GÁNH ĐỜI GÁNH ĐỜI GÁNH ĐỜI
(Mồng Một Tết Nguyên Đán –
Cầu Bình An)
NGÀY
MỒNG MỘT CHUNG LỜI TẠ ƠN CHÚA
NGUYỆN
THÁI AN HIỆP NHẤT NIỀM KÍNH TIN
Học giả Nguyễn Hiến Lê có
cuốn sách dịch với tựa đề “Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống” (xuất bản năm 1955,
nguyên tác “How to Stop Worrying and Start Living” của tác giả Dale Carnegie,
viết năm 1948). Cuốn sách này được coi là cẩm nang về cách làm việc và cách vui
sống.
Quẳng là vứt, bỏ. Động từ
này thể hiện sự dứt khoát. Quẳng một cái gì đi có thể là động thái dễ hoặc khó,
tùy giá trị của cái cần hoặc phải bỏ đi.
Người dân quê Việt Nam có
đôi quang gánh thật “kỳ diệu”. Khi người ta gánh, nhìn giống như chiếc cân. Muốn
dễ gánh, hai bên phải cân bằng trọng lượng, nếu không sẽ lệch và khó gánh. Khi
bỏ đôi quang gánh xuống, người ta cảm thấy thoải mái, vì trút được gánh nặng.
Cuộc đời con người cũng luôn có nhiều thứ phải gánh trên đôi vai đời. Một trong
những thứ khó trút bỏ là “gánh lo”. Trút được gánh nặng này là điều không hề dễ
chút nào!
Không ai lại không có
“gánh nợ đời”. Nợ tiền nhân, nợ song thân, nợ xã hội, nợ cộng đồng, nợ đất nước,…
tất nhiên có cả nợ tôn giáo, đặc biệt nhất là nợ Thiên Chúa. Món nợ bình thường
mà quan trọng là “nợ sự sống”. Khi hít thở không khí, ai cũng mắc nợ Thiên Chúa
– vì Ngài chính là Sự Sống (Ga 14:6) hoặc Nguồn Sống (Tv 36:10), là ĐẤNG CẦM
QUYỀN SINH TỬ (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13). Thật vậy, chúng ta sống hay chết
là quyền của Ngài: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại,
là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là
chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30).
Xuân sang thì Tết đến. Đó
là dấu chỉ cho chúng ta biết rằng, dù muốn hay không, thời gian năm cũ cũng đã
thực sự qua đi, và thời gian năm mới vừa khởi đầu. Đó là quy luật tự nhiên bất
biết muôn thuở, vì cái gì cũng có hai “điểm” – khởi sự và kết thúc. Cả hai “điểm”
đó đều là Chúa: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận
Cùng” (Kh 22:13).
Mồng Một Tết là ngày cầu
bình an cho năm mới. Khởi đầu cuộc đời, khởi đầu công việc, khởi đầu hôn nhân,
khởi đầu sự nghiệp,… đặc biệt là khởi đầu năm mới. Tất cả những cái khởi đầu đều
làm người ta cảm thấy lo – lo đủ thứ, đủ kiểu, đủ mức độ. Lẽ tất nhiên, vì
chúng ta không thể chủ động, không biết tương lai ra sao. Thời gian là của
Chúa. Vì vậy mà người ta cần và phải tín thác vào Chúa. Đó là sống khôn ngoan!
Tại giáo xứ Thánh Gioan
Chrysostom ở Inglewood (California, Hoa Kỳ) có một chiếc đồng hồ lớn. Trên chiếc
đồng hồ đó có khắc chữ “Tempus Fugit” – theo La ngữ có nghĩa là “thời giờ trôi
qua”. Thật là chí lý! Tương tự, người Việt chúng ta cũng nói: “Thời giờ thấm
thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”. Và hôm nay, mồng Một Tết, Thiên
Chúa động viên mỗi chúng ta: “ĐỪNG LO!” (Mt 6:34).
Mùa Xuân chỉ là một phần
của thời gian. Xuân đến rồi Xuân lại đi. Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chính
Ngài vạch biên cương cho cõi đất, thời hạ, tiết đông, cũng chính Ngài thiết lập”
(Tv 74:17).
Sau mùa Đông giá lạnh là
mùa Xuân ấm áp, mọi vật đều biến đổi, khác lạ, y như được hồi sinh từ cõi chết
vậy. Lạ lắm, đúng như sách Diễm Ca (2:11-12) mô tả, đơn giản mà tinh tế và khéo
léo:
Tiết Đông giá lạnh đã qua
Mùa mưa đã dứt, đã xa lắm
rồi
Sơn hà nở rộ hoa tươi
Và mùa ca hát vang trời về
đây
Tiếng chim gáy hót mê say
Văng vẳng cả ngày trên khắp
đồng quê
Mùa Xuân là mùa khởi đầu
một năm mới, cái vẻ “mới lạ” của mùa Xuân khiến chúng ta nhớ tới việc sáng tạo
của Thiên Chúa từ thuở hồng hoang. Khoảng thời gian đó được Kinh Thánh cụ thể
hóa là sáu ngày, và thêm một ngày nghỉ nữa là thành một tuần.
Ngày thứ tư trong công
trình khai thiên lập địa, Thiên Chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên vòm trời,
để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ
là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất” (St 1:14-15). Tức thì đã
xảy ra y như vậy.
Chi tiết hơn, Kinh Thánh
cho biết: “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển
ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.
Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển
ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”
(St 1:16-18). Ngày để làm việc, đêm để nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã tạo cơ hội thuận
lợi để chúng ta có thể cân bằng cuộc sống, nhờ đó mà làm việc có hiệu quả cao nhất.
Quả thật, chúng ta rất cần phải biết tạ ơn Chúa Tể càn khôn, đặc biệt là ngay từ
giây phút đầu năm như thế này.
Chắc chắn ai cũng biết rằng
cuộc sống luôn có những nỗi lo, không nhiều thì ít, không to thì nhỏ, chẳng ai
có thể vô tư. Ngay cả người điên cũng có nỗi lo riêng của họ, thậm chí người sống
thực vật cũng lo – vì họ não và tim của họ vẫn hoạt động, tức là vẫn sống. Thật
vậy, cứ mở mắt ra là thấy lo rồi. Tuy nhiên, lo là lẽ thường tình của nhân
sinh, nhưng đừng lo quá, vì chúng ta “không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng
hay đen” (Mt 5:36). Việc nhỏ như vậy còn chưa làm nổi kia mà!
Vì thế, Kinh Thánh nhắc
nhở chúng ta cố “thoát” ra khỏi cái “vỏ ốc yếu đuối” của mình: “Cứ tin tưởng
vào Chúa và làm điều thiện thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy
Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường
đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay” (Tv 37:4-5).
Không chỉ có như vậy,
Thiên Chúa còn làm cho chúng ta hơn thế nữa: “Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực
rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ” (Tv 37:6).
Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý đến “chính nghĩa” (lẽ phải, sự thật) và “công
lý” (công minh, chính trực). Tức là chúng ta phải nghiêm túc, rạch ròi, thẳng
thắn, chứ đừng “bẻ cong” hoặc “bóp méo”. Động thái xem chừng đơn giản nhưng
không dễ đâu đấy, thế nên phải can đảm mới khả dĩ thực hiện.
Tác giả Thánh Vịnh chân
thành dẫn chứng: “Chúa giúp con người bước đi vững chãi, ưa chuộng đường lối họ
dõi theo. Dầu họ có vấp cũng không ngã gục, bởi vì đã có Chúa cầm tay. Từ nhỏ dại
tới nay tôi già cả, chưa thấy người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải
ăn mày thiên hạ. Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay, dòng giống mai sau
hưởng phúc lành”(Tv 37:23-26). Mấy câu này làm sáng tỏ mấy câu trên. Rất
lô-gích!
Sống tốt thì người ta an
tâm, hy vọng làm người ta vui sống, và càng an tâm hơn nếu người ta biết phó
thác tất cả cho Chúa. Thánh Phaolô kêu gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui
của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền
hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn
cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên
Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4:4-6). Sống tín thác cũng là sống
theo “con đường thơ ấu” của Thánh Hoa Hồng Nhỏ Têrêsa Hài Đồng.
Đây là hệ quả tất yếu
dành cho những ai sống tín thác: “Bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên
mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl
4:7). Thánh Phaolô nhắn nhủ thêm về các đức tính cần thiết để sống tốt lành và
đạo đức: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là
chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những
gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4:8).
Chính xác và rõ ràng nhất
là lời khuyên của Đại sư Giêsu: “ĐỪNG LO cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng
lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể
chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6:25). Một câu nghi-vấn-xác-định thật độc
chiêu quá chừng!
Chúa Giêsu biết chúng ta
yếu đuối, chưa đủ tin, nên Ngài phải “dài hơi” giải thích và đưa ra các chứng cớ
minh nhiên: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào
kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn
chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được
dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa
huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không
kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột
bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:26-29). Chúng ta có thực sự
tâm phục khẩu phục hay còn ngờ vực?
Và rồi Ngài nhấn mạnh: “Vậy
nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp
cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng
lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân
ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ
đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất
cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:30-33). Với sức con người thì khó lắm,
nhưng với niềm tín thác, chúng ta sẽ làm được nhờ Đức Giêsu Kitô.
Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa
động viên vừa khuyến cáo khi Ngài xác định: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai:
ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34). Và tác
giả Thánh Vịnh nhắn nhủ: “Hãy trút nhẹ GÁNH LO vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần
cho” (Tv 55:23).
Ngay giây phút đầu tiên của
mùa Xuân, chính thức khởi đầu ngày Tết, khi hòa chung niềm vui mừng của muôn
loài và cùng nhau ăn Tết, mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ và chân thành thề hứa
với Chúa: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở
muôn đời” (Tv 145:2).
Cuộc sống không thể không
lo, Thiên Chúa cũng không bảo chúng ta “vô lo”, mà có lo cũng chẳng được, nhưng
Ngài muốn chúng ta thành tâm tín thác vào Ngài. Và đó cũng là lời khuyên chân
thành của tác giả Thánh Vịnh: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào
Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5).
Lạy Thiên Chúa
Ba Ngôi, Chúa Xuân vĩnh hằng, chúng con tin kính và yêu mến Ngài, xin giúp
chúng con thể hiện niềm tin yêu đó qua việc yêu thương tha nhân, không phân biệt
ai, hôm nay và mãi mãi. Đó là Tình Xuân của chúng con, và chúng con muốn chia sẻ
với tha nhân, nhất là những người chưa có thể tận hưởng ngày Xuân trọn vẹn vì
lý do nào đó – tội nhân, bệnh tật, mồ côi, ưu sầu, chia ly, tù đày, nghèo khổ,
bị ruồng bỏ, bị phản bội,… Chúng con xin phó thác năm mới và tương lai của
chúng con cho Ngài, xin Ngài ban an bình cho mọi người. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người và cứu độ chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét