ĐÔI ĐIỀU VỀ TÍCH ÔNG TÁO.
Thứ năm - 19/01/2017
Ngày 23 tháng chạp hằng năm Âm lịch, người ta
quen lệ tiễn ông Táo về trời. Người miền Bắc gọi là Chạp ông Công, người miền
Nam gọi cách cụ thể hơn là ngày đưa ông Táo về Trời. Tích của Táo quân được ghi
lại như sau:
Học phái Lão Tử cho rằng có một vị thiên thần coi
việc thiện ác của từng gia đình và mỗi năm một lần về tâu sự với Ngọc Hoàng .
Người Việt Nam quan niệm về ông táo khác với người Trung Hoa, tích kể rằng:
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ.
Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho
nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau. Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh
vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh
này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với
nhau thành vợ chồng.
Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền
đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy tăm hơi, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm,
ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.
Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn,
bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình
xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. họ đang hàn
huyên thì bất ngờ người chồng mới là Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi
mới nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà để cốt lấy tro bón
ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường
xa mỏi mệt ấy bị chết cháy, người vợ cũ là Thị Nhi, thấy vậy cũng lao vào lửa
chết theo. Phạm lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà
chết.
Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho
làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc. Phạm Lang là Thổ Công trông lo
việc bếp. Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà. Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom
việc chợ búa.
Vài nhận xét về tích
truyện:
Vượt qua cái lý để đạt tới cái tình: Tích truyện
cho thấy một điều không có lý, người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận
việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích “Thế gian một vợ một
chồng, không như vua bếp hai ông một bà”. Như vậy, điều mà tích truyện nhắc
tới, đó không phải là cái lý, nhưng là cái tình nghĩa phu thê, sống chết cùng
nhau. Có thể nói, triết lý tình thương, tình con người với nhau bàng bạc trong
các truyện cổ như bó đuốc soi cho lối đường hậu duệ noi theo.
Cái tình có thể đụng tới lòng Trời: người Việt
tin rằng “Ông Trời có mắt” nên trong mọi việc cũng dùng cái tình mà đối xử với
nhau. Cái tình ấy lay động được lòng Trời, phúc hoạ cũng theo cái tình nghĩa
đối với nhau mà ông Trời phạt hay thưởng cho.
Vấn đề sống chết: Tại sao các tích truyện thường
giải quyết vấn đề khó xử trong nhân sinh bằng cái chết, ví như tích truyện
“trầu cau” cũng thế ? Người Việt không tin rằng chết là hết, nhưng vấn đề sống
như thế nào là đáng sống và chết như thế nào cho đáng. Người xưa nói: “sát thân
thành nhân”, nhấn mạnh tới tinh thần xả thân cứu đời, hy sinh cho việc nhân đức
là thành công, thành nhân. Như vậy, tinh thần của người Việt có một đặc điểm
sáng chói là tình thương. Tình thương có trong mỗi người, lớn lên trong gia
đình và phát triển nơi mọi người. Người sống theo đạo nhân là người biết hy
sinh, xả thân cho đồng loại của mình. Có bao nhiêu truyện, tích, tuồng, chèo,
liên hệ cùng một nội dung, một tiêu điểm: Điển hình như Tống Trân, Phạm Công,
Phạm Tải, Trương Viên… đáp ứng nguyện vọng hạnh phúc của nhiều người mà tình
riêng của họ như tình lứa đôi, tình vợ chồng lại bị tổn thất, khiến cho người
vợ hiền như Cúc hoa, Ngọc Hoa, Thị Phương chịu nỗi oan khiên*.
Liên hệ đến gia đình: Quan niệm táo quân là vị
thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nhiều địa phương có tục lệ,
người con gái khi mới về nhà chồng, phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Thổ Công,
để xin phù trợ về sau trong công việc bếp núc, tề gia, nội trợ của người đàn bà
quán xuyến gia đình. Tục ngữ phương Tây có câu: “bàn tay đưa nôi là bàn tay cai
trị thế giới”, người Việt Nam thì quan niệm: Người nội trợ là chủ tướng trong
gia đình.
Lối kết của tích truyện là có hậu. Người Việt
thường nói “ở hiền gặp lành”, hệ quả của đức là phúc. Ngày đầu năm người ta cầu
chúc nhau được phúc, cũng là thời gian để làm hoà những bất đồng tương quan,
nếu trong năm đã không thuận hoà với nhau. Người ta muốn khởi đầu một năm bằng
những điều tốt đẹp, để cả năm có phúc.
Áp
dụng:
Bếp lửa mang một ý nghĩa rất quan trọng. Bếp lửa
ngoài công dụng nấu chín thực phẩm còn là một lò sưởi, còn là nơi quy tụ cả gia
đình để chia sẻ với nhau bữa ăn cũng như lửa ấm. Lễ hội bao giờ cũng gắn bó với
nghi thức thắp lửa thiêng. Lửa xua đuổi thú dữ, đẩy xua muỗi mòng, tạo bầu khí
ấm áp, tạo nên những gặp gỡ… Không gia đình nào là không có bếp lửa. Bếp lửa,
còn là gia đình, một gia đình hạnh phúc là một gia đình bếp lửa giữ được lửa
cháy.
Tinh thần gia đình, điều quan trọng là yêu thương.
Gia đình biểu lộ qua bữa ăn và dĩ nhiên là qua bếp lửa là nơi thực hiện những
bữa ăn có một tầm quan trọng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngày nào lửa
không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình
thương. Tình thương được biểu lộ qua bếp lửa như dân gian Việt Nam thường nói:
“tối lửa tắt đèn có nhau” . Cuộc sống chung đi từ những gì rất thực tế: “Có
thực mới vực được đạo”, người ta có muốn mơ mộng gì chăng nữa thì cũng cần đến
bếp lửa để nấu chín thực phẩm, nấu chín thức ăn. Ngày xưa vào những thời hồng
hoang của lịch sử, việc giữ lửa là việc sống còn của bộ tộc, ngày nay thiếu lửa
trong gia đình cũng là nguy cơ cho gia đình tan vỡ: “ Bếp lạnh canh nguội”.
Thường xưa kia, có gì lủng củng, đau yếu nhất là
đau mắt trong gia đình, người ta phải xem lại bếp núc tức là ông táo có được
giữ sạch sẽ hay không? Như vậy tập tục cũng có ích cho việc giữ vệ sinh lắm.
Vua táo định đoạt phúc đức cho gia đình. Phúc
đức này là do sự ăn ở phải đạo của gia chủ và của mọi người trong nhà.
Sự tích ông táo trong dân gian Việt Nam, có
những nét đẹp truyền thống của nó, thông thường ở các giáo xứ có chương trình
văn nghệ trong dịp này, cũng có tiết mục táo quân đóng góp vào để trình tấu
những gì đã làm được và chưa được trong năm qua, hướng tới một năm mới nhiều
tốt đẹp hơn. Chúc mọi người một năm bình an và hạnh phúc và giữ được lửa tình
yêu bén trong gia đình.
*Cúc Hoa trong truyện Tống Trân, Phạm Công, Ngọc
Hoa trong truyện Phạm Tải, Thị Phương trong truyện Trương Viên.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét