PHẬN NGƯỜI
Wed,
03/08/2022 - Lm Anmai, CSsR
Xem chừng cái phận người mong manh lắm
! Con người có thể sở hữu được khối tài sản này dinh thự nọ và có quyền trên
nó. Duy một cái có nhưng xem chừng là không có quyền trên nó đó chính là sức khỏe.
Sức khỏe có đó nhưng mình không hoàn toàn làm chủ.
Bà cố vừa mừng thọ 80 tuổi sáng nay vừa
nhập viện. Thầy con báo tin và dĩ nhiên trong tình thân cầu cho Bà Cố mau bình
phục để về với gia đình. Phần khỏe cho Bà cố và phần khỏe cho con cháu vì chẳng
ai muốn bản thân hay người nhà phải nhập viện.
Chị tôi vừa vào cấp cứu nhưng không đến
nỗi nào để rồi bác sĩ cho về nhà dưỡng chứ không phải nhập. Trước đó chồng của
Chị phải ở lại trong bệnh viện 4 ngày vì sức khỏe kém.
Một bệnh nhân quen biết vừa cho đôi
dòng lên mạng: “Thật ra thì ngay cả những mạch máu trong não bộ của con nó cũng
nhắc nhở là con không tự chủ được chúng. Thỉnh thoảng nó như căng to khiến con
đau phát ói để rồi con nhận ra đời mình mong manh dễ vỡ thế nào. Chỉ cần một
ngày đẹp trời nó bể ra thì con sẽ về đâu nhỉ. Nếu đó là cách con ra đi thì cũng
tốt phải không, gọn nhẹ sạch sẽ, nhưng con sẽ đi về đâu? Giấc mơ Thiên Đàng con
vẽ lên trong khối óc có thuộc về con không? Chúa có rộng giang cánh tay mình mà
vồ ôm lấy con không? Hay Chúa sẽ để con một mình lấp ló đâu đó mà trộm ngắm?
...”
Qua đau bệnh, người ta mới thấy được
phận của con người là mong manh, mỏng giòn và non yếu.
Ở cái tuổi chưa già nhưng không còn
trẻ cùng với bệnh tật tôi hiểu được phần nào phận của con người nó mong manh. Cứ
sáng sáng còn tỉnh giấc khùa khùa dưới chân giường thấy đôi dép là biết mình
còn sống. Nghĩ vậy đi cho nó nhẹ lòng bởi lẽ ngay trong giờ này có người cũng
ra đi vĩnh viễn hay có người đang được gia đình đưa đi cấp cứu.
Dường như ngày nào cũng vậy, trong
cái góc nhỏ đúc kết những ý nguyện tôi đều nhận được lời xin cầu nguyện cho người
thân vừa qua đời hay tin báo người nhà đang trong cơn nguy tử. Dẫu biết là quy
luật của cuộc sống cũng như định luật của con người nhưng dường như chẳng ai muốn
mình hay gia đình của mình phải lìa xa nhân thế.
Ngày mỗi ngày qua đi là mỗi ngày mỗi
người già thêm một chút. Cứ như vậy mà thời gian cứ trôi và phận người cứ khép
dần lại do tuổi tác hay bệnh tật cũng như tai ương.
Phận con người nó mỏng manh vậy đó
nhưng lại có những người nghĩ rằng mình không bao giờ phải chết hay mình được
cái ân huệ trường tồn. Nhìn cách của mỗi người sống ta cũng có thể nhận ra được
quan niệm của họ về cuộc đời này. Có người thì
bằng lòng với cuộc sống nhưng rồi cũng có những người hối hả và tìm đủ mọi
cách để vun vén chút gì đó cho mình.
Dĩ nhiên kiếm tìm cho cuộc sống không
phải là điều xấu nhưng không khéo con người mãi mê kiếm tìm. Cuối cùng, điều
quan trọng mà con người phải biết đó chính là chuyện tất cả chỉ là phù vân.
Trong cuộc sống, hình như càng cao
danh vọng càng dày gian nan thì phải.
Sống cùng, sống chung và sống với những
người nghèo, những công dân hạng bét trong cuộc sống nhiều khi cũng có cái hay
của nó. Những người nghèo quanh đây dường như họ bình an cũng như ung dung tự tại
với những gì mà họ có.
Ngày ra đi, có thể do phong tục để họ
giết bò giết heo để cả làng cùng ăn nhưng tựu trung sự ra đi nào cũng gần như nhau.
Có những gia đình hoàn cảnh không cho phép đủ mua cái áo quan để rồi chạy xin
đâu đó ở Nhà Thờ cho cái áo quan cho người quá cố mặc lần cuối trước khi thân
xác trở về lòng đất mẹ.
Những nhà giàu cũng như những gia
đình thần quyền hay thế quyền thì vòng hoa cùng với những gì theo đó nguy nga
và tráng lệ. Có khi nhờ và qua cái chết của người thân họ vinh quang lẫn nhau.
Nơi những gia đình nghèo khổ dường như họ chỉ lo cho xong thủ tục. Nơi người
nghèo chả có vòng hoa hay kèn nhạc cũng như những bữa tiệc linh đình như thành
thị hay phố xá.
Ở Hoa Kỳ hay thành phố lớn, ở nơi
giàu hay nghèo, ở nơi đô thị phát triển hay ở cái vùng nghèo này thì khi nằm xuống
hình như ai cũng như ai cả. Một chiếc áo quan có thể vài chục triệu hay vài triệu
đi chăng nữa cũng chỉ là khoác lên cho một kiếp người. Giàu nghèo cũng như
nhau, cũng trở về tro bụi thôi.
Rồi cũng qua đi một kiếp người khi
con người chợp mắt khép mi. Phận người là như vậy đó, chỉ như hoa kia sáng nở tối
tàn mà thôi. Đời người có là bao? Có chăng chỉ là ba vạn sáu ngàn ngày?
Chuyện quan trọng hơn cả là quan niệm
sống của mỗi người nhất là sự khiêm tốn mà mỗi người đặt để trước mặt Chúa.
Càng khiêm hạ, càng tín thác trong tay Chúa thì sự sống hay sự chết xem chừng
ra nhẹ nhàng và thanh thoát. Càng khiêm tốn dường như càng thấy mình đủ trong mọi
hoàn cảnh và bình an với hiện tại dù cuộc sống còn nhiều khó khăn như vùng tôi
đang hiện diện và sống.
Lm. Anmai, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét