Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Vài nét về lễ nghi trong trang phục của cổ nhân

 

Vài  nét  về  lễ  nghi  trong  trang  phục  của  cổ  nhân

An Hòa•Thứ Năm, 04/08/2022

Trong lễ nghi truyền thống của người xưa, từ trang phục, cách ăn, cách đi, đứng, ngồi, mỗi cử chỉ đều phải tuân theo các nguyên tắc, chuẩn mực vô cùng chi tiết.

 

(Tranh minh họa: Public Domain)

Cổ nhân cho rằng một trong những ý nghĩa của việc mặc trang phục là để không bị lộ thân thể, hình thể. Vì thế, vô luận là trang phục của nam hay nữ đều vừa dài vừa rộng, không quá mỏng. Việc khiến cơ thể hay hình thể lộ ra được xem là không có lễ tiết, cũng chính là không tôn trọng mọi ngườ

Trong “Tam quốc diễn nghĩa” hồi thứ 23, để làm nhục Nễ Hành trước mặt đông người, Tào Tháo đã sai Nễ Hành lên điện đánh trống cho mọi người thưởng thức. Nễ Hành đã ngay ở trước mặt Tào Tháo mà cởi bỏ y phục để làm nhục lại. Tào Tháo tức giận vỗ án thét to: “Nơi miếu đường sao dám vô lễ như thế!”. Đây là một minh họa cho việc coi trọng lễ tiết của người xưa.

Triều nhà Thanh quy định, phàm quan viên vào triều yết kiến Hoàng đế, không được mặc trang phục làm bằng tơ và gai, bởi vì loại vải này nhẹ và mỏng, có thể làm lộ cơ thể. Điều này áp dụng ngay cả trong mùa hè nóng bức.

Ngoài ra, trong lễ nghi cung đình thì cũng quy định rất chi tiết về cách ăn mặc. Chẳng hạn năm Nguyên Sóc thứ 3 thời Tây Hán, Vũ An Hầu Điền Điềm vì mặc áo ngắn vào triều mà bị xử tội bất kính.

Trong “Đệ Tử Quy” viết: “Mũ phải ngay, cúc phải gài, tất và giày, mang tề chỉnh”. Chỉnh tề và sạch sẽ là yêu cầu căn bản nhất của lễ nghi ăn mặc.

Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận nhà Bắc Tống, có một lần vào chiều tối đã cho mời Hàn lâm học sĩ Đào Cốc vào cung bàn việc. Khi Đào Cốc vào cung, nhìn thấy Tống Thái Tổ chỉ mặc trang phục đi ngủ nên mấy lần tiến vào rồi lại lui ra. Quân hầu thì giục gấp nhưng cuối cùng Đào Cốc quyết định không vào. Tống Thái Tổ phát hiện được sự tình ấy, đã lập tức sai người mang áo bào đến. Đào Cốc đợi Tống Thái Tổ mặc xong bào phục rồi mới tiến vào.

Đào Cốc chần chừ là do tuân thủ nghiêm ngặt lễ phép quân thần, cũng là để Tống Thái Tổ không đánh mất dung nghi, tránh những tình huống bối rối xấu hổ khi quân thần gặp nhau. Hoàng đế ăn mặc chỉnh tề tiếp kiến quan viên cũng là để thể hiện sự kính trọng đối với bề tôi.

Trong cuốn “Ngọc Đường tùng ngữ” viết rằng: Vào khoảng niên hiệu Thiên Thuận triều nhà Minh, Tiết Tuyên vào triều, vua Anh Tông đang “mũ nhỏ áo ngắn, nghe tiên sinh tới tấu sự, vội đi thay áo dài” để biểu thị sự kính trọng.

Các sĩ đại phu khi giao tiếp cũng phải chú trọng cách ăn mặc để giữ phong độ cho mình, tránh thất lễ. Trong cuốn “Ân Phúc đường bút ký, quyển hạ” viết rằng: Anh Hoà đời Thanh xuất thân từ gia đình hàn lâm. Một lần, ông vào bái yết vị tiền bối Hàn lâm viện là Đậu Đông Cao. Lúc bấy giờ đang là giữa mùa hè nóng nực. Hai người ngồi trong sảnh đường trò chuyện từ sáng sớm, nhưng vẫn giữ “áo quần chỉnh tề ngồi ngay ngắn cả 2, 3 tiếng đồng hồ”. Không ai trong họ cởi áo mặc dù mồ hôi tuôn như mưa. Mãi đến trưa, Anh Hoà mới cáo lui ra về.

Một khía cạnh nữa là về màu sắc hoa văn. Từ thời Tây Hán về sau, chế độ y phục ngày càng hoàn thiện, y phục của các cấp quan lại và thứ dân khác biệt rõ rệt. Nhìn vào người ta có thể đoán biết được, không thể nhầm lẫn. Ví như, long bào và màu vàng là phục sức chuyên dụng của hoàng thất, người khác tuyệt đối không được dùng. Nếu vi phạm sẽ bị coi là đại nghịch bất đạo.

Trong “Minh sử” ghi rằng: “Quan nhất phẩm tới quan tứ phẩm dùng áo bào màu đỏ, quan ngũ phẩm tới quan thất phẩm dùng áo bào màu xanh, quan bát phẩm cửu phẩm dùng áo bào màu xanh lá cây. Dân thường cấm được dùng y phục màu đỏ thẩm và màu xanh, để tránh bị nhầm lẫn với quan viên”.

Vào thời cổ, khi người thân qua đời phải mặc tang phục. Loại trang phục này được gọi là “xuyên hiếu”. Nếu quan hệ với người mất càng gần gũi thì thời gian mặc xuyên hiếu càng dài. Nếu cha mẹ mất thì thời gian để tang là 3 năm. Trong thời gian mặc tang phục, khi gặp người có địa vị thân phận cao quý thì phải cởi bỏ áo tang. Trong thời kỳ mặc tang phục không được tham dự yến tiệc chúc tụng. Người ngoài khi đi phúng điếu người mất thì phải mặc áo trắng, tránh mặc những y phục có màu sắc rực rỡ loè loẹt, lộ thân thể.

Theo Vision Time tiếng Trung

An Hòa biên tập

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét