Lười biếng
Chuyện phiếm Gã Siêu
Lâu rồi, gã có đọc trên một
vài tờ báo và đã lượm được một mẩu suy gẫm về cuộc sống hôm nay, đại khái như thế này:
Hiện giờ,
Chúng ta có nhà cao hơn,
nhưng nhân cách lại nhỏ hơn.
Chúng ta có nhà to hơn,
nhưng gia đình lại nhỏ hơn.
Chúng ta có nhà sang trọng
hơn nhưng tổ ấm lại đổ vỡ nhiều hơn.
Chúng ta có đường phố rộng
hơn, nhưng quan điểm lại hẹp hơn.
Chúng ta mua sắm nhiều
hơn, nhưng hưởng thụ lại ít hơn.
Chúng ta có nhiều tiện
nghi hơn, nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn.
Chúng ta có nhiều bằng cấp
hơn, nhưng lại kém ý thức hơn.
Chúng ta hiểu biết nhiều
hơn, nhưng lại kém suy xét hơn.
Chúng ta có nhiều nhân
tài hơn, nhưng lại ít sáng tạo hơn.
Chúng ta có nhiều thuốc
men hơn, nhưng sức khỏe lại kém hơn… Riêng phần gã, trong bài này, gã muốn thêm
một chi tiết nho nhỏ khác nữa, đó là: Hiện nay chúng ta có quá nhiều máy móc,
nhưng lại lười và làm biếng hơn bao giờ hết.
Thực vậy, ngày xưa cha
ông chúng ta cuốc bộ dăm bảy cây số là chuyện nhỏ, còn ngày nay người ta đi vài
ba trăm mét cũng phải vội leo lên xe. Ngày xưa người vợ hay người mẹ trong gia
đình phải quét dọn và lau chùi nhà cửa,
cũng như giặt giũ áo quần bở hơi tai, toát cả mồ hôi hột, còn ngày nay người ta
chỉ cần mở máy hút bụi hay ném vào máy giặt…loáng một chốc là xong. Chẳng thế
mà trong một bài viết mang tựa đề là “Nghệ thuật làm biếng” trên báo Kiến thức
Ngày Nay, thiên hạ đã đưa ra một nhận xét như sau: “Kỳ lạ nhất là trong lúc người
có vẻ hoạt động hơn khi rỗi rảnh, thì khoa học kỹ thuật lại mang đến những cải thiện
khuyến khích sự… lười biếng như máy giặt, máy rửa chén, máy hút bụi… Thậm chí kỹ
thuật hiện đại đã tiêu diệt hoàn toàn những cố gắng ít nhất về sức lực: đi vài trăm mét cũng leo lên xe
hơi chứ không đi bộ, dùng thang máy để lên lầu, dùng “remote control” điều khiển
TV và video vì sợ phải di chuyển chỉ vài bước chân! Nhiều nhà xã hội học cho rằng
con người càng lúc càng béo phì là do cuộc sống “chây lười” kiểu đó tạo ra.”
Vậy thế nào là lười biếng?
Mở tự điển ra gã ghi nhận
như sau: Lười là biếng nhác, ham ở không, sợ làm việc. Còn biếng là lười, trễ nải,
uể oải, không thiết đến việc làm. Tác giả đã trích dẫn một câu tục ngữ để minh
chứng:
– Những người lêu lổng
chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời
tránh xa.
Nói tóm lại, lười hay biếng
thì cũng hao hao giống nhau, nghĩa là thích ở không, thích hưởng nhàn và ngại
làm việc, ngay cả những việc cần thiết nhất như tắm rửa, vệ sinh thân thể của
mình. Tục ngữ ca dao Việt Nam đã đưa ra những nét chấm phá về họ như sau:
– Ăn như rồng cuốn,
Làm như cà cuống lội ngược.
Như thế còn đỡ, chứ như
thế này thì quả thực là “siêu đẳng” :
– Ăn rồi nằm ngả nằm
nghiêng,
Có ai lấy tớ, thì khiêng
tớ về.
Còn người phương Tây cũng
diễn tả về họ như thế này:
– Kẻ lười biếng, như con
đà điểu, khi phải bay thì nói: tôi là một con lạc đà. Còn khi phải mang nặng
thì bảo: tôi là một con chim.
Cách đây không lâu, báo
Phụ Nữ Chủ Nhật có đưa ra một mẫu gương “điển hình tiên tiến” cho cái sự làm biếng.
Nhân vật này quả thực đã “lươi huyền” tới trình độ siêu đẳng mà có lẽ trong cả
và thiên hạ không ai sánh bằng. Mẩu tin ấy như sau: “Làm biếng hết cỡ. Danh hiệu
này có lẽ rất xứng đáng được trao cho gã thuê nhà của ông lão bảy mươi tám tuổi
Camille de Roey ở thành phố Strombeek-Bever thuộc nước Bỉ. Suốt mười bốn năm
qua, gã thuê nhà bốn mươi tuổi này đã không hề quét dọn bất chấp lời kêu gọi
hay đe dọa của ông chủ! Ông chủ nhà De Roey đã phải dùng biện pháp cắt điện từ
năm 1992, nhưng vẫn không lay chuyển được tính… làm biếng của gã thuê nhà cứng
đầu. Cúp diện ư? Gã ta nối dây với máy điều nhiệt ở hệ thống cung cấp khí nóng
để xài đỡ. Thậm chí ông chủ đã phải dùng đến biện pháp nhờ cậy hội đồng thành
phố và cảnh sát làm áp lực “tống khứ gã thuê nhà ra khỏi cửa”, nhưng gã ta vẫn
bình chân như vại. Mãi tới ngày 28 tháng 4 năm 2002, “gã sống khắc khổ” ấy
không còn đủ tiền để trả, nên đã tự động xách va-li ra khỏi nhà. Tuy nhiên,
“tài sản” gã ấy để lại là đống rác khổng lồ với hàng trăm chai rỗng, lon đồ hộp,
thức ăn dư thừa và rác bẩn chất lên đến tận trần.”
Vậy sự lười biếng sẽ đem
lại những hậu quả như thế nào ?
Nhìn dưới góc độ tích cực,
sự lười biếng đôi khi cũng đem lại một chút
hậu quả tốt đẹp và cần thiết cho con người.
Chẳng hạn, theo tác giả
Lê Lộc, đối với những người bị “tress” do làm việc quá căng thẳng, thậm chí đối
với những ai có nỗi buồn ray rứt, các bác sĩ khuyên họ hãy buông bỏ tất cả và
hãy đi nghỉ hè như những cô cậu học trò. Đây là một nhu cầu có thật và hữu ích
để giải tỏa tâm trí, thúc đẩy một nguồn sinh lực mới để đi tiếp trong cuộc sống.
Chẳng hạn, sau một buổi
sáng miệt mài làm việc, thì giấc ngủ ban trưa cũng là điều cần thiết để được
thanh thản và hăng say cho công việc ban chiều. Trong một bản nhạc, có nốt bổng
thì cũng có nốt trầm, nếu cứ bổng mã thì sẽ phải gân cổ ra mà hát. Sợi dây cung
có lúc căng thì cũng phải có lúc chùng, nếu cứ căng mãi thì sẽ đứt.
Sau đệ nhị thế chiến, dân
Nhật Bản hùng hục xây dựng lại đất nước, làm ngày không đủ họ bèn tranh thủ làm
đêm, thành thử đầu óc họ lúc nào cũng căng thẳng. Số người bị “tress” và tự tử ở
đất Phù Tang này rất cao, mặc dầu cuộc sống vật chất của họ chất rất đầy đủ. Và
thế là họ bèn mở mắt ra và quyết định làm việc ít thôi, còn dành thời giờ…làm
biếng, để nghỉ ngơi và đi du lịch nơi này nơi khác cho cuộc sống được trở nên
tươi hồng và đáng sống.
Tại thành phố Medellin nước
Colombia, hàng năm người ta tổ chức “ngày làm biếng”. Đó là ngày mà chẳng ai muốn
làm việc, một ngày hội được ra đời từ năm 1985, nhằm phản đối tình trạng thất
nghiệp và công nhân bị đuổi việc tràn lan. Để ủng hộ cho “ngày lười biếng” này
vào trung tuần tháng tám vừa qua, các nghệ sĩ nỗi tiếng của thành phố đã tham
gia biểu diễn trên đường phó. Tiết mục biểu diễn của họ mang đúng ý nghĩa của
ngày hội: không ai làm gì cả ngoài việc ngồi đọc báo!!!
Cũng trong chiều hướng ấy,
cũng theo tác giả Lê Lộc trên báo Kiến Thức Ngày Nay, suốt thập niên 60, phong
trào “hippie” của giới trẻ phương tây đã tẩy chay các hình thức lao động áp dụng
trên toàn xã hội, để bày tỏ sự tự do và đời sống cá nhân phong phú.
Tại Pháp, trong làn sóng
biểu tình phản đối nổi tiếng vào tháng 5 năm 1968, nhà xã hội học Paul Lafargue
có đề ra “quyền được lười biếng”, rất được giới trẻ hoan nghênh. Không hiếm các
kiến nghị của giới trẻ đòi hỏi làm việc mỗi ngày… hai tiếng đồng hồ, còn bao
nhiêu thời giờ khác thì để nghỉ ngơi và giải trí. Tuy nhiên, phong trào phản
kháng này rất nhanh chóng bị phai mờ do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1973 và nạn
thất nghiệp gia tăng. Hậu quả tích cực của chuyện làm biếng là như thế. Còn hậu
quả tiêu cực thì sao?
Hậu quả tiêu cực thứ nhất,
sự lười biếng là nguồn gốc sinh ra những thói hư tật xấu về tinh thần, như các
cụ ta ngày xưa đã bảo: Nhàn cư vi bất thiện. Chẳng riêng gì các cụ ta ngày xưa,
mà hầu như cả và thiên hạ đều nói như vậy. Chẳng hạn người Tàu thì bảo: Lười biếng
chính là mồ mả sống động vậy. Trăm chứng bệnh hư hỏng đều do lười biếng mà sinh
ra. Còn người Tây thì nói: Lười biếng là một người mẹ có một con trai là thằng
ăn cắp và một con gái là cái đói nghèo. Một trí tuệ tầm thường mà chuyên cần có
thể tiến xa hơn một trí tuệ thông minh nhưng lười biếng. Kinh nghiệm đời thường
cũng cho thấy: vì nhàn rỗi nên đờn ông mới tụm năm tụm bảy để mà cờ bạc hay chè
chén say xưa, còn đờn bà mới tụm hai tụm ba để mà nói hành nói xấu người khác.
Và mọi bất ổn đều bởi đó mà ra cả.
Hậu quả tiêu cực thứ hai,
sự lười biếng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo túng về vật chất, như
các cụ ta ngày xưa cũng đã nói: Giàu đâu
tới kẻ ngủ trưa, sang đâu tới kẻ say sưa tối ngày. Thực vậy, không làm việc thì
đào đâu ra tiền, giữa một thời buổi gạo châu củi quế. Và như vậy cái nghèo như
đã được nắm chắc trong lòng bàn tay của những kẻ lười biếng. Đúng thế: Kẻ lười
biếng đi chậm đến nỗi sự nghèo túng đuổi theo kịp. Kẻ lười biếng là anh ruột của
tên ăn mày. Tuần lễ của người làm việc có bảy ngày hôm nay, còn tuần lễ của kẻ
lười biếng của bảy ngày mai. Khi lâm vào tình trạng nghèo túng, thì chính bản
thân mình phải phấn đầu, phải chịu khó làm việc thì mới hòng thoát ra, chứ còn
biếng nhác theo kiểu “há miệng chờ sung” thì chỉ có nước “khố rách áo ôm” mà
thôi.
Hình như “Lã Phụng Tiên”
có một câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng:
Ngày kia, chú nhái bén rớt vào một thùng sữa bò. Cứ sự thường thì chú sẽ bị chết
chìm, thế nhưng chú vẫn ra sức vùng vẫy với một chút hy vọng le lói là sẽ được
cứu thoát. Và sự thật đã xảy ra đúng như chú mong ước. Nhờ sự vùng vẫy của chú
mà thùng sữa bò bỗng đông đặc lại thành bơ và chú đã trèo ra một cách dễ dàng.
Vì thế mà người ta mới bảo: Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu.
Kẻ lười biếng đã lãng phí
thời giờ của mình một cách vô ích. Mà thời giờ là một cái gì rất ư là quí giá.
Người Tây thì bảo: Le temps, c’est l’argent. Thời giờ là bạc. Còn người Tàu thì
nói: Nhất thốn quang âm nhất thốn kim. Một tấc thời gian là một tấc vàng. Trong
thực tế, thời giờ có lẽ còn quí hơn cả vàng lẫn bạc. Mới đây, tác giả Nguyễn Tiến
Hữu đã đưa ra vài con số “kinh hoàng” mà con người trên thế giới đã làm được
trong một phút. Phải, trong một phút người ta đã sản xuất ra: 61.000 lít rượu
vang. 210.000 lít bia. 4 tấn ca cao. 11
tấn cà phê hột. Và đã nốc vào bụng 1,6
triệu tách cà phê.
Người ta ăn hết bao nhiêu
trong một phút? Không biết. Nhưng con người đã giết chết cơ man nào là súc vật
lớn bé để sản xuất ra: 117 tấn cá. 314 tấn thịt đủ loại. 14 tấn xúc xích thịt
heo. Con người còn nhờ đàn gà đẻ giùm 1,7 triệu quả trứng để ăn với 680.000 ổ
bánh mì ban sáng. Tất cả chỉ trong một phút.
Không chỉ biết ăn, con
người còn biết chơi. Và chơi cũng không kém phần vĩ đại. Chỉ trong một phút, họ cho ra lò: 165
chiếc xe đạp để đi. 62 chiếc ô tô để chạy. 178 chiếc tivi để xem. 281 chiếc
radio để nghe. 7.935 đôi giày để mang. 126 máy điện thoại để nói chuyện thoải
mái.
Con mắt, đôi chân, cái
tay đều có điều kiện tiêu khiển, thì cái miệng nó ghen. Con người lại phải cật
lực sản xuất thêm trong một phút: 15 tấn thuốc lá, tương đương với 21.000 điếu
xì gà bự và 10 triệu điếu thuốc lá để phì phèo. Hút thước chưa đủ, cái miệng
còn đòi nhấm nháp lúc xem tivi. Và thế là cứ một phút cái miệng ngốn hết 252 ký
đậu phộng! Nhưng so ra chẳng thấm vào đâu so với họ sản xuất được 45 tấn đậu phộng
trong một phút. Chưa hết chuyện, cái tóc con người vẩn tiếp tục mọc. Nó mọc đến
1,1 cây số chỉ trong một phút ngắn ngủi.
Từ những con số kinh
hoàng kể trên, người Đức có câu tục ngữ khá sâu sắc: Ai không biết quí trọng một
phút, người đó chẳng đáng sống một giờ. Kẻ lười biếng luôn tiêu dùng những sản
phẩm do tay người khác làm ra, như: gạo, trà, đường, sữa, xăng, dầu…thế mà hắn
lại chẳng làm ra được một chút gì cả, vì
thế đối với xã hội, kẻ lười biếng chính là một tên ăn cắp chính hiệu.
Tới đây, gã xin ghi lại một
mẩu chuyện nho nhỏ: “Ở dơ như hủi. Chỉ tắm một lần một tuần, nếu cần thiết. Một
người tồi”. Đó là lời tự quảng cáo để tìm bạn đời của ông Reason, 63 tuổi ở
thành phố Aberdeen, nước Úc. Thế nhưng, lời quảng cáo này lại hấp dẫn phái nữ mới
lạ chứ. Vô cùng ngạc nhiên vì chỉ sau một vài ngày lời quảng cáo này được đăng
trên mục tìm bạn bốn phương, ông đã nhận được không biết bao nhiêu thư điện tử.
Sau khi nói chuyện qua điện thoại và email qua lại, ông quyết định sẽ hẹn gặp mặt
7 người “dường như tâm đầu ý hợp” vào tháng chín. Quí bà quí cô cho biết sở dĩ
mình quyết định làm quen vì anh ấy có vẻ thật thà và có óc hài hước khi mô tả về
mình”. Ôi, cái làm biếng cũng có tí lợi đấy chứ và đờn bà con gái đúng là khó
hiểu thật. Để kết luận, gã xin trích một mẩu trong báo Kiến Thức Ngày Nay như
sau: “Lười biếng tạo ra các hậu quả sinh lý cho cơ thể con người và cho xã hội.
Nhưng lười biếng không phải lúc nào cũng tiêu cực. Vấn đề là phải biết…lười cho
đúng lúc.
Bạn đang “tấn công tình cảm
ráo riết” một cô gái, cô ta sắp sửa xiêu lòng mà bạn lại lăn ra ngủ và ngáy khò
khò, thì quả thực bạn vừa lười lại vừa chẳng giống ai! Tuy nhiên, khi mơ màng nhìn trăng sao mà suy nghĩ: Mình là
ai? Mình từ đâu mà đến? Và mình sẽ đi về đâu? Ai dám bảo họ là kẻ lười biếng?
Vì nếu như thế, thì tất cả các bậc hiền nhân quân tử cao quí xưa nay đều không
được siêng cho lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét