Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Dấu hiệu nhận biết chứng hay quên

 

Thứ hai, 22/8/2022, VnExpress.net

Dấu  hiệu  nhận  biết  chứng  hay  quên

Người hay quên thường xuyên hỏi những câu giống nhau và có thể bị lạc ở những nơi quen thuộc, nếu triệu chứng nặng cần thăm khám sớm.

Theo quá trình lão hóa tự nhiên, bạn có thể quên một số sự việc như quên trả chi phí định kỳ mỗi tháng; quên một cột mốc thời gian và tự nhớ lại sau đó; lâu lâu quên một số từ ngữ giao tiếp... Việc trí nhớ và các kỹ năng tư duy khác kém đi một chút khi bạn già đi là điều bình thường nhưng khi chúng trở nên tồi tệ hơn thì cần lưu ý.

Chứng hay quên có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, chất lượng sinh hoạt. Nó có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chứng sa sút trí tuệ. Ví dụ, bạn quên một cách đột ngột những việc mình vốn hiểu rõ, ví dụ như không hiểu chìa khóa dùng để làm gì hay công dụng của chiếc thẻ ngân hàng.

Một số dấu hiệu ban đầu khác có thể gồm lặp đi lặp lại câu hỏi giống nhau không có chủ đích, nhầm từ các vật dụng có công năng khác nhau như cái giường với cái bàn, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành việc quen thuộc như nấu ăn theo công thức. Những điều trước đây bạn không làm nhưng lại vô tình thực hiện gần đây như đặt nhầm đồ ở nơi không thích hợp, bị lạc khi đi bộ hoặc lái xe trong khu vực quen thuộc, không còn nhớ ngày tháng. Bạn cũng vô ý thay đổi tâm trạng, hành vi không rõ nguyên nhân.

Những lý do khác khiến bạn thường mau quên như dùng thuốc, chấn thương đầu do ngã hoặc tai nạn. Căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm có thể gây ra chứng hay quên, lú lẫn, khó tập trung và các vấn đề khác làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày. Nghiện rượu mạn tính có thể làm suy giảm trí nhớ nghiêm trọng. Rượu cũng có thể gây mất trí nhớ do tương tác với thuốc. Thiếu vitamin B12 phổ biến ở người lớn tuổi có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ. Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể làm bạn hay quên và các vấn đề về suy nghĩ khác.

Sự lão hóa và gene cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng hay quên. Tuy nhiên, thay đổi lối sống có thể giúp bạn ghi nhớ các sự việc rõ ràng hơn. Chăm sóc sức khỏe tim mạch, hoạt động thể chất, ăn uống lành mạnh, tham gia các hoạt động thử thách trí não... là những cách nên thực hiện để duy trì minh mẫn, lạc quan.

Chủ động tìm hiểu các vấn đề trí nhớ là hoạt động thường thấy ở tuổi cao niên, theo nghiên cứu. Ảnh: Freepik


Ghi chú giúp người cao tuổi nhớ các sự việc. 

Ngoài việc hay quên, các loại suy giảm trí nhớ dưới đây là bình thường và không phải là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ.

Quên tạm thời: Là xu hướng quên các sự kiện theo thời gian. Bộ nhớ của não bộ sẽ tự xóa các ký ức cũ và lưu giữ các ký ức, kiến thức mới hơn.

Lơ đễnh: Bạn hay quên vì không chú ý quan sát như quên nơi đặt bút do bạn không tập trung, nghĩ và làm nhiều việc cùng lúc nên não bộ không "mã hóa" thông tin rõ ràng.

Nhầm lẫn ký ức: Đôi khi bạn đã lấy nhầm thông tin của những ký ức gần giống nhau.

Phân bổ sai ký ức: Là khi bạn nhớ chính xác một phần nhưng sai một số chi tiết như thời gian, địa điểm hoặc người có liên quan trong chuỗi sự kiện. Càng lớn tuổi, việc phân bổ sai ký ức diễn ra thường xuyên hơn và là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

Ám ảnh ký ức buồn: Các sự kiện đau buồn, cảm giác tiêu cực và nỗi sợ hãi được ghi nhớ rõ và thường nhắc lại chính xác cũng là một vấn đề trí nhớ thường gặp. Các triệu chứng này có liên quan đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn và trầm cảm, không phải là triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ.

Mai Trinh

(Theo Health Navigator New Zealand)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét