Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Người không có lễ tiết, chức vị càng cao càng dễ gây họa

 Người  không  có  lễ  tiết,  chức  vị  càng  cao  càng  dễ  gây họa

An Hòa•Thứ Sáu, 17/06/2022

Tướng mạo bên ngoài của một người là yếu tố tạo cảm nhận trước tiên cho người khác. Nhưng tướng mạo bên ngoài đã chỉnh tề mà lời nói, hành vi lại không đoan chính, không hợp lễ tiết thì vẫn khiến người khác khó chịu. Bởi vậy, lời nói, cử chỉ của một người có phù hợp lễ hay không là điều vô cùng quan trọng.

Trong sách “Luận Ngữ” viết: “Bất tri lễ, vô dĩ lập dã”, ý tứ là người không biết lễ thì không có chỗ đứng trong xã hội. Để đánh giá nhân phẩm của một người, mức độ giáo dưỡng của một người là như thế nào, thì cổ nhân nhìn vào lễ tiết mà họ biểu hiện ra. Những người có đạo đức cao thượng thời xưa không ai là không chú trọng đến việc học lễ và hành lễ.



(Tranh: Họa sĩ Đái Tiến, thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Một người hiểu lễ về cơ bản cần phải chú ý đến y phục dung mạo một cách chỉnh tề mới khiến người khác dễ coi, khi nói cần chú ý đến thanh âm phù hợp mới khiến người khác dễ nghe, trong đối nhân xử thế phải ứng xử đúng đắn mới khiến người khác thoải mái, cảm thấy được tôn trọng.

Trong “Luận Ngữ” lại viết: “Cung kính mà không có lễ thì phiền, cẩn thận mà không có lễ thành ra sợ hãi, dũng mà không có lễ thì loạn, bộc trực mà không có lễ thành ra vội vã.” Cho nên lễ nghĩa đã khiến cho hành vi của con người hợp với đạo. Một người không hiểu lễ thì lời nói, hành vi sẽ không phù hợp, khiến người khác cảm thấy không được tôn trọng thậm chí cảm thấy bị coi thường, từ đó mà gây ra họa.

Trong cuốn “Thuyết Uyển” của tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán có viết: Thời kỳ Xuân Thu, nước Thái phái hai người là Sư Cường và Vương Kiên đi sứ nước Sở tiến cống. Vua nước Sở vừa nghe báo có sứ giả nước Thái đến, cảm thấy hai cái tên này rất hay nên nghĩ rằng tướng mạo của hai người này nhất định là phi phàm, phong độ nhất định là hiên ngang. Ông lập tức cho triệu kiến. Không ngờ sau khi gặp mặt, vua nước Sở thấy hai người này thô tục, dung mạo xấu xí, giọng nói khó nghe, và quan trọng nhất là hành vi cử chỉ không hợp lễ nghi của sứ thần. Vua nước Sở giận, lệnh cho đại tướng quân Tử Phát dẫn binh thảo phạt nước Thái. Nước Thái nhanh chóng bị tiêu diệt, Thái hầu cũng bị bắt sống.

Trong lịch sử, chuyện vì không có lễ mà gây họa không phải là ít. Thời nhà Chu, trong gia tộc nhà Công Thừa Tử Bì ở nước Lỗ có người bị chết. Chị gái của Công Thừa Tử Bì than khóc vô cùng thương tâm.

Công Thừa Tử Bì thấy chị khóc như vậy liền nói: “Em biết chị không khóc vì người chết. Chị vì lo nghĩ tuổi tác của mình đã lớn mà chưa gả được đi nên thống khổ phiền não, đúng không?” Chị của Công Thừa Tử Bì thấy em nói ra những lời không đáng nói trong tình cảnh như vậy thì rất không vui.

Một thời gian sau, Công Thừa Tử Bì nói với chị: “Quốc vương nước Lỗ muốn mời em làm quan Tể tướng.”

Người chị Tử Bì nói với ông ta rằng: “Em không nên đi!”

Công Thừa Tử Bì hỏi lại: “Tại sao chị lại nói thế?”

Người chị trả lời: “Lần trước trong tang lễ, em không những không nói được lời an ủi nào mà lại còn đề cập đến chuyện lấy chồng, vì thế chị thấy em là người không hiểu lễ nghi. Người không hiểu lễ nghi sao có thể ra làm quan đây?”

Công Thừa Tử Bì phản bác: “Thì vốn chị khóc là vì chuyện hôn sự của mình mà!”

Người chị nói: “Chị không phải vì biện hộ cho mình mà khuyên bảo em như vậy. Chị là vì lo em không hiểu lễ nghi như thế, khi ra làm quan lại đối xử vô lễ vô kính với mọi người, ngang ngược không nói lý lẽ, như thế nếu không bị trời phạt thì cũng bị người hại!”

Công Thừa Tử Bì không quan tâm đến lời khuyên của chị, vẫn đắc chí huênh hoang ra làm quan. Quả nhiên làm quan Tể tướng chưa tới một năm, vì trong một lần vô lễ, phát ngôn bừa bãi không kiêng nể ai mà phạm tội, cuối cùng bị giết chết.

Có thể thấy chữ Lễ là vô cùng quan trọng đối với bất kỳ ai, càng quan trọng với người có địa vị cao trong xã hội. Chỉ có người hiểu lễ và làm việc theo lễ mới có thể duy trì sự ổn định của xã hội.

Lễ nghi là danh thiếp của một người. Từ góc độ kết giao trong xã hội mà nói, lễ nghi là cái gốc rễ hình thành nên cách đối nhân xử thế của một người. Nó cũng là một loại học vấn trong cách đối xử với người khác. Mỗi người là một tế bào của xã hội, vô luận là trong kết giao, công tác, hay trong cuộc sống hàng ngày thì đều không rời xa khỏi lễ nghi.

Lễ nghi không những thể hiện ra phong độ và sức hấp dẫn của một người mà còn thể hiện ra trình độ học thức và văn hóa tu dưỡng của người đó. Người có lễ nghi sẽ biết cách ứng xử sao cho hợp quy phạm, biết cách đối nhân xử thế mà được người khác tôn trọng. Biết lễ, hiểu lễ là một trong những điều kiện tiên quyết để một người có chỗ đứng trong xã hội, cũng là điều kiện quan trọng để một người thành tựu sự nghiệp và có được nhân sinh tốt đẹp.

Theo Vision Times tiếng Trung

An Hòa biên tập

 

 /van-hoa/nguoi-khong-co-le-tiet-chuc-vi-cang-cao-cang-de-gay-hoa.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét