Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Nỗi niềm xa quê của những kiều bào ở Mỹ

Nỗi  niềm  xa  quê  của  những  kiều  bào  ở  Mỹ
22/01/2017 Thanh Niên



Nếu nước Mỹ cho người trẻ xa quê cơ hội học hành, lập nghiệp, kiếm tiền và họ dần hội nhập thích nghi thì với người lớn tuổi, cuộc sống ở xứ sở này là những chuỗi ngày đau đáu quê hương.
Chị T. có một công ty chăm sóc sức khỏe cho người già ở Mỹ, chủ yếu phục vụ khách Việt. Những người này thường không biết tiếng Anh, không biết lái xe hoặc gặp vấn đề về đi lại khó khăn do tuổi tác. Vì vậy, khi họ cần đi chợ hoặc muốn đến trung tâm khám bệnh, chị sẽ có dịch vụ đến đưa đón và giúp làm các thủ tục cần thiết.
Nhiều người bên nhà vẫn bảo, ở Việt Nam, sếp là trời, nói một là một, hai là hai, nhân viên răm rắp nghe theo. Còn ở Mỹ thì sếp và nhân viên ngang hàng, mặc sức tranh cãi,

Tiết kiệm 30.000 USD để... chết
Một ngày, chị T. chở tôi đến đón một bác gái đi kiểm tra sức khỏe. Xe vừa dừng lại ở cổng, đã thấy bác đứng tần ngần đợi chị. Chị mở cửa, dìu bác vào xe. Chưa để chiếc xe kịp nổ, bác vội vàng tíu tít kể chuyện mấy đứa con đi làm để bác ở nhà với con chó. Bác bảo hồi ở VN xa cách con cháu nhưng còn có bạn bè.
Từ hồi qua Mỹ đoàn tụ, con cháu không thấy, bạn bè cũng không, chỉ có con chó làm bạn mà bác thì không ưa chó.
Bác cần tìm người nói chuyện. Thế nên việc sử dụng dịch vụ của chị T. không hẳn là bác cần giúp đỡ. Bác cần người tâm sự.
Sau khi giúp bác hoàn thành các thủ tục khám sức khỏe, chị T. bận việc nên nhờ tôi dẫn bác đi chợ. Bàn tay nhăn nheo của bác nắm chặt lấy tay tôi. Bác bảo thích đi chợ dù mỗi lần đi chẳng mua gì nhiều. Bác nhờ tôi chọn mua mấy củ khoai mỡ về nấu canh. Bác bảo nấu ra chỉ có mình bác ăn chứ mấy đứa con không biết ăn canh khoai mỡ. Bác thích bày ra nấu nướng cho có chuyện để làm. Chứ không ở nhà một mình thì buồn chết. Có lần buồn bác nhờ người ta mua hẳn trái mít chục ký về ngồi gỡ hạt tách múi cho đỡ buồn. 
Nhiều người Việt ở Mỹ, có thói quen lo cuộc sống bên này thì ít, mà lo bên Việt Nam thì… nhiều.
Rồi bác bắt đầu kể chi tiết hơn chuyện bác qua đây đã gần chục năm, do mấy đứa con bảo lãnh. Hồi mới qua bác ở nhà chăm cháu. Giờ cháu lớn rồi cũng không cần chăm nữa. Mỗi tháng bác hưởng được tiền trợ cấp của chính phủ khoảng 700 USD. Tiền đấy bác không làm gì cả, lâu lâu cho mấy đứa cháu chút đồng bạc mua kẹo. Còn lại, bác tích cóp, tính đến nay đã gom được 30.000 USD. Một nửa số tiền bác đã gửi về VN nhờ người thân xây mộ. Nửa còn lại, bác bảo cất đó để chờ đến lúc chết nhờ con cháu chuyển hài cốt về VN.
Tôi cười khì bảo, nếu tôi mà có số tiền như bác, tôi dùng đi du lịch khắp nơi, chết đâu đó cũng được, miễn là được đi cho thỏa cái đã. Bác bảo không, đi đâu thì đi, nhưng chết thì phải về với nguồn cội. Nên bằng cách nào, bác cũng phải được chôn ở VN, về với tổ tiên ông bà.



Kiều bào ở New Orlean (bang Louisiana, Mỹ) gói bánh tét, bánh chưng tối 20.1

Chồng đãng trí chăm vợ liệt giường
Một ngày khác, chị T. chở tôi đến thăm một cặp vợ chồng già ở Allen, Texas. Ra đón chúng tôi là con dâu cả của hai bác. Bác trai già rồi, nghe đâu đã 85, bị đãng trí, lâu lâu ông lại mặc áo vest, chải chuốt tóc tai gọn ghẽ rồi chạy ra đường đi lẩn thẩn bảo là đi trình diện “sếp”. Có lần bác đi lạc quên cả đường về, cả nhà phải nhờ đến cảnh sát đi tìm. Nên để tránh bác bỏ nhà đi lần nữa, mỗi lần chị con dâu đi làm là khóa trái cửa.
Cạnh phòng khách khang trang là chiếc giường của bác gái. Bác gái bằng tuổi bác trai, bị té gãy chân nên không đi lại được. Bác nằm liệt giường như vậy đã nửa năm. Vết thương ở mông của bác lở loét dần, phần vì do tuổi đã cao phần vì bác nằm quá lâu. Con cháu bác cũng khá đông nhưng hầu hết bận đi làm nên chuyển giao nhiệm vụ trông bác cho cô con dâu cả.
Chị dâu ham công tiếc việc nên cũng không thể ở nhà lâu để chăm hai bác. Chị quyết định thuê người đến chăm sóc hai ông bà cụ. Nhưng để thuê một người đến túc trực và chăm hai bác theo mức lương 8 USD/giờ, tiền đi làm của chị không đủ trả lương cho người trông nom. Nhà không có ai giúp, bỏ công ăn việc làm để chăm sóc hai bác thì tiếc nên chị khóa trái cửa đi làm.
Thức ăn chị mua sẵn bỏ vào tủ lạnh cả, dặn ông đến bữa thì nhớ mang cơm ra đút cho bà. Nhưng vì lẩn thẩn, thay vì nghĩ bà chưa ăn cơm ông lại nhớ nhầm là bà chưa uống nước. Thế nên cả ngày ông pha trà cho bà uống. Bà uống nhiều thì lại tè nhiều. Căn nhà nồng nặc mùi khai khi chúng tôi đến thăm.

Nghề rửa chân cho khách
Phần đông người Việt ở Mỹ chọn nghề nail (làm móng tay móng chân) vì xét về mặt bằng chung, nghề nail là nghề nhẹ nhàng và kiếm tiền nhanh nhất so với các nghề còn lại. Nhưng làm nail cũng có nhiều cảnh. Những thợ nail chia sẻ, nếu làm cho khu người da màu, kiếm tiền dễ do hầu hết phụ nữ da màu đều thích những bộ móng lòe loẹt. Nhưng họ cũng là tầng lớp thường ít vệ sinh tay chân nhất, vì vậy những thợ nail rất sợ rửa chân cho người da màu.
Làm cho khách da trắng thì sướng hơn vì khách tương đối sạch sẽ. Dù vậy, khách da trắng yêu cầu cao và chất lượng phục vụ cũng cần phải có đẳng cấp. Tiệm nail bạn tôi làm việc ở thủ đô Washington phục vụ cho khách da màu vì vậy lúc nào cũng đông kín người. Giữa những thợ nail trẻ trung, tôi bất ngờ khi thấy một bác trai tuổi đã 60 xách hộp đồ nghề ra rửa chân cho khách.

 Bạn tôi nói, thông thường những thợ rửa chân cho khách là thợ mới vào nghề, chưa biết gì nên chỉ có thể làm công việc mát xa, cắt móng, rửa chân và sơn móng đơn giản. Những thợ lành nghề sẽ đảm nhận việc sơn vẽ hoặc đắp móng tay giả, thứ yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhưng công việc nhẹ nhàng hơn. Khi cụ già 60 tuổi vừa cầm cọ sơn được vài đường, người phụ nữ da màu vung chân mắng xối xả với lý do cụ già sơn không đẹp. Bác trai nước mắt lưng tròng xách hộp đồ nghề vào trong chờ chị chủ tiệm chạy lại sơn giúp.
Lúc ngồi ăn cơm, tôi tò mò hỏi chuyện, được biết bác chỉ vừa qua Mỹ đúng một năm. Hồi ở VN, bác là chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Q.5 (TP.HCM). Con gái bác đi du học rồi lấy chồng có quốc tịch Mỹ. Cặp vợ chồng trẻ dẹp bỏ những kiến thức đại học để cùng đi làm nail. Sau vài năm dành dụm tiền, con gái bảo lãnh bố mẹ qua Mỹ. Hai vợ chồng già nghe qua Mỹ thì vui mừng khôn xiết...
Sang đến nơi, mấy ngày đầu thấy vui vì cái gì cũng lạ, cái gì cũng đẹp và tiện nghi hơn ở nhà. Nhưng được khoảng tuần, bác bỗng dưng thấy trống trải vì con cái bắt đầu đi làm cả, hai vợ chồng quanh quẩn trong nhà hoài cũng chán. Thế là bác xin đi làm hãng, vợ bác xin đi làm nail cùng con gái. Để làm ở hãng, mỗi sớm bác phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, lục đục chuẩn bị đồ đạc, lái xe đi cho đúng giờ vì làm ca sớm.
Lương hãng trả “bèo” nhưng có việc còn vui hơn ở nhà. Được vài tháng, công ty cắt giảm nhân viên, bác bị sa thải. Lần này, bác xách giỏ theo con rể đi làm nail.
Bác bảo cả đời chưa rửa chân cho ai, mà qua đây phải khúm núm rửa chân cho khách, lại còn bị chửi lên chửi xuống. Nước mắt chảy dài, miếng cơm nghẹn đắng khiến bác dừng đũa không ăn nữa. Mà bác bảo lần nào ăn cơm cũng chẳng ngon, có lúc vừa cầm đũa thì khách đến, lật đật chạy ra rửa chân cho khách, rửa xong chạy vào không dám ăn tiếp vì chân khách bẩn quá.
Tôi hỏi bác sao không về lại VN mà sống, bác ngậm ngùi, “muốn về lắm, nhưng nhà cửa bán cả rồi, hơn nữa con cái phải đóng thuế cả mấy chục ngàn USD để bảo lãnh bác qua, bây giờ bỏ về coi sao được hả cô?”. Tôi chặc lưỡi, không biết nên buồn hay nên vui cho bác.

Những ngày này, người Việt ở Mỹ lại xôn xao tổ chức đón tết. Tôi đã không còn ở đó để xem bà cụ tiết kiệm 30.000 USD đón tết thế nào, cặp vợ chồng già bây giờ ra sao hoặc bác thợ nail có chịu nghỉ rửa chân cho khách ngày nào để chuẩn bị cho tết không.
Tôi nghĩ, rồi họ sẽ ổn thôi. Nhưng hơn ai hết, chính họ là những người luôn đau đáu hướng về quê nhà nhất, cho dù là sự trở về lúc đã nhắm mắt xuôi tay....
Võ Mỹ Linh (từ Mỹ)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét