Trí
tuệ cổ nhân: 7 đạo lý dùng tiền khiến người đời thụ ích
Như
Chi•Thứ Tư, 24/08/2022
Hơn 1000 năm trước, Tể tướng
Trương Duyệt thời kỳ Khai Nguyên triều Đường Huyền Tông đã viết bài văn “Tiền bản
thảo” khi ông 70 tuổi. Bài văn hơn 200 chữ này đã nói thấu đạo lý của “tiền” và
việc dùng tiền.
“Tiền, vị ngọt, đại nhiệt,
có độc. Tác dụng phụ lưu giữ dung nhan, tốt tươi sáng nhẵn, chữa bệnh đói, giải
khốn khó có hiệu nghiệm ngay.
Tiền có thể lợi cho quốc
gia, thiệt hại cho người hiền đạt và rất sợ người thanh liêm. Người tham uống
thuốc ‘tiền’, thì phân chia đều là tốt nhất, nếu không phân chia đều thì nóng lạnh
công kích nhau, khiến người hỗn loạn.
Thuốc tiền thu hái không
theo thời vụ. Thu nhận không đúng lễ thì tổn thương đến tinh thần.
Tiền rất thịnh hành, có
thể chiêu mời thần linh, thông với khí quỷ. Nếu tích lũy mà không phân tán thì
sẽ sinh ra tai họa thủy hỏa đạo tặc. Nếu phân tán mà không tích lũy thì sẽ sinh
bệnh đói rét khốn khó.
Vừa tích lũy vừa phân tán
thì gọi là đạo. Không coi nó là trân quý thì gọi là đức. Nhận và cho hợp lễ
nghi thì gọi là nghĩa. Không cầu tiền không phải của mình gọi là lễ. Thí xả rộng
rãi cứu tế dân chúng thì gọi là nhân. Chi trả không sai hẹn gọi là tín. Người
không vì thuốc ‘tiền’ làm tổn hại đến mình thì gọi là trí.
Tinh luyện 7 thuật này thì
mới có thể uống thuốc ‘tiền’ lâu dài, khiến người trường thọ.
Nếu uống thuốc ‘tiền’ mà
không theo lý lẽ thì ý chí suy nhược, tinh thần tổn thương, nhất định phải
kiêng kỵ.”
Trương Duyệt ví tiền bạc
với thuốc. Kỳ thực tiền là món ăn trên mâm, là y phục trên thân, là nhà che mưa
chắn gió, là những ngày tùy ý, do đó có “vị ngọt”. Người người đều thích nó, nó
dễ khiến người ta say mê, điên cuồng, một lòng chỉ biết có tiền. Người như vậy
bị coi là “trúng độc”, người bị nặng sẽ bị nó đưa xuống mồ. Làm thế nào sử dụng
tốt vị thuốc “tiền bạc” này? Trương Duyệt đã chỉ ra 7 đạo lý dùng tiền, dưới
đây là 7 câu chuyện làm rõ 7 đạo lý ấy.
(Tranh minh họa:
Wikipedia, Public Domain)
1. Đạo: Một
tích một tán
Hơn 2000 năm trước có một
bậc kỳ tài tên là Phạm Lãi, ông đã phò tá Việt vương Câu Tiễn 20 năm để khôi phục
quốc gia. Sau khi thành công, ông không cần bất kỳ sự ban thưởng nào, hai bàn
tay trắng rời đi, đến nước Tề.
Ở nước Tề, Phạm Lãi tay
trắng dựng cơ đồ, làm ăn buôn bán. Vì ông buôn bán rất tốt, được Tề vương chiêu
mời làm tướng quốc. Nhưng ông cho đi hết gia tài, trả lại ấn tướng, lại hai bàn
tay trắng ra đi, đưa cả nhà chuyển đến đất Đào.
Ở đất Đào, Phạm Lãi lại bắt
đầu kinh doanh. Trong thời gian 19 năm, ông 3 lần tích lũy gia tài nghìn lượng
vàng, rồi lại 3 lần phân tán, cho đi hết gia tài.
Lý Bạch có thơ rằng:
“Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng, thiên kim tán tận hoàn phục lai”, trời sinh
ra tài năng của ta ắt có chỗ dùng, ngàn vàng tiêu tán hết rồi lại có. Câu thơ
này chính là nói về câu chuyện của Phạm Lãi. Người đời sau tôn Phạm Lãi là
Thương Thánh. Nhưng trong con mắt ông, cao quan hậu lộc, gia tài vạn quan đều
là vật ngoại thân có thể tùy ý cho đi, bởi có từ bỏ mới đắc được.
Kỳ thực điều này không chỉ
là thời xưa mới có. Đại thương gia Triều Tiên thế kỷ 19 là Im Sang-ok, khi còn
sống không để lại bất kỳ di sản nào, toàn bộ tài sản quyên tặng quốc gia.
Tiền bản thân là dùng để
lưu thông, phục vụ xã hội, là lấy từ xã hội và để dùng cho xã hội, giống như
dòng chảy tuần hoàn, sinh sôi nảy nở không ngừng nghỉ.
2. Đức:
Không coi tiền là báu vật
Chuyện kể rằng Lý Giác là
người Giang Dương, Quảng Lăng, nhiều đời cư trú trong thành, làm nghề buôn bán
lương thực. Tính tình Lý Giác trang nghiêm cẩn thận, khác với người thường. Năm
ông 15 tuổi thì cha ông đến nơi khác, giao việc kinh doanh lương thực cho Lý
Giác quản lý.
Có người đến mua lương thực,
Lý Giác đưa thăng và đấu cho người ta, để người ta tự đong, không tính giá đắt
rẻ theo lương thực đương thời, mỗi đấu chỉ kiếm lời 2 xu tiền, dùng để nuôi dưỡng
cha mẹ. Nhiều năm sau, nhà ông lại trở nên rất giàu có.
Cha ông cảm thấy rất kỳ lạ,
hỏi ông tại sao, ông bèn kể lại mọi việc cho cha. Người cha nói:
“Khi cha kinh doanh lương
thực, người trong nghề đều dùng thăng và đấu khác nhau, bán ra thì dùng cái nhỏ
hơn, mua vào thì dùng cái to hơn, dùng để kiếm được lợi lớn hơn. Tuy quan lại
năm nào cũng 2 lần kiểm tra hiệu chỉnh thăng và đấu vào mùa xuân và mùa thu,
nhưng vẫn không thể nào ngăn chặn được tệ nạn này. Cha chỉ dùng một loại thăng
và đấu để mua bán, thời gian cũng rất lâu rồi, tự cho rằng không có sai lệch
gì. Giờ đây con đổi thành mua bán tự cân đong, quả là cha không bằng con rồi.
Nhưng để người mua bán tự đong mà lại trở nên giàu có, lẽ nào là Thần linh trợ
giúp con chăng?”
Khi Lý Giác sống hơn 80
tuổi, cũng không thay đổi nghề nghiệp. Khi ông sống trên trăm tuổi, thân thể vô
cùng nhẹ nhàng và khỏe mạnh. Một ngày nọ, ông đột nhiên nói với các cháu rằng:
“Ta sống trên thế gian đã nhiều năm tu dưỡng chân khí rồi, đối với các cháu
cũng không còn ích lợi gì nữa”. Một đêm nọ ông qua đời. Ba ngày sau, quan tài
ông nứt ra một âm thanh, dân gian truyền rằng lúc đó ông giống như ve sầu thoát
xác, thân thể bay lên thành Tiên mà rời đi.
3. Nghĩa: Lấy
bỏ hợp lý
Thời kỳ giữa triều nhà
Minh có một tú tài họ Chu, là người trang nghiêm chính trực, gia cảnh nghèo
khó, ở trong một ngôi nhà thuê. Một hôm, vợ anh phát hiện ra 2 nén bạc ở dưới
viên gạch vuông trên bếp lò, cô vô cùng vui sướng. Tú tài Chu nói: “Đây là tiền
bất nghĩa, sao có thể chiếm làm của mình được?”
Sau đó, anh lấy bút viết
lên 2 nén bạc rằng: “Nếu là tiền bạc của tôi thì đưa cho tôi một cách rõ ràng
minh bạch”.
Sau khi viết xong, Tú tài
Chu bỏ 2 nén bạc vào tay áo rồi đi ra khỏi nhà, lên con đò. Khi đò đi đến giữa
sông, anh ném 2 nén bạc xuống nước, sau đó quay về nhà.
Người lái đò thấy Tú tài
Chu ném bạc xuống sông thì khởi lòng tham, tìm một ngư phủ đến để vớt. Sau khi
ngư phủ mò vớt được bạc, anh ta lén giấu ở nơi khác, rồi nói dối là không mò được.
Người lái đò không tin, kiện ngư phủ ra quan phủ. Quan Thái thú dùng hình tra
khảo, hai người nói rõ sự tình. Ngư phủ bị nha dịch áp giải đi lấy bạc. Thái
thú thấy trên 2 nén bạc có chữ, bèn đem nhập vào kho phủ.
Kỳ thi hương mùa thu năm
đó, Tú tài Chu thi đỗ cử nhân. Theo lệ cũ, Thái thú sẽ mở tiệc khoản đãi tân cử
nhân, và đặt bạc trước mỗi vị cử nhân làm quà tặng. Điều khiến người ta kinh ngạc
là, 2 nén bạc đặt trước mặt Cử nhân Chu chính là 2 nén mà anh đã vứt đi, chữ
trên đó vẫn còn. Sau này, Cử nhân Chu thi đỗ tiến sĩ.
“Quân tử ái tài, thủ chi
hữu Đạo”, người quân tử cũng yêu mến tiền tài, nhưng là tiền tài dùng Đạo để mà
có được. Câu nói của Tú tài Chu “đưa cho tôi một cách rõ ràng minh bạch”, nghe
có vẻ cổ hủ, nhưng thực sự đó là sự lựa chọn tất nhiên của người quân tử. Anh
thi đỗ tiến sĩ thuận lợi, có lẽ chính là phúc báo mà Thượng Thiên ban cho.
4. Lễ:
Không tham tiền của không phải của mình
Tạ Đình Ân, người Phủ
Châu, Giang Tây, là thương nhân nghĩa khí nổi tiếng thời nhà Thanh, ông được mọi
người tôn xưng là Tây Lão Gia. Tạ Đình Ân từ nhỏ gia cảnh nghèo khó, năm 16 tuổi,
ông đến Tứ Xuyên, Phúc Kiến và Quảng Đông để kinh doanh.
Một lần, ông đang kinh
doanh ở Phúc Kiến, một vị thương nhân lần đầu tiên mua sợi đay của Tạ Đình Ân,
sau khi trả tiền thì lập tức ra về. Tạ Đình Ân đếm lại tiền hàng, phát hiện ra
người này đã trả thừa số tiền bằng một nửa tiền hàng. Người xung quanh khuyên
ông bỏ túi.
Tạ Đình Ân biết người
khách hàng đó là ông chủ một cửa hàng vải, ông bèn vào trong thành, tìm từng cửa
hàng vải một, cuối cùng tìm đến vị khách hàng đó. Tạ Đình Ân đem số tiền thừa
đó trả lại, vị khách hàng vô cùng bất ngờ, cảm phục sự chính trực của Tạ Đình
Ân. Thế là hai người trở thành đôi bạn thân.
Câu chuyện này được lưu
truyền rộng rãi ở vùng Phúc Kiến. Vị khách này không chỉ trở thành khách hàng
trung thành của Tạ Đình Ân, mà còn giới thiệu những ông chủ khác trong thành đến
mua hàng của Tạ Đình Ân.
Sau này, Tạ Đình Ân kinh
doanh ngày càng lớn, chưa đầy 20 năm, ông đã trở thành đại phú Phủ Châu.
Người xưa biết rõ rằng,
tích tiền tài không bằng tích đức, hành thiện tích đức không chỉ có thể thay đổi
vận mệnh mà còn có thể đem lại phúc báo cho cháu con.
5. Nhân:
Vui hành thiện thích thí xả
Hồ Tuyết Nham là một
doanh nhân cuối thời nhà Thanh. Một ngày nọ, ông đang bàn chuyện làm ăn trong cửa
tiệm, đột nhiên, một thương nhân với vẻ mặt lo lắng yêu cầu được gặp ông. Người
này vì làm ăn thua lỗ đang cần gấp vốn để quay vòng, và sẵn sàng đem toàn bộ
gia sản của mình ra cho Hồ Tuyết Nham cầm đồ với giá cực rẻ.
Hồ Tuyết Nham bảo vị
thương nhân đó ngày mai đến. Thông qua tìm hiểu, ông biết những điều vị thương
nhân đó nói đều là thật. Ông ngay lập tức điều động một lượng lớn tiền mặt để
mua lại gia sản vị thương nhân đó với giá thị trường. Ông nói với thương nhân
đó rằng, ông sẽ giữ số tài sản này tạm thời, và thương nhân đó có thể mua lại số
tài sản này bất cứ lúc nào, chỉ cần trả thêm chút lãi suất so với giá ban đầu.
Thương nhân rất ngạc nhiên, không biết tại sao Hồ Tuyết Nham nhất quyết mua gia
sản và cửa hàng của mình với giá thị trường. Những người trong cửa hàng của Hồ
Tuyết Nham cũng không hiểu tại sao ông không mua số tài sản đó với giá thấp.
Thấy mọi người thắc mắc,
Hồ Tuyết Nham chậm rãi kể về kinh nghiệm từng trải của mình. Khi ông còn trẻ,
người chủ thường nhờ ông đi đòi nợ. Có một hôm đang đi trên đường gặp trời mưa
to, một người lạ đi cùng đường cũng dầm mình trong mưa, trùng hợp là Hồ Tuyết
Nham có mang theo ô nên đã dùng chung. Sau này, khi trời mưa, Hồ Tuyết Nham thường
mang ô giúp một số người lạ. Theo thời gian, nhiều người trên con đường đều biết
đến ông. Đôi khi, ông quên mang ô cũng không lo lắng, vì sẽ có nhiều người đến
đưa ô cho.
Nếu một người sẵn sàng cầm
ô đưa cho người khác, người khác cũng sẵn sàng cầm ô đưa cho anh ta. Gia sản của
vị thương nhân gặp nạn kia có thể đã được tích lũy qua nhiều đời. Nếu Hồ Tuyết
Nham mua với giá rẻ, tất nhiên là có lời rồi, nhưng có thể người kia cả đời
không phục hồi được gia sản đó nữa. Đây không phải đơn thuần là đầu tư, mà là cứu
một gia đình. Khi ai không có ô vào ngày mưa, chỉ cần giúp được họ thì hãy
giúp.
Sự nhân nghĩa và chính trực
của Hồ Tuyết Nham đã gây ấn tượng với các quan chức và người dân, công việc
kinh doanh ngày càng tốt hơn. Vài năm sau, vị thương nhân đã mua lại số tài sản
và trở thành đối tác trung thành nhất của Hồ Tuyết Nham.
6. Tín: Lời
hứa ngàn vàng, quyết không bội ước
Trong “Sử ký – Quý Bố
Loan Bố liệt truyện” có ghi chép rằng, vào những năm đầu thời Tây Hán có một
người tên là Quý Bố tính tình ngay thẳng, sẵn sàng giúp đỡ người khác, đặc biệt
rất trung thực. Chỉ cần đó là việc mà ông đã hứa, thì dù khó khăn đến đâu ông
cũng phải tìm mọi cách để thực hiện. Tiếng lành đồn xa, từ đó có câu ngạn ngữ:
“Được ngàn lạng vàng không bằng có được một lời của Quý Bố”. Đây chính là nguồn
gốc của câu thành ngữ “Nhất nặc thiên kim” một lời hứa trị giá nghìn vàng. Về
sau, Quý Bố đi theo Hạng Vũ, rồi bị Lưu Bang dán cáo thị truy nã, nhưng nhiều
người đã đứng ra bảo vệ và giúp ông vượt qua hiểm nguy. Cuối cùng, Quý Bố được
nhà Hán trọng dụng.
Người không có uy tín thì
chẳng thể làm nổi sự nghiệp gì. Người xưa trung thực và đáng tin cậy, nhất quán
trong lời nói và việc làm, không lừa dối bản thân và người khác.
7. Trí: Không để tiền bạc làm tổn hại đạo nghĩa
Trong cuốn sách “Hoài Nam
Tử – Nhân Gian Huấn” thời Tây Hán có chép một chuyện như vậy.
Tần Mục Công phái tướng
quân Mạnh Minh đánh úp nước Trịnh. Mạnh Minh tình cờ gặp một thương nhân nước
Trịnh tên là Huyền Cao ở biên giới phía Đông của nhà Chu.
Huyền Cao nghĩ rằng:
“Quân Tần có thể hành quân nghìn dặm, xuyên qua các nước chư hầu, với mục đích
là đánh úp nước Trịnh. Họ nghĩ quân Trịnh không phòng bị gì. Nếu như chúng ta
nói với họ rằng nước Trịnh đã sớm có chuẩn bị, chắc chắn họ sẽ không dám tiến
bước.”
Vì vậy, Huyền Cao giả vờ
được lệnh của nước Trịnh, thưởng cho quân Tần 12 con bò để khao quân. Mạnh Minh
và 3 vị nguyên soái quân Tần thấy nước Trịnh cho người đến khao quân Tần, cho rằng
nước Trịnh đã có chuẩn bị nên dẫn quân quay về nước Tần.
Trịnh Mục Công thấy Huyền
Cao đã lập đại công nên trọng thưởng ông nhưng Huyền Cao cự tuyệt không nhận.
Ông nói:
“Quân Tần đã bị thần lừa
gạt nên mới lui binh. Nếu được ban thưởng vì lừa gạt người khác, điều đó sẽ hủy
hoại uy tín của Trịnh quốc. Nếu điều hành đất nước mà không có tín nhiệm, đó là
một cách làm xấu xa. Đạo đức của đất nước sẽ bị băng hoại bằng việc ban thưởng
như vậy. Những người có đạo đức và nhân nghĩa cũng sẽ không dùng thủ đoạn gian
dối để đổi lấy phần thưởng.”
Sau khi Huyền Cao nói
xong, liền dẫn người đến khu vực Đông Nghi, và không bao giờ quay trở lại.
Người đi kinh doanh thì một
mục đích chính là kiếm lợi nhuận. Nhưng Huyền Cao lại suy nghĩ thấu đáo, không
để tiền bạc làm tổn hại đến đạo đức của bản thân, của quốc quân, cũng như của đất
nước. Đây quả thật là không để tiền bạc làm tổn hại đạo nghĩa.
Vận dụng tốt 7 đạo lý
trên, chế ngự được tiền tài, thì vị thuốc “tiền” đặc biệt này sẽ trở thành liều
thuốc bổ, “uống nó lâu ngày, khiến người ta trường thọ”, như lời Trương Duyệt
viết.
Dựa theo “Làm thế nào để
nắm bắt được vị thuốc tiền bạc” của tác giả Như Chi
Đăng trên Minghui.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét