Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

HIỂU NỖI ĐAU

 

Thu, 18/08/2022 - Trầm Thiên Thu

HIỂU  NỖI  ĐAU

Bây giờ thật khó tin, nhưng bạn sẽ có thể sống với sự mất mát này trong cuộc sống của bạn và vẫn tìm thấy niềm hy vọng.

Khi đang đau buồn, bạn có thể cảm thấy như cảm xúc đó điều khiển mọi khía cạnh của cuộc sống. Từ các mối quan hệ và sức khỏe thể lý đến khả năng làm việc hoặc những nhiệm vụ đơn giản nhất, đau buồn luôn hiện hữu. Nếu bạn không có sự chăm sóc thích hợp và kế hoạch hành động, nỗi đau buồn sẽ nắm quyền kiểm soát cuộc sống của bạn. Nhưng trước khi bạn có thể thực hiện hành động hiệu quả, điều cần thiết là phải hiểu về nỗi đau. Đây là vài điều giúp khám phá nỗi đau của bạn.

1. NỖI ĐAU PHỔ BIẾN

Mọi người đều có lúc cảm thấy đau buồn nhức nhối. Chúng ta cảm thấy đau buồn đến mức dễ dàng nghĩ rằng chúng ta đơn độc trong nỗi đau của mình. Hãy nhắc nhở bản thân rằng có những người khác cũng đang bị mắc kẹt trong nỗi thất vọng. Hãy tìm kiếm người khác trong nỗi đau, bắt đầu với cộng đồng đức tin của bạn. Ý tưởng rằng các Kitô hữu có một số bảo vệ đặc biệt khỏi đau khổ là một huyền thoại, và khi người ta truyền bá sự sai lầm này, nó có thể làm tổn hại đức tin của những người đang đau khổ. Cuộc đời Chúa là câu chuyện đau khổ. Nếu các Kitô hữu muốn phản ánh Chúa Giêsu Kitô trong đời sống, chúng ta không thể tránh khỏi sự thật rằng chúng ta sẽ phải chịu đau khổ.

2. KHÔNG THỂ CẢM THÔNG ĐỦ

Mỗi trải nghiệm chúng ta có trong cuộc sống đều thay đổi chúng ta, đôi khi chỉ một chút và đôi khi đáng kể. Sự mất mát đáng kể sẽ ảnh hưởng suốt đời đối với người sống. Công bằng mà nói, hầu hết chúng ta đều cảm thông với người đau buồn vì mất người thân, nhưng nhiều người không biết về nỗi đau dai dẳng của họ hoặc cần sự chăm sóc lâu dài đối với họ. Bạn bè của người sống có thể mong đợi người đó tiếp tục cuộc sống như bình thường sau một khoảng thời gian nhất định, tin rằng thời gian đó sẽ chữa lành mọi vết thương. Nỗi đau luôn là một phần của người sống, mặc dù ảnh hưởng của sự mất mát có thể giảm bớt, nhưng nỗi đau luôn là một phần trong cuộc sống của người đó.

3. NHỮNG ĐIỀU GÂY TỔN THƯƠNG

Có rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu về thế giới của mình. Đối với nhiều người, đau khổ nằm ở đầu danh sách đó. Khi bị mất mát, chúng ta thấy mình đang ở nơi xa lạ. Hầu hết chúng ta không được dạy các chiến lược để xử lý nỗi đau buồn. Có thể dễ quên rằng gia đình và bạn bè của chúng ta cũng cảm thấy tương tự. Chúng ta hướng tới họ để hỗ trợ chúng ta theo những cách mà họ thường không được đào tạo. Việc hỗ trợ một người bạn trong nỗi đau buồn có thể rất đáng sợ. Nỗi sợ hãi đó có thể khiến người khác nói điều sai hoặc hoàn toàn tránh né chúng ta. Điều đó có vẻ không công bằng, nhưng ngay cả khi đau buồn, bạn cũng cần thể hiện sự khoan dung với những người không biết cách phản ứng với sự mất mát của bạn.

4. ĐÔI KHI CẢM THẤY CÔ ĐƠN

Khi đau buồn, chúng ta dễ cảm thấy bị bỏ rơi. Thật dễ dàng (và bình thường) để cảm thấy như không ai hiểu mình hoặc thậm chí họ không nhận thấy nỗi đau của chúng ta. Chúng ta muốn nghĩ rằng những người khác sẽ chủ động quan tâm chúng ta. Mặc dù một số người luôn sẵn sàng quan tâm người khác, nhưng thực tế đáng buồn là hầu hết mọi người sẽ cần bạn bắt đầu và tìm kiếm họ để được giúp đỡ.

Chúa là câu chuyện khác. Ngài luôn xuất hiện trong những lúc chúng ta đau buồn. Chúng ta chỉ cần nhìn xung quanh để cảm nhận Ngài. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho sự tức giận và những câu hỏi của chúng ta. Ngài biết chúng ta được thiết kế cho cuộc sống vĩnh hằng và những cuộc đấu tranh của cuộc sống trần thế vượt quá khả năng của chúng ta để chịu đựng một mình. Hãy dùng hình ảnh chính Ngài làm hình mẫu, Thiên Chúa đã tạo chúng ta là phần phụ thuộc lẫn nhau trong gia đình của Ngài để chúng ta có thể kiên trì vượt qua những thử thách của cuộc sống. Chính tính cách của chúng ta ra lệnh cho chúng ta dựa vào Chúa và người khác khi chúng ta gặp đau khổ.

5. NỖI ĐAU SÂU RỘNG

Nỗi đau cuộc đời là cơ hội để đưa Thiên Chúa đến với người khác. Với mỗi vết thương mà cuộc sống đem lại, các tín hữu có cơ hội cho thế giới thấy cách mà cuộc sống phản ánh đức tin và đặc tính cứu chuộc của Thiên Chúa. Người ta thường chỉ thấy niềm đau và bóng tối của nỗi đau buồn. Bạn có thể dùng sự đau buồn của mình để phản ánh tình yêu và ánh sáng bằng cách mời người khác tham gia vào quá trình chữa lành của bạn để thấy cách mà Thiên Chúa, Kinh Thánh và cộng đồng đức tin của bạn đang nâng đỡ bạn. Những người không có niềm tin cần những tấm gương về những người đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống trong khi vẫn duy trì viễn cảnh vĩnh hằng. Bạn có cơ hội tuyệt vời để cho thế giới thấy rằng Thiên Chúa có thật, yêu thương và duy trì ngay cả trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống.

6. NỖI ĐAU ĐƯA ĐẾN GẦN CHÚA

Trong nỗi đau buồn, chúng ta chọn hướng về Chúa hoặc rời xa Chúa. Khi ông Gióp biết thế giới của ông bị hủy diệt, ông vẫn thờ phượng Thiên Chúa. Phản ứng này mới đầu có vẻ lạ lùng đối với chúng ta cho đến khi chúng ta nhận ra rằng đó là phản ứng đầu tiên của ông vì ông yêu mến Thiên Chúa và vì mối quan hệ của ông với Ngài. Ông Gióp biết mình phải đi đâu. Mỗi người chúng ta đều có thể đưa ra quyết định có ý thức để chuẩn bị giống như ông Gióp. Hãy đầu tư thời gian cho Chúa và quyết định xem Ngài phù hợp với cuộc đời bạn như thế nào để trong những lúc đau buồn và khổ sở vượt quá khả năng chịu đựng của bạn và khi cuộc đời quay đi, đức tin sẽ hướng bạn đến với Thiên Chúa để tìm sự phù trợ.

LEE BAILEY-SEILER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét