Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Ở RỘNG NGƯỜI CƯỜI Ở HẸP NGƯỜI CHÊ

 

Mon, 08/08/2022 - Lm Anmai, CSsR

Ở  RỘNG  NGƯỜI  CƯỜI  Ở  HẸP  NGƯỜI  CHÊ

 

          Ở làm sao cho vừa lòng người ? Có lẽ đó là tâm tình không của riêng ai trong thân phận làm người. Trong gia đình, trong tập thể hay trong một vài xứ đạo, ta cũng có thể nói sống sao cho vừa lòng người khi bị người khác hiểu lầm hay chống đối.

          Cách đây cũng lâu lâu, bắt gặp được những bài viết người ta đưa lên mạng với dụng ý là tố cáo cha xứ của họ. Những lời tố cáo đó đại loại như thế này: “Cha coi xứ này nhưng Cha ... Suốt ngày chỉ biết lo đếm tiền ...”. Rồi đâu đó trên vài trang mạng, ta cũng thấy những lời trách móc cha này, phiền toái về đức cha nọ.

          Nhiều bài viết từ một con chiên trong xứ chủ đích là đưa cha xứ của họ lên đoạn đầu đài. Họ viết xong và rồi họ rải đi nhiêu nơi để mong sao có nhiều người đọc và cốt yếu để cùng nhau ném đá cha xứ đó. Bản thân tôi vô tình cũng đọc được những bản văn xem chừng ra không vui vẻ gì lắm.

          Thấy vậy, tôi viết 1 bài với tiêu đề: “Chuyện người đàn bà 2000 năm trước”. Bài viết ấy với nội dung như nhắn gửi chính bản thân tôi không nên xét đoán cũng như ném đá người khác. Tôi dẫn chứng vài lời trong những lời tố cáo của người kia ở giáo xứ đó. Viết chung chung để nhắc nhở nhau đừng làm như vậy. Giả như cha xứ nơi mình ở có lám điều gì trái khoáy thì trong tình cha con và nhất là vì lòng bác ái thì “đóng cửa bảo nhau” hay nói khẽ với nhau thay vì đưa câu chuyện đó lên mạng xã hội.

          Tôi chả bênh ai cũng như chả đứng về phía nào vì lẽ mình không phải là người trong cuộc. Chỉ thấy giáo dân viết khá nặng về cha xứ thì tự nhắc mình và những ai đọc được tâm tình cần thận trọng trước khi xét đoán và kết án cha xứ của mình. Vẫn luôn giữ lập trường sống cho đến bây giờ đó là không kết án hay xét đoán bất kỳ ai bởi nhớ đến lời của Thánh Phaolô : “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình.?” (Rm 2, 10)

          Thường người ta chỉ đứng ở góc nhìn của mình để rồi hay lên án người khác và bắt lỗi người khác. Và rối cha xứ không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn là cũng bị con chiên của mình kết án tuy không rõ sự thật hay không làm theo ý của phe nhóm họ.

          Mới đây, một giáo dân nhiệt thành và quân bình với lối suy nghĩ có chia sè  với tôi : “Cha ơi ! Con buồn lắm ! Chuyện là cha xứ con về xứ được 10 tháng thế nhưng rồi có những người chống đối cha xứ. Họ nói cha xứ thế này thế kia và nhất là cha xứ rõ ràng thu chi trong các hội đoàn. Trước đây thì cha xứ cũ cho thoải mái nên họ quen rồi. Giờ cha xứ này về quản lý chặt thế là họ không hài lòng. Giờ họ nói với nhau rằng họ chán họ không đến nhà thờ và không đi lễ nữa ...”

          Nghe lời chia sẻ này xong thì tôi không ngạc nhiên cũng như không lấy làm lạ cho lắm bởi mình cũng là nạn nhân và mình cũng đã từng ăn gạch đá từ những người và nhóm người mà theo họ là không làm vừa lòng họ.

          Chuyện xem chừng rất đơn giản nhưng rồi đổ vỡ vả dĩ nhiên tôi phải là người ra đi. Ở cái xứ nghèo và dường như họ quen chờ hàng cứu trợ. Tôi coi các em khuyết tật và dĩ nhiên phải lo cho các em đấy đủ cũng như lương thực dự trữ. Ấy vậy mà một số người ganh tỵ với các em và bảo phải chia cho dân mới được. Từ mâu thuẫn đó và dĩ nhiên phần thiệt dành cho tôi và coi như tôi lãnh đủ.

          Bản thân tôi luôn tâm niệm đời mục tử của mình là chăm sóc đời sống thiêng liêng, tinh thần cho giáo dân bằng Lời Chúa, Giáo Lý và những bài học về phụng vụ. Về vật chất chỉ ưu tiên cho những người neo đơn, già yếu và khuyết tật. Tế nhị cũng như cẩn trọng như vậy nhưng vẫn nhận được phản ảnh là cha không cho gia đình tôi. Điều đáng nói là người phiền hà đó lại là người khỏe mạnh cũng như còn sức lao động.

          Chả phải mình tôi nhưng đời linh mục là thế đó! Làm sao mình có thể sống hài lòng hết mọi người được. Đâu đó tôi nghe câu nói bạn muốn sống hài lòng mọi ngưới đó là điều hết sức khó và vừa ngu.

          Ông bà ta nói 9 người 10 ý! Câu nói đó có sai bao giờ đâu. Ngay cả trong cộng đoàn tu đi chăng nữa thì chả phải lúc nào cũng gặp được sự đồng thuận của mọi người. May lắm trên một nửa là tốt rồi.

          Vậy đó nhưng rồi trong cuộc sống ta lại thấy nơi này nơi kia bùng nổ “chiến tranh lạnh” giữa cha xứ và con chiên. Nghiệt một nỗi là người ta không cảm thông cho nhau cũng như không bỏ qua cho nhau những cái gọi là va vấp trong cuộc đời.

          Chả bênh ai nhưng tôi tưởng nghĩ rằng đa phần các linh mục đều hành động theo lợi ích chung của Giáo Xứ mà thôi vì lẽ ai ai cũng nhận ra và xác tín rằng cha đến một giáo xứ nào đó thì cũng ở trong một thời gian rôi chuyển xứ thôi. Tất cả những gì cha làm đều hầu mong mang lại lợi ích cho con chiên thôi. Đến với giáo xứ các cha dường như chả mang theo gì và khi ra đi cũng chả mang khỏi cái chi. Người có gia đình thì có vợ con và tài sản khi năm xuống. Đời linh mục khi nằm xuống cũng hoàn trắng tay mà thôi.

          Người chia sẻ với tôi về hoàn cảnh cha xứ đang bị một số người chống đối về cha nghe chừng hay lắm ! Cha xứ nghe và đọc trên các trang mạng về những lời nói của giáo dân dành cho mình cũng như thấy phản ứng của giáo dân cha hoàn toàn im lặng. Có chăng cha mỉm cười cho qua chuyện mà thôi.

          Chắc có lẽ mỗi chúng ta nên đọc câu chuyện “Thế Ư” về thiền sư Hakusin ở Nhật Bản.

          Vậy đó! Giữa những phản ứng gay gắt của một nhóm người thì cha vẫn lặng im chứ không một lời ta thán.

          Điều quan ngại nhất mà người kia kể đó là việc những ngưởi chống cha xứ đang dần bỏ nhà thờ. Nên nhớ rằng làm gì thì làm, khi mình lìa bỏ nhà thờ cũng như không tham dự Thánh Lễ thì phần thiệt thòi vẫn dành cho những người đó.

          Trong thân phận làm người, chả ai can đảm nói mình hoàn hảo hay hoàn thiện. Chớ gì mỗi chúng ta hãy cảm thông cho nhau cũng như hãy lấy tình bác ái mà cư xử lẫn nhau trong cuộc đời như tâm tình của Thánh Phaolô: Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. (Ep 4, 2)

Lm. Anmai, CSsR

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét