Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Đôi bàn tay trắng và đôi bàn tay vàng

 

Sun, 31/07/2022 - Lm Dương Trung Tín

Đôi  bàn  tay  trắng  và  đôi  bàn  tay  vàng

   “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21)

   “Như thế đó” có nghĩa là trắng tay. Người nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì khi chết sẽ trắng tay. Vì không mang của cải theo mình được; phải để lại tất cả, về với Chúa với đôi bàn tay trắng.

   Chúa nói cho những người ấy rằng: “Đồ ngốc. Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?”(x. Lc 12,20). Có nghĩa là nếu, đêm nay Chúa gọi chúng ta về với Chúa, thì những của cải chúng ta thu tích được sẽ về tay ai. Chắc chắn sẽ về tay người khác. Người khác đó có thể là người thân hay con cái cháu chắt. Dầu vậy, làm như thế thì không khôn ngoan chút nào.

    Bởi đó, chúng ta phải khôn ngoan; phải “coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam. Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”(x. Lc 12,15). Chúng ta thấy điều đó có đúng không?

   Thực tế, chúng ta thấy người nghèo cũng chết mà người giàu hay quan quyền đều chết. Đương nhiên người nghèo vì thiều tiền của; không đủ khả năng chữa trị nên có thể chết sớm hơn người giàu. Còn người giàu cũng đâu có khá hơn, muốn chết sớm mà không chết được, vì được chăm sóc kỹ quá; đủ mọi thứ thuốc quí hiếm. Sự sống được giữ lại nhưng chỉ sống lây lất qua ngày, chẳng biết chi cũng chẳng ăn uống được gì; cứ nằm trên giường, thử hỏi có hạnh phúc chăng? Có muốn sống chăng?

   Như thế chúng ta mới biết, sự sống, sự chết nằm trong tay Chúa, chứ không bởi tiền của. Ai rồi cũng sẽ phải chết mà không biết mình chết lúc nào. “Con người phải chết đó là điều tự nhiên và đó cũng là điều bí ẩn về thân phận con người” (x. GLCG, số 1006).

“Con người phải chết đó là điều tự nhiên”. Vì con người cũng giống như các sinh vật khác, được sinh ra, rồi lớn lên và cuối cùng là già nua, qui tiên. Đó là nói về cái chết tự nhiên. Còn có những cái chết khác thường như khi bị tại nạn; thiên tai hay một cơn bịnh hiểm nghèo nào đó, thì dù không già nua vẫn “về chầu ông bà” như thường.

   “Điều bí ẩn về thân phận con người”. Tại sao người phải chết và chết rồi thì đi đâu? Đó là điều bí ẩn, mà con người chúng ta không lý giải được. Chỉ dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta mới biết được sự bí ẩn đó. Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì, “Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống. Nhớ đến cái chết (là) chúng ta phải nhớ là đời người có giới hạn” (x. GLCG, số 1007).

   Thực tại con người phải chết cho chúng ta một “Cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống”, có nghĩa là chúng ta phải biết chúng ta sống để làm gì và sẽ đi về đâu. Đó là một vấn đề quan trọng và cần thiết chứ không phải chuyện chơi. Một điều bức bách, cấp thiết, khẩn cấp và thiết thực về cuộc sống của chúng ta.

   “Quả thế, người nào đem hết sự khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công; rồi phải trao lại sự nghiệp của mình cho một người khác đã không vất vả gì hết” thì thật chuyện vô ích, phù vân và đại họa(X. Gv 2,21). Cũng vậy, người nào đem hết sự khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả, thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì quả là một đại họa.

    Chúa nói: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó”. Chúng ta phải chú ý tới câu: “mà không lo làm giàu trước mặt Chúa”, có nghĩa là Chúa không cấm chúng ta thu tích của cải cho mình ở đời này, “mà còn” muốn chúng ta phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa nữa.

   Điều này thật là thiết thực. Vì ngày mai chúng ta vẫn sống thì lấy gì mà ăn; không thu tích của cải thì chúng ta sẽ sống làm sao? Nhưng chỉ thu tích của cải ở đời này thì vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải thu tích và làm giàu trước mặt Thiên Chúa nữa, nghĩa là chúng ta phải lo làm những điều tốt lành; sống công bằng và yêu thương. Chúng ta “tích-đức” cho mình bằng những nhân đức và chúng ta “thu-gom” cho mình bằng những việc lành phúc đức. Đó là điều bức bách.

   Nói tóm là khi chúng ta lo thu tích của cải ở đời để chúng ta sống, đó là điều thiết thực; khi chúng ta thu tích của cải, làm giầu trước mặt Thiên Chúa đó là điều bức bách. Hai điều đó cộng lại là điều “bức thiết”. Thực tại con người phải chết cho chúng ta một “Cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống”, có nghĩa là chúng ta phải lo thu tích của cải ở đời này, đồng thời cũng phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa nữa.

   Vậy chúng ta hãy khôn ngoan, biết thu tích của cải cho mình ở đời này và cũng lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, để đời này chúng ta được an vui, mãn nguyện; sống vui, sống khỏe với đôi bàn “tay trắng”, trong sạch và đời sau chúng ta được hạnh phúc, viên mãn; sống mãi, sống đời đời, với đôi bàn “tay vàng”, chứ không phải “trắng tay”

  Lm. Bosco Dương Trung Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét