọi sự vật.
- Nghĩa là nó có thể biến đổi trạng thái của vật rắn, lỏng, khí, cũng như có thể kết tinh, phân tích, phá hủy chúng.
- Còn có thể lọc luyện, tẩy rửa mọi ô uế, tạp chất trong chúng.
- Vì nó biểu tượng cho sự sống, sự thanh luyện, sự cô đọng, sự phục hồi và cả sự tàn phá… nên lửa không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn có ý nghĩa về tinh thần, tình cảm cũng như thuộc linh.
- Ngọn lửa mà Chúa ném vào thế giới này, là ngọn lửa tình yêu của chính trái tim Ngài.
- Là ngọn lửa Phục Sinh, xây dựng niềm tin, hướng dẫn, an ủi, nâng đỡ các tín hữu.
- Cũng là ngọn lửa Thánh Thần vạn năng, thánh hoá, tăng cường, soi sáng trí khôn chúng ta.
* Đây là ngọn lửa tình thương cần thiết như nhu cầu về cơm ăn áo mặc, tinh thần tình cảm để chúng ta sưởi ấm, tồn tại và phát triển.
2. “Thầy còn một phép rửa phải chịu…”:
- Khi Thánh Gioan Tiền Hô làm phép rửa cho ai, Ngài nhấn chìm người đó xuống nước.
- Khi một người bị nhấn chìm trong nước, họ sẽ bị ngộp thở, lo sợ hãi rùng rợn, khủng khiếp... vị các đợt sóng nước bao quanh dồn dập đập phủ lên người họ.
- Đó là ý nghĩa mà Đức Giesu muốn dùng ở đây, như Ngài muốn nói, Ngài sẽ phải trải qua một trạng thái, một đời sống căng thẳng, khủng khiếp, với Thập giá luôn ở trước mặt, chỉ đến khi qua khỏi nó, Ngài mới xuất hiện cảnh toàn thắng.
- Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa tinh tuyền cao cả, nhưng đã sẵn sàng đón nhận mọi thứ tội hình như những phạm nhân, không lẩn tránh, không thoái thác, không than van oán trách, cũng không thắc mắc hoài nghi. Vì Ngài đã tin tưởng phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa Cha.
- Ý tưởng đó khác hẳn với ý tưởng của người Do Thái về vị vua của Thiên Chúa.
- Họ quan niệm rằng Chúa đến phải như vị vua với những đạo binh oai hùng, báo thù cho họ với cờ bay chiến thắng phất phới.
- Nhưng Ngài lại đến để phó mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho mọi người.
* Đây là tấm gương để chúng ta nhìn lên mỗi khi mình bị đau khổ bất hạnh, để loại bỏ những ý nghĩ nông cạn luẩn quẩn vô lý, mà tin tưởng vào tình thương, sự quan phòng của Chúa.
3. Ngài đến đem sự chia rẽ:
- Nghe thật ngỡ ngàng, sững sờ như vỡ mộng vậy, nhưng đó lại là một thực tế.
- Bởi ai cũng thích được sống yên ổn trong những thói quen sở thích của mình.
- Ai cũng muốn được hòa thuận đầm ấm với mọi người, với gia đình, chòm xóm, cộng đoàn, xã hội, đất nước…
- Tuy nhiên không phải mọi thói quen, mọi sở thích của chúng ta đều tốt lành, mà còn có những thói quen, sở thích xấu, không tốt, lẫn lộn trong đó.
- Bởi vậy cần có một tác nhân đánh thức lương tâm, soi sáng để chúng ta nhận ra điều sai trái, mà can đảm thoát ra khỏi nó.
- Điều ấy có thể coi như một sự quấy rối, phiền hà, bực bội cho chúng ta, nhưng đó là những sự quấy rối cần thiết.
- Ngay khi còn sinh thời, Chúa đã là nguyên nhân để người Do Thái căm ghét chia rẽ nhau. Rồi người La Mã cũng ghét bỏ Kito giáo.
- Sứ vụ của Ngài đã gặp nhiều rắc rối, nhiều sự chống đối, và lời rao giảng của Ngài đã gây ra sự chia rẽ giữa những người tin và không tin, những người trong cùng một gia đình, cùng một chủng tộc, cùng một tôn giáo.
- Bố mẹ anh em vợ chồng phân rẽ, người là dân ngoại, kể là Do Thái, người Chính Thống, người theo Đức Kito…
- Xung đột giai cấp trong xã hội, giữa quý tộc, nông dân, giàu, nghèo…người muốn có nô lệ để được phục vụ, sai khiến; người muốn xoá bỏ giai cấp; cha mẹ muốn giầu sang, con cái lại muốn sống bình dân, khó nghèo; vợ muốn thu gom tích trữ, chồng muốn phân phát…
- Kẻ muốn đi tu, người muốn nối dõi tông đường…
- Ngay tại nội tâm mỗi người cũng có sự dằng co xâu xé, phải yêu mến gia đình hay phục vụ yêu mến Chúa? Muốn thỏa mãn cá tính vui chơi hay muốn nghiêm chỉnh giữ luật Chúa?...
- Dù thế nào, cũng đừng quên rằng bản chất của Kito giáo là phải đặt sự trung thành với Thiên Chúa lên trên hết tất cả các sự trung thành của thế gian.
- Chúng ta phải sẵn sàng coi mọi sự như thua lỗ vì cớ cao trọng tuyệt đối của Đức Giesu.
- Bởi Chúa đã xác nhận đúng thực sứ mạng của Ngài là sứ mạng hòa bình. Nhưng là hòa bình của Thiên Chúa.
- Hòa bình mà trong đó sự thật và quyền lợi chính đáng của con người được tôn trọng và bảo vệ tối đa.
- Hòa bình đó người ta chỉ có thể nhận được khi cố gắng chiến đấu sống theo Tin Mừng của Ngài.
- Thực tế Chúa đến trần gian không phải để gây chia rẽ và xáo trộn, tuy nhiên vì chính Ngài mà sự xáo trộn và chia rẽ xảy ra.
- Bởi lời rao giảng, kêu mời mọi người có khi như khích lệ người nghe, an ủi người nghèo khổ, nâng đỡ kẻ yếu hèn, nhưng lại có thể làm cho người giàu có nổi giận, người có uy quyền căm ghét…
* Thực ra trong Tin Mừng có nhiều điều nghe như chói tai, nhưng chính những lời làm khó chịu, những lời như quấy rối lương tâm ấy…mới có thể làm chúng ta hoán cải, tỉnh ngộ...
4. Sự chia rẽ, quấy rối cần thiết:
- Đoàn kết, hòa thuận và an bình là những điều con người mọi nơi mọi thời mong ước và luôn nguyện xin, cầu chúc cho nhau.
- Nhưng nhiều khi sự thật xuất hiện thì lại làm đảo lộn mọi thứ, khiến con người không hiểu nhau, dẫn đến sự chia rẽ, hận thù và nhiều hậu quả đáng tiếc khác…
- Kinh nghiệm cũng cho thấy không có gì khiến người ta khó chịu bằng đòi hỏi sự thật và công bình, cũng như có sự giận dỗi và bất công.
- Nên bất kỳ một tác nhân nào đánh thức lương tâm, soi sáng để chúng ta nhận ra điều sai trái, cũng có thể coi như một sự phiền hà, quấy rối, xáo trộn, chia rẽ...
- Điều ấy có thể coi như một sự mất bình an kiểu thế gian, nhưng là sự cần thiết.
- Chúng ta phải can đảm đón nhận những sự quấy rối cần thiết đó cũng như can đảm quấy rối những tình trạng xấu khác chung quanh chúng ta.
- Đó là tinh thần thái độ bảo vệ, đấu tranh cho công bằng, cho sự thật.
- Tuy nhiên lòng ganh ghét phức tạp khó lường, bởi không phải người ta chỉ ghét điều xấu, mà còn có thể ghét cả những điều tốt nào không phù hợp với người ta nữa.
- Chuyện thường thấy là kẻ nói dối ghét người nói thật; kẻ gian lận ghét người công chính, phạm nhân ghét người nắm giữ luật pháp …
- Những cái ghét đáng chấp nhận, là điều Chúa đã khuyến cáo chúng ta.
* Cố gắng xây dựng hòa bình của Thiên Chúa có thể bị cho là chia rẽ, là quấy rối, là đi ngược lại bánh xe lịch sử, nhưng đấu tranh cho công bằng, sự thật, và chia sẻ với nhau... đó mới được gọi là con Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con xin mượn những lời cầu nguyện của Karl Rahner để thưa lên Ngài:
“Lạy Cha, xin ban cho chúng còn điều khó hơn cả, đó là ơn nhận ra thánh giá của Ngài trong mọi nỗi khổ đau của đời chúng con; và ơn bước theo Ngài trên đường thánh giá, bao lâu tuỳ ý Ngài định liệu.
Xin đừng để chúng con trở nên chua chát, nhưng được ơn trưởng thành, nhờ đón nhận đau khổ.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của chúng con nói lên lòng tin của chúng con vào những lời hứa của Cha, lòng cậy của chúng con vào lòng trung tín của Cha, và lòng mến mà chúng con dành cho cha.
Ước gì thánh giá là ánh sáng cho đêm tối tăm, nhờ đó chúng con không coi dau khổ như một tai họa, một điều vô lý…nhưng như một dấu chỉ cho thấy chúng con đang thuộc về Cha mãi mãi. Xin hãy lau khô giọt lệ cho chúng con, vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con.” Amen
Thân mến,
M.Gorettiduyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét