Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

PHẬN MÌNH

 

Fri, 05/08/2022 -  Lm Anmai, CSsR

PHẬN  MÌNH

          Sau khi đọc bài “Phận người”, một linh mục nhắc khẽ : “Viết về phận mình đi!”

          Ơ hay! Viết thì viết bởi lẽ mình cũng là người và người cũng là mình.

          Nhìn những tang lễ, dù là ai đó thì xin cúi đầu chào người quá cố và tự nhắc mình: “Nay người – mai ta” hay “Nay anh – mai tôi”.

          Trước tiên, xác định và xác tín rằng mình (tôi đây) cũng chỉ sinh ra từ bụi tro để rồi một mai tôi cũng trở về tro bụi. Chính Cha Thánh Anphongso (Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế) trong những trang đầu của quyển “Chân Lý Đời Đời” đã nói rất rõ về phận người : “Con hãy nhớ mình là bụi tro, sau này sẽ trở về tro bụi. Tới một ngày nào đó con sẽ chết và được chôn trong mồ để chịu sự hư nát. Mọi người bất kỳ sang, hèn, giàu, nghèo, vua chúa hay thường dân, đều chung một số phận như nhau. Khi linh hồn vừa lìa khỏi xác, xác con sẽ trở về đất và linh hồn con vào cõi sống đời đời”.

Ngài nói tiếp:

“Hãy nhìn xem thể xác người qua đời. Xác giá lạnh nằm cứng đờ trên giường, mắt sâu, má hỏm, môi và lưỡi nhợt nhạt. Sao ta không nhìn hình-hài người thân nhân hay bạn bè qua đời, để nhờ đó ta biết khinh chê những gì là giả trá trần gian và cải-thiện đời sống?

          Khi thi-thể bắt đầu nát rửa trông càng thê thảm hơn. Các cửa sổ được mở ra, hương đốt lên và người ta vội đưa xác đi chôn, để người còn sống khỏi nhiễm độc. Giàu, nghèo, sang, hèn gì rồi cũng không qua khỏi cảnh hư nát thể xác.

          Sự kiêu ngạo, lòng tham lam quá độ của con người đâu rồi? Dầu con người được quí mến, trọng-vọng ở trần gian, các thân nhân cũng buộc lòng phải tẩm liệm và đưa đi chôn cất. Dầu người đó xưa kia văn võ, lịch-sự, duyên-dáng đến đâu đi nữa, không bao lâu người ta sẽ quên đi”.

Và Cha Thánh Anphong nói về sự qua đời của một người: “Được tin một người qua đời, kẻ thì bảo người đó là niềm hãnh-diện cho gia đình đáng thương tiếc, người khác lại không mấy hài lòng; người khác nữa lại mừng thầm vì họ được thừa-hưởng một số tài-sản của kẻ chết để lại. Xôn-xao bàn-tán lúc đầu, dần dà rồi cũng thưa dần, và một ngày nào đó không còn ai nhắc đến nữa, ngay cả những người thân-cận, bạn bè thân-thiết nhất. Dần dà các cuộc thăm viếng sẽ bàn-cải về những vấn đề khác, thỉnh thoảng có nhắc đến người quá-cố cũng là may mắn lắm rồi.

          Nghĩ lại xem: con đã xử với bà con, bạn hữu con thế nào sau khi họ chết, người khác sẽ xử với con như thế. Người sống vui hưởng trên của-cải để lại, nhưng rồi quên dần người quá-cố ân-nhân. Cũng chính trong phòng người quá-cố thở hơi cuối cùng và chịu phán xét, người ta ăn uống vui chơi như thuở nào. Còn linh hồn con sẽ ra sao?”

          Xong! Chắc có lẽ không cần minh giải, mình (tôi) biết tôi là ai trong cuộc đời này. Cần và cần lắm sự xác tín như vậy để mình xây dựng đời mình.

          Lọt lòng Mẹ, tôi tạ ơn Thiên Chúa và mang ơn Cha Mẹ. Lớn lên, học hành, tu tập ... trở thành tu sĩ linh mục âu cũng là nhờ ơn Chúa cũng như ơn của biết bao người. Vì lẽ đó tôi mạn phép suy nghĩ và xác tín như Thánh Phaolô: Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (1 Cr 4, 7). Vì thế, câu châm ngôn trong ngày lãnh sứ vụ của mình đó là : “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10)

          Xác định rõ với nhau như vậy cho dễ sống. Tất cả đều là của Chúa qua tay của những người yêu thương chia sẻ để rồi khi có mình (tôi) sẵn lòng chia sẻ lại.

         Mình (tôi) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. May mắn là sở hữu được một người Cha hiền lành, nhân hậu và một người mẹ đạo đức và từ tâm.

          Tại sao mình (tôi) dám nói điều này ? Đơn giản là Cha tôi hiền lành và nhân hậu cho đến ngày về với Chúa. Mẹ thì ngày nào cũng củng con đi tham dự Thánh Lễ. Nhà tuy xa Nhà Thờ một chút nhưng cứ trên chiếc xe đạp cọc cạch mà chở con (tôi) đi Lễ hàng ngày. Và, bất cứ ai nhờ chuyện gì thì trong khả năng Bà đều giúp. Thừa hưởng những điều này đó là hồng ân cũng như di sản quý nhất mà Cha – Mẹ tôi để lại.

          Với di sản Cha Mẹ để lại (và cũng do ông bà ngoại – nghe kể ông bà đạo đức lắm và ông bà bị Việt Minh giết (khoảng 1947 khi Mẹ tôi được hơn 3 tuổi) vì ông bà theo phong trào Công Giáo Tiến Hành) và đặc biệt là nhờ ơn Chúa mình (tôi) được gọi theo ơn gọi trở thành tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế. Mình (tôi) cũng chỉ là một người bình thường hay là tầm thường cũng như không thể nào tránh khỏi những va vấp của phận người.

          Càng có tí tuổi cũng như ôm trong mình bệnh tật để thấy rõ hơn giới hạn và thân phận của mình. Mình (tôi) mong manh trước gió và cũng như hoa kia sớm nở chiều tàn. Đời của mình (tôi) cũng chỉ là một cuộc hành hương trong cõi tạm mà thôi.

          Hiện tại mình (tôi) rất bằng lòng hay nói đúng hơn là hài lòng với những gì mình đang có và đang sống. Với khả năng nhỏ bé cùng sức khỏe và hạn chế của con người thật nhỏ bé của mình (tôi).

          Nhìn những ngày qua đi, những biến cố quay quanh cuộc đời thì thấy cuộc đời này như sách Giảng Viên nói: “Tất cả là phù vân”. Rõ nhất là thấy “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi cát bụi tuyệt vời ...”. Ai ai rồi cũng chuyển xứ, cũng thay đổi chỗ ở, cũng không ở một nơi và cuối cùng rồi ai ai cũng phải chết.

          Thấy cũng như biết như vậy để tự nhắc mình (tôi) luôn biết đủ cũng như buông bỏ. Sống như vậy mình (tôi) thấy thật bình an. Tự bao giờ chả hiểu, điều mà tôi sợ nhất đó chính là làm tổn thương người khác. Chính vì vậy, sợ và rất sợ phiền hay làm tổn thương người khác.

          Phận mình (tôi) có vậy thôi chứ có gì đâu mà khó nói : Sinh ra trong cõi tạm và sẽ trở về với Thiên Chúa nhờ và tin vào lòng thương xót của Ngài (bởi tôi đây đầy tội lỗi vá yếu đuối. Xin những ai thân quen hay đã từng đọc bài viết hãy nhớ và cẩu nguyện cho kẻ mọn này khi nó còn sống hay khi nó đã qua đời.

Lm. Anmai, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét