GHÉT CHA MẸ, VỢ CON, ANH CHỊ
EM, VÀ NGAY CẢ CHÍNH MẠNG SỐNG MÌNH
Chúng ta đang sống trong
một xã hội được định hướng bởi thị trường, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi
chúng ta cảm thấy thôi thúc phải “giao dịch” Kitô giáo trên thị trường cạnh
tranh của những ý tưởng và lối sống.
Tuy nhiên, khi sứ vụ của
Kitô hữu được định hình theo tâm thế “buôn bán”, sứ vụ đó thường dễ trở thành một
thứ hàng hóa “giá rẻ” và “rủi ro thấp”. Chúng ta đang và sẽ thuyết phục người
khác đón nhận đức tin bằng cách nào đây, hay bằng cách đưa ra lời mời chào
thương phẩm tốt hơn với giá rẻ hơn?
Nhưng đức tin Kitô giáo
có thực sự là một cố gắng ít tốn kém, ít rủi ro không? Bản văn Luca 14: 26-33,
đưa ra một thách thức cho cách thức tiếp cận kiểu định hướng thị trường đối với
sứ vụ Kitô giáo. Đoạn văn bắt đầu với hai câu nói đòi hỏi sự trung thành tuyệt
đối của môn đệ với Chúa Giêsu: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con,
anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai
không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”
(Luca 14: 26 -27). Sau đó, Chúa Giêsu đưa ra hai câu chuyện, nghĩa là hai dụ
ngôn ngắn gọn để minh họa tầm quan trọng của việc “tính giá phải trả” và từ bỏ
tất cả vì Chúa Giêsu:
“Quả thế, ai trong anh em
muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn,
xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả
năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã
khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc”. Hoặc có vua nào đi giao chiến
với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể
đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình
chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ
đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì
không thể làm môn đệ tôi được.” (Luca 14: 28-33).
Câu nói đầu tiên liên
quan đến việc làm môn đệ của Chúa Giêsu được đóng khung bằng một ngôn ngữ rõ
ràng: “Ai đến với ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em, và ngay cả chính
mạng sống, thì không thể là môn đệ của ta” (Luca 14:26). Câu nói này phù hợp chủ
đề với Luca 12: 51-53, nơi đó Chúa Giêsu cảnh báo về việc các gia đình bị chia
rẽ vì sứ điệp của Ngài:
“Anh em tưởng rằng Thầy đến
để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu,
nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ
nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con
trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng
chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
Bởi vì Chúa Giêsu, trong
con người và thông điệp của Ngài, đòi hỏi những người theo Ngài phải trả lời
câu hỏi về sự cam kết trung tín đến cùng, cho nên không có gì ngạc nhiên khi
Ngài có thể mang đến xung đột trong gia đình.
Tuy nhiên, ngôn ngữ của
câu nói đặc biệt này làm nhiều người lo ngại. Chúa Giêsu có thực sự kêu gọi
chúng ta ghét bỏ gia đình ruột thịt và cuộc sống thực tế của chúng ta không? Có
hai nhận xét rất hữu ích trong vấn đề này. Trước tiên, ở đây Chúa Giêsu sử dụng
cách nói ngoa ngữ, nói quá đi so với thực tế, như cách Ngài thường dùng trong
các lời giảng dạy của mình, ví dụ Mátthêu 18: 8-9:
“Nếu tay hoặc chân anh
làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào
cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt
anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi
sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục.”
Điều này trở nên rõ ràng
khi chúng ta so sánh câu nói này trong Luca với câu nói song song trong Mátthêu
(10: 37):
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy,
thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với
Thầy.”
Mátthêu, dựa trên cùng một
truyền thống của Chúa Giêsu giống như Luca, dường như đã giải thích rõ ràng hơn
từ ngữ “ghét” để chỉ sự cam kết trung tín trước hết. Đối với Mátthêu, câu nói
này chỉ ra rằng sự cam kết trung tín trước hết của chúng ta phải là dành cho
Chúa Giêsu hơn là cho gia đình.
Một nhận xét hữu ích thứ
hai: việc sử dụng từ “ghét” trong Luca có thể phản ánh một thành ngữ xuất phát
từ tiếng Do Thái. Trong Sáng thế ký 29: 30-37, chúng ta nghe nói rằng Giacóp
yêu Rakhen hơn Lêa và Lêa bị Giacóp “ghét bỏ, rẻ rúng”:
“Thiên Chúa thấy rằng bà
Lêa bị rẻ rúng, nên Ngài cho bà sinh đẻ, còn bà Rakhen thì hiếm hoi. Bà Lêa có
thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Rưuvên, vì bà nói: “Thiên Chúa đã thấy
cảnh khổ cực của tôi, bây giờ chồng tôi sẽ yêu tôi.” Bà lại có thai và sinh con
trai. Bà nói: “Thiên Chúa đã nghe biết tôi bị rẻ rúng, và Ngài đã cho tôi đứa
này nữa”, và bà đặt tên cho nó là Simêôn.”
Một cách sử dụng tương tự
của từ tiếng Hípri có nghĩa là “ghét bỏ, rẻ rúng” xảy ra trong Đệ nhị luật 21:
15-17:
“Khi một người có hai vợ,
một được nó yêu thương, một bị nó ruồng rẫy, nếu cả hai, được yêu thương hay bị
ruồng rẫy đều sinh con trai cho nó, và trưởng nam lại là con của người bị ruồng
rẫy, đến ngày nó phân chia của cải nó làm gia tài cho các con, nó không được
gán quyền trưởng nam cho con người vợ nó yêu, làm cho con người vợ bị ruồng rẫy,
tức là trưởng nam phải thiệt thòi. Nó sẽ nhìn nhận con của vợ bị ruồng rẫy, là
trưởng nam là ban cho phần gấp đôi trên tất cả những gì nó có…”
Rõ ràng vấn đề ở đây là sự
ưu tiên hay sự cam kết trung tín. Điều này phù hợp với những gì chúng ta đã thấy
trong Luca và Mátthêu. Chúa Giêsu không kêu gọi những người theo Ngài ghét bỏ
gia đình của họ xét theo mặt phản ứng cảm tính; thay vào đó, Ngài kêu gọi lòng
trung tín trọn vẹn dành cho chính Ngài trên mức trung tín với gia đình.
Câu nói tiếp theo nhấn mạnh
điểm tương tự về lòng trung tín. Tư cách môn đệ được định nghĩa là bước đi theo
Chúa Giêsu và “vác thập giá”. Cụm từ này chỉ ra rằng sự từ bỏ lợi lộc riêng tư
và sự cam kết trung tín là trọng tâm của tư cách môn đệ. Cả hai câu nói này của
Chúa Giêsu đều không thích hợp với một thứ “tin tưởng dễ dãi” hay một hình thức
đức tin “giá rẻ”. Thay vào đó, hai câu nói này
nhấn mạnh một cái giá đắt mà những người theo Chúa Giêsu phải trả.
Hai câu chuyện ngụ ngôn
ngắn gọn sau đây minh họa cái giá đắt này bằng cách gợi ra hai tình huống. Ngụ
ngôn đầu tiên cho thấy một chủ đất xây dựng một tòa tháp, để chứa sản phẩm hoặc
canh giữ đất đai và gia súc: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp,
mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn
thành không? Kẻo lỡ ra,đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người
thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức
làm cho xong việc” (Luca 14: 28-30). Nếu chủ đất chưa ước tính được tòa tháp sẽ
có giá bao nhiêu, có thể dự án sẽ dang dở do thiếu vốn. Kết quả cuối cùng sẽ là
sự chế giễu từ tất cả những ai mong muốn nhìn thấy tòa tháp nhưng lại chỉ thấy
khung sườn chưa đâu vào đâu.
Câu chuyện thứ hai kể về
một vị vua xác định số lượng binh lính của mình dựa trên số lượng đông hơn mà kẻ
thù của ông ta có được: “Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước
tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu
với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi
đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà” (Luca 14: 31-32). Nếu
ông ta không thể chiến thắng với số lượng binh lính ông ta có, cách khôn ngoan
duy nhất sẽ là thương lượng với kẻ thù của mình rất lâu trước khi họ đụng nhau
trong trận chiến. Chúa Giêsu dùng hai câu chuyện này để minh họa sự cần thiết của
việc “tính toán giá cả phải trả” của việc làm môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu khen
ngợi những ai cam kết đi hết cuộc hành trình làm môn đệ của Ngài ngay khi bắt đầu,
nếu không như thế thì người ta không thể bắt đầu cuộc hành trình đó. Đi theo
Chúa Giêsu là một sự cam kết trọn vẹn hoặc không là gì cả. Câu kết luận tóm tắt
rõ ràng các mối tương quan: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì
mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Luca 14:33). Cũng về chủ đề này,
Luca chương 12: 29-32 có nói: “Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống
gì, và đừng bận tâm. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm;
nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của
Ngài, còn các thứ kia, Ngài sẽ thêm cho. “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì
Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Ngài cho anh em.”
Trong đoạn này, theo
Luca, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chấp nhận một tư cách môn đệ không hề rẻ tiền.
Những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho mỗi người không bao giờ là “đồ dư thừa”, “của
ôi của rẻ”. Tư cách môn đệ mà Chúa Giêsu mời gọi mỗi người không bao giờ là một
thứ đồ bố thí hoặc chỉ đem vất bỏ đi! Sống tư cách môn đệ ấy không phải là chuyện
dễ dàng, mà người ta có thể tham gia vào mà không cần phải xem xét sâu xa hậu
quả và cái giá phải trả. Đoạn Tin Mừng này nói lên tầm quan trọng của lòng
trung thành và sự cam kết trung tín dành cho Chúa Giêsu hơn tất cả những sự
trung tín dành cho những mối tương giao khác, bao gồm gia đình, lợi ích riêng
và tài sản.
Dù trong phần trước của
chương 14 này thánh Luca nhấn mạnh đến ơn cứu độ và tự do mà Chúa Giêsu mang lại,
cũng như bản chất nội tại của nước Thiên Chúa được nêu ra trong phần cuối của
chương này, thì những chủ đề nói thêm về ơn cứu độ này không nên khiến cho
chúng ta cảm thấy khó hiểu và cho rằng đoạn Tin Mừng 14: 28-33 là một số câu
nói khó nghe của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ luôn hân hoan rao truyền và giảng dạy
về ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là về một Thiên Chúa luôn tín trung với giao ước
của Ngài nhằm để chuộc lại và cứu độ con người, nhưng chúng ta không nên bỏ qua
việc rao giảng về sự cam kết trung tín với giao ước mà Thiên Chúa mong đợi
chúng ta đáp lại. Ơn cứu độ trong Chúa Giêsu không đơn thuần là một sự thương lượng tay đôi,
thuận mua vừa bán. Về cơ bản, đó là một mối tương quan của giao ước. Và không mối
tương quan nào có thể kéo dài nếu không có những cam kết và hành động trung
tín. Vì Chúa Giêsu. Đấng Cứu Độ chúng ta, cũng kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ
cao giá, nên mệnh lệnh “Hãy theo Ta” của Ngài vừa là một ân huệ vừa là một đòi
hỏi.
Phêrô Phạm Văn Trung
phỏng theo Jeannine K.
Brown, workingpreacher.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét